Tổng thống Putin tố Mỹ dối trá trước khi rút khỏi INF, tiết lộ biện pháp đáp trả
Ông Putin khẳng định việc Mỹ thử tên lửa vài tuần sau khi chính thức rút khỏi INF cho thấy Washington phát triển vũ khí này trước cả khi họ tìm ra lý do rời đi.
“Người Mỹ đã thử tên lửa này quá nhanh ngay sau khi tuyên bố rút khỏi INF. Do đó chúng ta có đầy đủ lý do để tin rằng quá trình biến một tên lửa phóng từ trên biển thành tên lửa phóng từ mặt đất bắt đầu từ lâu trước khi Mỹ bắt đầu tìm kiếm lý do rút khỏi thỏa thuận”, ông Putin nói trong cuộc họp báo với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto hôm 21/8.
Hôm 19/8, Lầu Năm Góc xác nhận thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn hơn 500 km. Tuyên bố này được đưa ra chỉ hơn nửa tháng sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hôm 2/8.
Tổng thống Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Nếu Mỹ còn ở trong thỏa thuận INF, tên lửa này sẽ vi phạm hiệp ước vốn cấm phát triển tên lửa hành trình tầm trung (1.000 – 5.500 km) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm ngắn (500 – 1.000 km) trên mặt đất (không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển).
Washington xác nhận vũ khí vừa thử là phiên bản sửa đổi của tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ trên biển và trang bị trên các chiếm hạm và tàu ngầm.
Video đang HOT
Tổng thống Putin khẳng định vụ thử tên lửa mới của Mỹ làm leo thang bất ổn an ninh trên thế giới, đồng thời cảnh báo châu Âu rằng Washington có thể không thông báo cho các đồng minh về phần mềm mà nước này sử dụng trong tên lửa.
“Tôi lo ngại rằng tên lửa được thử nghiệm gần đây có thể được phóng đi từ các địa điểm ở Rumani và sẽ sớm được triển khai ở Ba Lan. Việc này chỉ cần một sự thay đổi trong phần mềm”, ông nói.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định điều này đặt ra mối nguy hiểm rõ ràng với Nga và để đối phó với thách thức đó Matxcơva phải chuẩn bị các biện pháp, trong đó có việc đáp trả tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng đi từ mặt đất.
Tuy nhiên, ông khẳng định Nga sẽ không triển khai chúng tới gần châu Âu hoặc bất cứ nơi nào khác trừ khi Mỹ bắt đầu trước.
INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Mỹ và Nga trong nhiều năm qua liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm các điều khoản trong hiệp ước này.
Ý định rút Mỹ khỏi INF lần đầu được Tổng thống Trump đề cập vào tháng 10/2018. Tới ngày 1/2/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng và ngừng tuân thủ các nghĩa vụ trong hiệp ước từ ngày 2/2.
Trong một động thái đáp trả, 1 tháng sau đó, Tổng thống Putin ký sắc lệnh về việc Nga đình chỉ các nghĩa vụ đối với hiệp ước này.
(Nguồn: RT)
SONG HY
Theo VTC
Nga tuyên bố sẽ không bị kéo vào cuộc chạy đua vũ trang sau khi Mỹ thử tên lửa hành trình
Theo Sputnik, Mỹ đã tiến hành vụ thử tên lửa mới nhất vào ngày 18/8 từ đảo San Nicolas, California. Lầu Năm Góc tuyên bố "tên lửa thử nghiệm đã rời bệ phóng di động ở mặt đất và tiếp cận chính xác mục tiêu sau khi bay hơn 500 km".
Ảnh minh họa: AP
Ngày 20/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Moskva lấy làm tiếc về các vụ thử nghiệm của Mỹ đối với các tên lửa hành trình bị cấm theo Hiệp ước INF. Theo nhà ngoại giao này, động thái của Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington từ lâu đã chuẩn bị để phá vỡ thỏa thuận.
Ryabkov nhấn mạnh rằng Nga sẽ không bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang và sẽ không triển khai tên lửa tại bất cứ nơi nào trừ khi Mỹ làm vậy.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi đã tiếp nhận những chuyện xảy ra một cách bình tĩnh. Chúng tôi đã lường được rằng tình hình sẽ phát triển theo chiều hướng này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém. Như Tổng thống Putin phát biểu ngày 19/8 tại Pháp, chúng tôi xác nhận cam kết vững chắc đơn phương tạm dừng động thái triển khai các hệ thống như vậy cho tới khi Mỹ triển khai chúng ở những nơi khác trên thế giới", Ryabkov nói.
Trước đó, Lầu Năm Góc cho biết họ đã thử một tên lửa hành trình thông thường phóng từ mặt đất, vốn từng bị cấm theo Hiệp ước INF. Vật thể bay này đã thành công tiếp cận mục tiêu sau khi bay chặng đường 500 km.
Hiệp ước INF, được ký trong thời Chiến tranh Lạnh, đã hết hiệu lực ngày 2/8 sau khi Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga phá vỡ hiệp ước, còn Nga phủ nhận tuyên bố này.
Ký kết năm 1987, INF yêu cầu Mỹ và Nga loại bỏ và vĩnh viễn kiềm chế phát triển các tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.000 km.
Phú Bình
Theo baonghean/Sputnik
Tổng thống Putin : Nga sẽ làm mọi cách để cải thiện quan hệ với Mỹ Tổng thống Putin khẳng định Matxcơva sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để cải thiện quan hệ căng thẳng kéo dài nhiều năm qua với Mỹ. Tuyên bố này được Tổng thống Putin đưa ra trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản. "Tôi nghĩ rằng cả 2 chúng tôi (Trump và Putin) đều hiểu...