Tiệm bánh mì Phượng bị nhiều người kiện ra tòa vì gây ngộ độc
Dù chưa hết thời gian bị đình chỉ hoạt động nhưng tiệm bánh mì Phượng ở Hội An, tỉnh Quảng Nam vẫn mở cửa bán trở lại.
Ngày 18-12, lãnh đạo UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết sau khi nắm thông tin tiệm bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, TP Hội An) mở cửa trở lại vào hôm qua, 17-12, cơ quan chức năng đã kiểm tra, yêu cầu chấp hành nghiêm quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong ngày 18-12, tiệm bánh mì Phượng đã đóng cửa.
“Việc tiệm bánh mì Phượng mở cửa trở lại khi chưa hết thời gian đình chỉ là không được phép” – lãnh đạo TP Hội An khẳng định.
Sau khi tự ý mở cửa bán “thăm dò” vào ngày 17-12, tiệm bánh mì Phượng đã đóng cửa
Trước đó, trả lời báo chí về việc mở cửa bán trở lại hôm 17-12, chủ tiệm bánh mì Phượng nói rằng mở bán… thăm dò.
Lãnh đạo UBND TP Hội An cũng xác nhận TAND TP Hội An đang thụ lý một số đơn của thực khách khởi kiện chủ tiệm bánh mì Phượng. Nguyên đơn khởi kiện tiệm bánh mì Phượng là những người bị ngộ độc thực phẩm sau khi thưởng thức món bánh mì nổi tiếng Hội An này vào giữa đầu tháng 9-2023. Những người này được xác định là khách du lịch đến từ Hà Nội.
Ngoài ra, có thông tin cho biết một số khách người Trung Quốc đã ủy quyền cho luật sư người Việt làm đơn khởi kiện tiệm bánh mì Phượng, cũng vì lý do gây ra ngộ độc, làm ảnh hưởng sức khỏe cũng như chuyến du lịch của họ.
Video đang HOT
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong các ngày 13 và 14-9, sau khi ăn bánh mì mua tại tiệm Phượng, hàng trăm người, trong đó có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện.
Ngày 3-10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh bánh mì Phượng 96 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh trong thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm nhận được quyết định xử phạt.
Như vậy, đến đầu tháng 1-2024, quyết định đình chỉ hoạt động mới hết hiệu lực.
Theo quyết định xử phạt, tiệm bánh mì Phượng có tổng cộng 5 hành vi vi phạm.
Hành vi 1, thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước.
Hành vi 2, thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn.
Hành vi 3, không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
Hành vi 4, vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống (khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác; các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh; trang thiết bị dụng cụ bảo quản chưa được vệ sinh).
Hành vi 5, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, có 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng vào ngày 11 và 12-9.
Tiệm bánh mì Phượng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm (tự nguyện đóng cửa kinh doanh vào ngày 13-9 sau khi nghe thông tin về ngộ độc); tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (gia đình đã đến các bệnh viện, cơ sở y tế để thăm hỏi và chịu chi phí điều trị cho bệnh nhân, có biên lai chi trả viện phí).
Hộ kinh doanh vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính.
Chủ tiệm bánh mì Phượng gửi thư xin lỗi, mong được thông cảm
Gửi lời xin lỗi đến khách hàng bị ngộ độc, chủ tiệm bánh mì Phượng tại Hội An mong được thông cảm đồng thời cam kết sẽ đem lại những ổ bánh mì tốt nhất, an toàn nhất khi được cho phép mở cửa lại.
Chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng. Bức thư này được đăng tải trên Fanpage của tiệm bánh mì Phượng, trên trang Facebook cá nhân của bà Trương Thị Phượng - chủ cơ sở và được gửi cho phóng viên qua ứng dụng mạng xã hội.
Bà Trương Thị Phượng (bên trái) - chủ tiệm bánh mì Phượng làm việc với cơ quan chức năng liên quan vụ ngộ độc thực phẩm
Mở đầu lá thư, bà chủ tiệm bánh mì Phượng gửi lời xin lỗi vì sự chậm trễ (chậm xin lỗi - PV) đồng thời cho biết trong những ngày qua, sự cố ngộ độc thực phẩm liên quan đến tiệm bánh mì Phượng đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và sinh hoạt cuộc sống của khách hàng. "Đây là sơ sót của chúng tôi trong quy trình kiểm soát nhập nguyên liệu đầu vào, cũng như chưa đảm bảo chất lượng trước khi đưa đến tay người dùng" - chủ tiệm bánh mì Phượng thừa nhận.
Theo tiệm bánh mì này, hiện nay họ đang chờ kết quả xét nghiệm và đã làm việc với các cơ quan chức năng để xác minh nguyên nhân cụ thể, đồng thời triển khai các biện pháp khắc phục. "Đại diện gia đình chúng tôi cũng đến thăm, động viên và xoa dịu nỗi đau mà quý khách hàng đã và đang điều trị tại các bệnh viện. Đồng thời, tiếp tục ghi nhận những phản ánh của quý khách hàng liên quan đến vụ việc này qua số điện thoại: 0905743773" - thư viết.
Gia đình chủ tiệm bánh mì Phượng đến các bệnh viện thăm hỏi nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Tiếp đến, chủ tiệm bánh mì Phượng một lần nữa gửi lời xin lỗi khách hàng, mong lời xin lỗi này được khách hàng chấp thuận và ủng hộ cho cơ sở có kinh nghiệm kinh doanh bánh mì đã 34 năm tại Hội An.
"Lần này được sự cho phép của cơ quan chức năng sau khi khắc phục hậu quả và được mở cửa trở lại. Tôi xin cam kết sẽ đem lại những sản phẩm bánh mì tốt nhất, an toàn nhất để phục vụ quý khách hàng và mong rằng lần này trở lại sẽ không làm quý khách hàng thất vọng. Rất mong quý khách hàng cảm thông và yêu mến bánh mì Phượng như những năm qua" - chủ bánh mì Phượng viết.
Nội dung bức thư của tiệm bánh mì Phượng (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ khoảng 8 giờ sáng 11-9, một số người dân, du khách có ăn bánh mì (pa tê, thịt xíu, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả heo) mua tại tiệm bánh mì Phượng. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Có ít nhất 150 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì đã đến các cơ sở y tế để nhập viện, điều trị.
Tàu hàng nước ngoài hơn 13.000 tấn trôi dạt vào bờ biển Cù Lao Chàm Chiều 1/12, Thượng tá Vương Quốc Hội, Trưởng Công an TP Hội An (Quảng Nam) xác nhận, một chiếc tàu vận tải, quốc tịch Sierra Leon bị sóng lớn đánh trôi dạt vào bờ biển Cù Lao Chàm mắc cạn. Theo đó, khoảng 11h05 ngày 1/12, lực lượng chức năng nhận được thông tin của ngư dân về việc phát hiện một tàu...