Thủ tướng Pháp: Mặt trận cộng hòa có thể thành công
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal, một đồng minh thân cận của Tổng thống Emmanuel Macron, bày tỏ tin tưởng rằng nỗ lực của liên đảng nhằm tước đi thế đa số của đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai có thể thành công.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, hơn 200 ứng cử viên theo đường lối trung dung và cánh tả đã quyết định rút khỏi cuộc bầu cử Quốc hội Pháp trước thời hạn đăng ký chót ngày 2/7 nhằm dọn đường cho bất kỳ ai có vị thế tốt nhất để đánh bại ứng cử viên của đảng cực hữu RN tại khu vực bỏ phiếu của họ. Người Pháp gọi đây là nỗ lực tạo ra “ mặt trận Cộng hòa” chống lại đảng cực hữu. Phát biểu sau sự kiện trên, ông Attal khẳng định: “Việc rút lui này cho thấy chúng ta có thể tránh được trường hợp phe cực hữu giành đa số tuyệt đối” để kiểm soát Quốc hội Pháp gồm 577 ghế.
Ngày 3/7, bà Le Pen cho biết sẽ liên hệ với các đảng khác nếu RN không đạt được đa số tuyệt đối. Ứng cử viên Thủ tướng của bà, ông Jordan Bardella, đã khẳng định sẽ từ chối thành lập chính phủ nếu không có sự ủy nhiệm đủ mạnh.
Trong cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên ngày 30/6, RN đã dẫn trước, khiến phe trung dung của Tổng thống Macron tụt xuống vị trí thứ 3, sau RN và một liên minh cánh tả mới thành lập. Trong vòng này, 76 nhà lập pháp được bầu thẳng. Số phận của 501 ghế còn lại sẽ được quyết định ở vòng hai vào ngày 7/7 tới.
Trong nhiều năm, bà Le Pen đã nỗ lực làm dịu hình ảnh của RN nhưng chính sách chống người di cư và chủ nghĩa hoài nghi sâu sắc về châu Âu của đảng này đang bị cho là sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quá trình hội nhập châu Âu trong tương lai. Tuy nhiên, ngay cả khi RN không lên nắm quyền, Pháp vẫn có thể phải đối mặt với nhiều tháng bất ổn chính trị cho đến hết nhiệm kỳ của ông Macron vào năm 2027 – thời điểm mà bà Le Pen sẽ có thể tuyên bố tranh cử Tổng thống.
Video đang HOT
Pháp: Ứng cử viên 28 tuổi của phe cực hữu nhắm tới ghế thủ tướng
Chủ tịch 28 tuổi Jordan Bardella của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) đang nhắm đến chiếc ghế thủ tướng Pháp.
Lợi thế của đảng RN sau vòng bầu cử đầu tiên
Lãnh đạo đảng RN của Pháp Jordan Bardella phát biểu tại Paris ngày 9/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng 1 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp cho thấy đảng Tập hợp Quốc gia (RN) đã giành ưu thế lớn để chuẩn bị cho vòng 2 dự kiến diễn ra vào ngày 7/7. Chỉ những ứng cử viên giành được ít nhất 12,5% số phiếu bầu ở vòng đầu tiên mới có thể lọt vào vòng 2.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, đảng RN thu về 33% phiếu bầu trong vòng đầu tiên bầu cử Quốc hội. Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) về thứ hai với 28% và liên minh "Chung sức vì nền Cộng hòa" Tổng thống Emmanuel Macron giành được 20%.
Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên RN giành được hơn 20% số phiếu bầu trong một cuộc bầu cử Quốc hội và mang tới cơ hội để đảng này lập chính phủ cực hữu đầu tiên của đất nước. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của Quốc hội 577 ghế vẫn chưa chắc chắn và cơ hội giành quyền lực của RN sẽ phụ thuộc vào đàm phán chính trị mà các đối thủ của đảng thực hiện trong những ngày tới, trước vòng hai. Nếu không có đảng nào giành được đa số ghế cần thiết, cuộc bỏ phiếu này có thể khiến Quốc hội Pháp rơi vào tình trạng bế tắc.
Theo truyền thống, các cuộc bầu cử Quốc hội Pháp được tổ chức ngay sau bầu cử tổng thống. Kết quả thường sẽ có một thủ tướng thuộc cùng đảng chính trị với tổng thống. Cuộc bầu cử này được coi là canh bạc rủi ro nhất của Tổng thống Macron, có thể mở ra một thời kỳ "chung sống" không thoải mái giữa một thủ tướng cực hữu phụ trách chương trình nghị sự trong nước và một tổng thống theo chủ nghĩa tự do giám sát các vấn đề đối ngoại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/6 khi tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm đã nhấn mạnh: "Sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy là mối nguy hiểm cho đất nước, cũng như cho châu Âu, cho vị trí của Pháp ở châu Âu và trên thế giới".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 6 cho biết ông lo ngại về viễn cảnh đảng RN giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Nhà lãnh đạo Đức chia sẻ với truyền thông địa phương: "Tôi quan ngại về cuộc bầu cử tại Pháp. Hy vọng rằng các đảng chính trị, không phải của bà Le Pen, thành công trong cuộc bầu cử. Nhưng chính người Pháp sẽ quyết định điều này".
Kể từ khi Tổng thống Macron kêu gọi bầu cử sớm, hàng nghìn người đã biểu tình khắp nước Pháp để phản đối phe cực hữu. Thông điệp then chốt của đảng RN vẫn mang tính cực đoan với nhập cư, đạo Hồi và Liên minh châu Âu.
Lãnh đạo đảng 28 tuổi
Qua các bài đăng thường trên tài khoản TikTok với 1,3 triệu người theo dõi, Chủ tịch đảng RN, ông Bardella luôn thể hiện bản thân là một chính khách thân thiện, tươi cười và chụp ảnh cùng người ủng hộ. Bardella cam kết sẽ "khôi phục niềm tin vào nước Pháp và sự vĩ đại của quốc gia này".
Bardella lớn lên ở vùng ngoại ô Seine-Saint-Denis của Paris. Ông có cha mẹ là người gốc Italy. Bà nội của Bardella là người Algeria. Cha của chính khách trẻ tuổi này điều hành một công ty kinh doanh phân phối đồ uống. Ông rời bỏ gia đình từ khi Bardella còn nhỏ.
Theo tiểu sử do nhà báo Pierre-Stephane Fort viết, Bardella gia nhập RN năm 2012 khi mới 16 tuổi, sau ba tuần cầu xin mẹ cho phép. Ông đã bỏ học đại học ngành địa lý để tập trung vào sự nghiệp chính trị.
Lãnh đạo đảng RN Jordan Bardella tới điểm bỏ phiếu bầu Quốc hội ở Garches ngày 30/6. Ảnh: THX/TTXVN
Năm 2014, Bardella trở thành đại diện đảng RN tại Seine-Saint-Denis. Bardella sau đó có quan hệ tình cảm với Kerridwen Chatillon, con gái của Frederic Chatillon, một người bạn thân thiết của bà Le Pen. Bà Le Pen đã giới thiệu anh với lãnh đạo đảng. Bardella trở thành người được bà Le Pen đỡ đầu. Tiếp đó, ông được bổ nhiệm làm người phát ngôn của đảng RN ở tuổi 21.
Sự thăng tiến thần tốc của Bardella đến vào năm 2022, khi bà Le Pen phong cho ông làm chủ tịch RN để bà tập trung toàn lực vào cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo năm 2027.
Bardella cam kết sẽ cải tổ hệ thống giáo dục để khôi phục "quyền lực nhà nước" trong các trường học. Điều này bao gồm hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi sai trái, cũng như đuổi học sinh quậy phá hoặc bắt nạt khỏi lớp học và chuyển chúng đến các trung tâm đặc biệt mới thành lập. Chính trị gia trẻ tuổi này còn chủ trương cấm điện thoại di động trong trường học và đề xuất tái áp dụng đồng phục.
Về kinh tế, Bardella muốn giải quyết khủng hoảng chi phí sinh hoạt và cắt giảm thuế năng lượng để giúp người dân. Bardella cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhưng phản đối cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev.
Bầu cử Quốc hội Pháp: Liên minh của Tổng thống Macron hợp tác với cánh tả Ngày 1/7, phe trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hợp tác với liên minh cánh tả nhằm ngăn phe cực hữu chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội và kiểm soát chính phủ nước này, sau vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội mang lại kết quả bất ngờ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rời...