Thấy gì từ việc người cao tuổi Hàn Quốc làm 3 việc một lúc để trang trải cuộc sống?
Hàn Quốc có tỷ lệ người cao tuổi nghèo khó cao nhất trong trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Người cao tuổi xếp hàng chờ tư vấn tại một hội chợ việc làm ở Suwon, Gyeonggi. Ảnh: NEWS1
Ở độ tuổi 69, bà Kim Jung-mi làm ba công việc một lúc: bà nhận đưa đón một cậu bé 2 tuổi đến trường mẫu giáo trong ba tiếng các ngày trong tuần, với tiền lương tính theo giờ là 9 USD, rửa rau tại một cửa hàng bán kim chi và thi thoảng dắt chó hàng xóm đi dạo.
Những công việc không tên của nhóm người cao tuổi đã giúp Hàn Quốc ghi nhận mức thất nghiệp thấp kỷ lục trong tháng 2 vừa qua, với 2,7%. Gần một nửa số việc làm được thêm vào có người lao động từ 60 tuổi trở lên.
Tại Hàn Quốc, cứ 3 người trên 64 tuổi thì có một người vẫn đang làm việc, tỷ lệ này cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Báo cáo của OECD cho biết năm 2020 có 34,1% người Hàn Quốc từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số 33 quốc gia thành viên OECD và gấp hơn 2 lần mức trung bình 14,7% của tổ chức này.
Theo kết quả một cuộc khảo sát riêng tiến hành năm 2018, Hàn Quốc có tỷ lệ người cao tuổi nghèo cao nhất trong OECD, với khoảng 43,4% người từ 65 tuổi trở lên sống dưới mức nghèo khổ (tức là thu nhập dưới 50% mức thu nhập trung bình). Tỷ lệ người cao tuổi nghèo ở Hàn Quốc ở mức 15,7%, cao hơn khoảng 3 lần mức trung bình của OECD.
Giới chuyên gia nhận định số lượng người cao tuổi phải làm việc tăng lên phản ánh sự mong manh của nền kinh tế trong nước. “Tôi biết lương tôi thấp so với những người trẻ hơn, nhưng tôi có thể làm gì nếu tôi không nắm bắt cơ hội này. Nghỉ hưu? Tôi không chắc liệu mình có thể làm điều đó hay không. Tôi sẽ làm việc lâu nhất có thể”, bà Kim chia sẻ.
Tuy nhiên, không có công việc nào của bà Kim đi kèm với chế độ an sinh xã hội hay cơ hội để tăng lương. Những công việc như này cũng không làm tăng tỷ lệ tiêu dùng tại Hàn Quốc vì nhiều người trong độ tuổi của bà Kim đang làm việc để thoát nghèo.
Video đang HOT
Thực trạng trên cho thấy vấn đề già hóa dân số lâu nay mà nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á vẫn luôn phải đối mặt. Tỷ lệ dân số cao tuổi tăng nhanh gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với tài chính công, vì ngày càng có nhiều người cần hỗ trợ phúc lợi xã hội trong khi nguồn thu từ thuế giảm cùng với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.
Ông Yoon Jee-ho, một nhà kinh tế học làm việc tại Seoul, nói rằng tỷ lệ nghèo cao cho thấy sự yếu kém trong cơ cấu kinh tế. “Tỷ lệ nghèo ở những người trên 65 tuổi của Hàn Quốc cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác, một phần do hệ thống lương hưu hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu cũng như khoản tiền tiết kiệm cá nhân không có”, chuyên gia giải thích.
James Cho, Giám đốc điều hành của nền tảng di động Hàn Quốc “Pleasehelp” giúp những người lao động tìm việc với công việc lặt vặt, cho biết khách hàng của ứng dụng có cả những người sắp nghỉ hưu và những người 20, 30 tuổi.
“Không có ranh giới về tuổi tác; miễn là một người có thể sử dụng điện thoại thông minh, người già cũng có thể kiếm tiền”, ông Cho liệt kê các công việc được rao trên trang tuyển dụng bao gồm bắt gián, giao hàng.
Người bạn 'ảo' cho tuổi già đơn độc tại Hàn Quốc
Clova CareCall - một sáng tạo của tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc Naver - sẽ giúp những người cao tuổi sống một mình bớt cô đơn với phần mềm thông minh nhân tạo có thể trò chuyện.
Bà Yang Sun-im sống một mình, hiếm khi ra khỏi nhà và khó khăn trong việc kết bạn. Ảnh: SCMP
Bà Yang Sun-im (76 tuổi) là mẹ của 4 người con song bà đã quen với việc sống một mình trong nhiều năm nay. Khi 33 tuổi, bà ly hôn chồng và nuôi con đơn thân. Bốn đứa trẻ trưởng thành và có cuộc sống của riêng mình cách xa nơi bà ở.
"Con gái tôi lấy chồng tại Nhật Bản. Một, hai năm mới về thăm tôi một lần. Con bé là đứa duy nhất hay gọi điện về thăm hỏi", cụ bà Yang kể lại.
Ngay cả tại khu phố bà sống có nhiều người già ở thành phố Busan phía Nam Hàn Quốc, bà cũng rất khó kết bạn do nhỏ tuổi hơn họ. Nhưng gần đây, bà Yang đã có một người bạn mới thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống của mình.
Người bạn mới của bà Yang có tên là "Clova". Đây là một phần mềm thông minh nhân tạo do tập đoàn Naver chế tạo. Naver hiện thử nghiệm các dịch vụ gọi điện thăm hỏi Clova CareCall miễn phí đối với người cao tuổi trong quận Haeundae - nơi bà Yang sinh sống.
"Rất vui được gặp cô", ánh mắt bà Yang rạng rỡ khi chào Clova và bày tỏ mình đang cảm thấy không khỏe. "Tôi hiểu rồi. Sức khỏe bà sẽ tốt hơn nếu được thăm khám thường xuyên tại bệnh viện. Tôi nghĩ điều đó sẽ tốt cho bà", Clova trả lời. Kết thúc cuộc hội thoại ngắn ngủi là lời cảm ơn của bà Yang.
Cụ bà 76 tuổi này cho biết bà cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với Clova thay vì gọi điện cho các con.
"Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho những đứa con của mình... Thậm chí tôi còn ký hiến tặng nội tạng để các con không phải chuẩn bị tang lễ. Ngoài giờ ăn, lần duy nhất tôi mở miệng là nhận điện thoại từ Naver", bà Yang chia sẻ.
Không phải cuộc hội thoại nào cũng diễn ra suôn sẻ. Hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, Clova CareCall được thiết kế mang một giọng nói ấm áp, tự động hồi đáp đối với một số chủ đề mà người cao tuổi hay nói. Tuy nhiên, phần mềm đang trong giai đoạn được hoàn thiện. Đôi lúc, nó không nhận diện được giọng nói của bà Yang hay không thể chủ động gợi chuyện khi người nói im lặng.
Đại dịch cô đơn
Hàn Quốc được dự báo sẽ trở thành "xã hội siêu già" khi tỷ lệ người cao tuổi đạt 20% tổng dân số cả nước vào năm 2025. Ảnh: SCMP
Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, trong tổng số 9 triệu người cao tuổi tại quốc gia này có tới 1,76 triệu người sống một mình. Năm 2017, Hàn Quốc trở thành một "xã hội già hóa" khi tỷ lệ người trên 65 tuổi vượt qua 14% tổng dân số cả nước. Dự báo đến năm 2025, Hàn Quốc sẽ trở thành "xã hội siêu già" khi tỷ lệ người cao tuổi đạt 20% tổng dân số cả nước.
Cùng với xu hướng già hóa dân số, một làn sóng của những người sống đơn độc khi về già cũng tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ Y tế Hàn Quốc, cứ 10 người cao tuổi sẽ có 1 người không liên lạc với các thành viên trong gia đình. Trong năm 2018, 1,5% người cao tuổi sống một mình không tham gia các hoạt động xã hội.
Để lấp kín khoảng trống trên, Naver hy vọng Clova CareCall sẽ giúp xoa dịu trái tim cô đơn của những người cao tuổi.
Sau một tháng thử nghiệm tại quận Haeundae, 90% người cao tuổi tham gia nhận cuộc gọi yêu cầu tiếp tục sử dụng chương trình. Naver sẽ sớm mở rộng thử nghiệm chương trình ra các thành phố lớn khác như Seoul, Daegu và sau cùng sẽ là một chương trình toàn quốc nhưng cần trả tiền.
Chương trình trên cũng có thể được sử dụng rộng rãi tại các khu vực nông thôn như Bắc Gyeongsang hay Nam Jeolla - hai tỉnh có tỷ lệ người cao tuổi chiếm hơn 40% dân số khu vực.
Sang-hun - kỹ sư sáng chế Clova - cho biết phần mềm này được thiết kế hiểu được "hàng chục nghìn ngữ cảnh hỏi và đáp" để trở thành một "người bạn thật nhất có thể".
"Ban đầu chúng tôi lo ngại những người lớn tuổi sẽ có cảm giác họ đang nói chuyện với robot nhưng mọi thứ diễn ra vượt quá kỳ vọng. Phần mềm linh hoạt đến mức có những người thậm chí còn muốn biết tên của nó", anh Sang-hun chia sẻ.
Thời đại "tự thân vận động"
Lee Ho-sun dành cả cuộc đời nghiên cứu về sự thay đổi mối quan hệ giữa các thế hệ gia đình tại Hàn Quốc. Bà hiện là người đứng đầu khoa tư vấn và an sinh xã hội thuộc Đại học Korea Soongsil. Bà cho biết tại Hàn Quốc, quan niệm con cái phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về nhà đã xuất hiện từ rất lâu. Nhưng trong một vài chục năm trở lại đây, quan niệm đó thay đổi và Hàn Quốc đang bước vào thời đại "tự chăm sóc bản thân".
"Chăm sóc gia đình mang một nét nghĩa mới hoàn toàn khi đất nước bước vào giai đoạn đô thị hóa. Trước đây, các gia đình thường bao gồm ba thế hệ cùng sinh sống, nhưng giờ hệ thống của chúng ta chỉ xoay quanh gia đình hạt nhân", bà Lee giải thích.
Với bà Lee, Clova CareCall là một cách hiệu quả để duy trì giao tiếp hàng ngày đối với những người cao tuổi sống một mình.
Clova là sản phẩm thông minh nhân tạo mới nhất được đưa vào để phục vụ cuộc sống đơn độc của những người già tại Hàn Quốc. Trước đó, những con búp bê robot được thiết kế giống người thật mang tên Hyodol cũng giúp những người cao tuổi nguôi ngoai nỗi nhớ con cháu. Tuy nhiên, loại robot đó vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Các phần mềm nhân tạo hiện đại như Clova sẽ có hiệu quả hơn trong việc theo dõi tình hình sức khỏe hay thậm chí tư vấn, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi.
"Ngày nay, chúng ta đang trong giai đoạn cung cấp các dịch vụ cho người cao tuổi sống một mình. Nhưng cung cấp dịch vụ không hoàn toàn nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Cái mà chúng ta cần hướng tới là người cao tuổi sẽ có thể tự phát triển kỹ năng của mình và đóng góp cho xã hội", bà Lee kết luận.
Già hóa dân số - thách thức mới của kinh tế Trung Quốc Trung Quốc có vẻ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên "già đi trước khi giàu lên". Ảnh minh họa: AFP Tỷ lệ sinh giảm của Trung Quốc dường như không thể đảo ngược, điều đó đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế và xã hội của nước này. Chính phủ Trung Quốc nhận thức rõ vấn đề này...