Suýt phải nằm liệt giường vì tự mua thuốc điều trị vảy nến
Phát hiện mắc bệnh viêm khớp vảy nến nhiều năm nhưng bệnh nhân không điều trị mà tự mua thuốc nam về uống. Kết quả bệnh ngày càng nặng, vảy nến da toàn thân khiến người này không thể đi lại.
Viên khớp vảy nến nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ tử vong
Ngày 18/8, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, vừa điều trị cho người bệnh T.K.L (58 tuổi, ngụ tại tỉnh Đăk Lăk) bị vẩy nến da 8 năm và đang điều trị bằng thuốc tại địa phương. 4 năm gần đây người bệnh xuất hiện đau nhức nhiều khớp. Sau khi khám tại một bệnh viện tại TPHCM, người bệnh được chẩn đoán viêm khớp vẩy nến.
Tuy nhiên vì chủ quan, bà L không điều trị liên tục theo chỉ dẫn của bác sĩ mà tự ý uống một loại thuốc nam . Khoảng 2 tháng nay, bà bị sưng đau nhiều ngày càng nhiều các khớp bàn tay, ngón tay, khớp liên đốt ngón tay, khớp cổ tay, khớp gối và khớp cổ chân 2 bên. Bên cạnh đó, tình trạng vẩy nến trên da ngày càng nặng, vẩy nến da toàn thân khiến bà không tự đi lại được.
BS Tường Vy khám cho bệnh nhân (ảnh:BVCC)
Tại BV ĐHYD TPHCM, bệnh nhân được chẩn đoán viêm khớp vẩy nến, bác sĩ điều trị với các thuốc uống nhưng người bệnh đáp ứng kém. Sau đó được chỉ định người bệnh điều trị bằng thuốc sinh học .
Hiện nay sau khi tiêm 5 mũi thuốc sinh học , vẩy nến trên da người bệnh đã hết hoàn toàn, đau khớp giảm 90%, người bệnh có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
ThS.BS Phạm Huỳnh Tường Vy – Khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD TPHCM cho biết, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến tổn hại chức năng của các khớp, biến dạng khớp, tàn phế, làm giảm chức năng hoạt động hằng ngày và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống.
“Ngoài ra, bệnh có thể làm nặng hơn các bệnh lý kèm theo của người bệnh (nếu có) như tăng huyết áp , đái tháo đường, thiếu máu cơ tim , béo phì, viêm ruột … dẫn đến nhiều biến chứng làm tăng tỉ lệ tử vong. Đồng thời, tiến triển của bệnh còn tác động lên tâm lý của người bệnh gây lo âu, trầm cảm, thậm chí tự tử” – BS Vy chia sẻ.
Lối sống không lành mạnh cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm
Người bệnh viêm khớp vảy nến thường gặp những triệu chứng như mệt mỏi, sưng, đau các gân, sưng ngón tay, ngón chân. Các triệu chứng này có thể giống với các bệnh khớp khác như viêm khớp dạng thấp, gout, các thể viêm khớp cột sống… nên rất dễ nhầm lẫn.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, để đạt hiệu quả trong điều trị bệnh viêm khớp vảy nến , người bệnh cần tuân thủ điều trị, thường xuyên tái khám để bác sĩ theo dõi, đánh giá diễn tiến và điều chỉnh thuốc phù hợp trong từng giai đoạn bệnh. Người bệnh không nên bỏ điều trị và tự ý điều trị các thuốc mà không được bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo. Bên cạnh điều trị dùng thuốc và tuân thủ điều trị, người bệnh nên duy trì chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý.
15h ngày 21/8 tại Fanpage và Youtube của BV ĐHYD TPHCM, Khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD TPHCM sẽ tổ chức Chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Viêm khớp vảy nến, những điều bạn chưa biết”. Các bác sĩ sẽ cung cấp các thông tin về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân gây bệnh, các lưu ý trong quá trình điều trị cũng như chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp cho người bệnh.
Bệnh bạch biến là gì?
Bạch biến là bệnh rối loạn sắc tố ở da và niêm mạc, đặc trưng là xuất hiện các đốm trắng, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Phạm Đình Lâm, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bạch biến là bệnh rối loạn sắc tố ở da và niêm mạc, đặc trưng là xuất hiện các đốm trắng, giảm hoặc mất sắc tố. Các đốm trắng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào của cơ thể, thường gặp hơn ở mu bàn tay, mặt, cẳng tay, vùng sinh dục.
Bạch biến không phải là bệnh truyền nhiễm, không có tính chất lây từ người sang người, phát sinh trong quá trình sống. Tỷ lệ mắc bệnh này trên thế giới khoảng 1-2% dân số. Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức. Số liệu tại các bệnh viện ghi nhận bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam nhưng sự khác biệt này không rõ ràng.
Bệnh dễ gặp ở gia đình có người mắc bệnh, người có bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt viêm tuyến giáp tự miễn. Người có rối loạn nội tiết như bệnh suy tuyến thượng thận, bệnh tiểu đường, bị rụng tóc từng mảng. Một số người bệnh viêm ruột, thiếu máu ác tính, vảy nến, tổn thương thần kinh cũng dễ mắc bệnh.
Ban đầu, các vết bạch biến xuất hiện trên da mu bàn tay, màu trắng nhạt hình tròn hay hình bầu dục, nằm rời rạc rõ ràng, không ngứa, không đau. Sau, các đốm trắng rõ rệt hơn, lan rộng hơn, có thể dính hai ba đốm lại với nhau thành đốm lớn hơn, tồn tại lâu trên da, có thể đến chục năm. Các vết này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác trên cơ thể khiến vùng da loang lổ chỗ trắng, chỗ đen, gây mất thẩm mỹ và tự tin trong giao tiếp.
Bác sĩ cho biết, khi phát hiện các đốm trắng trên da, người bệnh cần khám, tư vấn và điều trị bởi bác sĩ da liễu. Với những trường hợp đơn giản, số lượng đốm trắng ít, được phát hiện ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ kê thuốc thoa như corticosteroid, thuốc ức chế calcineurin dạng thoa, vitamin D3...
"Tùy theo từng người có thể làm mờ và giảm sự lan rộng của vết loang, may mắn hơn là sạch các đốm trắng nếu điều trị sớm", bác sĩ nhấn mạnh.
Một số phương pháp hiện đại khác như chiếu tia UVB bước sóng ngắn, chiếu tia Laser và gần đây nhất là phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy được thực hiện tại Bệnh viện da liễu Trung ương.
Để phòng ngừa bệnh bạch biến cũng như bảo vệ da, cần hạn chế tiếp xúc với nắng, bảo vệ da khỏi ánh nắng như đội mũ rộng vành, đeo kính mát, mặc quần áo dài, thoa kem chống nắng phổ rộng trước khi ra ngoài 30 phút. Giảm stress, tránh thức khuya, tránh dùng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá... Chăm sóc da hằng ngày, dùng dưỡng ẩm để nuôi dưỡng da, để ý các đốm trắng bất thường trên da để điều trị kịp thời, tránh để vết bạch biến loang rộng.
Mối nguy khi bệnh nhân tim mạch mắc Covid-19 Bệnh tim mạch dễ gây biến chứng tại tim, não, thận với nhiều mức độ khác nhau, nếu nhiễm nCoV càng khó chống đỡ, nguy cơ tử vong cao. Bệnh tim mạch bao gồm tăng huyết áp, bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim...), bệnh mạch não (xuất huyết não, nhồi máu não...), bệnh động mạch ngoại biên, bệnh...