- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Tăng tự chủ nhưng không đào tạo sau đại học tràn lan

On 15/10/2020 @ 10:38 AM In Học hành

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Nhìn chung quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các các cơ sở giáo dục ĐH giảm mạnh; do nguyên nhân chủ quan, khách quan và có yếu tố cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài.

Tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường top cao kém hơn các trường khác là một trong những bất cập trong thực tế. Vì vậy, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng lại Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, đảm bảo theo đúng quy định của luật và yêu cầu tập trung vào chất lượng, đồng thời Bộ tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Quy chế này để chất lượng đào tại sau ĐH thực sự chuẩn mực.

ĐH tự chủ, nhưng siết chặt ở đầu ra

Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ đã có những bước đổi mới quan trọng về tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, theo hướng tăng cường tự chủ, công khai, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở GDĐH, tiệm cận với thông lệ của các nước phát triển. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT ban hành.

Các cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp (thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp hai phương thức này,...), đồng thời, tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định, thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình cũng như sự giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội.

Dự thảo Quy chế cho phép đối tượng đầu vào là người học có bằng ĐH ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau, được xác định tùy vào chương trình đào tạo ở trình độ ĐH của người học.

Dự thảo bổ sung quy định yêu cầu minh bạch tra cứu văn bằng để phục vụ công tác hậu kiểm. Quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ phải đạt trình độ bậc 4 theo khung năng lực 6 bậc cho Việt Nam của dự thảo cũng là điều kiện đầu vào của tuyển sinh trình độ tiến sĩ tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Quy chế có thể giảm bớt các yêu cầu về quy trình, thủ tục không cần thiết để các cơ sở giáo dục ĐH tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Nguyên tắc căn bản là chuẩn mực về chất lượng, tuyển sinh, đề cao tính công bằng, khách quan, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH.

Từ đó, tạo ra sự thông thoáng; nếu có cạnh tranh thì phải cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục ĐH trong nước với nhau và với quốc tế, từng bước hướng tới chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thứ trưởng yêu cầu, cần có sự nhất quán giữa các quy chế. Quy chế cần làm rõ thế nào là đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng; đồng thời quy định về công tác tuyển sinh, đào tạo... Làm sao để các trường quyết định dựa trên đặc thù lĩnh vực, ngành đào tạo, nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng, khách quan và chuẩn đầu ra.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ có thể tăng được quy mô đào tạo khi chúng ta đảm bảo với xã hội, cam kết với xã hội về chất lượng".

Tăng tự chủ nhưng không đào tạo sau đại học tràn lan - Hình 1

Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ phải đảm bảo theo đúng quy định của luật và yêu cầu tập trung vào chất lượng. Ảnh: ĐHĐA

Hạn chế hướng dẫn luận văn tràn lan

Sau khi Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT, số lượng nghiên cứu sinh tuyển mới năm 2018 giảm đáng kể. Trong khi đó, Luật giáo dục ĐH 2012 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 quy định mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo trong chuyên môn.

Để khắc phục những bất cập và phù hợp với Luật, dự thảo Quy chế chỉ quy định khung về tiêu chuẩn giảng viên, người hướng dẫn, điều kiện tuyển sinh, yêu cầu về thành viên và quy định bảo vệ luận án. Các thủ tục liên quan đến tổ chức và quản lý đào tạo giao cho Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định theo hướng tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình.

Để hạn chế việc hướng dẫn luận văn thạc sĩ tràn lan và không có công cụ kiểm soát chất lượng, dự thảo đã chỉnh lý, làm rõ về hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiêu chuẩn người hướng dẫn đối với chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu.

Đối với chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, cơ sở đào tạo quy định cho từng chương trình cụ thể, học viên có thể học các học phần trong toàn bộ chương trình và có điểm đánh giá dự án hoặc bài luận cuối khóa học (nếu có).

Về người hướng dẫn, dự thảo quy định đối với từng lĩnh vực. Ở lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, có thể thay thế bài báo bằng giải thưởng chính thức của các cuộc thi quốc tế hoặc 2 giải thưởng chính thức của các cuộc thi quốc gia tương ứng, được công nhận bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Đối với đề tài luận án các ngành khoa học quân sự và ngành khoa học an ninh có thể thay thế tối thiểu các bài công bố trong các tạp chí thuộc Danh mục tạp chí khoa học được tính tối thiểu 1 điểm công trình của Hội đồng Giáo sư Nhà nước hàng năm.

Về tổ chức đào tạo, dự thảo quy định về việc gia hạn tối đa 3 năm, từ đó, nâng tổng thời gian đào tạo tiến sĩ từ 5 - 6 năm lên 6 - 7 năm. Quy định mới sẽ cho phép bảo lưu kết quả học chương trình tiến sĩ trong thời hạn nhất định theo quy định của thủ trưởng cơ sở đào tạo.

Để không tạo ra các vòng đánh giá luận án nặng về thủ tục, dự thảo Quy chế cũng phân định rõ quy trình giữa đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn và bảo vệ luận án ở cấp cơ sở, đảm bảo đánh giá ở đơn vị chuyên môn là sinh hoạt khoa học do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định.


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/tang-tu-chu-nhung-khong-dao-tao-sau-dai-hoc-tran-lan-20201015i5300036/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.