- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Tết này con không về!

On 08/01/2011 @ 12:17 PM In Tin nổi bật

Tết này con không về! - Hình 1

Lũ lịch sử ở miền Trung trong năm 2010 vừa qua

Dù mong ngóng từng ngày trở về sum họp gia đình nhưng không ít công nhân, lao động tự do đành ngậm ngùi ăn tết xa quê vì gánh nặng mưu sinh.

Tại một con hẻm ngoằn ngoèo đối diện với KCX Linh Trung I (Thủ Đức, TP.HCM), chị Hà (Quảng Bình) - công nhân Công ty Domex len lỏi giữa hai hàng quán để mua thức ăn chuẩn bị bữa tối.

Tiết kiệm từng bữa ăn

Bữa tối của chị Hà và mấy người bạn cùng phòng chỉ mấy quả dưa leo, trứng và mớ rau muống. Cuối năm công ty ít đơn hàng nên chỉ làm cầm chừng chứ không tăng ca nhiều, thu nhập cả tháng vỏn vẹn 2 triệu đồng. Chị kể: "Trả tiền nhà trọ, điện, nước, ăn uống... hết hơn 1,5 triệu đồng, số còn lại để dành khi có đám cưới, liên hoan... Tằn tiện lắm có tháng dư 300.000 đồng. Giá cả tăng vùn vụt, tiền trọ bám theo lương tăng 100.000 đồng từ đầu tháng 11. Bữa ăn chỉ có rau củ là món chủ đạo thôi!".

Hỏi chuyện về quê ăn tết, chị Hà nghẹn lời: "Hai trận lũ vừa rồi nhà ở quê ngập chấm mái, lúa, gà, heo bị cuốn mất hết. Sau lũ, bố mẹ phải gồng mình lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Nhận lương tháng nào mình cũng trích ra một khoản để gửi ngay về nhà kẻo sợ tiêu hết". Không có tiền để dành, Hà cho hay sẽ đợi tới khi công ty công bố thưởng tết, xóc lại túi tiền mới tính toán được chuyện về hay ở.

Con đường từ quốc lộ 1A dẫn vào Nghĩa trang TP (sát bên KCX Linh Trung I) dài chưa đến 1 km nhưng sáng nào cũng tấp nập các xe bán thức ăn lưu động phục vụ cho công nhân tại đây. Hàng bày la liệt nhưng nhìn kỹ chỉ có xôi, khoai lang, bắp, bánh rán, cóc ổi...

Không chỉ chắt chiu bữa ăn chính trong ngày, những công nhân còn gói ghém với định mức 5.000 đồng/bữa sáng, khi thì gói mì, gói xôi. Hương (quê Nghệ An), công nhân Công ty Freetrend, đã tiết kiệm từng bữa ăn từ hơn hai tháng nay để dành tiền gom góp mua dần từng món quà tết cho bố mẹ và các em ở quê.

Hai người bạn đồng hương với Hương cùng ngồi ăn xôi ven vệ đường bộc bạch: "Công ty em sắp xếp đơn hàng ổn định nên phân việc đều ra cả năm thành ra không tăng ca như các công ty khác. Tuy là có thời gian để nghỉ ngơi nhưng thu nhập cả tháng chỉ tròm trèm 2,2 triệu đồng". Cũng nằm trong vùng lũ, chịu cảnh mất mát tài sản nên Hương và hai người bạn không khỏi băn khoăn chưa biết nên về hay ở. "Tiền thưởng cuối năm của em chỉ vỏn vẹn một tháng lương. Em tính dành số tiền này để mua ít quà tết gửi về cho cả nhà. Nếu em mua vé để về quê thì chẳng còn đồng nào để lo quà cho gia đình" - Hương phân vân.

Tết này con không về! - Hình 2

Bị ảnh hưởng nặng nề từ các trận lũ kinh hoàng, các công nhân miền Trung chắt chiu từng bữa ăn để dành tiền gửi về quê

Học để có nghề ổn định

Chị Đỗ Thị Mai (quê Thái Bình), công nhân Công ty Pouyuen VN (KCX Tân Tạo), nói cố gắng chắt chiu từng đồng để đi học mong có cái nghề ổn định hơn, lương khấm khá hơn để tết nào cũng được sum họp với gia đình.

Mai rời quê vào TP làm công nhân hơn sáu năm nay chưa một lần đoàn tụ với gia đình. Nhắc đến chuyện về tết, nước mắt chị ngân ngấn: "Nhớ nhà, nhớ mẹ lắm, anh ạ! Nhưng tiền trọ, tiền học phí, tiền gửi về quê giúp mẹ khiến em chỉ biết ngậm ngùi mỗi khi tết về". Chị thở dài ngẫm ngợi: "Ngày xa quê em chỉ mong có chút lương để giúp gia đình vơi bớt gánh lo, thế nhưng làm công nhân sáu năm nay em càng thấm thía cái nghiệp công nhân, nó khó khăn trăm bề. Thế nên em quyết tâm thi vào một trường cao đẳng để nay mai kiếm cái nghề ổn định hơn. Chừng nào có cái bằng tốt nghiệp trong tay, em mới về thăm mẹ". Mai tâm sự khoản học phí trên 5 triệu đồng là một thách thức với chị trong năm học nên đây sẽ là cái tết thứ bảy chị chưa về quê được.

Cũng sáu năm làm công nhân, chị Lê Thị Bích Hồng (quê Quảng Trị), công nhân Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, nói: "Em đã tính chuyện về tết từ nửa năm nay rồi nhưng ngẫm lại còn phải dành tiền để đóng học phí kỳ học cuối nên em chưa quyết định về quê hay ở lại". Hồng cho hay hai, ba năm mới về tết một lần, hễ đến tết là trong lòng cứ nôn nao mong muốn có mặt ở nhà vào phút giao thừa.

Với những công nhân đã có gia đình, gần tết là tâm trạng ngổn ngang những gánh lo. Lớp thì lo quần áo tết cho con cái gửi ở quê đang nhờ ông bà trông nom. Lớp lo quà tết nội ngoại hai bên, mất đứt khoản tiền thưởng của hai vợ chồng. Thành ra các cặp công nhân đành bấm bụng vợ chồng luân phiên nhau mỗi người về thăm con một năm. Anh Minh và chị Nga (quê Ninh Bình) vào TP từ tám năm nay nhưng chỉ có hai cái tết anh Minh về thăm con. Riêng chị Nga, tết năm ngoái nhớ con quặn lòng, chị bấm bụng dành tiền thưởng tết của chồng mua vé về thăm con để anh Minh một mình ở lại căn gác trọ.

Rời quê đi lập nghiệp, họ những mong giảm gánh lo cho gia đình. Mong ngóng đến cuối năm sẽ về quê đoàn tụ gia đình, thế nhưng nhiều người đành ngậm ngùi ở lại.

Ráng làm ngày tết để nhận lương cao Ông Hứa Văn Tài từ Vĩnh Long lên thành phố chạy xe ôm đã hơn 10 năm vẫn không có tiền thuê nhà trọ. Ban ngày, ông chạy khắp thành phố để đưa đón khách, buổi tối lại đi làm bảo vệ cho các công trường xây dựng ở khu vực quận 7 và quận 1. Cuộc sống của ông từ chỗ ăn đến chỗ ngủ hầu như đều gắn liền với các công trường. Mỗi tháng làm bảo vệ, cộng với tiền chạy xe được hơn 2 triệu đồng, ông chi tiêu dè xẻn để gửi về cho vợ nuôi hai người anh bị tật nguyền bẩm sinh, một người phải nằm liệt giường. "Quê ở gần nhưng cả chục năm nay, tui có về quê được mấy lần đâu. Tết ai chẳng muốn được về thắp cho ông bà cây nhang nhưng mấy ngày tết, người ta trả lương cao hơn, mình ráng ở lại làm, có thêm một khoản gửi về cho vợ" - ông Tài giãi bày.

Theo Pháp luật TPHCM


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/tet-nay-con-khong-ve-20110108i97698/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.