Thu về, bùi ngùi nhớ củ ấu
Vừa rồi, đi làm về trên đại lộ Mai Chí Thọ (Q2) phát hiện một xe bán ấu đầy ắp đậu ngay sát mặt đường. Như một phản xạ tự nhiên, tôi ghé mua ngay một bịch. Trên đường về, thỉnh thoảng liếc nhìn những củ ấu xấu xí mà chợt nhớ thu đã về, mà nhớ quê kinh khủng.
Ấu có vỏ ngoài đen nhưng bên trong trắng ngần thơm thảo, như những người nông dân lam lũ, vẻ ngoài thô kệch nhưng tấm lòng thật thà chất phát, luôn mang đến cho người xung quanh cảm giác thật bình yên…
Nghe nói củ ấu ở ba miền có rất nhiều loại khác nhau, nhưng tôi ghiền nhất là loại có 2 sừng – trông như chiếc sừng trâu. Ngày bé, tôi còn tưởng tượng nó như hàm trên của bộ râu người đàn ông, trông thú vị vô cùng.
Là món ăn vặt nhưng không chỉ có con gái mới thích, mà bọn con trai cũng mê ly không kém – Ảnh: Minh Tuệ
Không nhớ lúc lên mấy tôi đã được ăn, nhưng cứ mỗi dịp khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, quà chợ của mẹ dành cho mấy chị em tôi thường là bịch ấu đen sì. Thế là chúng tôi chia nhau mang ra đồng ngồi ăn. Hôm nào mẹ gặp ấu sống, bán rẻ sẽ mua nhiều, là chúng tôi rủ cả mấy đứa bạn trong xóm túm tụm lại ăn cho vui.
Là món ăn vặt nhưng không chỉ có con gái mới thích, mà bọn con trai cũng mê ly không kém. Ngoài mê hương vị ngọt ngọt, bùi bùi đặc trưng, chúng tôi còn mê những trò chơi từ củ ấu. Đám con gái thì cắt đôi củ ấu rồi móc vào các ngón tay làm thành những bàn tay của “hồ ly tinh” trong bộ phim Tây du ký mà rượt nhau chạy khắp xóm, la ó chí chóe.
Bọn con trai thì dùng tăm khoét lỗ làm thành sáo rồi ngồi vắt vẻo trên cành cây trứng cá thổi ngân nga… Với người dân quê tôi, củ ấu thân thuộc đến mức đó, chuỗi ngày lớn lên của trẻ con luôn gắn liền với hương vị và những trò chơi từ củ ấu.
Không đứa nào không biết các câu hát như:
Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng héo
Video đang HOT
Hay là:
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi
Người mới biết củ ấu, nhìn vào thấy đen xì, có khi không dám cắn răng vào, ấy vậy mà ăn vài lần thì ghiền mùi vị đặc trưng đó lúc nào không hay.
Ăn ấu xong, có một điều bọn con nít cần nhớ rõ là dù lưới biếng đến mấy cũng phải mang vỏ bỏ đúng nơi, nếu không đi chân đất đạp nhầm một cái là gai nhọn của củ ấu sẽ ghim chặt vô thịt mà đau nhức thấu xương, người lớn thì ứa nước mắt, con nít thì rên ầm ĩ chứ chẳng chơi.
Ấu có vỏ ngoài đen nhưng bên trong trắng ngần thơm thảo, như những người nông dân lam lũ, vẻ ngoài thô kệch nhưng trong lòng lại vô cùng thật thà chất phát – Ảnh: Minh Tuệ
Riêng bọn tôi ngày đó thì hay gom lại một góc sân phơi khô, đến khi được nhiều nhiều thì khi mẹ đi chợ hay xin mua mấy củ khoai lang sống, đến chiều tối lại rủ nhau lấy ấu đốt thành than nướng khoai, cũng ngon vô cùng…
Nghe mẹ nói, để mua được những củ ấu ngon cũng cần có kinh nghiệm, phải chọn được những củ ấu già mới cho vị ngọt bùi, còn củ ấu non là sau khi cắn cái phụm là miệng nhận ngay một dòng nhựa chảy ra, sền sệt như kem. Và khi mua ấu nên chọn ấu sừng hơn là ấu trụi. Bởi ấu sừng trâu tuy nhỏ nhưng ăn bùi, ngọt và thơm. Còn ấu trụi thì không có gai, củ to, vỏ mỏng nhưng ruột lại xốp và bở.
Mỗi năm ấu chỉ có một mùa và qua đi rất nhanh, nếu ai đó có ghiền món ăn chơi này như tôi thì nhớ tranh thủ mua sớm kẻo lỡ nhé…
Cẩm Nhi
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
Thưởng thức bánh tráng trộn Sài Gòn
Bánh tráng trộn là món ăn có nguồn gốc từ Tây Ninh. Ban đầu, người dân ở đây lấy những mẩu bánh tráng trộn từ trong lò ra sau đó bỏ thêm dầu, hành phi, muối ớt để làm món ăn vặt trong gia đình.
Bánh tráng trộn đã trở thành món ăn được phổ biến trong địa phương và nổi tiếng tại nhiều tỉnh thành miền Nam. Đặc biệt, bánh tráng trộn còn trở thành nét đặc sắc không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực đất Sài thành.
Món ăn là sự kết hợp của những nguyên liệu dễ tìm, dễ kiếm. Bánh tráng gạo phơi sương hoặc ủ trong lá chuối tới khi dịu lại rồi cắt sợi, trộn với các nguyên liệu như bò khô, tôm khô, rau răm, trứng cút, xoài, sa tế, muối tôm, đậu phộng rang, một chút nước quất, hành phi, mỡ hành. Tùy khẩu vị của khách hàng mà có thể thêm quất hoặc nước me để tạo vị chua.
Dĩa bánh tráng sau khi trộn có hương vị và màu sắc hấp dẫn khó chối từ. Bánh tráng túy được trộn cùng nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng vẫn giữ được độ dài, đưa lên miệng là vị chua của xoài, của nước mẹ, vị giòn bùi của đậu phộng hòa cùng vị ngọt thơm của khô bò trứng cút, vị độc đáo của muối tôm, rau tăm khiến bất cứ thực khách nào cũng không thể chối từ.
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn
Bên cạnh món bánh tráng trộn với muối tôm, trứng cút, khô bò....giờ đây bánh tráng trộn còn được biến tấu với nhiều hương vị độc đáo hơn như các loại hải sản, bánh tráng trộn bò xào , cá viên...đáp ứng khẩu vị riêng của từng thực khách.
Bánh tráng trộn tuy mới chỉ xuất hiện trên đất Sài thành khoảng 10 năm nhưng đã đi vào lòng người dân thành phố một cách nhẹ nhàng. Món ăn tuy đơn giản, giá thành cũng chẳng lấy gì làm đắt đỏ nhưng chế biến cũng khá cầu kì. Có trực tiếp đếm từng động tác chế biến mới thấy hết được sự tỉ mỉ khéo léo của món ăn. Một chút dẻo dai của bánh tráng, chút bùi của trứng, chút cay của ớt, hăng của rau, thơm thơm của hành phi, ngọt ngọt của thịt bò. Chỉ vậy thôi cũng đủ khiến bất cứ ai thưởng thức qua cũng không thể quên được.
Bánh tráng trộn có mặt ở khắp các nẻo phố phường Sài Gòn nhưng có một con đường tập trung nhiều quán bánh tráng trộn nổi tiếng ngon, sạch hơn cả. Con đường ấy có tên Nguyễn Thượng Hiền nhưng với giới trẻ, nó có tên quen thuộc hơn là "con đường bánh tráng trộn". Cứ khoảng 3 giờ chiều cho đến 10 giờ tối, con phố Nguyễn Thượng Hiền như mang một hình ảnh khác với tấp nập với các xe bán bánh tráng trộn mọc san sát nhau, không chỉ thu hút giới trẻ mà các bậc phụ huynh cũng mê mẩn. Trong đó, có một quán đông tới mức muốn mua bánh phải...xếp hàng lấy số là quán bánh tráng trộn chú Viên. Quán đông khách đặc biệt không chỉ bởi bánh tráng ở đây mang hương vị..."đặc biệt tới khó tả" như nhiều thực khách yêu quý cho biết, mà còn bởi độ sạch của các nguyên liệu cũng như thái độ xởi lởi mến khách của chú chủ quán.
Dẫu món bánh tráng trộn trên đường Nguyễn Thượng Hiện đã được xem là "ngon nhất Sài Gòn" nhưng trên một vài con đường khác, người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh giới trẻ tụm năm tụm ba thưởng thức bánh tráng trộn như dọc đường Trần Hưng Đạo (khúc giao nhau giữa Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học) và đường Nguyễn Văn Cừ (khúc trước trường PTTH Lê Hồng Phong).
Khó ai có thể nói hết sự mê hoặc trong hương vị độc đáo của món bánh tráng trộn. Chỉ biết rằng người Sài Gòn yêu bánh tráng trộn, chấp nhận bánh tráng trộn như một thứ văn hóa độc đáo không thể thiếu của ẩm thực nơi phồn hoa bậc nhất đất nước này.
Theo Depplus
[Chế biến] - Lạc bọc đường Lạc bọc đường là món ăn vặt vô cùng thú vị. Chị em có thể tham khảo cách làm lạc bọc đường dưới đây. Nguyên liệu: - 300g lạc - 60 tinh bột khoai lang - 150g đường cát - 120ml nước sạch Cách làm: Bước 1: Rang lạc trong chảo với ngọn lửa nhỏ cho đến khi lạc chín, giòn, có màu...