Tổng Thư ký AIPA: Việt Nam đóng góp tích cực và quan trọng nâng tầm Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN
Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44) sẽ diễn ra từ ngày 5 – 11/8 tại Jakarta, Indonesia, với sự tham dự của lãnh đạo các nghị viện thành viên, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ.
Tổng Thư ký Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman. Ảnh: Hữu Chiến/PV TTXVN tại Jakarta
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Jakarta đã có cuộc phỏng vấn riêng với Tổng Thư ký AIPA, bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman về chủ đề và chương trình nghị sự của AIPA-44, sự hợp tác giữa các Nghị viện khu vực, cũng như đóng góp của Việt Nam cho AIPA nói chung và AIPA-44 nói riêng. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Xin bà chia sẻ thêm về chủ đề “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng” của AIPA-44?
Chủ đề “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng” phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng”. Tất cả các cơ quan hành pháp và lập pháp của ASEAN đều thể hiện cam kết thúc đẩy vai trò quan trọng, duy trì sự phù hợp của ASEAN với người dân và thế giới.
“Chủ động thích ứng” đề cập đến khả năng của các nghị viện trở nên thích ứng hơn trong việc giải quyết các động lực ảnh hưởng đến khu vực. Việc nghị viện phản ứng nhanh hơn được kỳ vọng sẽ cung cấp sự hỗ trợ lập pháp trong việc khuyến khích chính phủ đưa ra các quyết định phù hợp và nhanh chóng để ứng phó với những diễn biến và thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.
“Ổn định” đề cập đến tầm quan trọng của việc duy trì ổn định và an ninh trong khu vực, điều tối quan trọng trước những thách thức chính trị và an ninh. “Ổn định” cũng phản ánh cam kết mạnh mẽ của ASEAN và AIPA hướng tới thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trước các động lực địa chính trị hiện nay, thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và hợp tác trong khu vực.
Cuối cùng, “Thịnh vượng” đề cập đến khát vọng của ASEAN tạo ra sự thịnh vượng cho tất cả mọi người trong khu vực, không phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào. Các nghị viện thành viên AIPA ủng hộ từ góc độ lập pháp nhằm thúc đẩy thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng trưởng bao trùm, khả năng ứng phó và phát triển bền vững của khu vực, qua đó tạo dựng một Đông Nam Á thịnh vượng và công bằng hơn.
Video đang HOT
Xin bà cho biết sự hợp tác giữa các nghị viện ASEAN để duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực?
Các nghị viện thành viên AIPA có thể làm rất nhiều việc và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực thông qua tăng cường hợp tác và các biện pháp chủ động.
Một là, tăng cường hợp tác lập pháp thông qua giao lưu, tiếp xúc thường xuyên, trao đổi thông tin và chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất. Các cuộc họp và đối thoại thường xuyên giữa các nghị sĩ có thể tăng cường sự hiểu biết, xây dựng sự đồng thuận và thúc đẩy ổn định khu vực.
Hai là, việc điều chỉnh phù hợp đối với cách tiếp cận lập pháp trong các lĩnh vực như chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh hàng hải và tội phạm xuyên quốc gia có thể tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại các mối đe dọa chung đối với hòa bình và ổn định khu vực.
Ba là, các Nghị viện thành viên AIPA có thể hỗ trợ các cơ chế khu vực hiện có như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM). Thông qua hoạt động giám sát tối cao, lập pháp và phê chuẩn ngân sách, các Nghị viện thành viên AIPA có thể đảm bảo các cơ chế này hoạt động hiệu quả.
Bốn là, các Nghị viện thành viên AIPA cũng có thể tham gia cùng các viện nghiên cứu, cơ quan hàn lâm, xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy quá trình ra quyết sách mang tính bao trùm. Chuyên môn và sự tham gia của các Nghị viện thành viên AIPA có thể giúp xác định các thách thức của khu vực và xây dựng các giải pháp hiệu quả, qua đó đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Năm là, các Nghị viện thành viên AIPA cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập và ổn định kinh tế, vốn là một thành tố quan trọng đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Các Nghị viện thành viên AIPA cũng có thể thúc đẩy quan hệ thương mại và hội nhập kinh tế khu vực thông qua việc phê chuẩn các hiệp định đối tác kinh tế đã ký kết, và quan trọng nhất là thông qua các điều luật phù hợp để thực hiện các hiệp định đã phê chuẩn.
Với tư cách là Tổng Thư ký AIPA, tôi xin chia sẻ rằng AIPA đã thực hiện nhiều chiến lược thông qua các cơ chế hiện có của mình. Ví dụ, Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) là nền tảng để các Nghị viện thành viên AIPA trao đổi thông tin và thực tiễn tốt nhất về phòng chống ma túy. Một cơ chế khác mà chúng tôi có là Hội nghị Nhóm Tư vấn Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA Caucus), trong đó các Nghị viện thành viên AIPA điều chỉnh các nỗ lực lập pháp của mình khi phải trình bày báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết của AIPA.
Trong khi đó, Đại hội đồng AIPA cho phép thúc đẩy ngoại giao nghị viện không chỉ giữa các Nghị viện thành viên AIPA mà còn với các Nghị viện quan sát viên. Các cuộc họp và đối thoại diễn ra trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA có thể giúp thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong và ngoài ASEAN. Tóm lại, thông qua hợp tác bền vững, đối thoại và các sáng kiến chung, AIPA có thể đóng góp đáng kể vào hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Thưa bà, chương trình nghị sự chính của Đại hội đồng AIPA-44 lần này gồm những nội dung gì?
Chủ đề của AIPA-44 “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng” sẽ không chỉ định hướng thảo luận các vấn đề khác nhau đang nổi cộm trong khu vực, mà còn kỳ vọng rằng kết quả thảo luận sẽ trở thành đầu vào chiến lược trong việc tăng cường các nỗ lực của chính phủ nhằm tạo ra một ASEAN tiếp tục phù hợp, đồng thời thu được nhiều lợi ích từ tiềm năng tăng trưởng kinh tế của mình.
Bà đánh giá thế nào về những đóng góp của Việt Nam cho AIPA nói chung và AIPA-44 nói riêng?
Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho AIPA nói chung và cho AIPA-44 nói riêng. Là một bên tham gia tích cực vào các cuộc họp của AIPA, Việt Nam đã liên tục đưa ra các ý kiến đóng góp và sáng kiến mang tính xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả và tính phù hợp của AIPA.
Là quốc gia có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất, Việt Nam nổi lên như một trong những nước đi đầu trong việc thúc đẩy sự tham gia chính trị của phụ nữ trong khu vực. Cam kết này phù hợp với các sáng kiến hiện tại của Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) về thúc đẩy khả năng lãnh đạo và khả năng ứng phó của phụ nữ thông qua sự tham gia chính trị, sẽ được thực hiện trong năm nay.
Tại AIPA-44, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận và định hình kết quả của Hội nghị. Việt Nam đã đề xuất 3 dự thảo Nghị quyết nhằm giải quyết các thách thức chính của khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA. Các đề xuất dự thảo Nghị quyết của Việt Nam thể hiện tâm huyết đối với các vấn đề như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ; và chuyển đổi kỹ thuật số tập trung vào phụ nữ.
Với tư cách là chủ nhà AIPA Caucus lần thứ 14, Quốc hội Việt Nam đã ra mắt ấn phẩm “Thúc đẩy việc áp dụng Hướng dẫn của ASEAN về Đầu tư có trách nhiệm vào Lương thực, Nông nghiệp và Lâm nghiệp: Cẩm nang thiết thực dành cho các nghị sĩ ASEAN” để trình lên Đại hội đồng AIPA-44. Bằng cách giải quyết những mối quan tâm cấp bách này, Việt Nam đóng góp vào các mục tiêu chung của AIPA-44 trong việc đưa ra các biện pháp nghị viện hiệu quả để các Nghị viện ASEAN phản ứng nhanh hơn.
Sự tham gia tích cực và đóng góp mang tính xây dựng của Việt Nam vào các cuộc họp của AIPA, trong đó có Đại hội đồng AIPA-44 lần này, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc nâng tầm AIPA, cũng như sự cống hiến của Việt Nam đối với các nguyên tắc và mục tiêu của tổ chức này.
Trân trọng cảm ơn bà!
Hội nghị thượng đỉnh BRICS ưu tiên vấn đề kết nạp thêm thành viên
Ngày 1/8, Điện Kremlin cho biết chủ đề về mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến diễn ra tại Johannesburg (Nam Phi) từ ngày 22 - 24/8.
Người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov phát biểu tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc mở rộng BRICS là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, bao gồm cả chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Ông nhấn mạnh đây là một vấn đề quan trọng bởi ngày càng nhiều quốc gia đưa ra tuyên bố về ý định tham gia khối.
Tháng trước, Nam Phi thông báo trên 40 quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia BRICS. Các thành viên hiện tại của BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Năm 2022, BRICS tuyên bố kết nạp thêm một số nước thành viên để tổ chức trở nên toàn diện hơn.
Hội nghị AMM-56: Indonesia kêu gọi ARF chuyển sang ngoại giao phòng ngừa Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 14/7, bà Retno Marsudi, Ngoại trưởng Indonesia - Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023 - cho rằng đã đến lúc Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chính sách ngoại giao phòng ngừa để phản ứng nhanh hơn trước các thách thức an...