TP.HCM: Vẫn còn chốt chặn, hàng rào kẽm gai chưa tháo dỡ
Mặc dù TP.HCM đã tháo dỡ hết các chốt kiểm soát nội đô, tháo gỡ các rào chắn trước ngày 30.9.
Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường các rào chắn, chốt trực vùng xanh vẫn tồn tại.
Như Thanh Niên đã thông tin, TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các rào chắn trong khu vực nội ô giữa các quận, phường hay các chốt chặn ở các con hẻm trong khu dân cư trước 30.9. Đến ngày 1.10, TP.HCM bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 cho giai đoạn mới.
Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường các rào chắn, chốt trực vùng xanh vẫn tồn tại.
Rào chắn bằng kẽm gai tại đường Lê Lợi giao đường Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức. Ảnh SONG MAI
Ghi nhận của Thanh Niên tại đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo giao với đường Lê Văn Việt dẫn vào chợ Kiến Thiết và các hẻm ra vào chợ Hiệp Phú thuộc P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức… vẫn còn các hàng rào kẽm gai chưa được dỡ bỏ. Tại các chốt trực vùng xanh trên đường Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức vẫn còn người dân túc trực canh gác để hạn chế shipper, người lạ ra vào khu dân cư.
Rào chắn chưa được gỡ bỏ tại lối đi vào chợ Hiệp Phú, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức . Ảnh SONG MAI
Riêng các chốt vùng xanh trên đường Lã Xuân Oai, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, đường An Dương Vương và đường Trần Bình Trọng thuộc P.4, Q.5… tuy không còn người dân trực chốt nhưng vẫn giăng dây, treo bảng thông báo hạn chế người lạ, shipper ra vào.
Trước đó, nhiều chốt chặn thép gai được tháo dỡ ở TP.Thủ Đức
Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu (43 t.uổi) làm nghề buôn bán trái cây trên đường Ngô Quyền, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức cho biết, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách chị mở lại sạp trái cây để bán.
“Tôi nghe tin các chốt chặn đều được gỡ bỏ để người dân đi lại thuận tiện hơn, nhưng tuyến đường chỗ tôi ở vẫn còn rào chắn chưa tháo dỡ hết, khách muốn mua hàng phải đi đường vòng, hoặc bán qua hàng rào kẽm gai nên ảnh hưởng đến việc buôn bán”, chị Giàu nói.
Rào chắn tại đường Ngô Quyền giao với đường Trương Văn Hải, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức vẫn chưa được dỡ bỏ khiến việc buôn bán của người dân bị ảnh hưởng . ẢnhSONG MAI
Anh Nguyễn Minh Hiếu (34 t.uổi, nhân viên giao hàng) cho biết, việc TP.HCM dỡ bỏ các rào chắn, chốt kiểm soát trước 30.9 nên việc giao hàng của anh cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, anh Hiếu khi đi giao hàng đến đường Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức vẫn còn gặp các rào chắn, phải đi đường vòng tốn thêm thời gian giao hàng.
Vẫn trực chốt để phòng, chống dịch bệnh
Tại hẻm 131 Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, người dân vẫn giăng dây, kê bàn ghế, nước sát khuẩn… và chia ca nhau để trực chốt vùng xanh. Ông Vũ Nguyên Trình (41 t.uổi, người dân trực chốt vùng xanh) cho biết, sau khi TP.HCM có thông báo dỡ các chốt chặn, hàng rào ở các chốt vùng xanh, tuy nhiên người dân trong hẻm vẫn đồng ý để chia nhau ra trực tại chốt.
“Mặc dù TP.HCM nới lỏng giãn cách, người dân được ra đường nhưng không có nghĩa là đã hết dịch bệnh. Khu vực tôi ở vẫn đang là vùng xanh, nên mọi người vẫn chia nhau ra trực để hạn chế shipper, người lạ ra vào như một cách để phòng, chống dịch bệnh”, ông Trình nói.
Người dân trực chốt bảo vệ vùng xanh trên đường Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức . Ảnh SONG MAI
Trao đổi với PV Thanh Niên , ông Nguyễn Lê Hiệp (Chủ tịch UBND P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) cho biết, trước ngày 30.9 phường đã tháo dỡ rào chắn tại các lối dẫn vào khu dân cư để người dân dễ dàng lưu thông. Tuy nhiên, hiện còn một số rào chắn dẫn vào các khu chợ truyền thống vẫn chưa được tháo dỡ để hạn chế người dân ra vào chợ, tránh trình trạng buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường.
Theo ông Hiệp, chợ truyền thống đã được mở cửa trở lại sau ngày 1.10, tuy nhiên một số quy định liên quan đến phòng chống dịch thì tiểu thương phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đảm bảo giãn cách, thực hiện 5K… Hiện tại, phường vẫn đang tổ chức cho người dân, trong đó có các tiểu thương tiêm được vắc xin. Theo dự kiến, tối đa trong vòng 1 tuần, sau khi tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 xong sẽ tháo dỡ các chốt chặn, hàng rào này để chợ hoạt động lại và người dân dễ dàng lưu thông.
Lối đi hướng từ đường Trần Hưng Đạo vào khu vực chợ Kiến Thiết, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức bị rào chắn . Ảnh SONG MAI
Còn tại các chốt vùng xanh, ông Hiệp cho biết, chốt vùng xanh trước đây được TP.HCM triển khai để phòng, chống dịch, đến ngày 30.9 các chốt đều đã được dỡ bỏ.
“Sau ngày 1.10, nếu người dân ý thức và nâng cao phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục trực ở các chốt vùng xanh để bảo vệ khu vực mình sinh sống thì phường cũng khuyến khích”, ông Hiệp nói.
Tại một con hẻm trên đường Trần Bình Trọng, P.4, Q.5 vẫn treo bảng nội quy chốt bảo vệ vùng xanh . Ảnh SONG MAI
Tại P.4, Q.5, bà Diệc Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường cũng cho biết, các chốt chặn đã được tháo dỡ. Riêng, tại các con hẻm của phường chỉ còn giăng dây, treo bảng bảo vệ vùng xanh theo ý muốn của người dân để tự nhắc nhở và nâng cao ý thức phòng chống dịch. Hiện, chốt này không rào chắn hay lập tổ tự quản bảo vệ vùng xanh để trực, người dân có thể ra vào bình thường.
Một chốt chặn treo biển thông báo cấm người lạ ra vào hẻm trên đường Lã Xuân Oai, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức . Ảnh SONG MAI
Ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đảng ủy P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức cũng thông tin, các chốt chặn, hàng rào tại phường đã tháo dỡ trước ngày 30.9. Riêng tại các chốt treo biển thông báo cấm shipper, người lạ vào bên trong, có thể trong tình hình dịch bệnh người dân tự lập nên.
“Phường sẽ xuống trao đổi để người dân, nếu các hộ dân trong hẻm có chốt chặn này đều đồng ý để lại, không bị ảnh hưởng việc đi lại thì phường vẫn cho phép, vì việc để chốt vùng xanh cũng để người dân phòng, chống dịch bệnh”, ông Trung nói.
Đồng Nai tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất Sau nhiều tháng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch COVID-19, những ngày gần đây, tỉnh Đồng Nai đã từng bước mở cửa và cho phép một số hoạt động tại các "vùng xanh". Cùng với đó, tỉnh đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất...