Tín hiệu tích cực ở Dải Gaza
Trải qua 3 ngày đi vào thực hiện thỏa thuận ngừng bắn giữa Quân đội Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas, đã có thêm các con tin được trao trả và tiếng súng đã ngưng lắng ở cả hai đầu chiến tuyến.
Thỏa thuận này mang lại niềm hạnh phúc vỡ òa cho nhiều gia đình có người thân đang bị giam giữ, đồng thời tạo cơ hội được cứu sống cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh mạng.
Khoảng lặng tạm thời nhưng mang ý nghĩa lớn
Rạng sáng 26/11, hình ảnh 6 phụ nữ, 7 trẻ em Israel và 4 công nhân nông trại người Thái Lan đã lên xe để trở lại miền Nam Israel dưới sự theo dõi sát sao của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và trong niềm vui vỡ òa của các gia đình con tin. Những khoảnh khắc vui mừng ấy đã có lúc tưởng chừng không thể xảy ra được, khi chỉ vài giờ trước đó thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Lực lượng Hamas cáo buộc Israel không tuân thủ quy định về việc tạo điều kiện cho các xe viện trợ vào miền Bắc Gaza và quyết định trì hoãn đợt thả con tin thứ 2.
Tuy nhiên, Quân đội Israel khẳng định, việc phân phối viện trợ được thực hiện bởi Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế, không do nước này quyết định; đồng thời, cảnh báo sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự tại Gaza nếu việc trao trả con tin không được tiến hành. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani nhằm giúp thỏa thuận nêu trên không đổ vỡ. Và sau nhiều nỗ lực của các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar, đợt trao trả con tin và tù nhân đã diễn ra dù chậm so với kế hoạch vài giờ đồng hồ. Thỏa thuận tiếp tục được tuân thủ, thậm chí còn có cơ hội kéo dài, khi một phái đoàn Qatar ngày 25/11 đã đến Israel để thảo luận về khả năng gia hạn.
Sau 7 tuần giao tranh, thỏa thuận ngừng bắn dù chỉ đem lại khoảng lặng tạm thời vẫn mang những ý nghĩa rất lớn. Về mặt con số, mỗi con tin được thả là một mạng người được cứu sống và mỗi ngày ngừng bắn giúp nền kinh tế Israel tiết kiệm được khoảng 270 triệu USD. Ở bình diện rộng hơn, việc phía Hamas cho phép Hội Chữ thập đỏ quốc tế tiếp cận những người bị bắt cóc sẽ giúp xác định được danh tính và tình trạng sức khỏe của họ. Đối với người Palestine, những ngày không bom đạn sẽ cho phép các nhân viên quốc tế và người dân ở Dải Gaza di chuyển an toàn, thiết lập thêm các trại tị nạn, đưa thêm nhiều hàng hóa và dịch vụ nhân đạo. Vì những lý do đó, dư luận quốc tế đều rất vui mừng và hoan nghênh thiện chí của cả phía Israel và Hamas, đồng thời đánh giá cao các nỗ lực không mệt mỏi của các nước trung gian, đặc biệt là Qatar, Mỹ và Ai Cập. LHQ khẳng định sẵn sàng tăng cường các hoạt động viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Tuy nhiên, các bên cũng cho rằng, một lệnh ngừng bắn tạm thời là chưa đủ. Cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine, một trong những điểm nóng phức tạp nhất thế giới, đòi hỏi trước hết phải có một lệnh ngừng bắn lâu dài, tiếp đến là các giải pháp chính trị và ngoại giao cho các vấn đề gốc rễ. Quan trọng nhất, trong đó phải bao gồm giải pháp hai nhà nước, nói cách khác một Nhà nước Palestine độc lập sẽ phải ra đời và cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez ngày 24/11 tuyên bố nước này “có thể sẽ quyết định công nhận Nhà nước Palestine nếu Liên minh châu Âu không làm điều đó”, đồng thời kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế với sự tham gia của cả người Palestine và người Israel.
Trong khi đó, Thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniyeh cho biết sẽ tuân thủ các điều khoản ngừng bắn và trả tự do cho các con tin chừng nào Israel cũng tuân thủ thỏa thuận này. Dường như phía Israel cũng mong muốn thỏa thuận được tôn trọng để có thể đưa được các con tin trở về an toàn, đồng thời giải quyết vấn đề nhân đạo, qua đó giảm bớt sức ép từ dư luận trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa hai bên thù địch và chưa đạt được các mục tiêu mong muốn sẽ chứa đựng nhiều rủi ro và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Một tù nhân Palestine vui mừng trở về sau khi được thả khỏi nhà tù Israel, tại Ramallah, Bờ Tây vào ngày 26/11.
Video đang HOT
Vẫn còn quá ít với tất cả những ai yêu chuộng hòa bình
Trải qua 3 ngày đi vào thực hiện, đã có thêm các con tin được trao trả và tiếng súng đã ngưng lắng ở cả hai đầu chiến tuyến. Nhưng sau đó sẽ là gì, khi số phận của gần 200 con tin còn lại đang bị Hamas giam giữ, cùng hơn 5.000 người Palestine trong các trại giam tại Israel còn chưa rõ. Bên cạnh đó, các lãnh đạo cao cấp nhất của Israel đã tuyên bố “thỏa thuận ngừng bắn không có nghĩa là kết thúc cuộc chiến ở Dải Gaza”.
Sau khi hứng chịu những tổn thất lớn về sinh mạng và vật chất trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, Israel kết luận rằng, họ không thể dung thứ cho chính quyền Hamas được nữa và lên kế hoạch tiến hành chiến tranh đến chừng nào Hamas không còn tồn tại và đe dọa Israel được nữa. Thêm nữa, Qatar – quốc gia trung gian chủ chốt cho thỏa thuận ngừng bắn nêu trên – cũng chỉ dùng thuật ngữ “khoảng tạm ngừng nhân đạo” trong tuyên bố chính thức của mình. Sự khác biệt tưởng chừng nhỏ trong cách gọi này nói lên nhiều điều.
Một lệnh ngừng bắn – cụm từ mà tờ The Economist dùng để chỉ một khoảng nghỉ trong chiến sự – được thiết kế để tạo không gian cho tiến trình chính trị có thể chấm dứt xung đột quân sự hiện tại. Trong 15 năm qua, đã nhiều lần bạo lực bùng phát giữa Israel – Hamas và rồi kết thúc bằng lệnh ngừng bắn thực sự. Nhưng thỏa thuận lần này có tính chất khác khi nó được tạo ra thuần túy phục vụ nhu cầu nhân đạo, chứ không phải tạo hành lang cho bất cứ sự nhất trí nào giữa hai bên về việc chấm dứt hoàn toàn cảnh đầu rơi máu chảy.
Lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày đã mang lại sự nhẹ nhõm cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến ở Dải Gaza nhưng về nhiều mặt có thể là một thách thức lớn với Chính phủ Israel. Khi phụ nữ và trẻ em, bị cả Hamas và Israel bắt giữ, đang được đoàn tụ với gia đình ở hai phía, mối đe dọa về chiến tranh tiếp tục xuất hiện. Mặc dù những người thân của các con tin vừa được trả tự do đang ăn mừng, nhưng các bước tiếp theo sẽ rất quan trọng trong việc xác định kết quả cuối cùng của trận chiến kéo dài 46 ngày hiện đã bị tạm dừng.
Có trải qua những ngày tháng bom đạn mới thấu hiểu giá trị của từng giây phút mà hòa bình mang lại. Vì vậy, khoảng lặng ngừng bắn 4 ngày là rất đáng kể, nhưng vẫn còn quá ít với tất cả những ai yêu chuộng hòa bình. Thế giới đang nhìn vào cuộc xung đột ở Trung Đông và mong muốn nhiều hơn thế.
Cơ quan Quản lý nhà tù Israel (IPS) ngày 26/11 thông báo họ đã phóng thích 39 tù nhân người Palestine và đêm trước đó. Thông báo của IPS cho biết các tù nhân người Palestine được thả từ 3 nhà tù của nước này là Megiddo, Ofer và Damun. Tất cả tù nhân đều là phụ nữ hoặc trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, sống ở Bờ Tây hoặc Đông Jerusalem. Trước đó, các lực lượng an ninh Israel xác nhận nhóm con tin thứ 2, được Phong trào Hamas thả ngày 25/11 từ Dải Gaza, đã trở về nước này. Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo chính phủ nước này “chào đón 17 con tin đang trở về nhà, bao gồm 13 công dân Israel và 4 công dân Thái Lan”.
Theo Quân đội Israel (IDF), sau khi trải qua quá trình kiểm tra y tế ban đầu, các con tin sẽ tiếp tục được các binh sĩ IDF đưa đến các bệnh viện của Israel, nơi họ được đoàn tụ với gia đình. Trong ngày đầu tiên, các con tin là công dân Israel được trở về bao gồm 4 trẻ em, 3 phụ nữ có con nhỏ, 6 phụ nữ lớn tuổi. Đồng thời còn có 10 công dân Thái Lan và một công dân Philippines cũng được Hamas phóng thích và trở lại Israel. Bệnh viện tiếp nhận cho biết, các con tin người Israel đều trong trạng thái sức khỏe đảm bảo.
Thời điểm đem lại kỳ vọng ở Dải Gaza
Bắt đầu có hiệu lực từ 12h ngày 24/11 (giờ Việt Nam), thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine sẽ kéo dài trong 4 ngày ở cả miền Bắc và miền Nam Dải Gaza, để các bên trao đổi con tin và tù nhân, mở ra không gian cho những hỗ trợ nhân đạo quốc tế.
Thỏa thuận ngừng bắn do Qatar làm trung gian hòa giải này dù vẫn khá mong manh nhưng đang tạo ra nhiều kỳ vọng về một cơ hội đối thoại rộng lớn.
Mở ra cơ hội cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài
Theo thỏa thuận, Phong trào Hamas thả 13 con tin là phụ nữ và trẻ em vào lúc 21h ngày 24/11 (theo giờ Việt Nam). Tổng số con tin Hamas thả trong 4 ngày ngừng bắn tới sẽ là 50 trong tổng số 240 con tin bị bắt giữ hôm 7/10. Trong khi đó, về phía Israel, nước này có nghĩa vụ phải trả tự do cho 150 tù nhân là phụ nữ và trẻ em người Palestine trong 4 ngày ngừng bắn. Đợt đầu tiên, Israel sẽ thả 39 người vào lúc 1h ngày 25/11. Truyền thông Israel cho biết, thỏa thuận ngừng bắn này có thể được kéo dài thêm một ngày cho mỗi 10 con tin được Hamas thả ra. Trong thời gian ngừng bắn, Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng quốc tế sẽ đẩy mạnh việc đưa các chuyến hàng viện trợ nhân đạo lớn vào Gaza bao gồm cả mặt hàng nhiên liệu.
Quốc gia trung gian hòa giải Qatar đã thiết lập một trung tâm điều hành tại Thủ đô Doha để giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn cũng như việc trao đổi tù nhân và con tin. trung tâm trên cũng sẽ thu thập thông tin về các con tin còn đang bị giam giữ.
Người dân Palestine ở Dải Gaza sơ tán trong thời gian ngừng bắn tạm thời ngày 24/11. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al_Ansari cho biết, nước này sẵn sàng đóng vai trò điều phối giữa Israel, Văn phòng Chính trị Hamas tại Doha và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên giữa Israel và Hamas được người dân Gaza và quốc tế mong đợi từ lâu. Tuy nhiên, cả hai bên đều khá dè dặt khi bình luận về lệnh ngừng bắn này, thậm chí để ngỏ khả năng xung đột sẽ còn leo thang hơn khi ngừng bắn kết thúc. Dù cam kết ngừng mọi hành vi thù địch trong thời gian lệnh ngừng bắn có hiệu lực, song Phong trào Hamas vẫn kêu gọi mở rộng cuộc chiến chống Israel ở tất cả các mặt trận, bao gồm cả ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, ngay khi lệnh ngừng bắn kết thúc. Phía Israel thì nhấn mạnh rằng, kiểm soát phía Bắc Dải Gaza là bước đầu tiên của một cuộc chiến lâu dài và họ đang chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo.
Người phát ngôn Quân đội Israel Daniel Hagari cho biết: "Chúng tôi rất mong chờ trong những ngày tới, để lập kế hoạch và thực hiện các giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. Khi lệnh ngừng bắn tạm thời có hiệu lực, lực lượng của chúng tôi sẽ đóng quân tại đường ngừng bắn bên trong Dải Gaza".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì khẳng định rằng, lệnh ngừng bắn chỉ là tạm thời và cuộc chiến sẽ tiếp tục sau khi hết thời hạn. Dù lệnh ngừng bắn còn khá mong manh, song Phó Tổng Thư ký LHQ Martin Griffiths hy vọng thỏa thuận sẽ mang tới thông tin tích cực hiếm hoi cho người dân ở Israel và Dải Gaza ở thời điểm hiện tại. Cả LHQ và Bộ Ngoại giao Mỹ đều nhận định đây là "thời điểm đầy hi vọng" và các bên cần tận dụng để hướng tới việc tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ được thả ra. Qatar hy vọng lệnh ngừng bắn tạm thời này sẽ mở ra cơ hội cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài trong tương lai. Đây cũng là mong muốn của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah.
Tại cuộc hội đàm ở Cairo ngày 23/11 (giờ địa phương), hai nhà lãnh đạo kiên quyết phản đối các chính sách bỏ đói và trừng phạt tập thể áp đặt lên người dân Palestine, cũng như bất kỳ nỗ lực nào nhằm trục xuất người Palestine khỏi Gaza, tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Ai Cập và Jordan đối với sự nghiệp của người Palestine. Trong khi đó, tại cuộc gặp với người đồng cấp Israel diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đề xuất một hội nghị hòa bình quốc tế về cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine, nhằm hướng tới việc xây dựng một nhà nước Palestine trong tương lai.
Iran cũng bày tỏ hoan nghênh đối với thỏa thuận ngừng bắn vì mục đích nhân đạo nêu trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani mô tả thỏa thuận trên là bước đầu tiên hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn xung đột. Quan chức này đồng thời khẳng định Iran sẽ tham gia các nỗ lực bảo toàn thỏa thuận tạm ngừng bắn, cũng như đảm bảo chuyển hàng viện trợ nhanh chóng cho người dân ở Gaza. Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đã nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là "lối thoát duy nhất" để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas.
Phát biểu thay mặt Tổng thống Joko Widodo tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) được tổ chức trực tuyến, ông Airlangga Hartarto nhận định cuộc xung đột Hamas - Israel bùng phát trong khi xung đột Ukraine - Nga vẫn chưa có hồi kết đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng trên thế giới và cản trở nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Ông hối thúc các nhà lãnh đạo G20 có hành động tập thể ngay lập tức nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel.
Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải ủng hộ việc hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước phù hợp với các thỏa thuận quốc tế đã nhất trí". Cũng tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí khẩn trương hành động để ngăn xung đột leo thang và phân phối hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza.
Bài học từ quá khứ
Với việc Israel và phong trào Hamas đồng ý tạm dừng giao tranh trong 4 ngày, hai bên có thể nhìn nhận lại các lệnh ngừng bắn từ những cuộc chiến khác để xác định mục tiêu thực sự của họ là gì. Ông Madhav Joshi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Kroc thuộc Đại học Notre Dame, đánh giá rằng, những bước tiến nhỏ về lòng tin và thiện chí của cả hai bên cũng cho phép ngừng bắn phát triển thành hòa bình lâu dài.
Ông nói: "Với một thỏa thuận được đàm phán giữa các đối thủ... nơi các cải cách được theo đuổi trên nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau, hòa bình thực sự có thể sẽ đạt được".
Vị chuyên gia dẫn ví dụ từ Thỏa thuận Ethiopia (TPLF) năm 2022. Hai năm giao tranh giữa Chính phủ Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) ở phía Bắc, cùng những nỗ lực ngừng bắn thất bại, dẫn đến cái chết của ít nhất 100.000 người vào cuối năm 2022. Nhưng vào ngày 2/11/2022, hai bên đã ký Thỏa thuận Pretoria, theo đó tạm dừng giao tranh giữa lực lượng Chính phủ Ethiopia và TPLF. Nhà nghiên cứu Madhav Joshi nhấn mạnh rằng, Thỏa thuận Pretoria là một ví dụ tuyệt vời về việc tạm dừng chiến đấu có thể dẫn đến hòa bình như thế nào. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Ethiopia vượt xa những gì Israel và Hamas đã thống nhất. Thỏa thuận của họ không có văn bản chính thức, không có cơ chế giám sát và không bao gồm trách nhiệm của cả hai bên trong việc giải quyết các nguyên nhân sâu xa hơn đằng sau xung đột. Ngược lại, ở Ethiopia, cả hai bên đã đồng ý chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch của cả hai bên, cùng với việc giải giáp TPLF và tái hòa nhập người dân Tigray.
"Trong khi tiến trình hòa bình lớn hơn gặp nhiều trở ngại, thỏa thuận ở Ethiopia bao gồm cơ chế xác minh, khuôn khổ và cam kết nhằm giải quyết những khác biệt chính trị cơ bản và các vấn đề phát sinh từ cuộc xung đột. Và trong trường hợp này, đó là tất cả những gì cần thiết để tìm ra con đường hướng tới hòa bình", ông nói.
Một năm sau thỏa thuận ở Ethiopia, hòa bình nhìn chung vẫn được giữ vững, mặc dù phần lớn Tigray vẫn bị tàn phá. Chuyên gia Madhav Joshi cũng dẫn nhắc thêm những thỏa thuận ngừng bắn dẫn đến hòa bình trên thế giới khác như Hiệp định đình chiến Triều Tiên (1953) và Chiến tranh vùng Vịnh (1991)
Israel thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận với Hamas Ngày 22/11, Giám đốc Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) David Barnea đã đến Qatar để thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani về những chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và trao trả con tin giữa Israel và phong trào Hamas. Cảnh đổ nát do cuộc xung đột Israel...