Suýt liệt người sau cú đánh đầu, ‘bí kíp’ an toàn khi chơi thể thao
Thể thao luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của con người. Tuy nhiên, trong quá trình chơi hoặc tập luyện thể dục thể thao , nhiều người không may bị chấn thương.
Suýt liệt người sau cú tạt bóng đánh đầu, “bí kíp” an toàn khi chơi thể thao (ảnh minh hoạ)
Suýt liệt người sau cú đánh đầu
Mới đây, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã phải phẫu thuật một ca chấn thương đốt sống cổ trật C4-C5 liệt tủy không hoàn toàn. Bệnh nhân là anh N.Đ.T, 37 tuổi, ở xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng ( Lạng Sơn ).
Buổi chiều trước khi phải vào viện ít hôm, anh đi đá bóng và dùng đầu đánh bóng. Sau cú đánh bóng bằng đầu, người đàn ông này có biểu hiện đau cổ, tê buốt hai tay.
Đến Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng khám, anh được chẩn đoán chấn thương cột sống cổ nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Tại đây, bệnh nhân được khám, hội chẩn và có chỉ định phẫu thuật giải phóng chèn ép, cố định lại đốt sống cổ C4-C5 bằng nẹp vít.
Đây là kỹ thuật khó tuy nhiên các bác sĩ BV đa khoa tỉnh Bắc Giang đã thực hiện thành công. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định hết liệt và đã được xuất viện, điều trị phục hồi chức năng tại nhà.
Đây không phải trường hợp cá biệt bị tai nạn khi chơi thể thao . Trước đó, vào năm 2019, bệnh viện Việt Đức cũng từng tiếp nhận trường hợp một nam sinh viên 22 tuổi bị mất tinh hoàn vì bị quả bóng đá bay trúng vào “vùng kín”.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu trong tình trạng sưng nề, tím vùng kín, tinh hoàn trái bị vỡ nát, tụ máu do bị quả bóng đá trúng. Trước tình trạng bệnh, các bác sĩ Trung tâm nam học Bệnh viện Việt – Đức đã phải phẫu thuật cắt tinh hoàn trái và cố định tinh hoàn phải cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Khánh – Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt – Đức, khi chơi thể thao , nam giới cần phải bảo vệ vùng dương vật và tinh hoàn, tránh các tai nạn đáng tiếc và phải đến ngay trung tâm nam học hoặc bệnh viện chuyên khoa có uy tín để điều trị nếu có đụng giập, chấn thương ở vùng này.
Đối với những trường hợp gặp tai nạn chấn thương cột sống nói chung cũng như cột sống cổ nói riêng khi chơi thể thao , các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp lưu ý xử trí quan trọng từ bước sơ cứu đầu tiên. Nguyên tắc hàng đầu là để bệnh nhân bất động, tránh cho đoạn cột sống bị chấn thương di lệch vì sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí đứt ngang tủy sống, gây liệt hoàn toàn.
Bí quyết an toàn trong tập luyện thể thao
Theo các chuyên gia, việc rèn luyện thể dục thể thao là biện pháp vô cùng hiệu quả nâng cao sức khỏe , tuy nhiên, cần hết sức cẩn trọng trong quá trình luyện tập để tránh những chấn thương từ đơn giản hay gặp cho tới nghiêm trọng.
Đáng lưu ý, có những chấn thương thể thao rất dễ mắc phải mà người tập luyện cần lưu ý tránh để xảy ra. Đầu tiên là giãn cơ, đó là tình huống người chơi thể thao không khởi động kỹ, cơ dễ bị kéo căng quá mức. Các cơ bị giãn do một lực bất ngờ, với cường độ mạnh, làm kéo dài sợi cơ. Lúc này sẽ xảy ra hai tình huống: hoặc một số sợ cơ bị đứt, hoặc toàn bộ bó cơ bị đứt thì bạn sẽ bị đứt giãn cơ nghiêm trọng.
Đối với trường hợp này, bạn nên chườm đá và nghỉ ngơi để giúp giảm đau và sưng tấy. Hãy nhớ rằng, bạn cần hồi phục hoàn toàn trước khi muốn tham gia thể thao trở lại. Nếu vận động lại quá sớm, tình trạng giãn cơ sẽ tái phát với mức độ còn nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, người chơi thể thao cũng rất dễ bị đau mắt cá chân – chức năng chính kết nối các xương lại với nhau và kiểm soát chuyển động của cơ thể. Khi mắt cá xoay và bị lật vào trong quá nhanh hoặc bị xoắn mạnh vì các chuyển động đột ngột, dây chằng quanh mắt cá, vốn đã yếu, sẽ bị đứt. Hậu quả là bạn bị bong gân mắt cá chân.
Một chấn thương khác cũng hay gặp khi tập luyện thể thao là chấn thương đầu gối. Có hai loại chấn thương đầu gối là rách dây chằng chéo trước và hội chứng đùi bánh chè. Chức năng của dây chằng chéo trước là giúp giữ chặt xương chân vào đầu gối. Nếu bạn bị rách dây chằng chéo trước, cần đi khám bác sĩ ngay vì đây là một trong những chấn thương thể thao nghiêm trọng nhất. Nếu chấn thương nghiêm trọng, bạn có thể phải trải qua phẫu thuật để duy trì hoạt động thể chất sau này.
Để phòng tránh những chấn thương khi chơi thể thao, chia sẻ với phóng viên, Phó Hiệu trưởng Trường thể thao 10- 10 Hứa Thị Minh Hồng lưu ý, đầu tiên người dân cần phải chọn những môn thể thao phù hợp với mình.
Người dân nên kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia tập luyện thể dục thể thao. Nếu có bệnh lý thì phải hỏi ý kiến bác sĩ khi tập luyện môn thể thao mà mình yêu thích.
“Khi tập tuyệt đối tuân thủ các bước tập luyện của giáo viên, huấn luyện viên và người hướng dẫn. Không tự ý tập thêm bài tập hay sử dụng thử các dụng cụ tại trung tâm tập luyện”, bà Hồng nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng lưu ý cần lắng nghe sức khỏe của bản thân mình trước khi tham gia tập luyện thể thao. Nếu trong trường hợp bạn tham gia tập luyện ngoài trời thì cần lưu ý đến vấn đề thời tiết. Ngoài ra, trong bất kỳ tình huống nào trước khi tập luyện người dân cần phải khởi động kỹ, không cố tập nặng hay kéo dài thời gian tập luyện đồng thời đảm bảo chế độ ăn uống nghỉ ngơi.
Các chấn thương chi dưới thường gặp khi tập luyện
Chi dưới chỉ bộ phận từ háng đến bàn chân. Đây là bộ phận chịu lực chính của cơ thể. Khi tập luyện, chi dưới cũng phải vận động rất mạnh, do vậy rất dễ gặp chấn thương. Dưới đây là những chấn thương chi dưới thường gặp và cách phòng ngừa, khắc phục.
Các chấn thương dễ gặp
Bong gân: Bong gân là chấn thương xảy ra ở dây chằng - là mô nối 2 hoặc nhiều xương tại một khớp. Khi bị bong gân tức là có một hoặc nhiều dây chằng bị giãn hoặc rách.
Bong gân là tình trạng tổn thương thường gặp khi vận động quá mức gây ảnh hưởng đến xương khớp. Tình trạng này hay xảy ra ở vùng cổ chân, khi bàn chân quay vào trong làm dây chằng phía ngoài mắt cá bị căng quá mức dẫn tới bong gân mắt cá chân, gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của người bệnh.
Khi bị bong gân, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện sưng tím, tụ máu tại vị trí dây chằng bị tổn thương, khi ấn vào sẽ thấy đau, rất khó chịu, hạn chế vận động tại vùng bị tổn thương.
Nếu gặp phải chấn thương này, người bệnh nên đi khám, để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Với loại chấn thương này, người bệnh cần vận động hợp lý, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ vật lý trị liệu để không làm mất đi tính linh hoạt và dẻo dai của dây chằng.
Căng cơ và bong gân là những chấn thương chi dưới dễ gặp khi tập luyện.
Căng cơ: Đây là chấn thương thể thao thường gặp nhất. Căng cơ là tình trạng cơ hoặc gân bị giãn căng hoặc bị rách. Thường gặp ở các cơ là cơ đùi sau, cơ tứ đầu (cơ đùi trước), cơ háng, cơ bắp chân, cơ bả vai và cơ lưng. Khi bị căng cơ, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: sưng, đau nhức và khó cử động tại vùng cơ bị căng.
Trong trường hợp cơ bị căng ít, người bệnh sẽ thấy đỡ hơn khi cơ được nghỉ ngơi vài ngày. Với những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị đau trong nhiều ngày, khiến cho việc vận động gặp khó khăn.
Khi bị căng cơ, người bệnh có thể dùng đá để chườm và băng ép vùng cơ bị căng lại. Trong trường hợp đau nhiều, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau. Nếu tình trạng căng cơ không giảm, các triệu chứng tăng lên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế ngay.
Chấn thương ở đầu gối: Trong quá trình luyện tập thể dục thể thao có thể gặp phải các loại chấn thương khớp gối sau đây:
Rách dây chằng chéo trước: Dây chằng chéo trước tham gia việc giữ ổn định khớp gối. Chấn thương rách dây chằng chéo trước có thể gặp phải khi: Đặt chân xuống sàn nhà sai tư thế; Đổi hướng quá nhanh; Dừng lại đột ngột. Tình trạng này sẽ có các biểu hiện như là: sưng đau tại chỗ, hạn chế vận động khớp gối, khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Khi bị chấn thương rách dây chằng chéo trước thường cần phải tiến hành phẫu thuật để tái tạo lại và tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng vận động khớp gối.
Rách dây chằng bên trong gối: Dây chằng bên trong gối nằm ở mặt trong đầu gối, là bộ phận liên kết giữa xương đùi và xương chày. Chấn thương rách dây chằng bên trong gối thường xảy ra khi khớp gối bị đẩy sang một bên quá mức khi di chuyển hoặc khi bị tổn thương đầu gối. Nếu không may gặp phải chấn thương này, bạn sẽ có các biểu hiện như sưng, đau nhức tại khớp gối, khớp gối mất ổn định. Chấn thương này có thể được điều trị bằng cách chườm đá, băng ép và tập vật lý trị liệu. Trường hợp tổn thương gây ảnh hưởng đến các cấu trúc khác như sụn chêm, dây chằng, thì bạn có thể phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Hội chứng bánh chè - đùi: Có thể gặp phải hội chứng bánh chè - đùi do tập thể dục thể thao như chạy bộ, chơi bóng chuyền, bóng rổ. Việc chuyển động lặp đi lặp lại của xương bánh chè vào xương đùi có thể gây ra tổn thương với sụn bên dưới. Hội chứng bánh chè - đùi có triệu chứng thường gặp là đau, nhưng phải sau một thời gian bị chấn thương bệnh nhân mới cảm nhận được các cơn đau.
Giống như chấn thương bong gân, khi bị hội chứng bánh chè - đùi, bệnh nhân cần tiếp tục luyện tập, tuy nhiên nên có sự hướng dẫn của các chuyên gia vật lý trị liệu.
Khi nào cần phải đi khám?
Các chấn thương thể thao nếu không được chưa trị đúng cách sẽ dai dẳng, kéo dài và gây hậu quả xấu cho sức khỏe. Vì vậy khi có các triệu chứng đau nhức khó chịu như trên, đau kéo dài trong nhiều ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm, nên đi khám để các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương và có hướng điều trị kịp thời.
Đặc biệt khi có một trong các biểu hiện dưới đây, người bệnh cần đi khám ngay: Vết thương sưng to. Vết thương sưng tấy nhiều và đổi màu da. Xương hoặc khớp bị biến dạng hoặc không thể vận động như bình thường được. Trong trường hợp chấn thương ở chân mà bạn không thể chịu được trọng lượng bên chân đau hoặc bạn cảm thấy nặng hơn, đi lại khó khăn, bạn hãy đi khám ngay lập tức.
Làm sao để ngăn chặn chấn thương khi tập thể dục, chơi thể thao? Những người từng bị chấn thương thể thao hoặc mắc các bệnh có thể ảnh hưởng đến tập luyện như tim mạch thì cần đến kiểm tra bác sĩ trước khi tập luyện. Trước khi chơi những môn thể thao có cường độ hoạt động mạnh, mọi người cần được hướng dẫn kỹ các tư thế và kỹ thuật cần thiết - ẢNH...