Thực phẩm an toàn: Không xây dựng chứng nhận vu vơ sản phẩm
Doanh nghiệp lẫn nông hộ buộc phải liên kết trong chuỗi, chứ không tự xây dựng vu vơ các chứng nhận cho nông sản vừa mất rất nhiều tiền lại không biết sản phẩm đi đâu.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đã chia sẻ như thế bên lề buổi ra mắt dự án dự án An toàn thực phẩm cho Việt Nam do IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, tổ chức tại TP.HCM ngày 1.7.
Ngành chăn nuôi trong nước không lo thiếu thực phẩm nhưng sản phẩm của ngành còn khiêm tốn và khó khăn đầu ra.
Nhấn mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng đảm bảo đầu ra nông sản lẫn an toàn thực phẩm, ông Tám cho rằng ngành nông nghiệp hiện nay phải tổ chức lại sản xuất theo hướng các sản phẩm có lợi thế, đầu tư công nghệ để giảm giá thành và phải tính được mình bán ở đâu, bán như thế nào trước khi sản xuất.
Theo ông Tám, cơ chế thị trường không có chuyện cơ quan quản lý nhà nước quy định phải sản xuất cái này, cái kia mà chỉ đưa ra thông tin, định hướng để người sản xuất lựa chọn.
“Đối với những người yếu thế là nông dân, phải thông qua các mô hình kinh tế tập thể để hình thành một vùng nguyên liệu và đầu mối. Kể cả doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp cũng phải có đầu mối. Chứ để doanh nghiệp tự bắt tay với nông hộ nhỏ lẻ thì không thể làm được”, ông Tám nói.
Cụ thể, ông Tám chỉ rõ tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay đều có hướng dẫn về quy trình như VietGap, GlobalGap, ASC… Nhưng việc đầu tư vào xây dựng các tiêu chí chứng nhận đều phải hướng đến thị trường rồi mới xây dựng.
Chính các doanh nghiệp trung tâm của chuỗi sẽ biết thị trường cần gì và yêu cầu chứng chỉ gì, chứ nông dân thì không. Doanh nghiệp cũng không nên tự xây dựng vu vơ rồi mất rất nhiều tiền mà không biết sản phẩm của mình đi đâu.
Video đang HOT
Việc kết nối theo chuỗi cực kỳ quan trọng. Và theo ông Tám, việc xây dựng chương trình An toàn thực phẩm mà IFC ký kết thỏa thuận tư vấn cho công ty sản xuất gia cầm Bel Gà, từ đó liên kết chặt chẽ các thành viên trong chuỗi có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Theo đó, Dự án này tập trung cải thiện các vấn đề về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng trong toàn bộ quy trình sản xuất chế biến thực phẩm.
Lễ ra mắt dự án dự án An toàn thực phẩm cho Việt Nam do IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ
Bà Sarah Ockman, Giám đốc chương trình an toàn thực phẩm Toàn cầu của IFC cho rằng: “Việc nâng cao chất lượng thực phẩm sẽ giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí và đóng góp vào việc đảm bảo an ninh lương thực”.
Thông qua việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, IFC ước tính tổng doanh số của các công ty tham gia vào dự án sẽ gia tăng khoảng 30 triệu đô la Mỹ; đồng thời tổng vốn đầu tư dài hạn các công ty này có thể thu hút sẽ tăng thêm 25 triệu đô la Mỹ sau khi dự án kết thúc một năm.
Khi các hiệp định thương mại được ký kết, Việt Nam trở thành thị trường mở. Nông sản sản xuất trong nước phải đáp ứng các yêu cầu quốc tế mới có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu được, ông Tám chia sẻ.
Trong ba năm tới, dự án An toàn Thực phẩm của IFC sẽ hỗ trợ các công ty chế biến nông sản và thực phẩm cùng chuỗi giá trị để cải thiện an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Bel Gà là công ty đầu tiên tham gia vào dự án này. IFC sẽ giúp ba trang trại gia cầm độc lập trong chuỗi khách hàng của Bel Gà thực hiện chứng nhận GlobalGap tại 54 nhà nuôi gà của ba trang trại này.
Theo Danviet
Hàng vạn con cá sấu bị bỏ đói: Cá sấu cũng "khóc" vì... ế
Cả nước đang tập trung giải cứu heo tồn đọng, rớt giá thì những chủ trang trại cá sấu cũng đang đứng ngồi không yên khi đầu ra sản phẩm này rất bấp bênh.
Cá sấu cũng "khóc" vì... ế
Hàng ngàn trại nuôi cá sấu ở TPHCM, Đồng Nai và nhiều tỉnh miền Tây với tổng lượng đàn hàng trăm ngàn con đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán cá sấu quá rẻ, người nuôi thua lỗ.
Ông Mạnh (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) buồn bã cho biết, gần 100 con cá sấu trong trang trại nhà ông đến thời điểm xuất bán nhưng giá quá thấp nên đã phải chờ đợi hơn 3 tháng nay. Dù vậy, giá vẫn giậm chân tại chỗ, ông phải bớt cho ăn để đỡ chi phí. Nếu tháng tới không bán được, nợ sẽ chồng nợ.
Hàng ngàn trại nuôi cá sấu ở TP.HCM, Đồng Nai và nhiều tỉnh miền Tây với tổng lượng đàn hàng trăm ngàn con đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán cá sấu quá rẻ, người nuôi thua lỗ
Theo ông Mạnh, giá cá sấu có thời điểm bán 180.000 - 200.000 đồng/kg. Nhưng từ cuối năm 2016, giá cá sấu tụt xuống còn 80.000 đồng/kg. Đến thời điểm này giá cá sấu chỉ còn 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, tiền giống cá sấu khoảng 500.000 đồng/con, thức ăn và thuốc cho cá khoảng 700.000 đồng/con nuôi trong hai năm. Tính ra, tổng chi phí cho mỗi con cá sấu (có trọng lượng trung bình 12 kg/con) vào khoảng 1,3 triệu đồng/con. Với mức giá chỉ 70.000 - 80.000 đồng/kg hiện nay, người nuôi lỗ 600.000 - 700.000 đồng/con chưa tính tiền công chăm sóc, điện, nước.
Trong khi giá cá sấu lao dốc, các thương lái cũng "đục nước béo cò" dùng chiêu ép giá để thu mua rẻ mạt. Giá cá sấu càng thấp, họ càng ép, đặc biệt với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. "Vì cần tiền, giải phóng đàn cá nên nhiều người đã cắn răng bán, chịu lỗ", ông Mạnh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Làng cá sấu TPHCM cho biết, trước đây trang trại nuôi tới trên chục ngàn con thì nay chỉ còn khoảng một ngàn. Nhiều hộ nuôi để mặc 1 tuần hay 10 ngày mới cho ăn một lần nhằm tiết giảm chi phí.
Theo ông Thành, trước đây khi giá cá sấu bị đẩy lên cao nên nhiều người đổ xô đi nuôi mang lại nhiều lợi nhuận. Hiện tại, lượng cá sấu tồn đọng rất lớn, các chủ trang trại không còn kinh phí cũng như động lực để chăm sóc.
Cần làm ăn bài bản hơn
Ông Đào Văn Đang, Phó Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, cá sấu cũng như một số sản phẩm khác đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, khi xuất sang nước này tới 99,6%. Do đó khi họ ngưng thu mua khiến giá cá sấu giảm mạnh. Tình trạng này làm nhiều trại nuôi phải đóng cửa, chủ yếu là những hộ nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng được điều kiện về chuồng trại và không tìm được đầu ra. Trong 6 năm qua, số cơ sở nuôi cá sấu giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 40 cơ sở với tổng đàn trên 140.000 con.
Ông Trần Văn Nga, phó Giám đốc Công ty TNHH chăn nuôi kinh doanh cá sấu Tồn Phát cho rằng, với lộ trình giảm thuế theo các cam kết khi tham gia hiệp định thương mại tự do, sản phẩm cá sấu nước ngọt của các nước như Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam.
"Nếu không có chiến lược xây dựng thương hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cá sấu trong nước, ngành cá sấu Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề", ông Nga khuyến cáo.
Trước tình hình ngành chăn nuôi cá sấu không sáng sủa, ông Nguyễn Ngọc Thành đề nghị thành lập Hiệp hội cá sấu Việt Nam. Qua đó, để có tiếng nói chung và bảo vệ ngành chăn nuôi cá sấu trước sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo kẻ hở cho thương lái nước ngoài vào ép giá.
Hiệp hội giúp cơ quan chức năng làm tốt vai trò định hướng trong tổ chức chăn nuôi, kế hoạch phát triển chăn nuôi cá sấu Việt Nam gắn với công tác quản lý, thay vì để nông dân phát triển chăn nuôi tự phát như hiện nay.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các bộ, ngành cần có trách nhiệm để giúp người nông dân tránh rơi vào vòng luẩn quẩn như bấy lâu nay. Quan trọng hơn, chính quyền địa phương cũng cần chung tay với người nông dân, đóng vai trò như là "bà đỡ" về xúc tiến thương mại, tiếp cận nguồn vốn, xây dựng thương hiệu...
Theo Quế Sơn (Dân Trí)
Trang trại bò sữa đầu tiên của Việt Nam đạt Trang trại Organic Chuẩn Châu Âu Ngày 10/11, thông tin mới nhất từ tổ chức Control Union, Trang trại bò sữa Organic Lâm Đồng của Vinamilk vừa chính thức trở thành Trang trại bò sữa đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Quốc tế uy tín đánh giá và cấp chứng nhận là trang trại Organic đạt tiêu chuẩn Châu Âu . Theo đó, các sản phẩm từ...