Thượng tướng Lê Quý Vương nói về vụ Vũ Đình Duy “ra nước ngoài”
Bên hành lang QH sáng 4-11, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã trả lời báo chí về thực tế một số cán bộ có dấu hiệu phạm tội “ ra nước ngoài” như Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy.
Bên hành lang Quốc hội sáng nay 4-11, trả lời câu hỏi về trách nhiệm khi để một số cán bộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật bỏ trốn ra nước ngoài, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng công tác điều tra về vụ án kinh tế hết sức khó khăn. Công dân nào cũng có quyền được cấp hộ chiếu, hộ chiếu phổ thông rất đơn giản, đi lại một số nước trong khu vực qua lại rất thuận lợi.
Thượng tướng Lê Quý Vương trao đổi với báo chí sáng 4-11 – ảnh Nguyễn Quyết
“Rồi có dư luận nói có tài khoản nước ngoài, thẻ xanh, có một số người có thẻ APEC có thể đi lại một số nước trong khu vực, nên cũng đặt ra chuyện hết sức khó khăn”-Tướng Vương nhận định.
Bên cạnh đó, việc quản lý xuất nhập cảnh thì chỉ quản lý công khai, xuất nhập khẩu qua lại qua biên giới, sân bay. Biên giới thì lại rất rộng, đường bộ, đường biển, tàu vận tải qua lại nữa, nên lợi dụng đi lại rất dễ dàng.
Nhận định về thực tế có một số cán bộ bỏ trốn khi có dấu hiệu phạm tội, được kết luận trong thời gian qua như ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang; ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất (Vinachem), nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex)… Thượng tướng Lê Quý Vương nhận định: “Có sơ hở trong quản lý cán bộ, còn lỗi ở đâu, lỗi thế nào, tại sao như thế thì phải xem xét mới đánh giá kết luận được”.
Video đang HOT
Nói về khó khăn trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ bỏ trốn khi có dấu hiệu vi phạm, Thứ trưởng Vương nêu rõ: theo Bộ luật Hình sự, một người chỉ có tội khi tòa án có bản án, bản án có hiệu lực thi hành. Công an muốn bắt giữ người phải bắt quả tang, giữ khẩn cấp thì cũng phải báo cáo Viện kiểm sát phê chuẩn nên rất khó để điều tra.
“Quản lý công dân qua nhân hộ khẩu thì rất thông thoáng, đăng ký thường trú chỗ này lại tạm trú chỗ khác, đi làm đi ăn thế này thế khác. Nói thế thôi, bối cảnh thế nên lực lượng công an rất khó khăn, chỉ có đối tượng hình sự, có tiền án, nghi vấn vi phạm hình sự thì còn quản lý chặt chẽ được”- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm.
Tướng Vương thừa nhận với các đối tượng bỏ trốn là cán bộ công chức, viên chức, đảng viên, việc quản lý xuất nhập cảnh càng khó khăn hơn.
“Trước thời điểm có thể đề xuất một số biện pháp, nhưng anh chưa chứng minh người ta phạm tội, chưa bị phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này lý do kia để cấm người ta được. Hiến pháp quy định rất rõ về quyền công dân, con người ta chỉ bị hạn chế quyền khi pháp luật quy định. Có bao nhiêu quy định pháp luật hạn chế quyền này, công an cũng không đề ra để hạn chế người ta được”- Tướng Vương cho hay.
Thứ trưởng cũng cho biết rút kinh nghiệm từ các vụ việc này, Bộ Công an sẽ có những kiến nghị để hạn chế xảy ra những trường hợp tương tự trong tương lai.
Theo N.Quyết-V.Duẩn (Người lao động)
Sau Trịnh Xuân Thanh, cựu sếp PVTex "âm thầm" đi nước ngoài chữa bệnh
Sau Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đình Duy - thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc PVTex - cũng "âm thầm" đi nước ngoài chữa bệnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động tối nay 3-11, ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, xác nhận ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nguyên tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), đã vắng mặt tại cơ quan nhiều ngày qua mà không có sự cho phép của lãnh đạo Tập đoàn để đi nước ngoài chữa bệnh.
Vũ Đình Duy khi đương chức Tổng giám đốc PVTex - Ảnh: PVTex
Chánh Văn phòng Bộ Công Thương cho hay bộ đã nhận được báo cáo của Vinachem vào hôm qua, 2-11, về việc nguyên Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy có đơn xin nghỉ để chữa bệnh.
Trong ngày 3-11, Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo về vụ việc. Theo đó, bộ không chấp nhận đơn xin nghỉ phép đi chữa bệnh của ông Duy. "Bộ chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Vinachem có trách nhiệm xem xét việc chấp hành pháp luật của cán bộ trong tập đoàn và xử lý theo thẩm quyền và thủ tục quy định của pháp luật" - chỉ đạo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Như vậy, sau Trịnh Xuân Thanh, thêm một nhân vật nữa liên quan đến Bộ Công Thương đã có đơn đi nước ngoài với lý do chữa bệnh.
Ông Vũ Đình Duy sinh năm 1975, có học vị Thạc sĩ Công nghệ hóa học. Ông Vũ Đình Duy được điều động và bổ nhiệm về Vinachem hồi giữa tháng 4-2016. Trước đó, ông Duy từng giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) từ ngày 15-7-2009 đến tháng 2-2014.
Sau đó, ông Duy giữ vị trí Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng rồi được bổ nhiệm vị trí Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương).
Liên quan tới PVtex, đầu tháng 10-2016, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Đình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư gần 325 triệu USD (tương đương khoảng 5.437 tỉ đồng tính theo tỷ giá tại thời điểm phê duyệt dự án năm 2008). Dự án này đã thua lỗ hơn 1.470 tỉ đồng sau 3 năm hoạt động từ năm 2012-2014 và hiện đã dừng hoạt động.
Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xử lý về kinh tế 54 tỉ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp, đồng thời, yêu cầu PVTex xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý Nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng cho hay quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng trong ngày 3-11, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình về 5 dự án lớn thua lỗ, trong đó, có dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ. Bộ trưởng cho biết với các dự án thua lỗ, thời gian qua các cơ quan chức năng phối hợp tháo gỡ nhưng "chưa đạt hiệu quả".
Bộ trưởng cũng cho hay ngoài ra còn một số dự án khác tiềm ẩn nguy cơ tồn đọng và nếu không được tháo gỡ vướng mắc kịp thời sẽ có nguy cơ mất vốn. "Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đang tổng hợp, đánh giá, rà soát một cách triệt để, toàn diện những vấn đề tồn tại của các dự án này theo hướng xem xét giải pháp để giải quyết đảm bảo hiệu quả của đồng vốn Nhà nước" - ông Tuấn Anh giải trình.
Bộ trưởng cũng đánh giá qua những dự án này đã bộc lộ khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng về mặt thể chế là vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý... "Phải làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý cũng như của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp, không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật" - ông nói.
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Bắt 3 đối tượng lừa bán phụ nữ ra nước ngoài bán dâm Ngày 24-6, Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Hương (SN 1992), Vũ Thị Thúy (SN 1992) và Phạm Thị Thương (SN 1993), quê quán ở tỉnh Hải Dương để tiếp tục điều tra về hành vi "mua bán người". Theo tài liệu của cơ quan...