Tokyo ghi nhận tháng có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay
Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Á vẫn diễn biến khá phức tạp, khi thủ đô Tokyo ( Nhật Bản ) ghi nhận tháng 11 là tháng có số ca mắc cao nhất từ trước tới nay, trong khi số ca nhiễm tại Ấn Độ đã vượt 9,4 triệu người.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo , Nhật Bản , ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, với 311 ca nhiễm mới virus SARS -CoV-2 trong ngày 30/11, tổng số ca nhiễm tại thủ đô Tokyo trong tháng 11 đã lên tới 9.857 ca – mức cao nhất từ trước tới nay. Con số này cao hơn mức kỷ lục ghi nhận trong tháng 8 khoảng 1.700 ca. Hiện tổng số người mắc COVID-19 tại thủ đô Tokyo là 40.939 người.
Theo nhà chức trách Tokyo, số ca mắc COVID-19 thể nặng cũng đã tăng thêm 3 người trong ngày 30/11, đưa tổng số người mắc bệnh trong tình trạng nặng lên 70 – mức cao nhất kể từ khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do đại dịch hồi cuối tháng 5.
Cùng ngày, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 38.772 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia Nam Á này lên hơn 9,43 triệu ca. Hiện Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cao thứ 2 thế giới , sau Mỹ. Tuy nhiên, nước này đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi số ca mắc mới theo ngày đã giảm dần sau khi đạt đỉnh hồi tháng 9. Ngày 30/11 là ngày thứ 23 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ dưới mức 50.000 ca.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Sri Lanka đã vượt 23.000 người, sau khi ghi nhận thêm 400 ca mắc mới. Tổng số người tử vong tại nước này hiện là 116 người.
Trong ngày 30/11, nhà chức trách nước này đã dỡ bỏ phong tỏa tại Pettah – trung tâm thương mại chính ở thủ đô Colombo và khu vực ngoại ô, do số ca mắc tại những khu vực này đã giảm. Tuy nhiên, tại các khu vực khác của thủ đô, lệnh hạn chế vẫn đang được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan.
Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Sri Lanka đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc và duy trì các biện pháp giãn cách xã hội , đồng thời phạt bất kỳ ai vi phạm quy định này.
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm tại Indonesia cũng đã tăng thêm 4.617 trường hợp. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 538.883 ca mắc COVID-19, trong đó có 16.945 trường hợp không qua khỏi.
Tại Philippines, tổng số ca mắc hiện nay là 431.630 người, sau khi ghi nhận thêm 1.773 ca mắc mới trong ngày 30/11. Trong khi đó, tổng số người không qua khỏi là 8.392 người. Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu, do đó, người dân cần tránh đi du lịch hoặc thăm thân tại các tỉnh trong dịp lễ sắp tới.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng thông báo toàn bộ các du khách nước ngoài và kể cả công dân Campuchia khi nhập cảnh vào nước này sẽ phải cách ly 14 phòng chống dịch COVID-19 tại một số trung tâm do Bộ Y tế chỉ định. Ông Mam Bun Heng cho biết sẽ không còn trường hợp ngoại lệ được tự cách ly tại nhà.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen cho biết Chính phủ Campuchia công bố khoản cứu trợ khẩn cấp 250.000 USD cho những gia đình nghèo cần phải đi cách ly do liên quan đến vụ lây nhiễm COVID-19 cộng đồng hôm 28/11, được gọi là “Sự kiện cộng đồng 28/11″. Theo thông báo này, mỗi gia đình sẽ nhận được 5 USD/ngày trong quá trình cách ly 15 ngày.
“Sự kiện cộng đồng ngày 28/11″ là vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Campuchia vào ngày 28/11 vừa qua. Tính đến nay, 14 người có kết quả dương tính với SAR-CoV-2 trong hơn 3.330 người liên quan đến sự kiện này.
Cũng trong ngày 30/11, ông Constantinos Herodotou, Thống đốc ngân hàng trung ương Cyprus, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS -CoV-2. Hiện ông đang tự cách ly và làm việc tại nhà. Trong những tháng gần đây, ECB không tiến hành cuộc họp trực tiếp nào.
Nhật Bản hủy sự kiện chào mừng năm mới ở Hoàng cung
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 27/11, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản (IHA) thông báo quyết định hủy sự kiện chào mừng năm mới ở Hoàng cung.
Đây là lần đầu tiên sự kiện này bị hủy bỏ kể từ năm 1990 khi Nhật Bản để tang Nhật hoàng Hirohito, ông nội của Nhật hoàng Naruhito.
Cảnh vắng vẻ tại Asakusa, Tokyo, Nhật Bản ngày 24/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Quyết định trên được đưa ra khi IHA lo ngại rằng sự kiện này có thể sẽ thu hút hàng nghìn người tới một khu vực có không gian hạn chế, trong đó có nhiều người cao tuổi - những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, cùng với một số lý do khác.
Thông thường, sự kiện này thường được tổ chức vào ngày 2/1 hàng năm. Tại đó, từ ban công của Hoàng cung ở Tokyo, Nhật hoàng và Hoàng hậu cùng với các thành viên khác trong Hoàng gia sẽ chào đón hàng nghìn người tới chúc mừng. Trong sự kiện chào mừng năm mới 2020, Nhật hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako và các thành viên khác trong Hoàng gia đã chào đón khoảng 68.000 người. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tái bùng phát, với tình trạng các ca nhiễm mới tăng kỷ lục vào cuối tuần trước, sự kiện này đã bị hủy bỏ cùng với nhiều sự kiện khác có liên quan tới Hoàng gia.
Trước đó, ngày 26/11, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 2.504 ca mắc mới, mức cao thứ hai kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này. Trước đó, mức cao kỷ lục về số ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 21/11, với 2.592 ca. Số người tử vong vì dịch bệnh này cũng tăng thêm 29 người lên 2.078 người, trong đó các tỉnh ghi nhận số người tử vong cao kỷ lục trong 1 ngày gồm Osaka (12 người) và Hokkaido (7), trong khi số người đang nguy kịch tăng thêm 34 lên 410 người.
Hãng tin Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách hoạt động ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, ngày 26/11 cho hay các nhà chức trách có thể xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp ở những khu vực mà dịch bệnh đang bùng phát mạnh nếu nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ nâng mức cảnh báo ở những khu vực này lên mức cao nhất.
Về phần mình, Thủ tướng Yoshihide Suga cho rằng "thời gian 3 tuần tới là cực kỳ quan trọng" để làm chậm đà lây lan của dịch bệnh. Ông kêu gọi mọi người tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản, trong đó có việc đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội.
Trong khi đó, theo đài truyền hình NHK, trong cuộc gặp với các quan chức chính quyền thủ đô Tokyo cùng ngày, các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo dịch bệnh đang tiếp tục lan nhanh, và số lượng ca nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng, có thể khiến hệ thống y tế ở thủ đô quá tải. Nhóm chuyên gia này cảnh báo việc điều trị cho các các bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch trong lúc vẫn cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thông thường khác sẽ khó khăn hơn.
Theo nhóm chuyên gia này, cần phải thực hiện ngay lập tức các biện pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng của số ca nhiễm mới trước khi tình hình trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Người già đang phải đối mặt với rủi ro nhiễm bệnh đặc biệt cao, và cần phải giảm bớt rủi ro như vậy.
Trong một diễn biến liên quan khác, chính quyền hai thành phố lớn ở Nhật Bản, gồm Sapporo thuộc tỉnh Hokkaido và Nagoya thuộc tỉnh Aichi, sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh phục vụ đồ uống có cồn như nhà hàng, quán bar hay cửa hàng karaoke rút ngắn thời gian kinh doanh nhằm khống chế dịch COVID-19. Riêng chính quyền tỉnh Aichi dự kiến sẽ trợ cấp 20.000 yen/ngày (192 USD) cho các cơ sở kinh doanh tuân thủ yêu cầu này. Như vậy, cho đến nay đã có 4 thành phố lớn ở Nhật Bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh phục vụ đồ uống có cồn thu hẹp thời gian kinh doanh, trong đó có thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka.
Quyết định này được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ kiến nghị đóng cửa hoặc rút ngắn thời gian hoạt động của các cơ sở vui chơi, giải trí ban đêm trong một vài tuần, đồng thời hạn chế hoạt động đi lại từ và tới các khu vực có số ca nhiễm mới tăng mạnh trong vài tuần gần đây.
Báo Mỹ: Việt Nam nằm trong Top đầu các quốc gia chống COVID ‘kiên cường nhất’ Hãng tin Bloomberg vừa công bố bản phân tích về "Những nơi vượt lên đại dịch COVID-19 tốt nhất và tệ nhất". Hành khách lên xuống tại nhà ga Shinagawa, Tokyo hôm 24/11. Ảnh: EPA Khảo sát của Bloomberg được thực hiện trên 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tiêu chí đề ra là có GDP từ 200 tỉ USD trở...