Thấp thỏm với ‘khu vực nguy hiểm, cấm vào’ của trường tiểu học ở Quảng Bình
Được xây dựng từ nhiều chục năm trước lại thường xuyên bị mưa bão tàn phá nên nhiều trường học ở Quảng Bình xuống cấp trầm trọng khiến nhiều lớp học phải đi… học nhờ
ảnh minh họa
Trường Tiểu học Hạ Trạch nằm ngay trung tâm UBND xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Được xây dựng những năm 1990, qua quá trình sử dụng, trường xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay.
“Khu vực nguy hiểm cấm vào”
Vừa bước chân vào Trường Tiểu học Hạ Trạch , chúng tôi rùng mình khi thấy một tấm biển có ghi dòng chữ: “Khu vực nguy hiểm cấm vào”. Hỏi thăm một giáo viên thì được biết cơn bão số 10 vừa qua khiến nhiều phòng học rơi vào tình trạng “chờ sập”. “Vì vậy, trường phải treo bảng này cảnh báo cho học sinh không chơi đùa ở khu vực này” – giáo viên này nói.
Trường Tiểu học Hạ Trạch được xây dựng gần 30 năm, nhiều phòng học xuống cấp trầm trọng buộc trường phải để biển báo “khu vực nguy hiểm cấm vào” (ảnh dưới)
Theo ghi nhận, nhiều phòng học của Trường Tiểu học Hạ Trạch xập xệ, xuống cấp đến khó tin. Tại khu nhà lớp học có 10 phòng thì có nhiều phòng bị bong tróc nghiêm trọng, quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra các vết nứt lớn chạy dọc các bức tường. Trần nhà thủng nhiều vị trí, cửa sổ thì chắp vá. Tại một số cột trụ, bê tông bong ra, lồi cả lõi thép gỉ rét.
Cô Đặng Thị Hậu, chủ nhiệm lớp 2B, cho biết rất nhiều lần vào những ngày mưa kéo dài, học sinh phải ngồi học trong tình trạng nước từ trên mái nhà dột xuống.
Ngoài ra, dãy lan can bảo vệ hành lang tầng 2 đã bị ăn mòn có thể đổ sập bất cứ lúc nào, các giáo viên phải dùng sợi dây bằng vải buộc neo lại để tránh rơi rụng. Không những vậy, tại ngôi trường này, một số đoạn tường rào đổ sập, nhà vệ sinh hư hỏng, nhếch nhác.
Cô Lê Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Trạch, cho biết toàn trường có 309 học sinh với 15 lớp học. Trường có 3 dãy nhà thì chỉ có 1 dãy còn mới (6 phòng học), còn lại đều được xây dựng từ hàng chục năm nay và đã xuống cấp. “Riêng dãy nhà lớp học gồm 10 phòng, trong đó 6 phòng học, 4 phòng chức năng được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp trầm trọng và chỉ chực sập. Khu nhà này nằm ở vị trí thấp nên thường xuyên bị ngập lụt. Cứ nghe tin có mưa bão là thầy trò lo ngay ngáy” – cô Thủy nói.
Di tản để tránh nguy hiểm
Để bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa qua, chính quyền UBND xã Hạ Trạch và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hạ Trạch đã có biện pháp tạm thời là di dời 6 lớp học với hơn 100 học sinh đến các phòng học cũ của trường mầm non trên địa bàn. Tuy nhiên, theo cô Thủy, các phòng học mầm non mà nhà trường mượn học tạm cũng trong tình trạng xuống cấp, chật chội và ẩm thấp.
“Từ chỗ học sinh học một nơi, nay phải chia thành 3 đến 4 nơi gây rất nhiều khó khăn cho công tác dạy học cũng như quản lý của nhà trường. Hằng ngày, giáo viên và học sinh phải dạy và học trong các phòng nhỏ, chật chội, ẩm thấp… nên các em rất khó chịu, bức bối” – cô Thủy bộc bạch.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Văn Tác, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch, cho biết Trường Tiểu học Hạ Trạch được xây dựng vào năm 1990 do một Việt kiều ở Thái Lan tài trợ. Khi đó, trường có 5 phòng học. Sau đó, UBND xã xin thêm kinh phí từ cấp trên, cùng với sự ủng hộ các nhà tài trợ và phụ huynh đã nâng cấp thêm 5 phòng lợp mái tôn.
“Năm 2013, một cơn bão đi qua làm phòng học bị tốc mái, nứt nẻ tường nhưng chúng tôi cũng đã khắc phục, sửa chữa. Đến cơn bão số 10 vừa qua thì trường bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng, có khả năng gây nguy hiểm cho học sinh nên đành phải mượn tạm các phòng học mầm non cho các em học” – ông Tác cho hay.
Khó có vốn xây trường mới
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cũng thừa nhận Trường Tiểu học Hạ Trạch không bảo đảm an toàn cho việc dạy và học nên đã cấm không cho học sinh học trong đó. Theo ông Vũ, sau khi kiểm tra và nhận thấy tình trạng dãy nhà lớp học 10 phòng này đã xuống cấp nên huyện cũng quyết định không sửa chữa nữa mà sẽ cho xây mới. “Nhưng sau bão số 10, Bố Trạch bị thiệt hại nặng nề khiến nhiều công trình trọng yếu bị tàn phá nên phải dùng nguồn vốn dự phòng để sửa chữa các công trình cấp bách đó trước. Vì vậy, hiện nguồn vốn để xây dựng lại lớp học cho Trường Tiểu học Hạ Trạch rất khó khăn” – ông Vũ nói.
Hai trường học khác cũng…chờ sập
Theo tìm hiểu của phóng viên, còn 2 trường học khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng trong tình trạng chờ sập là Trường Tiểu học số 1 Ba Đồn (thị xã Ba Đồn) và Trường Tiểu học số 1 Quảng Phú (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch). Thầy Đoàn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Ba Đồn, cho biết trường do tổ chức UNICEP tài trợ xây dựng từ năm 1976, do chưa có điều kiện xây dựng lại nên xuống cấp từ nhiều năm nay. “Trường đã làm tờ trình đề nghị Phòng Giáo dục, UBND thị xã xin đóng cửa 8 phòng học và đề nghị sớm có biện pháp khắc phục” – thầy Nam nói.
Còn cô Tương Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Quảng Phú, cho hay dãy nhà cấp bốn với 4 phòng học của trường được xây dựng cách đây 42 năm đã cũ nát, dột nước khắp nơi. Sau bão số 10, trường có nguy cơ đổ sập, đe dọa tính mạng giáo viên và học sinh. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, nhà trường phải sắp xếp cho các em vào học tạm ở các phòng y tế và phòng họp của giáo viên.
Theo NLĐ
Gia Lai:165 giáo viên dạy học chưa được nhận lương
Hơn 3 tháng nay, gần 165 giáo viên trên địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai) vẫn chưa nhận được tiền lương.
Những giáo viên hợp đồng đã dạy hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa được nhận lương
Do tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, nhiều đơn vị trường học trên địa bàn huyện Ia Grai đã phải ký hợp đồng thêm giáo viên và nhân viên. Nhưng từ đầu năm học 2017-2018 đến nay, hàng trăm giáo viên, nhân viên vẫn chưa được nhận lương theo hợp đồng lao động.
Hiện tại, huyện này có 271 giáo viên, nhân viên hợp đồng (gồm 165 giáo viên, còn lại là nhân viên y tế, thiết bị, văn thư, bảo vệ, kế toán, cấp dưỡng...).
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chè - Phó trưởng Phòng Tài Chính - Kế hoạch huyện Ia Grai cho biết, ngay từ đầu năm học 2017-2018, UBND huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch để dự trù và tuyển dụng một số giáo viên hợp đồng nhằm đáp ứng việc thiếu giáo viên trên địa bàn theo định mức được giao.
Tuy nhiên gần đây, có quy định các cơ quan, đơn vị, địa phương đã sử dụng hết số biên chế sự nghiệp được giao, không được thực hiện hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Được biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai cũng đã có tờ trình lên UBND huyện và Phòng Tài chính để xin hơn 3,8 tỷ chi trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng từ tháng 9 - 12 năm học 2017-2018.
Ông Dương Mah Tiệp - Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, cho hay: "Vào tháng 5.2017 huyện đã tuyển dụng các giáo viên hợp đồng nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học. Đồng thời cũng chuẩn bị ngân sách để chi trả cho các giáo viên hợp đồng trên địa bàn.
Nhưng khi có quy định yêu cầu không được thực hiện hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ, nếu huyện trả lương thì sẽ sai quy định. Vì vậy, huyện đã làm văn bản gửi Sở Tài chính, Sở Nội vụ để xin ý kiến".
Là một giáo viên đã gắn bó với Trường Mầm non 17-3 (thị trấn Ia Kha) hơn 10 năm, cô Trương Thị Thảo (giáo viên hợp đồng) chia sẻ: "Đã hơn 3 tháng nay, tôi chưa được nhận lương, trong khi đó, 2 con nhỏ đang cần tiền đóng học, chưa kể các chi phí trong gia đình. Nếu tiếp tục dạy không có lương thì chắc tôi phải bỏ nghề. Biết là yêu nghề, yêu trẻ nhưng trên vai tôi còn gia đình, tôi cần có lương để sống nữa".
Trải lòng với chúng tôi, cô N. (25 tuổi, giáo viên của một trường tiểu học ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) tâm sự: "Em đi làm hơn 3 tháng nay nhưng không có một đồng lương để đổ xăng. Gia đình cũng đã khuyên nên bỏ việc, nhưng em vẫn cố bám trụ vì em đã dành 4 năm theo học sư phạm chỉ mong được đứng lớp. Em mong muốn lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện để chi trả quyền lợi cho chúng em...".
Trao đổi với chúng tôi, thầy Phạm Văn Đại -Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, cho biết: "Nếu như cắt hết hợp đồng, thì các giáo viên biên chế phải dạy thêm giờ. Việc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các giáo viên, tiền tăng giờ cũng sẽ tăng khoảng 3 lần so với tiền chi cho giáo viên hợp đồng".
Đi dạy không lương, các giáo viên đành phải đi làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập phục vụ cho chi phí sinh hoạt.
Trong lúc đợi các sở, ban, ngành trả lời thì các giáo viên vẫn đang chật vật bám trụ với giảng đường dạy chữ cho các em học sinh.
Theo Dân Việt
Hiệu trưởng và giáo viên bị kỷ luật vì để trẻ đánh bạn bầm tím Hiệu trưởng trường Mầm non Ngọc Sơn (Hiệp Hòa, Bắc Giang) bị khiển trách, giáo viên chủ nhiệm lớp bị cảnh cáo. Ngày 8/12, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) quyết định kỷ luật cán bộ, giáo viên trường Mầm non Ngọc Sơn liên quan đến việc bé gái 4 tuổi bị bạn học đánh bầm tím người. Hiệu trưởng Dương Thị Thắm...