Sự thật gây sốc về lực lượng bắn tỉa ở Kiev
Những tay súng bắn tỉa bắn người biểu tình và cảnh sát ở thủ đô Kiev, gây ra trận đổ máu kinh hoàng trước khi Tổng thống Yanukovych bị lật đổ, được cho là có liên quan “đến một người nào đó từ chính phủ lâm thời mới”. Đây là thông tin được tiết lộ từ chính Ngoại trưởng Estonia trong một cuộc gọi điện thoại bị rò rỉ ra bên ngoài. Thông tin này thực sự gây sốc trong bối cảnh phương Tây và phe đối lập Ukraine trước đó liên tiếp đổ lỗi cho chính quyền của ông Yanukovych đứng đằng sau các vụ bạo lực đẫm máu.
Ảnh minh họa
Cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet với bà Catherine Ashton, người phụ trách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), đã được Bộ Ngoại giao Estonia xác nhận là có thực. Nó diễn ra sau khi Ngoại trưởng Paet đến thăm thủ đô Kiev hôm 25/2 và sau khi xảy ra các cuộc đụng độ căng thẳng, đẫm máu trên các đường phố ở Kiev giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 11 phút, Ngoại trưởng Paet cho biết, ông đã nhận được thông tin về việc những tay súng bắn tỉa gây ra cái chết của hàng chục người biểu tình và cảnh sát ở thủ đô Kiev hồi cuối tháng 2 đến từ lực lượng khiêu khích trong phe biểu tình chứ không phải từ người của chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych.
Ngoại trưởng Paet đã thông báo với bà Ashton về cuộc trò chuyện của ông này với bà Olga Bogomolets – trưởng điều phối viên của nhóm trợ giúp y tế tại khu vực biểu tình chính ở Quảng trường Độc lập (Maidan) ở thủ đô Kiev .
“Bà Olga đã nói với tôi rằng, tất cả các bằng chứng cho thấy những người bị giết hại bởi các tay súng bắn tỉa đều từ hai phía, cả cảnh sát và sau này là người biểu tình và rằng cùng một lực lượng bắn tỉa tấn công vào những người đó”, ông Paet nói. Bà Ashton trả lời: “Đúng vậy, điều đó thật khủng khiếp”.
Ông Paet tiếp tục: “Sau đó, bà Olga tiếp tục cho tôi xem một số bức ảnh và bà nói, với tư cách là một bác sĩ, bà ấy có thể nói rằng có cùng một kiểu chữ viết, cùng một loại đạn và điều thực sự không ổn ở đây là liên minh cầm quyền mới không muốn điều tra chính xác chuyện gì đã xảy ra. Người ta ngày càng tin rằng đằng sau những tay súng bắn tỉa đó, không phải là ông Yanukovich mà là từ một người nào đó trong liên minh cầm quyền mới”.
Bà Ashton rõ ràng đã rất ngạc nhiên về tiết lộ của Ngoại trưởng Estonia nên chỉ nói được câu: “Tôi không biết … Gosh”.
Ngoại trưởng Estonia đã miêu tả toàn bộ vấn đề liên quan đến lực lượng bắn tỉa là “rắc rối” đồng thời nói thêm rằng, “ngay từ đầu chính quyền lâm thời mới ở Ukraine đã không đáng tin”.
Video đang HOT
Theo lời ông Paet trong cuộc điện đàm, ấn tượng chung về những gì ông chứng kiến trong một ngày đến thăm Kiev là “buồn”. Ông này nhấn mạnh, người dân Ukraine không tin vào giới lãnh đạo Maidan (phe đối lập) bởi tất cả các chính khách đối lập tham gia vào chính phủ mới đều “có quá khứ bẩn thỉu”.
Liên minh cầm quyền lâm thời mới ở Kiev được cho là đã thuyết phục ông Paet về việc không mở rộng điều tra vụ việc có các tay súng bắn tỉa này vì họ (phe đối lập) đứng đằng sau chuyện đó. Qua điện thoại, ông Paet nói với bà Ashton rằng có thể phe đối lập đã thuê những tay bắn tỉa này trong hàng ngũ NATO.
Đoạn hội thoại bị rò rỉ trên xuất hiện đúng một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc chính các thành phần đối lập gây ra vụ đổ máu ở thủ đô Kiev .
Tờ Russia Today đưa thông tin về cuộc điện đàm cho biết: “Những tay súng bắn tỉa bắn vào người biểu tình và cảnh sát ở thủ đô Kiev được cho là do giới lãnh đạo ở Maidan thuê”. Maidan là Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev và là nơi phe đối lập phát động phong trào chống chính phủ của Tổng thống Yanukovych.
Hiện không rõ ai là người làm tiết lộ cuộc điện đàm gây sốc trên giữa hai vị chính khách. Có thông tin cho rằng, đoạn hội thoại đó đã được tung lên mạng bởi các sĩ quan trung thành với Tổng thống bị lật đổ Yanukovych đến từ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU). Họ đã hack các cuộc điện đàm giữa ông Paet và bà Ashton. 94 người đã thiệt mạng và gần 900 người bị thương trong các cuộc đụng độ ác liệt giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình ở Quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev hồi tháng trước.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Estonia – bà Minna-Liina Lind đã xác nhận tính xác thực của đoạn ghi âm nói trên, nói thêm rằng vị Ngoại trưởng này “hết sức lấy làm tiếc” về việc đoạn hội thoại bị rỏ rỉ.
Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo ở Estonia, Ngoại trưởng Paet cho biết, ông “không đưa bất kỳ phán xét nào” và bày tỏ sự thất vọng trước thực tế rằng “một cuộc trò chuyện như vậy lại bị tiết lộ cho những người không cần thiết”.
Ngoại trưởng Paet còn nói: “Đang có thêm những phiên bản bóp méo của đoạn hội thoại được đưa ra để tìm cách làm mất uy tín chính phủ Ukraine . Tôi chỉ nói về những gì đang diễn ra ở Ukraine “.
Với những thông tin được tiết lộ ở trên, rõ ràng, người ta chưa thể biết được chính xác ai là người đứng đằng sau vụ bạo lực đẫm máu ở thủ đô Kiev . Và hiện giờ, người ta không thể loại trừ khả năng chính phe đối lập đã dàn dựng ra vụ việc để gây bất lợi cho chính quyền của Tổng thống Yanukovych và làm lợi cho bản thân họ.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Nga nổi giận vì bị Ukraine phản bội?
Nga hôm qua (24/2) đã nổi giận đùng đùng với nước láng giềng Ukraine vì một loạt diễn biến chính trị gần đây ở nước này. Giới chức ở Moscow đã tỏ ra hoài nghi tính hợp pháp của chính phủ lâm thời Ukraine đồng thời cáo buộc chính phủ này sử dụng những "phương tiện khủng bố và độc tài" để tiếm quyền và đàn áp những người đối lập ở khu vực phía đông, nam của nước này.
Tổng thống Yanukovych bị phát lệnh truy nã
Những lời chỉ trích ngày một leo thang về độ gay gắt từ cả Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Bộ Ngoại giao Nga là những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Nga sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thay đổi chính trị mà phe đối lập vừa thực hiện sau một cuộc chính biến lớn.
Ngay sau khi lật đổ Tổng thống Yanukovych, chính quyền tạm thời của Ukraine đã tuyên bố sẽ theo đuổi tiến trình gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và yêu cầu Nga phải chấp nhận cũng như tôn trọng điều đó. Đây là một cú đảo chiều gây bất lợi với Nga bởi trước đó chính quyền của ông Yanukovych còn đặt ưu tiên cho mối quan hệ với Moscow lên trên mối quan hệ với EU.
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, giới lãnh đạo Nga đã không đồng tình với lực lượng đối lập. Tuy nhiên, những phát biểu mới nhất ngày hôm qua của Thủ tướng Dimitry Medvedev thể hiện rõ nhất phản ứng của Nga với chính phủ tạm thời mới được dựng lên ở Ukraine sau khi Tổng thống Yanukovych buộc phải chạy khỏi thủ đô Kiev.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua đã thẳng thừng bảy tỏ "sự hoài nghi lớn" đối với tính hợp pháp của chính phủ lâm thời hiện nay ở Ukraine .
Thủ tướng Medvedev không quên chĩa mũi tấn công vào việc một số chính phủ phương Tây nhanh chóng công nhận chính quyền mới ở Kiev . Ông này miêu tả chính quyền đó là kết quả không hợp hiến của một cuộc nổi dậy có vũ trang.
"Tính hợp pháp của toàn bộ hệ thống các cơ quan quyền lực ở Ukraine khiến người ta phải hoài nghi. Tuy nhiên, một số đối tác nước ngoài của chúng tôi lại nghĩ khác. Tôi không biết họ đọc hiến pháp gì nhưng đó là một sự thiếu hiểu biết khi miêu tả một thứ kết quả của một cuộc nổi dậy có vũ trang là hợp pháp", ông Medvedev nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra lời bình luận chính thức nào về sự thay đổi chính quyền ở Ukraine . Trong khi đó, Thủ tướng Medvedev khẳng định, Nga vẫn sẽ tôn trọng mọi thỏa thuận đã ký với Ukraine hiện nay, trong đó có những thỏa thuận về năng lượng. "Chúng tôi không hợp tác với một số nhân vật cụ thể hoặc một số con người cụ thể nhưng đây là mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Chúng ta là hàng xóm láng giềng, chúng là hai nước ở gần nhau và chúng ta không thể tách nhau ra được", ông Medvedev đã phát biểu như vậy.
Không chỉ Thủ tướng Medvedev lên tiếng, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cũng đã ra một tuyên bố, trong đó cáo buộc thỏa thuận mà phe đối lập Ukraine ký với Tổng thống Yanukovych hồi cuối tuần trước dưới sự làm trung gian của Liên minh Châu Âu đã được sử dụng làm "vỏ bọc để thực thi một kịch bản dùng vũ lực lật đổ chính quyền ở Ukraine". Theo thỏa thuận này, Tổng thống Yanukovych sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến cuối năm nay nhưng quyền lực của ông bị hạn chế rất lớn. Tuy nhiên, phe đối lập đã nhanh chóng phá bỏ thỏa thuận bất chấp một loạt sự nhượng bộ từ ông Yanukovych. Lực lượng này sau đó đã chiếm thủ đô Kiev và nhanh chóng tổ chức họp Quốc hội khẩn cấp nhằm truất quyền Tổng thống.
"Một tiến trình đã được vạch ra để sử dụng các phương tiện độc tài và thỉnh thoảng là mang tính khủng bố để đàn áp những người đối lập ở các khu vực khác nhau", Bộ Ngoại giao Nga cho biết, ám chỉ đến những khu vực ở phía đông và nam Ukraine . Đây là nơi người dân ủng hộ Nga và nhiều người nói tiếng Nga.
Nghi ngờ động cơ của Mỹ và Châu Âu trong vấn đề Ukraine, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, các nước đó đã được thúc đẩy "không phải từ sự quan ngại về số phận của Ukraine mà chỉ là vì những tính toán địa chính trị đơn phương".
Những phát biểu thể hiện sự giận dự của Nga trước diễn biến tình hình ở Ukraine được đưa ra đúng một ngày sau khi Nga triệu hồi Đại sứ tại Ukraine về nước để tham vấn. Moscow tuyên bố rõ rằng, nước này chưa sẵn sàng công nhận chính phủ mới ở Ukraine - một chính phủ được lập nên một cách nhanh chóng và ngay sau đó đã phát lệnh truy nã Tổng thống Yanukovych.
"Nếu những người đi qua Kiev trong mặt nạ màu đen và cầm súng trường được coi là một chính phủ thì rất khó để chúng tôi làm việc với một chính phủ như thế", Thủ tướng Medvedev đã tuyên bố đầy cứng rắn như vậy.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow .
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là "cuộc đấu" giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine - chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Mỹ - Nga tố nhau sau màn kịch tại Ukraina Cuộc đối đầu giữa các bên đứng đằng sau cuộc khủng hoảng tại Ukraina ngày càng gay gắt hơn sau khi Moscow buộc tội Mỹ xúi giục vụ việc. Washington đổ lỗi cho Nga đã làm rò rỉ đoạn ghi hình các quan chức ngoại giao Mỹ thảo luận việc hình thành nên một chính quyền mới tại Kiev. Một người biểu tình...