Thi tốt nghiệp THPT 2015: Nhiều thí sinh điều chỉnh môn thi
TT – Không ít thí sinh đề nghị chỉnh sửa bỏ bớt môn thi, đăng ký thêm môn thi mới. Một số thí sinh có giấy báo thi thiếu môn đăng ký cũng được các trường ĐH chủ trì cụm thi bổ sung.
Thí sinh làm thủ tục điều chỉnh sai sót trên giấy báo thi tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – Ảnh: M.Giảng
Một học sinh Trường THPT Trường Chinh (quận 12, TP.HCM) băn khoăn sợ rớt tốt nghiệp THPT vì… đăng ký dư môn thi.
Thí sinh này cho biết: “Em đăng ký dự thi năm môn, trong đó có môn vật lý. Em không dùng môn vật lý để xét tốt nghiệp cũng không xét đại học. Nếu em bỏ thi môn này hoặc thi bị điểm liệt thì có bị rớt tốt nghiệp hay không? Lúc đầu nghĩ đăng ký môn này để có thể xét tuyển thêm khối A1, nhưng sau này em quyết định chỉ xét các tổ hợp của khối D1 nên không muốn dự thi môn này nữa. Em có cần phải đăng ký hủy môn thi hay không?”.
Đây cũng là lo lắng của nhiều thí sinh bởi đến thời điểm hiện tại có rất nhiều thí sinh đã đề nghị điều chỉnh môn thi, trong số này có rất nhiều thí sinh đề nghị bỏ bớt môn thi.
Nhiều đề nghị điều chỉnh
Video đang HOT
Hiện tại, cụm thi số 16 do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì đã điều chỉnh thông tin cho trên 190 thí sinh. Khoảng một nửa trong số này được điều chỉnh về môn thi. Phần lớn thí sinh đề nghị điều chỉnh môn thi tập trung ở các trường THPT thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Riêng Trường THPT Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) có 22 thí sinh điều chỉnh môn thi, trong đó nhiều thí sinh đề nghị bỏ môn lịch sử, đăng ký dự thi thêm môn vật lý, sinh học. Trong khi đó, Trường THPT Bình Chánh (TP.HCM) có đến 44 thí sinh đề nghị điều chỉnh môn thi. Phần lớn trong số này có giấy báo thi bị sót môn mà thí sinh đã đăng ký hoặc đăng ký thiếu môn đề nghị bổ sung. Cũng tại cụm thi này, một số thí sinh bị dán nhầm ảnh, sai nơi sinh, họ tên, ngày tháng năm sinh, thiếu đối tượng ưu tiên… đã được trường điều chỉnh.
Ông Phạm Thái Sơn – phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho biết trường vừa nhận thêm các đề nghị điều chỉnh từ các sở GD-ĐT.
Việc điều chỉnh môn thi sẽ không thực hiện nữa, trong khi các thông tin khác như họ tên, khu vực ưu tiên… trường sẽ tiếp tục điều chỉnh sai sót cho thí sinh đến hết ngày làm thủ tục dự thi 30-6. Tương tự, hiện tại các trường ĐH chủ trì tổ chức cụm thi như Tiền Giang, Cần Thơ, Công nghiệp TP.HCM… cũng đã tiến hành chỉnh sửa sai sót cho thí sinh, trong đó có các yêu cầu về điều chỉnh môn thi.
Ông Nguyễn Minh Trí – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ – cho biết sau khi có hướng dẫn điều chỉnh sai sót cho thí sinh của Bộ GD-ĐT ngày 18-6, đến nay trường mới chỉ tiếp nhận năm hồ sơ đề nghị chỉnh sửa, trước đó thì có nhiều.
Trong khi đó, bà Trịnh Minh Huyền – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – cho biết đến nay vẫn chưa nhận được yêu cầu điều chỉnh nào từ các sở gửi về. Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – cho biết các đề nghị điều chỉnh của thí sinh đã được đơn vị này chuyển cho các trường ĐH chủ trì cụm thi.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị đăng ký dự thi tập hợp các đề nghị sửa chữa sai sót trong dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh, đối chiếu với hồ sơ gốc và gửi về cho các hội đồng thi trước ngày 24-6; in giấy báo dự thi đã cập nhật các sửa chữa cho thí sinh trước ngày 27-6; sửa chữa thông tin đăng ký dự thi của thí sinh thuộc cụm thi tại tỉnh và cập nhật vào cơ sở dữ liệu.
Các trường ĐH chủ trì cụm thi tiếp nhận đề nghị sửa chữa thông tin đăng ký dự thi của thí sinh từ các sở GD-ĐT và cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Hoàn thành việc sắp xếp phòng thi cho thí sinh có thay đổi về môn thi trước ngày 26-6.
Các trường có thể đánh số báo danh bổ sung cho các thí sinh mới đăng ký dự thi, bố trí các thí sinh này cũng như các thí sinh đề nghị sửa chữa sai sót về môn thi ở các phòng thi riêng.
Học sinh Tiền Giang thi tại… Bến Tre!
Năm nay, mỗi cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì phải có ít nhất thí sinh của từ hai tỉnh dự thi. Hầu hết các trường ĐH đều bố trí các điểm thi tập trung tại trung tâm tỉnh lỵ, thành phố. Tuy nhiên, do điều kiện ở nhiều địa phương nên việc bố trí điểm thi dàn ra các huyện lân cận.
Chẳng hạn cụm tại Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), ngoài các điểm thi đặt tại TP Việt Trì còn có bốn điểm thi đặt tại huyện Lâm Thao và thị xã Phú Thọ. Tương tự, cụm do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì cũng có tám điểm thi tại thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước bên cạnh 32 điểm thi tại TP Quy Nhơn. Các cụm thi do Trường ĐH Bạc Liêu, An Giang chủ trì cũng có các điểm thi ở các huyện.
Điểm đáng chú ý nhất là cụm thi tại Tiền Giang do Trường ĐH Tiền Giang chủ trì (dành cho học sinh tỉnh Tiền Giang và Bến Tre), ngoài 26 điểm thi tại TP Mỹ Tho và các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Châu Thành của tỉnh Tiền Giang còn có năm điểm thi đặt tại huyện Châu Thành và TP Bến Tre của tỉnh Bến Tre.
Ông Huỳnh Tấn Lợi – giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Tiền Giang – cho biết toàn bộ thí sinh của hai tỉnh được trộn lại sau đó phân về các điểm thi. Nếu bố trí điểm thi toàn bộ tại Tiền Giang, trường buộc phải sử dụng trường ở các huyện.
Tuy nhiên, nếu so với một số điểm thi ở Bến Tre thì các huyện này của Tiền Giang có khoảng cách xa hơn. Vì vậy trường quyết định tổ chức các điểm thi ở Bến Tre, và nhiều học sinh của Tiền Giang sẽ dự thi tại đây. Việc bố trí điểm thi ở Bến Tre nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại, ăn ở của thí sinh trong các ngày thi.
Đóng 800.000 đồng mới được nhận giấy báo thi!
Theo phản ảnh của nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (huyện Hóc Môn, TP.HCM), trường yêu cầu học sinh khối 12 phải đóng 800.000 đồng trường mới trả giấy báo dự thi.
Một học sinh cho biết: trường thông báo tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia trong một tháng dành cho học sinh khối 12, nhưng không thông báo sẽ thu 800.000 đồng.
Trong khi còn một tuần nữa học sinh dự thi, đến nhận giấy báo thi thì trường buộc phải đóng 800.000 đồng tiền ôn thi mới cho nhận giấy báo thi.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Kim Nhi – hiệu trưởng nhà trường – cho biết trường tổ chức ôn thi theo hướng dẫn của sở và đã có họp phụ huynh về vấn đề này.
Phụ huynh yêu cầu trường tổ chức ôn cho học sinh với mức phí 800.000 đồng/4 môn. Đây là mức phí để trả cho thầy cô giáo, vì thời điểm này (tháng 6) trường không hoạt động, không có kinh phí để chi trả.
Có tất cả 365 học sinh tham gia, nhưng đến thời điểm này còn 200 em chưa đóng phí cho nhà trường. Trường đã có nhắc nhở với các em về việc đóng phí, bởi đó là nghĩa vụ và phụ huynh đã đồng ý. Giấy báo thi chỉ là thủ tục, thực tế các em hiện nay đã biết mình thi ở đâu rồi.
Theo TTO