Thẩm Thúy Hằng – Minh tinh được trả cả cân vàng và bi kịch của một đời hồng nhan
Không quá lời khi người ta nói rằng vẻ đẹp của bà gây ám ảnh, thậm chí giới truyền thông còn so sánh nhan sắc của Thẩm Thúy Hằng ngang ngửa với Marilyn Monroe – biểu tượng sắc đẹp và huyền thoại điện ảnh Mỹ
Thẩm Thúy Hằng sinh năm 1940, trưởng thành tại Sài Gòn nhưng xuất thân trong một gia đình gốc Hải Phòng với tên thật là Nguyễn Kim Phụng. Những tinh hoa của vùng đất hoa hậu xứ Bắc đã nhào nặn nên một Thẩm Thúy Hằng mang nhan sắc xuất chúng, trở thành tiêu chuẩn sắc đẹp của phụ nữ thời bấy giờ. Vừa bước sang tuổi 15, khi nhan sắc còn đang ở độ thiếu niên như mùa xuân mới chớm, Thẩm Thúy Hằng đã nức tiếng là một hoa khôi lộng lẫy trong giới học sinh đất Sài thành.
Không quá lời khi người ta nói rằng vẻ đẹp của bà gây ám ảnh, thậm chí giới truyền thông còn so sánh nhan sắc của Thẩm Thúy Hằng ngang ngửa với Marilyn Monroe – biểu tượng sắc đẹp và huyền thoại điện ảnh Mỹ. Thẩm Thúy Hằng sở hữu gương mặt trái xoan với đôi mắt bồ câu đen láy đầy trữ tình, bờ môi trái tim ngọt ngào, sống mũi thon thanh cao, thân hình căng tràn sức sống của một nữ thần.
Từ cái tên giản dị Kim Phụng tới nghệ danh “Thẩm Thúy Hằng”
Trong một lần đọc được thông tin về cuộc thi tuyển diễn viên, cô gái Kim Phụng 16 tuổi đã âm thầm giấu gia đình ghi tên dự tuyển. Với dung mạo xuất chúng và tài năng thiên phú, Kim Phụng xuất sắc vượt qua 2.000 người đẹp khác và vinh dự giành giải nhất.
Lấy cảm hứng từ lòng ngưỡng mộ của Kim Phụng dành cho người thầy dạy văn chương Thẩm Thệ Hà – một nhà giáo, nhà thơ yêu nước đang nổi tiếng thời bấy giờ, giám đốc hãng phim đã đặt nghệ danh cho Kim Phụng là Thẩm Thúy Hằng. Từ đây, cô gái 16 tuổi Kim Phụng đã có cơ hội vàng bước vào lĩnh vực “nghệ thuật thứ 7″. Chỉ một bước ngắn thôi, nhưng điều này đã khiến Kim Phụng nhảy vọt rất xa lên tuyệt đỉnh vinh quang.
Trước năm 1975, Thẩm Thúy Hằng là nữ “ minh tinh màn bạc ” nổi tiếng theo cách gọi thời bấy giờ, bởi không chỉ đóng rất nhiều phim trong nước mà Thúy Hằng còn tham gia nhiều phim trong khu vực Đông Nam Á. Nổi lên từ vai diễn Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương , Thẩm Thúy Hằng mang luôn biệt danh này nhờ sự ái mộ của công chúng, và trở thành biểu tượng nhan sắc phụ nữ một thời ở Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung.
Thẩm Thúy Hằng không chỉ đóng phim mà còn đóng kịch và cũng khá nổi tiếng trên sân khấu kể cả trước và sau giải phóng. Với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương – một phim đen trắng của hãng phim Mỹ Vân do nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn, ra mắt công chúng năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã nổi lên như một ngôi sao điện ảnh và chinh phục hoàn toàn sự hâm mộ nồng nhiệt của khán giả màn ảnh rộng lúc bấy giờ. Cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã theo Thúy Hằng đi suốt cuộc hành trình nghệ thuật những thập niên 50 – 60… cho đến ngày giải phóng 1975.
Tiền cát-xê mua được 1 kg vàng
Sau khi trở thành ngôi sao tỏa sáng làng điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng được các hãng phim lúc bấy giờ mời vào vai chính liên tục. Bà đóng rất nhiều phim (khoảng 60 phim) và trở thành nữ minh tinh số 1 với tiền cát-xê 1 triệu đồng cho một vai diễn (tương đương 1 kg vàng 9999 thời bấy giờ).
Ngoài vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương, một vai diễn khác cũng rất đẹp của Thẩm Thúy Hằng từng gây được tiếng vang góp phần đưa tên tuổi của bà lên nấc thang danh vọng, đó là vai Chức Nữ trong bộ phim Ngưu Lang Chức Nữ. Trong số lượng phim đồ sộ do Thẩm Thúy Hằng tham gia đóng vai chính, có thể kể đến một số bộ phim nổi tiếng như: Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự tích Trầu Cau, Bạch Viên – Tôn Cát, Nửa hồn thương đau, Đôi mắt huyền, Dang dở, Tơ tình, Oan ơi Ông Địa, Bóng người đi, Ngậm ngùi, Sóng tình, 10 năm giông tố, Xin đừng bỏ em… Những phim đó, Thẩm Thúy Hằng đóng chung với các tên tuổi “gạo cội” trong làng diễn viên điện ảnh cũng như sân khấu cải lương lúc bấy giờ như: La Thoại Tân, Kim Cương, Trần Quang, Thanh Thúy, Thành Được, Út Bạch Lan, Túy Hoa.
Có thể nói giai đoạn rực rỡ nhất của Thẩm Thúy Hằng là khoảng thời gian 1965 – 1972, phim nào có bà đóng cũng đạt doanh thu rất cao. Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng đứng ra thành lập hãng phim riêng mang chính tên của bà là hãng phim Thẩm Thúy Hằng (tiền thân của hãng phim Vilifilms sau này).
Không chỉ hợp tác làm phim, đóng phim ở nước ngoài mà đi đâu, dự bất cứ cuộc liên hoan phim nào, Thẩm Thúy Hằng cũng đều được trọng vọng, sánh ngang hàng với các diễn viên nổi tiếng nước ngoài.
Không có vùng cấm nào trong nghệ thuật
Để nói về sự thành công của Thẩm Thúy Hằng, ngoài nhan sắc trời phú và tài năng thiên bẩm thì phải nhắc tới sự táo bạo, bản lĩnh hơn người của bà. Trong giai đoạn những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, khi tư tưởng hà khắc về người phụ nữ vẫn còn đè nặng, bà là nữ diễn viên đầu tiên “dám” đóng cảnh nóng và không ngần ngại khoe nét đẹp phồn thực của mình trên màn ảnh rộng.
Thẩm Thúy Hằng cho rằng không có vùng cấm nào trong nghệ thuật. Nếu vai diễn cần bất kỳ yếu tố nào để thực sự trọn vẹn thì bà đều có thể đáp ứng.
Trên đỉnh cao danh vọng
Chính nhờ vào tài năng và nhan sắc, Thẩm Thúy Hằng đạt được đỉnh cao danh vọng khi liên tục nhận được những giải thưởng cao của điện ảnh Châu Á và quốc tế: Hai lần đoạt giải diễn viên xuất sắc Á Châu tại LHP Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong LHP Á Châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972 – 1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Mascova và Tasken tại Liên Xô năm 1982, vượt qua những nữ diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ …
Thành công và nổi tiếng trên lĩnh vực điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng cũng nổi tiếng và thành công cả trên lĩnh vực kịch nói, cải lương, tân nhạc . Thẩm Thúy Hằng không chỉ đóng vai trò Trưởng ban kịch mà còn viết kịch bản, thủ vai chính. Ngoài ra, hình ảnh của Thẩm Thúy Hằng đi liền với Thanh Nga thường xuyên xuất hiện trên bìa các báo xuân và lịch tết với biểu tượng một người là “Nữ hoàng điện ảnh”, người kia là “Nữ hoàng sân khấu cải lương”. Cả hai đều đại diện cho nhan sắc phụ nữ được nhiều người ái mộ.
Sau giải phóng 1975, trong lúc một số nghệ sĩ chạy ra nước ngoài định cư thì Thẩm Thúy Hằng cùng chồng là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh từ chối những cơ hội ra đi mà chọn con đường ở lại quê nhà. Ông Nguyễn Xuân Oánh từng làm Phó Thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng chế độ cũ, sau đó là Quyền Thủ tướng trong 2 năm: 1964 – 1965. Sau năm 1975, có thời gian ông làm cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Nguyễn Xuân Oánh mất vào ngày 29/8/2003 vì bệnh tim, thọ 82 tuổi. Mọi người đều nhìn nhận chính ông Nguyễn Xuân Oánh (lớn hơn Thẩm Thúy Hằng 20 tuổi) đã ảnh hưởng rất nhiều tới tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Thẩm Thúy Hằng qua hai giai đoạn biến cố của lịch sử. Do đó nói về Thẩm Thúy Hằng mà không nhắc tới ông Nguyễn Xuân Oánh là điều thiếu sót.
Một bông hồng và nhân duyên trời định
Ông Nguyễn Xuân Oánh sinh năm 1921 tại Bắc Giang, từng theo học ngành kinh tế Đại học Harvard, trường Đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ và trên thế giới . Ông tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế vào năm 1954 và làm việc tại Ngân hàng Thế giới một thời gian trước khi về nước đảm nhận vai trò Thống đốc Ngân hàng quốc gia vào năm 1963 (sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính).
Có giai thoại kể rằng năm GS TS Nguyễn Xuân Oánh về nước, vừa bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất có một hàng rào người đẹp Sài Gòn đón chào và tặng hoa. Chính “Người đẹp Bình Dương” nổi tiếng đã gắn lên ve áo vest của ông Nguyễn Xuân Oánh một bông hồng đỏ thắm. Không ngờ đóa hồng định mệnh này đã tạo cơ hội cho cả hai quen nhau, một chính khách đang nổi lên trên chính trường và cô nữ minh tinh khả ái. Chuyện phải đến đã đến. Sau đó, họ thành vợ chồng, vượt qua tất cả những xì xào, bàn tán của dư luận một thời.
Chuyện kể rằng trong giai đoạn GS TS Nguyễn Xuân Oánh tham gia chính trường chế độ cũ, trong những buổi tiếp tân, chiêu đãi chính khách, quan khách trong ngoài nước, nhiều “mệnh phụ phu nhân” vợ của chính khách, tướng tá đã tỏ vẻ khó chịu khi phải sánh ngang hàng với Thẩm Thúy Hằng – phu nhân của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh, họ cho rằng bà không xứng đáng để ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm, đi đứng ngang hàng với họ vì bà thuộc đẳng cấp khác, hay nói thẳng ra là “phường xướng ca vô loài”.
Có lẽ nhận thấy điều này và tránh cho chồng phải khó xử nên những lần sau, Thẩm Thúy Hằng từ chối, không tham gia những bữa tiệc sắc mùi chính trị và phân chia giai cấp ấy nữa.
Thảm họa dao kéo
Kể từ vai diễn Phồn Y trong vở Lôi vũ trên sân khấu kịch nói của đoàn Kim Cương, NSUT Thẩm Thúy Hằng chính thức từ giã sân khấu, màn ảnh và các hoạt động nghệ thuật khác để lui về cuộc sống khép kín ở ngôi nhà riêng trên đường Cách mạng Tháng Tám. Ở đây, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Oánh nghỉ hưu, xa rời chốn quan trường, còn Thẩm Thúy Hằng muốn che giấu mọi người thời kỳ nhan sắc tàn tạ của mình trong giai đoạn biến chứng cuối cùng của chất silicon.
Những năm tháng cuối cùng này đối với “Nữ hoàng nhan sắc” quả thật là tột cùng của sự đau khổ. Bà đã trải qua nhiều cuộc giải phẫu lớn nhỏ và sử dụng phương pháp tiêm botox thường xuyên để chống chọi với sự tàn phá của hóa chất trong cơ thể. Nhưng dù cố gắng hết sức, bằng mọi phương pháp kéo dài thời gian nhưng rồi “Người đẹp Bình Dương” lộng lẫy một thời cũng phải chấp nhận sự thật: tất cả những gì đẹp đẽ, lộng lẫy trước đây đã bị đào thải, gương mặt bà biến dạng từng ngày.
Căn nhà ở đường Cách mạng Tháng Tám cũng được bán đi, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Oánh – Thẩm Thúy Hằng mua một ngôi nhà khác ở vùng Bình Quới quận Bình Thạnh và lui về ẩn dật theo đúng cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông và Thẩm Thúy Hằng không tiếp xúc với bên ngoài, sống gần như trong bóng tối, ăn chay trường, tu tại gia, nghe kinh và làm việc từ thiện cho tới lúc ông qua đời vì cơn đau tim vào năm 2003
Chưa dừng lại ở đó, khi đã bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp, vì quá tiếc nuối nhan sắc thời trẻ, Thẩm Thuý Hằng đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ mong lấy lại vẻ đẹp thời hoàng kim. Hậu quả là khuôn mặt mỹ nhân được mệnh danh đẹp nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam đã biến dạng một cách khủng khiếp.
Khi người chồng thứ 2 qua đời, Thẩm Thúy Hằng quyết định tìm đến thiền định, lấy pháp danh nhà Phật, tập trung làm từ thiện với tâm niệm đáp trả lại những gì cuộc đời đã ban tặng, và cũng là cách để bà tìm lấy sự bình yên. Gần 30 năm tránh né dư luận, nhờ sự cứu rỗi của đạo Phật, Thẩm Thúy Hằng đã tự tin xuất hiện công khai với ngoại hình bị tàn phá nhưng vẫn giữ phong thái kiêu hãnh của một minh tinh màn bạc năm nào.
Hồng nhan không tránh khỏi kiếp bạc phận
Ít ai biết được rằng, đằng sau ánh hào quang rực rỡ của một đại minh tinh, Thẩm Thuý Hằng đã phải chịu đựng 2 nỗi đau dày vò bà mãi những năm cuối đời. Đó là không được người con mình dứt ruột đẻ ra thừa nhận và sự tàn phai nhan sắc lừng lẫy một thời do biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ.
Thành công nào cũng cần sự đánh đổi, nhưng cái giá phải trả đắt hay rẻ thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu được. Ở tuổi chớm đôi mươi xuân sắc, Thẩm Thuý Hằng từng lên xe hoa theo mong muốn của cha mẹ và kết quả của cuộc hôn nhân sắp đặt ấy là 1 cô con gái.
Nhưng gia đình nhỏ nhanh chóng đổ vỡ. Trước áp lực hình ảnh hoàn hảo của một minh tinh, Thẩm Thuý Hằng đau đớn cho đi đứa con bà hết mực yêu thương. Trải qua bao năm tháng dằn vặt, ở tuổi xế chiều bà quyết tâm quay trở về tìm lại người con của mình, nhưng cô gái ấy đã từ chối mọi sự liên quan với bà hết sức nhẹ nhàng, khiến trái tim người mẹ lầm lạc phải nghẹn thắt.
Nhan sắc của người phụ nữ giống như đóa phù dung sớm nở, mau tàn. Người hâm mộ thấu hiểu nỗ lực của Thẩm Thúy Hằng khi sử dụng phẫu thuật thẩm mỹ để níu giữ hình ảnh tượng đài sắc đẹp một thời và xót xa, thương cảm khi khuôn mặt từng đẹp như điêu khắc ấy dần rệu rã. Nhưng khi nhắc về “tượng đài nhan sắc Việt”, người ta vẫn nhớ một Thẩm Thúy Hằng đẹp nghiêng nước nghiêng thành với trí thông minh, tài năng thiên phú và một trái tim vô cùng bản lĩnh.
Kim Vui: người phụ nữ hấp dẫn nhất của Sài Gòn thập niên 60-70
Nhắc đến các minh tinh điện ảnh Việt Nam thế hệ trước, người ta thường nhớ tới những tên tuổi lớn như Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương. Tuy nhiên, còn một nữ tài tử khác cũng từng rất nổi tiếng và được xem như một biểu tượng sắc đẹp khiến bao người mê đắm. Đó là diễn viên Kim Vui.
Đại mỹ nhân cát xê cao vút, đi hát 12 phòng trà mỗi đêm
Bàn về những nhan sắc của màn ảnh Việt xưa, thật thiếu sót nếu không nhắc đến nữ diễn viên Kim Vui. Nhìn Kim Vui rất dễ bắt gặp hình ảnh của những minh tinh quốc tế như Sophia Loren, Elizabeth Taylor, Rita Hayworth. Kim Vui tên thật là Nguyệt Chiếu, sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình bình dân. Thời nhỏ, cô được cha mẹ cưng chiều và cho đi học múa ballet. Sau đó, cô chuyển sang nhảy belly dance. Đây là tiền đề giúp phát triển tài năng nghệ thuật sau này cho Kim Vui và khiến cô sở hữu một vóc dáng cân đối, nóng bỏng.
Tuy nhiên, vì cha mẹ sống với nhau không hạnh phúc nên gia đình cô lâm vào khó khăn, khiến Kim Vui phải đi làm và bước chân vào ngành giải trí từ sớm.
Thời gian đầu tiên, Kim Vui được danh ca Minh Trang đỡ đầu đi hát và đặt cho nghệ danh này, với mong muốn cuộc đời luôn được vui vẻ, hạnh phúc. Thế nhưng, bản thân cô lại từng phải xót xa thừa nhận: "Cuộc đời của tôi buồn nhiều hơn vui".
Năm 17 tuổi, Kim Vui tham gia cuộc thi hát ở đài truyền hình và gây ấn tượng mạnh mẽ với giám đốc đài. Từ đó, cô được mời ký hợp đồng thu âm, đi hát chính thức trở thành ca sĩ, nhanh chóng nổi tiếng chỉ trong thời gian ngắn.
Kim Vui chủ yếu thể hiện những dòng nhạc trẻ trung, tân thời và một chút lãng mạn, trữ tình, phù hợp với cá tính của cô. Ngoài nhạc Việt, cô còn hát nhạc Anh, Pháp, Ý.
Trong giai đoạn năm năm cuối của thập niên 1950, Kim Vui cùng với Minh Tuyết, Tuyết Hằng... nổi lên như một hiện tượng của làn sóng mới trong nền tân nhạc.
Kim Vui sở hữu một giọng hát khá hay, hơi khàn nhưng ấm áp và tình cảm, âm sắc lạ, lại khá kỹ thuật, thể hiện qua cách ngân rung, nhả chữ, đúng như lời nhà văn Hồ Trường An từng nói: "Kim Vui có giọng tốt, làn hơi mượt mà, kỹ thuật già dặn, cách ngân nga tuyệt vời. Đó là một giọng hát trong trẻo, thanh tao".
Nhờ giọng hát đầy truyền cảm đó, cộng với ngoại hình xinh đẹp, quyến rũ nên Kim Vui vô cùng đắt show và trở thành cái tên kéo khách tại các sân khấu ca nhạc. Thời đỉnh cao, mỗi tối cô đi diễn từ 10 tới 12 phòng trà khác nhau. Cô sở hữu mức cát xê khá cao.
Về sự nổi tiếng của mình, Kim Vui từng nói: "Nếu tôi đi hát tại một phòng trà, có 20 người đi theo. Tôi qua phòng trà thứ hai, 20 người đó tiếp tục đi theo tôi. Tới khi qua phòng trà thứ 3, vẫn 20 người đó theo tôi, kèm theo cả mớ người nữa".
Vì quá nổi tiếng nên Kim Vui quyết định lấn sân thêm vào lĩnh vực diễn xuất theo một số lời mời gọi. Tuy nhiên, sự nghiệp phim ảnh lại không hề dễ dàng với cô. Cuối thập niên 1960, cô tham gia vào một số phim điện ảnh, nhưng không gây nhiều ấn tượng với khán giả.
Một cơ may đến với Kim Vui khi cô được đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời đóng vai chính trong phim Chân Trời Tím cùng với Hùng Cường. Ban đầu, vai diễn của Kim Vui được đạo diễn nhắm tới Thẩm Thuý Hằng, nhưng người đẹp này từ chối vì không muốn đóng chung với một đào kép cải lương là Hùng Cường. Nhờ đó nên Kim Vui được chọn để thay thế.
Nhờ lối diễn đầy phóng khoáng và ăn ý nên sau bộ phim này, Kim Vui trở thành những hiện tượng mới, nổi đình đám trong làng phim ảnh. Đặc biệt, Kim Vui dù xuất hiện không nhiều trong phim nhưng lại được khen ngợi nhiều vì lối diễn xuất tự nhiên, chân thật, giàu cảm xúc.
Phim Chân Trời Tím khởi chiếu năm 1971 và gây nên một cơn sốt phòng vé hiếm có. Kim Vui nhanh chóng được bước chân vào hàng minh tinh điện ảnh, đứng chung với Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga. Vai nữ ca sĩ nhạc jazz lụy tình trong phim Chân Trời Tím xuất hiện bên cạnh Hùng Cường, tên tuổi của Kim Vui đã tỏa sáng rực rỡ, đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất của giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 1971 của phủ tổng thống tổ chức, và đích thân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã trao tặng Kim Vui tượng vàng trong đêm liên hoan trao giải tại dinh Độc Lập.
Tuy không có một sự nghiệp điện ảnh rực rỡ, nhưng Kim Vui lại được xem là nữ tài tử đa tài, khi biết cả diễn, hát, múa và nhảy.
Cô được đông đảo công chúng ái mộ nhờ vẻ đẹp đầy kiều diễm, nóng bỏng và gợi cảm hiếm có của mình. Khán giả ưu ái mệnh danh cô là Elizabeth Taylor của Việt Nam.
Nhan sắc và thân hình quyến rũ của cô còn được so sánh với cô đào nổi người Ý là Sophia Loren. Giới báo chí tại Sài Gòn cũng gọi Kim Vui là "người phụ nữ hấp dẫn nhất của Sài Gòn thập niên 60-70". Đó là một vẻ đẹp pha trộn giữa chất mềm mại Á Đông và sự bốc lửa Tây Phương, vừa quý phái vừa phóng khoáng như Ava Gardner.
Kim Vui chính là người đầu tiên dám mặc bikini lên màn ảnh, khoe vóc dáng căng tràn sức sống, với số đo ba vòng đầy đặn, quyến rũ, khiến bất cứ ai cũng bị mê hoặc.
Công chúng xem cô là nữ minh tinh nóng bỏng, bốc lửa nhất màn ảnh, vượt qua cả Thẩm Thúy Hằng. Có thể nói, sự xuất hiện của Kim Vui đã tạo nên một làn gió mới đầy cách tân, ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa, gu thưởng thức nghệ thuật và cách ăn mặc, lối sống của công chúng đương thời.
Về vẻ đẹp của Kim Vui, nhà văn Hồ Trường An từng nói: "Kim Vui mặc áo dài thì áo dài phải mang ơn chị, vì nhờ chị mà áo mới đạt được cái đẹp trong công việc đỡ ngực bó eo người mặc, với lồng lộng những nét tròn mê hoặc.
Kim Vui mặc áo đầm hở vai màu đỏ, và mang găng đen kéo quá khửu, trông chị bốc lửa như Rita Hayworth trong phim Gilda".
Có một dạo, nữ nghệ sĩ Kim Vui theo ban Thoại Kịch Kim Cương, đóng vai độc rất hay trong các vở kịch Lỡ Một Bước Đường, Tôi Là Mẹ. Nhận thấy rằng trong ban Thoại Kịch Kim Cương, nữ nghệ sĩ tài danh Kim Cương "giành hết" những vai thương cảm, còn vai độc vai lẳng dành cho mình, cho nên chẳng bao lâu Kim Vui tách khỏi ban kịch ấy.
Đời tư trắc trở với hai lần đò, nhưng lại giàu có, tiền tiêu không hết
Tuy nổi tiếng là vậy, nhưng đam mê kinh doanh đã khiến Kim Vui nhanh chóng từ giã sự nghiệp điện ảnh ngay khi đang trên đỉnh cao. Ngay sau thành công của phim Chân Trời Tím, cô ngừng đóng phim dù nhận được rất nhiều lời mời.
Sở dĩ Kim Vui làm vậy vì đời sống cá nhân của cô không được hạnh phúc. Người chồng đầu tiên của cô nghiện rượu và bê tha, không lo lắng được cho gia đình, còn con gái lại mắc bệnh nan y phải nằm viện liên tục.
Chính vì vậy nên Kim Vui phải lao vào làm việc để kiếm tiền. Khi đã có đủ vốn liếng, cô tự rút khỏi showbiz để dành thời gian chăm sóc con cái, không muốn để công việc nghệ thuật đi sớm về khuya làm ảnh hưởng tới gia đình riêng.
Không những vậy, cô phải quản lí một hãng thu âm và nhà in, cộng thêm một số việc kinh doanh nhỏ lẻ khác, nên công việc khá bận rộn.
Nhờ kinh doanh thành đạt nên cuộc sống của Kim Vui dần trở nên khá giả và giàu có, khiến cô không còn thiết tha với nghiệp diễn, hát. Cô kể: "Tiền lời bạc triệu tôi cột thành từng bó bỏ trong giỏ, không biết phải làm sao cho hết. Người giúp việc trong nhà xin gì tôi cũng cho".
Sau đó, cô sang Mỹ sinh sống và kết hôn với người chồng thứ hai là người ngoại quốc. Tại hải ngoại cũng có rất nhiều lời Kim Vui đi đóng phim hoặc tham gia các hoạt động giải trí, nhưng cô đều từ chối để tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh.
Ngoài đóng phim, kinh doanh, Kim Vui còn có một đam mê khác là vẽ và thiết kế thời trang.
Ngoài đời, Kim Vui được biết đến là một người vô cùng hào phóng, đi đóng phim cát xê được 1 đồng thì phải bỏ đến 3 đồng bao người trong đoàn ăn uống. Cô đóng phim hoàn toàn vì đam mê bởi ngay từ thời gian đó đã có nguồn thu riêng nhờ kinh doanh.
Về cuộc sống hiện nay ở tuổi ngoài 80 tại Hoa Kỳ, Kim Vui đang sống cùng với người chồng hiện tại là người ngoại quốc, một nhà văn, và là cựu điệp viên CIA tên là Frank, người đã có mối tình kéo dài nhiều năm với cô, nhưng họ chỉ vừa mới cưới được vài năm.
Kim Vui kể rằng họ gặp nhau năm 1963 khi cô đi hát ở một phòng trà Mỹ ở Đà Lạt, rồi yêu nhau nhưng không thành, vì công việc của một điệp viên khi đó rất phức tạp, di chuyển nhiều và bí mật nhân thân. Phải hơn 50 năm sau đó, ông Frank tình cờ tìm được số điện thoại của Kim Vui và đã nối lại tình xưa khi cả hai đã trở lại thành người độc thân.
Kim Vui kể về những tháng ngày hiện tại như sau: "Giờ đây, tôi đi nhà thờ vào mỗi cuối tuần để cầu nguyện cuộc sống cuối đời bình yên và ra đi nhẹ nhàng bên cạnh Frank. Tôi không luyến tiếc hay mơ ước gì nữa".
'Thảm họa dao kéo' nước Anh đau lòng đưa cậu con trai tàn tật 18 tuổi đến nơi chăm sóc đặc biệt Việc sống ở một nơi thích hợp là điều tốt cho đứa con tật nguyền của Katie. Mới đây, Katie Price đã đưa ra quyết định đau lòng khi để cậu con trai tàn tật Harvey vào nhà chăm sóc. Theo đó, chàng trai 18 tuổi sẽ sống trong một trường cao đẳng nội trú để dạy anh ta cách có một cuộc...