Thưởng thức bún chìa trứ danh của Buôn Ma Thuột
Không chỉ nổi tiếng là “thủ phủ cà phê”, TP Buôn Ma Thuột cũng làm đắm say biết bao thực khách ghé thăm với món bún chìa ngọt thanh, đậm đà.
Ngoài những món ăn hấp dẫn như bún đỏ, bánh ướt thịt nướng, cà đắng… bún chìa (hay còn gọi là bún giò chìa) cũng là đặc sản mà du khách không thể bỏ lỡ khi có dịp ghé thăm Buôn Ma Thuột. Thoạt nhìn, tô bún không quá đặc biệt, hình thức và hương vị khá giống bún bò nổi tiếng của người Huế. Điểm khác biệt nhất của món bún chìa nằm ở phần nguyên liệu.
Thay vì sử dụng thịt bò như bún bò Huế, người dân Ban Mê sử dụng thịt chìa (giò chìa), tảng thịt ngon nhất phía chân sau của con heo, hình dáng như đùi gà, thớ thịt vừa dai, vừa mềm, bên trong là sụn và không có mỡ. Theo đó, mỗi con heo chỉ có hai cái giò chìa chứ không nhiều hơn nên cũng phần nào tạo nên nét độc đáo cho món bún chìa Buôn Ma Thuột. Khi thưởng thức, thịt chìa như tan ra trong miệng nhưng vẫn kịp cảm nhận độ mềm thơm, dai sựt của thịt hầm vừa tới.
Để có một tô bún chìa thơm ngon, khâu lựa chọn và sơ chế là rất quan trọng. Sau khi chọn được giò chìa và xương heo kỹ càng thì đem sơ chế sạch sẽ, ninh nhừ để nước dùng có vị ngọt thanh. Thịt được ninh mềm với lửa nhỏ trong thời gian nhất định và vớt ra, để nguội, nêm nếm gia vị phần nước ninh để làm nước lèo cho món bún chìa. Trước khi cho vào tô, làm nóng miếng giò chìa bằng nồi nước dùng nóng hổi trên bếp, đặt trên mặt bún đã có sẵn mắm ruốc rồi chan nước lèo xâm xấp mặt. Bước cuối cùng, cho thêm hành lá, hành tây, tiêu là hoàn thiện tô bún chìa thơm ngon, hấp dẫn.
Các nguyên liệu nấu bún chìa không quá khó tìm nhưng đòi hỏi người chế biến cần khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Theo đó, tô bún chìa chuẩn vị thì giò chìa phải mềm nhưng không bở, nước dùng đậm đà, dậy mùi thơm. Bún chìa nên ăn kèm với rau sống gồm bắp cải xắt nhỏ, ngò, húng quế, tía tô và giá đỗ để tăng hương vị của món ăn cũng như giúp thực khách thêm ngon miệng mà không bị ngán. Ngoài ra, phần thịt chìa thơm mềm chấm vào chén mắm ớt cay cay sẽ chinh phục mọi vị giác, ăn một lần là nhớ mãi.
Bún chìa Buôn Ma Thuột là món ăn dân dã nhưng có sự hài hòa hoàn hảo giữa các nguyên liệu. Với nước lèo nóng hổi, ngọt thanh hòa quyện cùng chút vị thơm nồng của mắm ruốc, khúc giò chìa được ninh nhừ béo ngậy… bún chìa sẽ là món ăn để lại dư vị khó phai cho thực khách mỗi khi thưởng thức.
Top 10 món ngon phải thử khi du lịch Đắk Lắk
Nếu tới Đắk Lắk bạn đừng bỏ qua 10 món ngon đặc sắc dưới đây.
1. Gà nướng Bản Đôn
Video đang HOT
Gà nướng Bản Đôn là một món ăn dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, hiện nay món ăn này đã trở thành một đặc sản không thể bỏ qua đối với du khách khi đến thăm mảnh đất Tây Nguyên.
Để làm món ăn này, nguyên liệu quan trọng nhất là thịt gà. Để có những con gà nướng thơm ngon, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi, chọn gà. Đó phải là gà thả vườn chính hiệu, chủ yếu ăn thức ăn rơi vãi, côn trùng... Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn 1kg mỗi con. Nếu gà lớn thì thịt sẽ dai, gà nhỏ quá lại có mùi hôi...
Gà sau khi được làm rạch, ướp với gia vị xong sẽ nướng chín trên hơi nóng của lửa, ăn cùng với muối é - một loại lá gia vị có nhiều ở vùng rừng núi Tây Nguyên được giã nhỏ và trộn với muối hột, ớt xanh. Hương vị thơm, ngọt của thịt gà hòa cùng sự đậm đà, cay xè của muối é sẽ khiến du khách mê mẩn.
2. Bánh khọt Y Jut
Đây là một món ăn đặc sắc của ẩm thực Đắk Lắk. Thoạt nhìn sẽ thấy hơi giống bánh xèo bởi phần nhân bánh. Nhưng bánh lại được chiên phồng, khi ăn xẻ bánh ra và cho nhân vào, ăn kèm với cà pháo hơi cay cay, chua ngọt và cà rốt bào sợi, rắc thêm chút đậu phộng. Cảm giác khi cắn miếng đầu tiên thật khó quên.
3. Lẩu cá lăng
Cá lăng ở đây được người dân chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên.
Cá lăng sau khi làm sạch, cắt lát vừa ăn sẽ đem trụng qua nước sôi để thịt cá săn chắc. Phi thơm hàng băm rồi cho cà chua và nghệ tươi vào xào, tiếp tục cho cá lăng và măng chua vào rồi nêm gia vị. Cuối cùng, cho nước hầm xương vào nồi, đun sôi lẩu rồi tắt bếp.
Lẩu cá lăng ăn như một món canh thông thường hay dùng kèm với bún vừa ngọt nước lại thơm ngon rất thích hợp dùng trong những ngày hè nắng nóng.
4. Rau dầm tang
Rau dầm tang bề ngoài dễ gãy, lá như lá răm và dễ bị bầm úa, dập nát. Tuy nhiên loại rau này khi nấu lên lại có vị ngọt bùi khó tả. Cách nấu rau dầm tang cần phải nấy nhừ lên cùng với các loại thực phẩm khác như măng, củ mài, nấm...
Nếu có cơ hội đến Đắk Lắk thì hãy thưởng thứcmón ăn đậm chất rừng núi vô cùng đặc biệt này.
5. Lẩu rau rừng
Lẩu rau rừng với 10 loại lá rừng được chọn lọc nấu cùng tôm khô hoặc thịt các loại. Món ăn này được dân tộc Ê đê chế biến ra khi họ gặp phải cuộc sống khó khăn ngày trước. Gọi là lẩu nhưng thực ra lại giống với món canh hơn và mang đậm hương vị ẩm thực của rừng núi.
6. Bánh ướt thịt nướng
Bánh ướt là một đặc sản là đặc sản của của người dân Buôn Ma Thuột, khi tới đây thì bạn đừng quên món ăn này. Nhưng tất nhiên bánh ngon thì mới nhớ lâu và ở đây là lâu đời bậc nhất nhất. Bánh ướt tráng mỏng, có một chút hẹ và tôm sấy khô bên trên. Nhân bánh là thịt nướng, dưa chua. Có xoài chua và dưa leo và rau thơm. Nước chấm là nước mắm nêm và tùy người ăn.
7. Bò nhúng me
Bò nhúng me ở Buôn Ma Thuột rất ngon, thịt bò mềm, kết hợp với vị thơm của bơ và vị chua của me rất hòa quyện.
Khi ăn món này nhất định phải có vài ổ bánh mì nóng giòn kế bên để chấm nước sốt me chua cay mặn ngọt. Thịt bò chỉ nên ăn lúc chín tái ửng hồng để cảm nhận được độ mềm, ngọt của thịt. Để lâu quá thịt bò sẽ bị dai mất đi vị ngon.
8. Bún đỏ
Những nguyên liệu chính để chế biến món ăn này được làm từ cua đồng, chả viên và những quả trứng cút luộc. Với bàn tay khéo léo của người chế biến, tô bún đỏ trở nên hấp dẫn với sắc màu phong phú và mùi vị vô cùng quyến rũ: có màu hơi đỏ của hạt điều, màu đỏ tươi của miếng cà chua cắt hình múi cau, màu xanh tươi non của đĩa rau, thêm màu nâu của riêu cua và chả cá, lại còn màu trắng nõn nà của trứng cút luộc trông vừa bắt mắt vừa kích thích vị giác.
Thoạt nhìn có thể người ta sẽ dễ bị lầm tưởng món bún đỏ với món bún riêu hay món canh bún thường bán ở Sài Gòn, nhưng thực ra là hoàn toàn khác bởi bún đỏ của người Buôn Ma Thuột được ăn kèm rau cần nước và giá cùng một số phụ gia như mỡ hành, tóp mỡ rán giòn và nhất là trứng cút luộc.
9. Cá bống kho riềng
Cá bống kho riềng là món ngon khá độc đáo của người dân Đắk Lắk. Những con cá bống bắt ở dưới chân những thác nước có thịt vừa dai lại vừa thơm được đem kho cùng riềng sẽ không còn thấy vị tanh. Khi thưởng thức món cá bống kho riềng này các bạn có thể ăn kèm với cơm lam hoặc cơm trắng đều được.
10. Bánh canh cá dầm
Buổi sáng se lạnh của Đắk Lắk được húp một bát canh nóng hổi nghi ngút khói, cay nồng thật là tuyệt vời. Bánh canh cá có nước dùng đậm đà, sợi bánh mềm dẻo, thấm vị, cá dầm dai mềm lại ngọt thanh, khi ăn kèm với nộm chua ngọt, thêm chút tương ớt vị cay nồng tạo hương vị khó cưỡng.
Những món nên thử ở Buôn Ma Thuột Bún đỏ, bánh ướt tự cuốn hay bánh nếp chiên có giá từ 5.000 đồng là gợi ý cho du khách khi thăm "thủ phủ cà phê". Bún giò heo Bún giò heo đầy ắp thịt với sợi bún nhỏ, nước dùng mặn mang vị ngọt từ thịt là lựa chọn gợi ý cho bữa sáng. Thực khách nên dùng kèm rau sống...