- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Thú ‘ăn bớt’ thời gian để chơi game chốn công sở Việt

On 10/04/2012 @ 9:42 AM In Mọt game

Họ chơi game để để thỏa mãn nhu cầu giải trí và xả stress công việc.

Theo một điều tra mới nhất được thực hiện trên hơn 1.000 công ty lớn nhỏ tại Mỹ, cứ 4 người thì có một người thú nhận từng chơi game trong giờ làm việc. Điều thú vị là không chỉ nhân viên mà danh sách game thủ văn phòng còn có cả sự góp mặt của giám đốc hay trưởng phòng.

Tại Việt Nam, tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến. Với bản chất công việc sử dụng máy tính và Internet liên tục, dân công sở khó cưỡng lại những lời mời gọi quyến rũ của những dịch vụ giải trí online phong phú, trong đó có game. Họ có thể chơi trong giờ nghỉ trưa, chơi trong lúc rảnh việc, chơi trong lúc chờ thư của đối tác và cả khi sếp đi họp hoặc đi công tác.

Thú ăn bớt thời gian để chơi game chốn công sở Việt - Hình 1

Nhân viên văn phòng tranh thủ chơi game trong lúc làm việc. Ảnh minh họa: Việt Hải.

Các thể loại game được dân văn phòng quan tâm cũng đủ kiểu, từ game online đến game offline, minigame đến hardcore. Tuy nhiên, sự quan tâm của giới văn phòng vẫn tập trung phần lớn vào các game nhỏ như Kim cương, Pikachu... và game mạng xã hội như nông trại, nuôi thú ảo... Lý do là những thể loại này khá dễ chơi, không tốn nhiều thời gian hay đòi hỏi sự tập trung cao độ và đặc biệt là giúp người chơi thư giãn, xả stress do áp lực công việc.

Quản lý của một mạng xã hội lớn tại VN cho biết, theo thống kê trên hệ thống của họ, lượng người dùng từ 22 đến 35 tuổi (độ tuổi đã đi làm) thường xuyên truy cập vào các trò chơi tích hợp trên mạng này trong khoảng thời gian từ 10h đến 19h hàng ngày chiếm hơn 30%.

Vị này cũng cho biết, sở dĩ game mạng xã hội được nhóm đối tượng văn phòng chọn lựa xuất phát từ đặc trưng nhẹ, dễ chơi của nó. Bên cạnh đó, game mạng xã hội không đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và đặc biệt là không phải chơi liên tục.

Nhiều doanh nghiệp đã chọn cách dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn việc chơi game trong giờ làm việc. Tuy nhiên, hiệu quả của nó chưa thực sự được như mong đợi. Hiền, một nhân viên truyền thông ở Hà Nội, cho biết, việc công ty cô chặn domain và từ khóa nhiều khi không phải là cách hay, đôi khi còn gây ảnh hưởng đến chính công việc của cô khi cần tìm thông tin liên quan.

Thậm chí, việc hạn chế truy cập và cấm đoán quyết liệt đôi khi còn gây phản ứng ngược, tạo ra sự chống đối ngầm trong tư tưởng của nhân viên. Nam, cán bộ hành chính của một công ty xuất nhập khẩu, được cấp trên giao cho nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng chơi game trong giờ làm việc. Tuy nhiên, sau rất nhiều thư cảnh cáo, nội quy, các mức phạt lớn nhỏ, các nhân viên công ty vẫn tìm đủ mọi cách để "lách luật" thành công. Không những thế, anh còn bị nhiều nhân viên công ty, trong đó có cả bạn bè thân, tỏ thái độ không hay.

Anh Tuấn, kỹ thuật viên hệ thống của một doanh nghiệp tin học, khẳng định dù công ty đã dùng phần mềm chặn truy cập vào các trang cung cấp game, nhưng kể từ khi có mạng 3G với giá cước rẻ thì động thái chặn này không còn tác dụng. Chỉ cần USB 3G và máy tính, anh và đồng nghiệp có thể thoải mái vi vu trong thế giới ảo.

Theo Bưu Điện Việt Nam


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/thu-an-bot-thoi-gian-de-choi-game-chon-cong-so-viet-20120410i366751/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.