Thách thức của Pháp sau các vụ đảo chính ở Gabon, Niger
Các diễn biến ở Gabon và Niger cho thấy mối quan hệ không ổn định của Pháp với các thuộc địa cũ ở châu Phi.
Lực lượng quân sự Gabon lên sóng truyền hình tuyên bố nắm quyền cai trị. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi Tổng thống Gabon Leon Mba bị quân đội lật đổ vào năm 1964, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Charles de Gaulle đã hành động và ngay lập tức điều quân đội Pháp đến khôi phục quyền lực cho ông Mba.
Với nguồn quặng sắt khổng lồ và các tài nguyên khoáng sản quan trọng khác, thời điểm đó, đối với Tổng thống de Gaulle – người đang rất muốn bảo vệ lợi ích nước nhà, quốc gia Gabon mới giành được độc lập là viên ngọc quý trong số các vùng thuộc địa cũ của Pháp.
Gần 60 năm sau, một cuộc đảo chính khác xảy ra ở Gabon nhưng lần này sẽ không có binh sĩ Pháp nào đến giải cứu do các thoả thuận an ninh từ trước. Đây là một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Pháp đối với các quốc gia châu Phi từng là thuộc địa này đang suy yếu dần.
Sau cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi, Gabon đã xảy ra một loạt diễn biến bất ngờ. Ngày 29/8, các tướng lĩnh quân đội đã xông vào đài truyền hình nhà nước Gabon và nói rằng họ hiện nắm quyền, hủy bỏ kết quả bầu cử và giải tán cơ quan chính quyền nước này.
Đường phố thủ đô Libreville vang tiếng súng khi quân đội tuyên bố chấm dứt 5 thập kỷ cầm quyền của gia đình Tổng thống Bongo. Sau đó, chính quyền thông báo Tướng Brice Oligui Nguema – được cho là anh họ của Tổng thống Bongo – sẽ đóng vai trò là một nhà lãnh đạo chuyển tiếp và chính quyền sẽ điều tra các cáo buộc nhằm vào con trai của tổng thống. Nourredin Bongo Valentin bị bắt cùng với sáu cá nhân khác với cáo buộc phản quốc.
Trong một đoạn video được hãng thông tấn Agence France-Presse (AFP) phát sóng, Tổng thống Bongo cầu xin sự giúp đỡ từ các đối tác quốc tế.
Video đang HOT
Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba xuất hiện trong một video đăng trên mạng xã hội, kêu gọi “các quốc gia bạn bè lên tiếng” sau khi các sĩ quan quân đội ở quốc gia Trung Phi tiến hành đảo chính. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính ở Gabon, nhưng vụ việc này không thu hút được sự chỉ trích kịch liệt như cuộc đảo chính tháng trước ở Niger.
Vụ đảo chính tại Gabon đã trở thành một thách thức mới nhất đối với Pháp. Chỉ trong 3 năm, 8 thuộc địa cũ của Pháp ở Tây và Trung Phi đã nằm trong tay các nhà lãnh đạo quân sự. Mỗi một vụ đảo chính xuất hiện, sức ảnh hưởng của Pháp lại bị suy yếu dần.
Ví dụ, Mali đã trục xuất quân đội Pháp và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pháp. Quốc gia này cũng đã thay đổi ngôn ngữ chính thức từ tiếng Pháp sang ngôn ngữ quốc gia Malian. Trong khi ở Sénégal, hoạt động kinh doanh của người Pháp đang bị tấn công. Ở Niger, Đại sứ Pháp đã được lệnh phải rời khỏi nước này nhưng vị quan chức này vẫn ở nguyên vị vì Pháp nói rằng họ không công nhận quyền lực của những người đảo chính. Đám đông ủng hộ đảo chính đã tụ tập vào ngày 25/8 gần căn cứ quân sự Pháp ở thủ đô Niamey. Nhiều người biểu tình giơ biểu ngữ yêu cầu quân đội Pháp rút lui.
Theo ông Chris Ogunmodede, nhà phân tích đối ngoại sống ở Senegal, chính sách của Pháp không được ưa chuộng. “Tất cả các cuộc biểu tình và mọi người đang tấn công các doanh nghiệp Pháp vì họ cho rằng những doanh nghiệp đó đại diện cho chủ nghĩa thực dân mới của Pháp. Hệ thống chính quyền mà các thuộc địa cũ của Pháp tạo ra dưới sự áp đặt của Paris không còn phù hợp với mục tiêu phát triển”, ông Chris giải thích.
Hệ thống trên không chỉ có ở Gabon mà vẫn còn tồn tại khắp Trung Phi.
“Các diễn biến ở Gabon, sau cuộc đảo chính ở Niger, càng làm nổi bật thêm mối quan hệ không ổn định của Pháp với các thuộc địa cũ của nước này ở châu Phi”, nhà phân tích Chris cho hay.
Sự thay đổi trong nhận thức chính trị của người châu Phi, phần lớn xuất phát từ lực lượng dân số trẻ của lục địa này, đang nhanh chóng hình thành quan điểm chống Pháp. Với độ tuổi dân số trung bình chỉ 20, một châu Phi với dân số trẻ mong muốn thay đổi và tìm kiếm các mối quan hệ đối tác đa dạng ngoài mối quan hệ lịch sử với Pháp.
“Họ không có bất kỳ sự gắn bó nào với nước Pháp như thời cha mẹ, ông bà. Họ muốn có nhiều đối tác hơn thay vì chỉ có Pháp”, ông Chris phân tích.
Một số đối tác đó bao gồm Nga, quốc gia mong muốn mở rộng mối quan hệ trên lục địa.
Những người khác cũng mong muốn vượt qua rào cản ngôn ngữ. Khối thịnh vượng chung, một nhóm chính trị gồm 54 quốc gia thành viên, gần đây đã đón tiếp Gabon và Togo vào hàng ngũ của mình, báo hiệu mong muốn ngày càng tăng liên kết với các quốc gia nói tiếng Anh.
Mối quan hệ phức tạp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị các nhà ngoại giao ở Paris, Pháp, ngày 28/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Vai trò của Pháp ở châu Phi đã trải qua những biến động lớn, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Pháp chưa bao giờ thực sự rời bỏ các thuộc địa cũ.
“Có cảm giác mặc dù Pháp đã trao trả độc lập nhưng các nước vẫn bị ràng buộc. Có một quy tắc ngầm mà mọi người đều hiểu là không có gì diễn ra ở các nước Pháp ngữ mà không có sự chấp thuận của Pháp”, học giả Ojewale nói.
Việc thực thi “Franafrique”, một thuật ngữ dùng để mô tả mối quan hệ thuộc địa mới tiếp tục giữa Pháp và các thuộc địa cũ của nước này, đã làm gia tăng những cáo buộc về việc Pháp kiểm soát các vấn đề của các quốc gia châu Phi.
Đồng franc CFA là một ví dụ. Đây là một loại tiền tệ được 14 quốc gia ở Tây và Trung Phi sử dụng, bao gồm cả Niger và Gabon, được bảo lãnh bởi kho bạc Pháp. Các quốc gia sử dụng franc CFA được yêu cầu lưu trữ 50% dự trữ tiền tệ của họ tại Ngân hàng Trung ương Pháp và đồng tiền này gắn liền với đồng euro. Đối với nhiều người châu Phi, những khoản tiền gửi bắt buộc này bị coi là tàn dư của thuế thuộc địa.
Trong khi Paris khẳng định hệ thống này thúc đẩy sự ổn định kinh tế, thì những người khác lại cho rằng nó cho phép Pháp kiểm soát nền kinh tế của các quốc gia châu Phi và làm giàu cho chính mình bằng sự giàu có của các quốc gia khác.
Pháp cũng duy trì quân đội ở nhiều thuộc địa cũ và tham gia vào Chiến dịch Barkhane quy mô lớn ở Niger.
Tổng thống Emmanuel Macron gần đây cũng đã điều chỉnh lại chính sách mới của Pháp đối với châu Phi và cho biết các căn cứ quân sự của nước này giờ đây sẽ được các quốc gia cùng điều hành. Tổng thống Macron đã khởi xướng việc thu hồi các hiện vật văn hóa lấy được trong các cuộc xung đột thuộc địa, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra ngoài các mối quan hệ thông thường của chính phủ để thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ và xã hội dân sự.
Khi kết thúc chuyến công du châu Phi gần đây vào tháng 3, nhà lãnh đạo mong muốn thay đổi hình ảnh nước Pháp, nhấn mạnh rằng ông muốn hợp tác với châu Phi trên cơ sở bình đẳng.
Tổng thống Pháp công du 4 nước Trung Phi
Trong nỗ lực nhằm củng cố tầm ảnh hưởng của Pháp tại Trung Phi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt đầu chuyến công du tới 4 nước trong khu vực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 1/3, nhà lãnh đạo Pháp đã tới thủ đô Libreville của Gabon và sau đó lần lượt đến các nước Angola, CH Congo và CHDC Congo. Chuyến công du các nước Trung Phi của Tổng thống Macron diễn ra trong bối cảnh ông chủ Điện Elysee luôn khẳng định châu Phi là ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ 2 này. Hồi tháng 7/2022, Tổng thống Macron cũng đã đến thăm Cameroon, Benin và Guinea-Bissau.
Trong bài phát biểu ngày 27/2 về chính sách của Pháp đối với châu Phi, Tổng thống Macron đã kêu gọi "mối quan hệ chung và có trách nhiệm" với lục địa gồm hơn 50 quốc gia này, trong đó bao gồm cả các vấn đề khí hậu. Ông đồng thời nhắc lại cam kết xóa bỏ các chính sách hậu thuộc địa trước đây tại "Lục địa Đen".
Tổng thống Macron cũng cho biết quân đội Pháp sẽ giảm bớt sự hiện diện tại châu Phi trong những tháng tới. Hiện Pháp có hơn 6.000 binh sĩ đang thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ chống khủng bố tại châu Phi, được triển khai tại các nước Niger, CH Chad, Senegal, Côte d'Ivoire, Gabon và Djibouti.
Dự kiến, trong ngày 2/3, Tổng thống Macron sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn rừng trên toàn thế giới, trong đó bao gồm cả khu vực dọc theo lưu vực sông Congo rộng lớn.
Trải rộng trên diện tích 1,62 triệu km2, các khu rừng ở Trung Phi được coi là "bể chứa carbon" lớn thứ hai của Trái Đất, sau rừng Amazon. Các khu rừng ở Trung Phi rất đa dạng sinh học và lưu giữ cả dấu vết con người từng tới định cư thời sơ khai. Mặc dù vậy, nơi đây lại đang phải đối mặt các mối đe dọa như săn bắt trộm, phá rừng để lấy dầu cọ và cao su, khai thác gỗ và khoáng sản trái phép.
Chủ tịch Cuba kết thúc tốt đẹp chuyến công du châu Phi Ngày 26/8, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã thăm chính thức Namibia, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Phi của ông. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, tại Namibia, Chủ tịch Cuba đã dự lễ kỷ niệm ngày Anh hùng Dân tộc của Namibia và có bài phát biểu...