Thảm họa bồn nước: ‘tử thần’ không từ ai!
Tai nạn chết người do bồn nước xảy ra không chỉ một lần, trong khi người dân vẫn coi nhẹ những nguy hiểm từ vật dụng tưởng như vô hại này.
Bồn nước đè chết người: Không phải tai nạn hy hữu
Không chỉ riêng trường hợp mới đây của cụ Mầm ở Vĩnh Phúc bị bồn nước rơi đè chết, theo tìm hiểu của Đất Việt, đã có nhiều trường hợp chết người, thiệt hại tài sản do tai nạn bồn nước rơi.
Trước đó, ngày 7/9/2011, anh Lê Văn Hậu và anh Đồng Văn Lên (cùng sinh năm 1988, ở Cần Thơ) là công nhân của tại xưởng may giỏ xách, ba lô Mr.Vui (số 3 Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM) đang làm việc ở phía trước xưởng thì bồn chứa nước loại 1.000 lít nằm trên ô văng nhà xưởng cao gần 10m bất ngờ rơi xuống khiến anh Lên tử vong tại chỗ. Anh Hậu kịp chạy ra nhưng cũng bị bồn nước làm gãy chân, sau đó đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 115.
Thời điểm xảy ra sự cố trời không mưa gió, nhiều khả năng do lâu năm nên chân đỡ bồn nước bị mục làm bồn nước rơi.
Video đang HOT
Tai nạn bồn nước rơi gây chết người xảy ra không chỉ một lần.
Ảnh: Nhật Nam.
Một vụ tai nạn khác xảy ra trên địa bàn thị xã Bạc Liêu vào tối 10/2/2010, một bồn nước 500 lít từ tầng 3 nhà hàng xóm bất ngờ rơi xuống mái tôn nhà ông Trần Văn Chen (SN 1952, ngụ đường Trần Phú, phường 7, thị xã Bạc Liêu). Sau đó, bồn nước này tiếp tục rơi xuống và trúng ngay chỗ ông Chen đang đứng trong nhà làm ông này chết tại chỗ.
Gia đình anh Phạm Ngọc Minh ở phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cũng từng gặp phải sự cố sập bồn nước. Trao đổi với Đất Việt, chị Bình, vợ anh Minh cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng tháng 11/2011, chiếc bồn Tân Á loại 1500l của gia đình chị mới sử dụng được gần 2 tháng thì phần đai tròn của chân bồn bị bung mối hàn, rất may, do để trên sân thượng nên bồn chỉ bị đổ sập ra sân thượng, không có thiệt hại gì về người. Tuy nhiên, khi bồn đổ, lượng nước lớn từ trong bình tràn ra ngoài khiến nhiều vật dụng của gia đình bị hư hỏng nặng.
“Bồn nước đè làm gãy dàn hệ thống nước nóng lạnh. Nhà tôi vừa mới xây trước đó cũng phải sơn lại toàn bộ mất mấy triệu đồng do nước tràn. Mặc dù hãng Tân Á, Đại Thành đã bồi thường bồn nước mới nhưng tôi vẫn cảm thấy phần chân đỡ của các bồn nước bây giờ rất mỏng manh, không chắc chắn”, chị Bình nói.
Người dân đang đùa với “tử thần”
Mặc dù đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra nhưng hầu hết người dân đều đang coi nhẹ những nguy hiểm rình rập từ bồn nước.
Theo khảo sát của Đất Việt tại Hà Nội, gia đình nào sử dụng bồn nước cũng cố để bồn lên vị trí cao nhất có thể. Dọc bờ sông Tô Lịch, khu vực đường Nguyễn Khang, Kim Giang, Ngã tư Sở, Giải Phóng, các bồn nước nặng hàng tấn được đặt cheo leo trên nóc nhà cao 4, 5 tầng. Để tạo được áp lực nguồn nước mạnh, có gia đình còn xây thêm 4 chân trụ bằng bê tông sau đó đặt chân đỡ cùng bồn nước lên trên.
Hàng loạt bồn nước đặt cheo leo trên nóc nhà dân. Ảnh: Nhật Nam.
“Nhiều hôm đi qua ngõ, nhìn lên thấy cái bồn nước được người dân để ngay trên mái nhà, ngoài chân bồn đỡ ra thì không hề có gì bao quanh mà tôi thấy rợn người. Nếu chẳng may chân bồn gặp sự cố thì người đi bên dưới chắc chắn không tránh khỏi tai họa”, bà Nguyễn Thị Mơ, một người dân sống tại khu tập thể ngõ 1A, Tôn Thất Tùng cho hay.
Sau vụ việc đáng tiếc tại Vĩnh Phúc khiến cụ Nguyễn Thị Mầm tử vong, hãng bồn nước Tân Á – Đại Thành đã kết luận nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do gia đình lắp đặt sai kỹ thuật. Đại diện của hãng cũng thừa nhận, không có bộ phận chuyên đi lắp đặt bồn nước tới tận nơi người sử dụng. Ngay sau đó, công ty Tân Á đã gửi công văn tới hệ thống Cửa hàng, Đại lý trên toàn quốc yêu cầu tăng cường thực hiện việc hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện đúng quy trình lắp đặt và yêu cầu kỹ thuật, để tránh các sự cố.
Thâm chí còn nâng cao bồn nước bằng “chân” tự chế, xung quanh đều không có gì che chắn. Ảnh: Nhật Nam.
Thực tế, không chỉ riêng Tân Á, nhiều hãng bồn nước khác cũng không có bộ phận chuyên lắp đặt cho người tiêu dùng, nhất là ở vùng nông thôn, hẻo lánh. Người dân sử dụng bồn nước chỉ tới đại lý, mua rồi tự lắp đặt theo hướng dẫn tại gia đình nên nguy cơ lắp đặt sai kỹ thuật khó tránh khỏi.
“Tôi làm đại lý cho nhiều bồn nước, không chỉ riêng Tân Á, khi nhập bồn, tôi được hãng phổ biến cho các lắp đặt sau đó, khi có người mua, tôi phổ biến lại cho họ chứ các hãng đều không có người đi lắp đặt riêng”, chị Dương Thị Dung, chủ đại lý bán bồn nước tại xã Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết.
Trao đổi với Đất Việt, anh Hà Trung Bình, một thợ cơ khí lâu năm trong nghề khuyến cáo: “Bồn chứa nước thường có tải trọng rất lớn, trong khi đó, chân đỡ thường không phải liền khối mà được lắp ráp bằng các mối hàn. Bồn nước và chân đỡ để ngoài trời lâu năm, trải qua mưa nắng, rất dễ bị bung mối hàn. Do vậy, để đảm bảo an toàn, ngoài việc lắp đặt đúng ký thuật của nhà sản xuất, người dân nên để bồn nước ở vị trí an toàn như sân thượng, có lan can hoặc xây bao quanh bồn để nếu bồn bị sập chân cũng khó bị rơi từ trên cao xuống”.
Hãng Tân Á – Đại Thành khuyến cáo người tiêu dùng kiểm tra lại vị trí và điều kện lắp đặt của bồn nước, thời hạn bảo hành, thời gian sử dụng của sản phẩm để có những thay đổi và điều chỉnh phù hợp. Yêu cầu sản phẩm khi lắp đặt phải được đặt trên mặt phẳng (không chèn kê gỗ, gạch… dưới chân bồn); mặt bằng lắp đặt phải đảm bảo hịu được trọng lượng của bồn khi chứa nước; không tự ý nâng cao chân đế sản phẩm.
Theo TTXVN