TPHCM: Hai bệnh nhân sốt xuất huyết gánh viện phí “kinh hoàng” 1 tỷ đồng
Bị sốt xuất huyết nặng phải lọc máu cùng nhiều biện pháp phức tạp khác, 2 bệnh nhân điều trị tại TPHCM có tổng viện phí dự kiến phải chi trả lên đến 1 tỷ đồng, khiến gia đình lâm vào bi kịch.
Ngày 29/10, nguồn tin của Dân trí cho biết, những ngày qua khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp sốt xuất huyết rất nặng, với khoản viện phí “khổng lồ”.
Bệnh nhân điều trị tại khoa ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Tốn hàng trăm triệu đồng vì sốt xuất huyết
Trường hợp thứ nhất là chị N.T.M.P. (33 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết nặng thể sốc, tổn thương gan nặng, suy thận, viêm phổi.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ phải đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, lọc máu và thay huyết tương liên tục cho bệnh nhân. Đến nay sau hơn 2 tuần điều trị, chị P. vừa được cai máy thở, ngưng lọc máu, rút nội khí quản, tuy nhiên sức khỏe vẫn còn yếu. Dự kiến, bệnh nhân sẽ còn nằm ở khoa ICU vài ngày, trước khi chuyển xuống khoa thường.
Vì phải điều trị kéo dài với các biện pháp phức tạp, viện phí của bệnh nhân đã tăng chóng mặt. “Người nhà đã vay mượn đóng được 137 triệu đồng, hiện đang thiếu 65 triệu đồng viện phí, trong khi không có bảo hiểm y tế. Dự kiến, tổng viện phí của bệnh nhân hết khoảng 300 triệu đồng” – đại diện phòng Công tác xã hội cho biết.
Được biết, vợ chồng chị P. chỉ làm mướn sinh sống, đang nuôi hai con nhỏ, hoàn cảnh rất khó khăn. Bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế nên số tiền còn thiếu là quá sức với gia đình họ.
Video đang HOT
Nữ bệnh nhân phải lọc máu kéo dài nên viện phí rất cao (Ảnh: Hoàng Lê).
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân P.H.N. (20 tuổi, ngụ Bình Dương), được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh đến vào ngày 24/10 khi đã sốc sốt xuất huyết nặng, suy gan thận, xuất huyết tiêu hóa và hôn mê sâu. Trước tình trạng quá nặng nề của bệnh nhân, ekip điều trị cũng phải đặt nội khí quản, truyền rất nhiều máu và các chế phẩm máu, lọc máu, thay huyết tương liên tục.
Tại bệnh viện, bà Hà, mẹ bệnh nhân N. cho biết, trước đó con trai bà khỏe mạnh bình thường, đi phụ hồ để kiếm sống. Trước thời điểm nhập viện ít ngày, con bà than mệt mỏi, sốt cao rồi bất ngờ trở nặng. Gia đình đưa vào bệnh viện địa phương nhưng sau đó phải chuyển lên TPHCM vì tình trạng không cải thiện.
Theo mẹ bệnh nhân, vì thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên gia đình bà không ai mua bảo hiểm y tế. Do đó khi bệnh viện thông báo tiền viện phí, bà chỉ có thể gom góp đóng được 12 triệu đồng.
“Tôi và cha cháu đã ly thân. Lúc trước, tôi có đi làm công nhân nhưng giờ chỉ ở nhà chăm cháu ngoại. Em út của N. làm công nhân ở xưởng gỗ, thu nhập cũng chỉ 5 triệu đồng/tháng. Giờ tôi đã không còn lo nổi nữa, mong nhận được sự giúp đỡ của bệnh viện và nhà hảo tâm để giúp con tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này” – người mẹ nói.
Viện phí của bệnh nhân N. dự kiến lên đến 700 triệu đồng (Ảnh: Hoàng Lê).
Bác sĩ Võ Thanh Lâm, khoa ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh nhân N. có cơ địa béo phì, phát hiện sốt xuất huyết trễ nên biến chứng rất nặng. Vì phải truyền máu rất nhiều, viện phí của nam thanh niên dự kiến lên đến 700 triệu đồng. Hiện tại, bệnh nhân vẫn chưa tỉnh và chưa thể nói trước điều gì.
Người dân nên chủ động mua bảo hiểm y tế
Ngoài 2 trường hợp có tổng viện phí dự kiến phải chi trả lên đến 1 tỷ đồng nêu trên, bác sĩ Lâm cho biết, khoa ICU còn đang điều trị cho 4 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng khác, đều có viện phí hàng chục triệu đồng.
Bác sĩ Lâm chia sẻ, hiện nay vẫn còn tình trạng người bệnh sốt xuất huyết không có bảo hiểm y tế, nên khi biến chứng nặng, phải điều trị can thiệp chuyên sâu sẽ kéo theo viện phí rất lớn. Ngoài việc chủ quan, đợi đến lúc bệnh mới mua bảo hiểm, còn có một số trường hợp vì hoàn cảnh khó khăn nhưng theo quy định phải mua bảo hiểm y tế hộ gia đình, nên e ngại phải tốn chi phí cao mà không mua.
“Chi phí mua bảo hiểm y tế là vài trăm ngàn đồng mỗi năm, nhưng khi mắc bệnh mà không có bảo hiểm, viện phí có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Trước đây, chúng tôi đã từng có trường hợp tốn đến 500 triệu đồng để điều trị sốt xuất huyết” – bác sĩ chia sẻ.
Mẹ bệnh nhân N. khóc nghẹn vì không lo nổi viện phí cho con trai (Ảnh: Hoàng Lê).
Từ những trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân cố gắng chủ động mua bảo hiểm y tế, vì sẽ được hỗ trợ chi trả 80% viện phí. Ngoài ra, cần chú ý phòng bệnh, đề phòng các dấu hiệu chuyển nặng. Các đối tượng có cơ địa béo phì hay phụ nữ có thai là những người dễ gặp nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết. Cũng có trường hợp bệnh nhân là người trẻ tuổi, sức khỏe bình thường vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng.
“Người dân cần chủ động vệ sinh nhà cửa và xung quanh nơi mình sinh sống, nhằm loại bỏ nguy cơ muỗi phát triển. Nếu có các dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu nên đến cơ sở y tế để khám và xét nghiệm sốt xuất huyết để phát hiện trong thời gian sớm nhất” – bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Hà Nội: 8 người tử vong do sốt xuất huyết trong 1,5 tháng
Tính đến ngày (28/10), Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết, trong đó 1,5 tháng qua có tới 8 trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tính đến 28/10, trên địa bàn Thủ đô ghi nhận 9.404 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tăng 3,3 lần. Riêng trong tuần qua ghi nhận hơn 1.200 ca mắc và 3 trường hợp tử vong. Các quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì, Đống Đa, Thường Tín, Hà Đông.
Diệt bọ gậy, muỗi để phòng chống dịch sốt xuất huyết
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Chúng tôi chủ động phân công các bệnh viện tham gia điều trị. Các bệnh viện đều bố trí cơ số giường để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết và đã tổ chức hệ thống quản lý phân tầng, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân khoa học theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, đảm bảo đầy đủ nhu cầu điều trị của người dân.
Chúng tôi cũng chỉ đạo Bệnh viện Đống Đa là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm tổ chức các buổi đào tạo tập huấn cho các cán bộ y tế trong toàn bộ hệ thống y tế kể cả công lập và ngoài công lập về phác đồ chuẩn đoán, nâng cao năng lực của các cơ sở khám chữa bệnh".
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 800 ổ dịch sốt xuất huyết và hiện còn 138 ổ dịch đang hoạt động. Những ổ dịch nhiều bệnh nhân nằm ở thôn Bùng- Phùng Xá- Thạch Thất, Ngọc Đình- Hồng Dương- Thanh Oai, Phượng Trì- Thị Trấn Phùng- Đan Phượng.
Sở Y tế đã đề nghị các quận huyện thị xã tăng cường biện pháp phòng chống như diệt muỗi, bọ gậy; giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng xử lý sớm nhất. Dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội có thể rơi vào trung tuần tháng 11.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội khuyến cáo: "Khi người dân có những biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm, để nhận được chỉ dẫn chính xác nhất từ phía thầy thuốc. Không được tự ý truyền dịch, truyền đạm hoặc dung dịch cao phân tử tại nhà, không tự đi mua thuốc về uống...
Đa số trường hợp mắc sốt xuất huyết là lành tính, nhưng trên những cơ địa đặc biệt hoặc trong những giai đoạn bệnh trở nặng, những ngày đặc biệt của giai đoạn bệnh thì cần được làm xét nghiệm và theo dõi chặt chẽ , để khi bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo sẽ được can thiệp ngay, điều trị kịp thời, chứ không để lúc bệnh diễn biến nặng mới xử lý thì rất nguy hiểm tính mạng".
Hà Nội: 12 người tử vong liên quan sốt xuất huyết, có nơi gần nghìn ca mắc Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội gia tăng rất nhanh trong 1 tháng nay, đã có 12 ca tử vong liên quan bệnh này. Lãnh đạo CDC cảnh báo đỉnh dịch sẽ đạt vào trung tuần tháng 11. Thông tin tại hội nghị y tế dự phòng 9 tháng đầu năm do Sở Y tế Hà Nội tổ chức cho...