Thủ tướng lý giải nguyên nhân năm nào cũng có người chết do thiên tai
Cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai hạn chế, đê điều chưa được đầu tư kịp thời, nhiều khu nhà ở chưa đảm bảo… là những nguyên nhân khiến thiên tai gây hậu quả nặng nề.
Ngày 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, đồng thời triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Hội nghị diễn ra trước mùa mưa bão, thường bắt đầu vào tháng 7, với dự báo có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông từ tháng 7-12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mùa mưa bão năm ngoái, gần 7.000 người gặp nạn được cứu; trên 4 triệu lượt người với 900.000 lượt phương tiện trên biển được hướng dẫn tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới; 680.000 người được sơ tán đến nơi an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu thiên tai được quan tâm với hệ thống trên 1.000 trạm đo mưa tự động, 51 trạm cảnh báo thiên tai, 78 vị trí giám sát bằng camera để theo dõi trọng điểm đê điều và nhiều hồ chứa nước lớn đã được đầu tư.
Ngoài ra, Việt Nam làm tốt việc ứng cứu, hỗ trợ các nước trong thiên tai, như sự cố vỡ đập Attapeu của Lào, lực lượng Quân khu 5 đã tham gia cứu nhiều người dân nước bạn; việc cứu 22 ngư dân Philippines trên biển; vụ cứu tàu hàng lớn của Singapore…
Video đang HOT
Bên cạnh những kết quả trên, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Thủ tướng cho rằng khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế; nhiều khu vực dân cư nhà ở chưa bảo đảm an toàn; đê điều, hồ đập xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời, khu neo đậu tàu thuyền còn thiếu; hệ thống tiêu thoát nước đô thị không đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến thiệt hại còn nặng nề.
Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu.
Trận lũ tại Yên Bái vào tháng 7/2018 khiến 29 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế tại địa phương ước tính trên 200 tỷ đồng. Ảnh: Việt Linh.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính.
Trước hết, cần phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn. Tiếp đó là cần rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra.
Chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cũng cần được nâng cao, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn và thiết kế nhằm nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai.
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trước hết là kinh phí đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai.
Theo Zing.vn
Quảng Bình: Sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa bão
Mùa mưa bão 2019 được dự báo có nhiều bất thường, nhiệm vụ của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình với công tác phòng chống lụt bão càng trở nên khó khăn hơn.
Xác định được trọng trách của mình, chi cục đang triển khai các hoạt động sẵn sàng ứng phó trước những tình huống khó lường của thiên tai.
Cán bộ Chi cục Thủy lợi Quảng Bình kiểm tra kè tại xã Quảng Phúc (Quảng Trạch).
Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước
Quảng Bình hiện có 150 hồ chứa, 211 đập dâng thủy lợi với tổng dung tích các đập, hồ chứa khoảng 560 triệu mét khối, phục vụ tưới cho trên 55.000ha sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và sinh hoạt. Trong đó có 22 hồ chứa lớn và 1 đập dâng (7 hồ điều tiết bằng cửa van); số lượng đập, hồ chứa vừa là 32 hồ và 2 đập dâng, các hồ chứa đều có tràn tự do; số hồ chứa nhỏ là 96 hồ và 12 đập dâng, các hồ chứa đều có tràn tự do.
Trong năm 2018, Quảng Bình đã triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn hồ đập một cách đồng bộ, có hiệu quả. Để có được kết quả như vậy, Chi cục Thủy lợi đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, Công ty Khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra tình hình hư hỏng, xuống cấp của các hồ chứa nước. Công tác triển khai quản lý an toàn đập thực hiện theo Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND tỉnh về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập của các địa phương, đơn vị.
Trong tổng số 133 hồ đập do địa phương quản lý, chưa có tổ chức nào được các cấp chính quyền huyện, xã bàn giao quản lý đích thực; các hồ đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa. Còn đối với 17 hồ chứa do Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý thực hiện tương đối đầy đủ công tác quản lý an toàn đập, phần lớn hồ đập đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn tích nước, phòng lũ.
Đẩy mạnh quản lý hệ thống đê điều
Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi Quảng Bình, cho biết: Nhiệm vụ chính của các tuyến đê là chống lũ sớm, lũ tiểu mãn, ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ dân sinh - kinh tế của từng vùng, từng địa phương. Đến nay, hệ thống đê điều của tỉnh đã thực sự đóng vai trò quan trọng, thiết thực, gắn liền với đời sống nhân dân trong vùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế và công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.
Thực tế thấy toàn tỉnh Quảng Bình có trên 280km đê, kè cùng với gần 130 công trình qua đê, bao gồm cống, tràn các loại. Hệ thống đê điều trong tỉnh được phân loại: đê biển có 1 tuyến cấp IV, dài 5km; đê cửa sông có 11 tuyến, dài 82,5km (trong đó đê cấp IV có 4 tuyến, dài 34,9km và đê cấp V có 7 tuyến, dài 47,6km).
Hàng năm tỉnh kịp thời chỉ đạo các huyện, thị, thành phố có đê tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình đê điều, vật tư dự trữ phòng chống lụt bão làm cơ sở cho công tác hộ đê. Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tiến độ việc triển khai thực hiện các chương trình củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, đồng thời chủ trì phối hợp với các địa phương thực hiện xử lý sự cố các tuyến đê vùng cửa sông, ven biển bị sạt lở để kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương xây dựng phương án phòng chống lụt, bão, hộ đê, đặc biệt tập trung vào những vị trí đê có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, các vùng bờ sông sạt lở mạnh. Đây là công việc được tiến hành thường xuyên, nhất là trong mùa lũ, bão, để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều. Việc chuẩn bị vật tư dự trữ, nhân lực, phương tiện cho việc hộ đê được các cấp chính quyền địa phương coi trọng và kịp thời chỉ đạo khi cần thiết để huy động lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu, nhanh chóng xử lý khi sự cố xảy ra.
Đức Sơn
Theo KTDT
Bắc Giang: Thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống tham nhũng năm 2019 UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 287/KH-UBND triển khai công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 với 05 nhiệm vụ trọng tâm... Cụ thể: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của...