- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Sự “tiến hóa” của thiên đường và địa ngục trong thế giới game (Phần I)
On 06/10/2010 @ 1:59 PM In Mọt game
Loài người luôn có một niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống ở "cõi âm". Đa số các đạo đang tồn tại ngày nay đều cho rằng có một thiên đường vĩnh hằng dành cho những người tốt; và cũng có một cõi âm ty đầy đau khổ dành cho những kẻ xấu xa. Dù cho đặc điểm về thiên đường và địa ngục có thể khác nhau ở nhiều đất nước, trong nhiều tôn giáo, nhưng hầu như tất cả mọi người đều có các khái niệm về chúng, và cũng có rất nhiều người muốn tiếp cận được với hình ảnh của thiên đường và địa ngục thông qua các phương tiện giải trí.
Thế giới game từ lâu đã mang đến cho người chơi những trải nghiệm khá thú vị về các cuộc phiêu lưu ở thế giới bên kia. Hãy cùng tìm hiểu một số tựa game tiêu biểu cho cách mà các nhà làm game nhìn nhận về thế giới ấy.
Yokai Douchuuki (1987)
Yokai Douchuuki là một trong những tựa game đầu tiêu mô tả về một cuộc phiêu lưu qua địa ngục. Địa ngục trong game cũng có những nét đặc trưng riêng theo quan niệm của người châu Á và sẽ phần nào lạ lẫm đối với nhiều người.
Taromaru là một cậu bé hỗn xược đến mức linh hồn của cậu bị gửi đến Jigoru (địa ngục ở Nhật theo quan niệm của đạo Phật) làm hình phạt. Để thoát ra khỏi nơi này, Taromaru phải vượt qua năm màn chơi khác nhau và đụng độ với những quái vật gớm ghiếc. Game mang đến một trải nghiệm khá mới mẻ cho người chơi và nhanh chóng trở thành một game điện tử xèng vào hàng "hot" thời bấy giờ. Sau đó tựa game này còn được phát hành trên PC và hệ máy Famicom.
Mỗi phiên bản của game đều có những kết thúc khác nhau, phụ thuộc vào hành vi của Taromaru. Phật Tổ sẽ là người quyết định số phận của cậu bé này. Những khả năng có thể xảy ra với Taromaru là: tiếp tục bị giam giữ dưới địa ngục; trở thành một con ma; đầu thai thành một con vật trên trần gian; trở lại với cuộc sống bình thường hay được lên "định cư" trên thiên đường với những nữ thần xinh đẹp.
The New Zealand Story (1988)
Đa phần các nhà làm game thường hay chọn địa ngục thay vì thiên đường bởi họ nghĩ địa ngục có điều gì đó kì bí, ghê rợn và lôi cuốn người chơi hơn. Tuy nhiên những nhà phát triển game của Taito đã nghĩ hoàn toàn ngược lại trong The New Zealand Story khi tạo ra một cuộc phiêu lưu kì thú đến cổng thiên đường.
Tựa game xoay quanh việc một chú Kiwi có tên là Tiki tìm cách giải thoát bạn bè của mình khỏi một con hải mã. Tất cả bạn của Tiki đều bị giam cầm ở cuối một mê cung phức tạp, được canh phòng bởi các loài sinh vật nguy hiểm và các loại bẫy như hố nước hay hố gai. Đồ họa trong game khá dễ thương khiến người chơi có thể chủ quan, nhưng họ sẽ sớm nhận ra đây là một tựa game cực kỳ khó.
Bên cạnh đó, game còn chứa đựng rất nhiều yếu tố bất ngờ thú vị và vô cùng đáng nhớ. Kể từ màn chơi 3-1, người chơi có thể được đưa lên thiên đường nếu Tiki bị hạ gục bởi đạn của kẻ địch. Tuy nhiên thiên đường này không hề giống với những gì người chơi từng tưởng tượng. Tiki sẽ phải liên tục nhảy lên những con dốc thẳng đứng và chứa đầy những gai nhọn vô cùng nguy hiểm. Kẻ địch trên thiên đường thậm chí còn hung dữ hơn những gì người chơi phải đối phó dưới trần gian. Người chơi có thể tìm cách quay lại trần gian nếu tìm được một lối thoát bí mật, dù điều này là rất khó khăn.
DOOM (1993)
Khác hẳn với những tựa game trong cùng danh sách này, Doom có vai trò quan trọng bởi nó là đánh dấu sự hình thành thể loại FPS, tạo tiền đề cho chế độ multiplayer và cộng đồng game phát triển, cùng với đó là việc đưa tên tuổi của id Software lên một tầm cao mới. Nhìn vào những thành công của Doom, không khó để nhận ra một yếu tố quan trọng: game lấy bối cảnh là địa ngục.
Trong game, người chơi vào vai một chiến binh vũ trụ tương lai với nhiệm vụ tuần tra Sao Hỏa. Không lâu sau đó, mọi thứ biến thành địa ngục khi các thử nghiệm về dịch chuyển tức thời gặp phải trục trặc và một quân đoàn quỷ quái đã đi qua chiếc cổng dịch chuyển này để đổ bộ vào Sao Hỏa. Người chơi sẽ tiêu diệt toàn bộ quái vật và cuối cùng là đánh bại lũ quỷ ngay tại hang ổ của chúng.
Đồ họa cùng với thiết kế màn chơi của Doom được đánh giá là đỉnh cao thời bấy giờ và để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều người hâm mộ. Càng tiến xa trên hành trình, người chơi càng cảm thấy mình đang dấn sâu vào địa ngục với khung cảnh chết chóc và những quái vật vô cùng hung bạo. Giống như người đàn anh, Doom 2 và Doom 3 cũng tạo được cho người chơi cảm giác về một địa ngục đáng sợ và nhờ đó luôn đạt được những thành công to lớn trên thị trường game.
Earthworm Jim (1994)
Earthworm Jim là một series được yêu thích bởi đồ họa trau chuốt và chứa đựng nhiều yếu tố hài hước. Tuy vậy độ khó của game cũng là rất cao và thử thách kĩ năng cũng như sự kiên trì của người chơi. Trong game, người chơi có cơ hội đặt chân xuống một hành tinh có tên là Heck, nơi này do một nữ quỷ họ nhà mèo thống trị. Trên hành tinh này, người chơi có thể tìm thấy tất cả những gì họ đã từng tưởng tượng về địa ngục: kiến trúc kì quái, dung nham nóng chảy luôn chực phun trào, và tất cả đều xuất hiện với hai màu đỏ và đen.
(Còn tiếp)
Theo gamek
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/su-tien-hoa-cua-thien-duong-va-dia-nguc-trong-the-gioi-game-phan-i-20101006i76058/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.