Thủ tướng đối thoại với ND: Nông dân kiến nghị, Chính phủ vào cuộc
Ngày 10/12, tại TP.Cần Thơ, lần thứ hai Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp đối thoại với nông dân về những vấn đề lớn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từng bước tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong sản xuất.
Ở lần đối thoại trước, có nhiều vấn đề nông dân đặt ra đã được các bộ ngành vào cuộc giải quyết ngay sau đó.
Chuyển động sau đối thoại
Còn nhớ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Hải Dương ngày 9/4/2018, nông dân Tô Hiến Thành (Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) chia sẻ, đến thời điểm này ông đã có gần 34 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Để có được tài sản như hiện nay (ông Thành có trang trại thịt lợn hữu cơ với diện tích 5,6ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm) ông đã thất bại không dưới 4 lần.
“Để duy trì sản xuất, chúng tôi phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp được không?” – ông Thành đặt câu hỏi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ nông dân trong buổi đối thoại lần thứ 1 tại Hải Dương. Ảnh: Đ.D
Trong khi đó, nông dân Võ Quan Huy (Long An) lại bày tỏ với Thủ tướng những khó khăn trong tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
“Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách gì để giải quyết vấn đề đất đai cho nông dân trong bối cảnh tích tụ ruộng đất mạnh mẽ, làm thế nào đảm bảo cho nông dân có việc làm, thu nhập ổn định? Ngoài ra, Chính phủ có chính sách gì để những người như chúng tôi thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất mở rộng ruộng đất?” – ông Huy nêu vấn đề.
Ngay sau hội nghị đối thoại, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cuối tháng 4/2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã có buổi làm việc với ông Tô Hiến Thành – Giám đốc HTX Trường Thành tại Bắc Giang, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa ông Thành với các ngân hàng trên địa bàn.
Tại cuộc gặp, lãnh đạo Agribank chi nhánh huyện Hiệp Hòa cho biết ngân hàng đã có quan hệ tín dụng với ông Thành từ năm 2002 đến nay, còn lãnh đạo VietinBank chi nhánh Bắc Giang cho biết, ông Thành có quan hệ vay vốn với Phòng Giao dịch Hiệp Hòa từ năm 2016. Ông Thành được đánh giá là khách hàng tốt, vay, trả nợ đúng hạn và các ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn, đặc biệt là VietinBank và Agribank trên tinh thần hợp tác phối hợp cần rà soát lại tất cả các khoản vay của ông Thành. Các khoản vay nào có thời hạn, lãi suất, mức vốn đầu tư phù hợp thì tiếp tục triển khai, những gì chưa phù hợp thì chủ động điều chỉnh.
Tiếp đó, sau khi xét đề nghị của NHNN Việt Nam về kết quả xử lý kiến nghị của nông dân Tô Hiến Thành (tỉnh Bắc Giang) và Võ Quan Huy (tỉnh Long An), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý kiến nghị của NHNN; khẩn trương có giải pháp phù hợp, tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp cho người dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Kịp thời gỡ khó…
Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6158/VPCP-QHĐP được ban hành ngay sau hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ nhất.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT xây dựng chương trình thương hiệu nông sản chủ lực; kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các đối tác có liên quan nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên thị trường; chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu trong nước cung cấp đủ nhu cầu về các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, phù hợp với lợi thế từng vùng miền.
Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập huấn đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa sản phẩm an toàn, vai trò và tác động của kinh tế hợp tác đối với kinh tế hộ gia đình.
Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống thương vụ tại nước ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại các quốc gia, tổ chức tuần hàng Việt Nam, vận động doanh nghiệp trong nước tham gia trưng bày sản phẩm nông sản giới thiệu tại nước sở tại….
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, để người dân đưa đất vào sử dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn…
Theo Danviet
Thủ tướng sẽ đối thoại với nông dân về 3 vấn đề lớn của tam nông
Ngày 10/12 tới, tại Thành phố Cần Thơ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP. Cần Thơ chủ trì Hội nghị "Thủ tướng đối thoại với nông dân" chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản". Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức hội nghị.
Đây là lần thứ 2, người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau thành công của lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương diễn ra vào tháng 4/2018.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông, các cơ quan thông tấn, báo chí; đặc biệt là sự có mặt của đông đảo nông dân đến từ các địa phương cả nước- đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại với nông dân lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2018 tại Hải Dương.
Theo Ban Tổ chức hội nghị, trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận: Gửi trực tiếp qua hệ thống tiếp nhận thư điện tử của Báo điện tử Dân Việt/NTNN; qua Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và qua các hệ thống khác.
Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Vấn đề về đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân...
Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao lưu, trả lời các băn khoăn, thắc mắc của nông dân.
Đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: "Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ sẽ trao đổi trực tiếp với nông dân xoay quanh những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đồng thời lắng nghe nông dân chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới..."
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Theo đồng chí Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân đó chính là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo nông dân có lãi. Để giải quyết được vấn đề khó khăn này cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt... Đó cũng chính là lý do để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam qua tham vấn lấy chủ đề của Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân năm nay là "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản".
Một nông dân của tỉnh Lâm Đồng trực tiếp đặt câu hỏi cho Thủ tướng tại Hội nghị đối thoại lần thứ nhất.
Năm 2019-2020 được coi là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề kết thúc giai đoạn 5 năm (2016-2021) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp.
Đại hội XII đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là "Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu". Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Với đường lối nhất quán và những chủ trương chính sách hiệu quả của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc. Ước tính năm 2019 cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa; 3,3 triệu tấn thịt lợn, 1,3 triệu tấn thịt gà; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn....Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD. Cùng với đó, đời sống người nông dân cũng được nâng lên, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững, bắt đầu xuất hiện khái niệm "tỷ phú nông dân" với những điển hình tiêu biểu về sản xuất giỏi.
Kết quả đạt được của ngành nông nghiệp còn có sự hỗ trợ từ rất lớn của nhiều bộ ngành thông qua sự điều hành linh hoạt của Chính phủ. Theo đó, ngành Công thương nỗ lực đàm phán những hiệp định thương mại nhằm đưa nông sản Việt Nam hiện diện ngày một nhiều trên thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.
Xác định vai trò quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung nguồn vốn,cho vay với lãi suất phù hợp. Tính đến cuối năm 2018, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 9,19%, chiếm tỷ trọng 24,59% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng từ 44%-60% trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình, cao hơn so với chỉ tiêu được giao. ..
Ngoài ra, từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và gặt hái được nhiều thành công. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có gần 120 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác được giải ngân cho vay mới với doanh số giải ngân gần 520 nghìn tỷ đồng...
Bên cạnh những thành tích đạt được, năm 2019 cũng được coi là năm rất khó khăn của ngành nông nghiệp do tác động bởi thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; đặc biệt là biến động về thị trường toàn cầu do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta.
Theo Danviet
Thủ tướng đối thoại với ND: Rác thải thuốc BVTV hủy hoại môi trường Rác thải tràn lan chất đống như núi khắp nơi. Tình trạng lạm dụng, phun thuốc trừ cỏ la liệt... đang tàn phá nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của những người đang sống ở nông thôn. Nhân hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân (được tổ chức ngày 10/12 tới tại TP. Cần...