Thay đổi màu nước tiểu là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm
Nước tiểu màu nâu, vàng đậm hoặc đỏ là những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc một số bệnh lý nguy hiểm.
Nước tiểu thường có màu vàng nhạt. Tuy nhiên, ở nhiều người, nước tiểu màu vàng đậm , nâu, đỏ, thậm chí chuyển sang xanh. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm.
Trong một số trường hợp, nước tiểu có cục máu đông , dẫn đến màu nâu hoặc đỏ. Các bác sĩ gọi trường hợp này là tiểu ra máu. Nguyên nhân gây nên hiện tượng khá nhiều.
Theo WebMD , nó có thể do nhiễm trùng thận , bàng quang hoặc ung thư. Một số người gặp phải tình trạng này do chấn thương, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm virus, viêm tuyến tiền liệt , bàng quang hoặc thận, nhiễm khuẩn liên cầu thận …
Thông thường, nước tiểu có màu vàng nhạt và bị đổi màu do ảnh hưởng của thuốc hoặc các bệnh lý nguy hiểm khác. Ảnh: Freepik.
Ngoài những bệnh lý về thận – tiết niệu, nước tiểu đổi màu còn là triệu chứng của những bệnh lý dưới đây:
Viêm, xơ gan
Nước tiểu màu nâu là dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất ở những người mắc viêm gan A, B hoặc C. Gan của bệnh nhân không thể đào thải độc tố, làm sạch máu. Điều này dẫn đến sự tích tụ chất độc màu vàng trong máu là bilirubin. Bilirubin khiến nước tiểu chuyển màu vàng đậm đến nâu.
Bệnh nhân bị viêm gan còn gặp thêm triệu chứng sốt, mệt mỏi, biếng ăn, buồn nôn, đau bụng, đau khớp, vàng da hoặc mắt.
Trong nhiều trường hợp nặng, bệnh nhân bị xơ gan cũng gặp phải tình trạng nước tiểu màu nâu , vàng đậm. Xơ gan biểu hiện bằng các vết sẹo do bệnh nhân mắc viêm gan lâu năm.
Xơ gan giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng nhưng nếu bệnh chuyển nặng, bệnh nhân bị khó ngủ, không tập trung, trí nhớ kém, phù nề tay, chân, chướng bụng, da hoặc mắt vàng, yếu cơ.
Hội chứng tiêu cơ vân cấp
Tập thể dục cường độ cao quá mức cũng có thể gây vỡ các tế bào cơ. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng tiêu cơ vân cấp.
Các tế bào cơ bị huỷ hoại dẫn đến giải phóng loạt chất kali, acid uric, myoglobin, acid lactic, enzyme (CPK, AST, ALT…) vào máu, dẫn đến rối loạn nước điện giải, toan chuyển hóa, sốc, tăng kali máu. Ngoài ra myoglobin còn làm tắc ống thận gây suy thận cấp.
Ngoài tập thể dục cường độ cao, các nguyên nhân khác cũng gây tiêu cơ vân cấp. Đó là tổn thương cơ trực tiếp do chấn thương: sập hầm, đổ nhà, tai nạn giao thông…; bỏng rộng đặc biệt do điện giật, sét đánh; thiếu máu cục bộ cấp tính: tắc động mạch cấp tính; nhiễm độc cấp; một số bệnh nhiễm khuẩn và virus như uốn ván, viêm đa cơ; tăng thân nhiệt quá cao hay hạ thân nhiệt dưới 35 độ C kéo dài, nhiễm toan ceton…
Hội chứng tiêu cơ vân cấp do chấn thương, bỏng…, có thể gây biến đổi màu của nước tiểu. Ảnh: Freepik.
Thiếu máu
Thiếu máu hay thiếu máu tán huyết là bệnh mà các tế bào hồng cầu bị phá hủy. Chúng tràn vào cơ quan bài tiết, gây nên hiện tượng nước tiểu có màu nâu hoặc sẫm màu. Một số bệnh nhân bị thiếu màu do di truyền. Nhiều trường hợp khác bị thiếu máu do lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, viêm loét đại tràng.
Bệnh nhân bị thiếu máu tán huyết còn gặp phải triệu chứng da nhợt nhạt bất thường, mắt hoặc da vàng, sốt, cơ thể yếu, mệt, chóng mặt, lú lẫn, nhịp tim nhanh, khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Ung thư da
Một số bệnh nhân bị ung thư da gặp phải tình trạng hắc sắc tố rò rỉ vào máu và khiến nước tiểu đổi màu. Tuy nhiên, trường hợp này cũng rất hiếm.
Ung thư da còn đặc trưng bởi các triệu chứng như xuất hiện các nốt ruồi, đồi mồi bất thường; đau ngứa da dai dẳng hoặc bị mẩn đó trên cơ thể; chảy máu, viêm loét da trong thời gian dài, thường xuyên.
Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên, thường gặp nhất là tại vùng tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời như da mặt, đầu, tai, cổ. Ung thư da có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị sớm.
Nếu phát hiện muộn ung thư da và không điều trị kịp thời sẽ gây di căn cho các cơ quan khác, nguy hiểm tính mạng
Ngoài những bệnh lý khác, người có nước tiểu vàng đậm, nâu, đỏ còn do bọ ve đốt. Bởi một số bọ ve mang vi khuẩn gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Người bị nhiễm trùng do bọ ve còn gặp thêm triệu chứng sốt, giống cúm, đau đầu, cơ, buồn nôn, đau bụng.
Người uống nhiều thuốc kháng sinh, nhuận tràng, chống sốt rét, giãn cơ…, nhưng không nạp đủ nước cũng gây hiện tượng nước tiểu có màu vàng đậm, nâu.
Thậm chí, nước tiểu có thể mang màu xanh khi dùng xanhmethylen (trị nhiễm khuẩn đường tiểu), hay màu hồng khi dùng thuốc danthron (trị táo bón) hoặc diphenylhydantoin (trị động kinh), màu đỏ cam khi dùng thuốc chống đông máu anisindion (miradon) hoặc thuốc trị đau cơ khớp chlorzoxazon (paraflex)…
Do đó, bạn không cần lo lắng về vấn đề này. Nếu gặp thêm hiện tượng dị ứng, buồn nôn, khó chịu khác sau khi uống thuốc, bạn cần tới bệnh viện để kiểm tra phòng trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra.
Bệnh ung thư khiến người mắc có nước tiểu màu nâu
Ung thư bàng quang khiến nước tiểu của bệnh nhân chuyển màu nâu, kèm theo một số triệu chứng như đau vùng xương chậu, sụt cân, phù nề chân.
Bàng quang là cơ quan nằm ở bụng dưới, chứa nước tiểu do thận bài tiết ra và đào thải nó ra ngoài thông qua đường niệu đạo. Theo Mayo Clinic , ung thư bàng quang là bệnh phổ biến, khởi phát từ các tế bào của bộ phận.
Tỷ lệ mắc ung thư bàng quang đứng thứ 4 ở nam giới (sau ung thư tuyến tiền liệt, phổi, đại trực tràng) và thứ 7 với nữ giới. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn phụ nữ gấp 3 lần.
Hầu hết bệnh ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đây là bệnh dễ tái phát sau khi chữa khỏi. Vì thế, bệnh nhân phải xét nghiệm, theo dõi thường xuyên trong nhiều năm.
Dấu hiệu
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mỗi năm, khoảng 2.000 trường hợp mắc ung thư bàng quang mới được phát hiện.
Triệu chứng điển hình nhất của ung thư bàng quang là có máu trong nước tiểu. Điều này khiến nước tiểu chuyển sang màu nâu hoặc đỏ, kèm máu cục và được gọi là tiểu ra máu. Bệnh nhân còn gặp thêm một số dấu hiệu khác ít phổ biến hơn như đi tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát, cảm giác nóng rát khi tiểu tiện.
Nếu ung thư bàng quang giai đoạn cuối và bắt đầu lan rộng, bệnh nhân sẽ bị đau vùng xương chậu, sụt cân bất thường, nổi hạch 2 bên bẹn và phù nề chân.
Nước tiểu màu nâu, đỏ hoặc có cục máu đông là triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh lý về bàng quang, tiết niệu. Ảnh: Freepik.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai có nước tiểu màu nâu cũng đều mắc ung thư bàng quang. Nó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang, nhiễm trùng thận, sỏi thận, viêm niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt.
Mọi tế bào trong bàng quang đều có thể phát triển thành ác tính, gây ung thư. Dựa trên nơi tế bào ung thư khởi phát, bệnh được chia thành:
Ung thư biểu mô : Xảy ra ở các tế bào lót bên trong bàng quang. Các tế bào biểu mô giãn nở khi bàng quang đầy và co lại khi nó rỗng. Đây cũng là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất tại Mỹ.
Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loại ung thư này có liên quan tình trạng bàng quang bị kích thích mạn tính do nhiễm trùng hoặc sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài. Ung thư bàng quang tế bào vảy rất hiếm khi xảy ra tại Mỹ và phổ biến hơn ở những nơi thường xuyên có các ca nhiễm ký sinh trùng như sán. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây loại ung thư này.
Ung thư biểu mô tuyến: Ung thư biểu mô tuyến khởi phát trong các tế bào của tuyến tiết chất nhờn của bàng quang. Đây là loại rất hiếm khi được ghi nhận.
Ngoài tiểu ra máu, bệnh nhân bị ung thư bàng quang còn có thể đau vùng xương chậu, phù nề chân... Ảnh: Freepik.
Cách phòng ngừa
Những bệnh nhân bị ung thư bàng quang thường phải sống chung với cảm giác mệt mỏi, trầm cảm vì tình trạng đau buốt, khó chịu. Nếu phải cắt bỏ bàng quang, bệnh nhân có thể được chỉ định tái tạo hoặc dùng ống thông bên ngoài.
Ung thư bàng quang còn có thể gây rối loạn cương dương (với nam giới) và thu hẹp vùng kín (ở phụ nữ). Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống hôn nhân của bệnh nhân.
Khoảng 77% bệnh nhân sống thêm hơn 5 năm sau khi phẫu thuật, xạ hoặc hóa trị bàng quang. Khoảng 70% bệnh nhân sống trên 10 năm và 65% người trên 15 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại bệnh và giai đoạn tiến triển của tế bào ung thư.
Theo tổ chức Ung thư Mỹ, những nhóm người sau đây có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn: Thường xuyên hút thuốc lá; có người thân từng bị bệnh; tiếp xúc nhiều với cao su, da thuộc, vật liệu in, dệt, sơn, kim loại, chất hóa học từ dầu mỏ; uống nước có hàm lượng cao asen; có tiền sử bị nhiễm trùng bàng quang; sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài.
Hiện nay, y học chưa tìm ra cách cụ thể để ngăn ngừa ung thư bàng quang. Do đó, chúng ta chỉ có thể giảm thiểu nguy cơ bị bệnh bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh. Tài liệu của Mayo Clinic khuyên chúng ta không nên hút thuốc. Người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao gấp 4 lần bình thường.
Nếu đang tiếp xúc, làm việc trong môi trường hóa chất, bạn cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời. Bệnh càng được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi càng cao.
Để giảm bớt áp lực và ảnh hưởng lên bàng quang, tiết niệu, bạn nên ăn nhiều rau, củ, quả, trái cây. Chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây sẽ giúp bổ sung chất chống oxy hóa, giảm nguy cơ bị ung thư.
Nguy cơ mắc ung thư của chúng ta càng tăng khi bạn già đi. Do đó, bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
Nhiễm trùng tiết niệu, bệnh chẳng chừa ai Nhiễm trùng tiết niệu có thể xảy ra ở tất cả các bộ phận trong hệ tiết niệu, có thể gặp ở trẻ em, thanh niên, người cao tuổi và ở cả 2 giới. Ảnh minh họa Nhiễm trùng tiết niệu là gì? Đó là tình trạng nhiễm trùng cấp hoặc mạn tính của các bộ phận trong hệ tiết niệu: thận (nơi...