TPHCM: Năm học sang tháng thứ 2, trường vẫn không biết học sinh đang ở đâu
Học sinh TPHCM bước vào học online sang tháng thứ 2 nhưng nhiều nơi, nhà trường vẫn chưa liên lạc được với học sinh.
Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM đến thời điểm này, khi năm học mới đã bước sang tháng thứ 2, vẫn còn một số học sinh (HS) nhà trường chưa liên hệ được. Các trường vẫn đang tiếp tục liên hệ để kết nối với phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân, hỗ trợ kịp thời.
Trẻ nhỏ tại TPHCM theo cha mẹ lên đường về quê (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn)
Ngoài ra, theo Sở, việc dạy học online bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện hàng loạt khó khăn như: vẫn có phụ huynh không đồng tình với việc học online; HS do hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị, đường truyền nên việc học trực tuyến còn chưa đồng bộ, nhất là ở bậc tiểu học khi HS sử dụng thiết bị của bố mẹ; hiện vẫn còn giáo viên và HS đang bị nhiễm bệnh hoặc vừa khỏi bệnh nên ảnh hưởng đến việc phân công dạy học đầu năm.
Video đang HOT
Với HS lớp 1 còn gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị, ứng dụng hỗ trợ trong học trực tuyến. Phụ huynh cũng chưa quen với một số tính năng của công nghệ nên việc hỗ trợ HS thực hành hệ thống dạy trực tuyến cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong những tuần đầu tiên.
Chưa kể, thời điểm này, nhiều phụ huynh đã đi làm trở lại, không thể hỗ trợ trẻ học online.
Đối với HS đang ở trong khu cách ly, Sở GD-ĐT yêu cầu, giáo viên chủ nhiệm động viên, nắm tình hình sức khỏe của HS, ghi nhận những nội dung trọng tâm, gửi thông tin về các bài giảng trên truyền hình, link bài giảng của giáo viên để các em theo dõi trực tiếp; Phối hợp với UBND phường cử lực lượng dân quân gửi bài (bản giấy), hướng dẫn nội dung học tập cho HS.
Khi HS hết thời gian cách ly giáo viên chủ động trao đổi, hướng dẫn học sinh cách tự học, có phương án tổ chức phụ đạo trực tuyến nhằm giúp HS nắm một số nội dung trọng tâm mà các em chưa tiếp cận trong thời gian cách ly y tế.
Đối với HS đang ở quê, giáo viên hướng dẫn phụ huynh đăng kí cho học sinh học tạm ở địa phương, thường xuyên nắm tình hình học tập của học sinh.
Nếu không thể học tạm tại địa phương, giáo viên gọi điện thoại trực tiếp để hướng dẫn học sinh một số nhiệm vụ học tập đơn giản, kịp thời giải đáp thắc mắc cho HS về những nội dung HS chưa nắm vững; giáo viên hướng dẫn phụ huynh cho HS tham khảo bài dạy trên các kênh truyền hình hỗ trợ học tập.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, tỷ lệ HS tại TPHCM tham học qua internet tính đến ngày 7/10 bậc tiểu học, THCS là gần 98%, ở bậc THPT là 99,8%.
Giáo viên có vai trò quan trọng nhất
Năm học mới đã được một tháng. Trong khi nhiều địa phương đã có thể cho học sinh đến trường sau những ngày dịch giã, Hà Nội vẫn phải tiếp tục hình thức dạy và học trực tuyến.
Ảnh minh họa
Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện tại 100% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT của thành phố đang dạy học trực tuyến với 100% học sinh tham gia.
Chúng ta đều biết có rất nhiều khó khăn khi áp dụng phương thức này. Theo bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố còn trên 10.000 học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dạy và học. Cũng đã có nhiều chương trình, giải pháp, sáng kiến được đề ra để giúp học sinh và gia đình các em khắc phục những khó khăn đó. Cùng với các Chương trình "Sóng và máy tính cho em", "Cùng em học trực tuyến"... được phát động trên cả nước, mỗi địa phương, tổ chức, đơn vị đều có những việc làm để trợ giúp học sinh, cô và trò học trực tuyến đạt hiệu quả. Chỉ trong đợt 1, ngày 15/9, hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em" Hà Nội đã trao gần 4.000 bộ máy tính và 10.000 sim data truy cập internet miễn phí cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập trực tuyến. Nhiều đơn vị của ngành như phòng GD&ĐT các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân và Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa ủng hộ gần 100 bộ máy tính bàn và máy tính bảng mới...
Có thể nói, với sự vào cuộc của toàn xã hội, những khó khăn của việc học và dạy trực tuyến bước đầu được khắc phục. Trong kết quả này, có sự đóng góp, công sức rất lớn của cán bộ, giáo viên ngành giáo dục đào tạo. Thực tế việc dạy và học trực tuyến thời gian qua cho thấy, bên cạnh những yếu tố khách quan như thiết bị, chất lượng đường truyền, không gian học tập... thì vai trò của giáo viên là vô cùng quan trọng, quyết định phần lớn sự thành bại, kết quả của phương thức dạy và học này, đặc biệt là với cấp tiểu học, mà rõ nhất là với lứa tuổi lớp 1, lớp 2.
Tại buổi làm việc mới đây với ngành giáo dục Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá: Trong giờ học trực tuyến người giáo viên có vai trò rất quan trọng để tạo hứng thú, thu hút sự tham gia vào tiết học của học trò. Muốn vậy, cần làm cho học trò "bận rộn" bằng cách giao nhiều việc để các em tích cực tham gia trao đổi, nghiên cứu, đóng góp xây dựng bài.
Làm được điều đó hoàn toàn không đơn giản. Ngoài các yếu tố kỹ thuật như kỹ năng giảng dạy trực tuyến, trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm... còn cần đến tinh thần trách nhiệm, sự công tâm, tình cảm yêu thương... Điều này lại càng cần thiết khi dạy trực tuyến với học sinh cấp tiểu học, nhất là với khối lớp 1, lớp 2. Thông thường với lứa tuổi học trò này, cô giáo vừa là người thầy, vừa là bạn, nhiều khi là thần tượng. Có những đứa trẻ, bố mẹ, ông bà nói có thể không nghe, nhưng nghe theo cô giáo răm rắp. Đó là lợi thế của cô giáo. Tuy nhiên, với tình cảm đó, đứa trẻ cũng mong chờ, thậm chí đòi hỏi từ cô giáo thái độ ứng xử đầy trách nhiệm và cả tình thương, sự công bằng. Nói vậy là bởi trong thực tế, giáo viên cũng là con người, không tránh khỏi sự yêu, ghét nhất định. Ngay cả với những bậc làm cha mẹ, với những đứa con mình rứt ruột đẻ ra, cũng có lúc còn đứa yêu, đứa ghét. Bởi vậy, mới thấy vai trò, cách ứng xử của cô giáo có tác động không nhỏ với từng học sinh. Nếu học trực tiếp, những biểu hiện không phù hợp có thể dễ được nhận ra và điều chỉnh kịp thời. Nhưng khi học trực tuyến sẽ khó hơn. Chỉ cần thiếu sâu sát, quan tâm một chút là có thể đã tạo ra sự khác biệt giữa các học sinh về sự quan tâm, động viên. Và điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giờ học của cả lớp và mỗi học sinh.
Việc học trực tuyến chắc chắn không thể kết thúc trong ngày một, ngày hai. Nhận thức rõ vấn đề nói trên cũng là cách để đạt chất lượng dạy và học trực tuyến, đồng thời tạo ra sự công bằng trong giáo dục.
An Giang: Gần 79 nghìn học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT tỉnh An Giang còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dạy và học trực tuyến. Rất nhiều học sinh của tỉnh chưa đủ thiết bị để tham gia học trực tuyến. Thầy cô giáo và học sinh tiểu học An Giang làm quen với lớp học trực tuyến. Theo kế hoạch, học sinh các cấp trong...