Sư phạm Công nghệ – Ngành học đầy hứa hẹn của nền giáo dục Việt Nam hiện đại
Sinh viên ngành sư phạm Công nghệ là nguồn nhân lực triển vọng để thực hiện chương trình giáo dục mới , cơ hội nghề nghiệp của ngành nghề này ngày càng mở rộng.
Từ vai trò của môn công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành sư phạm công nghệ hứa hẹn là một ngành nghề triển vọng trong tương lai.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng – Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề đào tạo cũng như triển vọng của ngành sư phạm Công nghệ trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Đào tạo ngành sư phạm công nghệ theo định hướng giáo dục STEM
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hiện hữu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi trọng thúc đẩy giáo dục STEM nói chung, giáo dục công nghệ nói riêng. Đây là những lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp, thúc đẩy nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Để đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra đối với ngành giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiên phong trong vấn đề đào tạo giáo viên công nghệ – giáo dục STEM. Từ năm 2019, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành này.
Sự ra đời của ngành Sư phạm công nghệ – Giáo dục STEM nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cao của các cơ sở giáo dục hiện nay.
Theo học Chương trình Sư phạm công nghệ – Giáo dục STEM tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên được học tập và nghiên cứu về Toán và khoa học (Vật lí, khoa học máy tính), đủ để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ trong chương trình.
Cùng với đó là tri thức và năng lực nền tảng về kỹ thuật, công nghệ thuộc các lĩnh vực cơ khí, động lực, điện và điện tử, các kỹ thuật, công nghệ chuyên ngành thuộc một trong ba lĩnh vực: công nghệ và giáo dục STEM; công nghệ IoT; công nghệ điều khiển – tự động hóa. (giai đoạn chuyên sâu).
Mô hình chương trình đào tạo sinh viên sư phạm công nghệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của trường cũng chú trọng phát triển ở sinh viên những năng lực, kỹ năng thích ứng bối cảnh mới về khoa học và công nghệ như Năng lực công nghệ, tư duy thiết kế, tư duy phản biện, tư duy đổi mới sáng tạo .
Triết lí đào tạo của khoa Sư phạm kỹ thuật là học đi đôi với hành; học tập dựa trên nghiên cứu; chú trọng thực hành, trải nghiệm kỹ thuật, công nghệ trong môi trường thực tiễn.
“Sinh viên của khoa ngoài học tập, nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, thực hành, còn được trải nghiệm các hoạt động sáng chế kỹ thuật, công nghệ thông qua cuộc thi sáng tạo robot thường niên; cùng với giảng viên, phát triển các sản phẩm kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong thực tiễn.
Đây chính là những hoạt động sinh viên rất đam mê trong quá trình học tập và nghiên cứu tại khoa và cũng là phương thức học tập hiệu quả ở bậc đại học”, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng chia sẻ. .
Nếu có nhu cầu và có đủ năng lực, trong quá trình học, sinh viên có thể được giới thiệu để làm việc tại một số doanh nghiệp (đang có hợp tác với khoa: Học viện Human Robot; Teky Holdings; KDI Education,…) về giáo dục kỹ thuật, công nghệ.
Qua các hoạt động trên, sinh viên vừa phát triển chuyên môn, vừa hình thành kỹ năng làm việc trong thực tiễn và có thêm thu nhập.
Triển vọng ngành sư phạm Công Nghệ được mở rộng
Từ xu hướng tương lai của nền giáo dục hiện đại, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng khẳng định vai trò của môn học này sẽ ngày càng được coi trọng. Chính vì vậy, những hứa hẹn về nghề nghiệp tương lai của ngành đào tạo Sư phạm Công nghệ là có cơ sở.
Sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ – Giáo dục STEM sẽ trở thành những giáo viên sáng tạo , chủ động, tích cực, đón đầu xu hướng mới của giáo dục hiện đại (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)
Đầu tiên, sinh viên sau khi ra trường có thể lựa chọn dạy học môn Công nghệ – Giáo dục STEM ở Các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Vai trò của giáo viên môn Công nghệ trong Nhà trường ngày càng được đề cao. Các trường học hiện nay đều rất cần những giáo viên có năng lực để dạy học theo định hướng của chương trình giáo dục mới .
Trong bối cảnh ấy, các trường đang có nhu cầu tuyển dụng giáo viên đào tạo đúng chuyên môn. Giáo viên Công nghệ – Giáo dục STEM được đào tạo đúng chuyên ngành sẽ được mở rộng cơ hội việc làm.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Sư phạm công nghệ còn có cơ hội trở thành giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chương trình đào tạo sư phạm Công nghệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thiết kế theo hướng phân nhánh, chuyên sâu. Sinh viên năm cuối sẽ được lựa chọn theo các chuyên ngành dựa vào định hướng công việc tương lai.
Chính vì vậy, sinh viên sau này hoàn toàn có thể trở thành những giảng viên Điều khiển và tự động hóa, giảng viên IoT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Khoa Sư phạm Kỹ thuật tổ chức nhiều cuộc thi, tạo sân chơi bổ ích giúp sinh viên học tập, trải nghiệm (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)
Một cơ hội nghề nghiệp nữa dành cho sinh viên sư phạm công nghệ là làm việc như cử nhân kĩ thuật, công nghệ ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Với kiến thức nền tảng, chuyên sâu về công nghệ – kỹ thuật, sinh viên hoàn toàn có thể chủ động làm việc tại những cơ sở doanh nghiệp khác nhau có lĩnh vực, ngành nghề liên quan.
Xu hướng giáo dục STEM hiện nay cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm công nghệ, họ có thể trở thành giáo viên STEM tại các tổ chức giáo dục khác nhau.
Đặc biệt, sinh viên còn có cơ hội việc làm trong quá trình học tập tại giảng đường đại học, có cơ hội học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành của khoa, theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Trong tương lai gần, Công nghệ sẽ trở thành một môn học có ý nghĩa, vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của giáo dục trong trường học và các cơ sở giáo dục.
Giáo dục hiện đại đã cho thấy sự cần thiết, tầm quan trọng của môn Công nghệ cũng như vai trò, vị thế của những giáo viên Công nghệ sáng tạo , chủ động, tích cực, đón đầu xu thế.
KDI Education đưa giáo dục STEM đến với học sinh Việt
KDI Education, Tập đoàn KDI Holdings áp dụng chương trình giáo dục STEM giúp 40.000 học sinh, 89 trường học tại Hà Nội, TP HCM và Nghệ An học tốt hơn.
Năm 2016, KDI Education ra đời với mục tiêu quy tụ được những con người chung chí hướng để biến những ý tưởng thành sự thật. Theo ông Đặng Anh Mai, Phó Chủ tịch Tập đoàn KDI Holdings chọn chương trình giáo dục STEM là định hướng xuyên suốt trong mọi sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng. STEM là viết tắt của các từ "Science" (Khoa học); "Technology" (Công nghệ); "Engineering" (Kỹ thuật) và "Maths" (Toán học). Chương trình giáo dục STEM có nguồn gốc từ Mỹ, trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Nhớ về những ngày đầu thành lập KDI Holdings, ông Đặng Anh Mai, Phó Chủ tịch Tập đoàn cho biết khó khăn lớn nhất là tìm người cùng chí hướng. Phó Chủ tịch KDI Holdings đã phải tìm kiếm những nhân sự trẻ, dám nghĩ dám làm để cùng chung tay áp dụng chương trình giáo dục STEM vào xây dựng sản phẩm, dịch vụ.
Thầy cô KDI Education hướng dẫn các em học lập trình.
Ông Nguyễn Việt Trung, Giám đốc chuyên môn tại KDI Education là một trong những nhân sự đầu tiên của Tập đoàn này. Ông Nguyễn Việt Trung tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử trường Đại học Quốc gia Singapore và có 10 năm triển khai các chương trình giáo dục quốc tế Singapore về Việt Nam trong các trường dân lập, quốc tế và song ngữ. Trong quá trình làm việc, ông vẫn luôn suy nghĩ làm sao để những chương trình chất lượng như các nước phát triển cho số đông tại Việt Nam.
Để đạt mục tiêu đó, ông Nguyễn Việt Trung dành thời gian tham dự các chương trình tập huấn giáo dục tại Israel, Mỹ để tìm hiểu về chương trình giáo dục STEM và nhận thấy nhiều điểm phù hợp với học sinh Việt Nam.
Đồng hành cùng ông Nguyễn Việt Trung là ông Nguyễn Kiến Long - Trưởng bộ phận nghiên cứu chương trình của KDI Education. Ông Nguyễn Kiến Long là Thạc sĩ Điện - Tự động hóa từ Viện Bách khoa Toulouse đầu quân cho KDI Education để thực hiện mong muốn mang đến một cơ hội học tập tốt hơn cho các em học sinh Việt Nam. Ông Nguyễn Kiến Long được tổ chức Hasso Plattner Institute of Design, Đại học Stanford, Mỹ cấp chứng nhận về "Design Thinking".
Trại hè sáng chế - Innovation Camp.
Khi đã có đội ngũ nhân sự đạt yêu cầu, KDI Education nghiên cứu bộ giáo trình STEM dành riêng cho học sinh Việt Nam. Tập đoàn này áp dụng phương pháp "Innovation Space" (Không gian sáng chế) để tiếp cận, bổ sung để bổ trợ, hoàn thiện việc giảng dạy các môn học truyền thống. Từ đó, giúp các em học sinh vận dụng kiến thức vào thiết kế, giải quyết vấn đề liên quan đến các lĩnh vực của STEM, tạo ra những sản phẩm cụ thể. Tại "Không gian sáng chế" ý tưởng của học sinh có thể trở thành thành hiện thực thông qua ba cách:
Thứ nhất, học sinh học thực hành với "Maker-Centered". Phương pháp này khuyến khích học sinh quan sát và liên tục đặt câu hỏi để hiểu mọi vật được thiết kế như thế nào, từ đó phát hiện những ý tưởng thiết kế độc đáo cho bản thân. Đây là phương pháp do Harvard School of Education phát triển.
Thứ hai, học sinh học qua dự án thay vì làm bài tập. Các em đặt ra những câu hỏi mở, những tình huống thực tế và giải quyết chúng thông qua các dự án. Phương pháp này giúp học sinh phát triển kỹ năng phản biện, đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề, tạo điều kiện để trẻ ứng dụng công nghệ vào bài học.
Thứ ba, là phương pháp thấu hiểu để sáng tạo, còn được định nghĩa là "tư duy thiết kế". Phương pháp này ứng dụng từ quy trình tư duy thiết kế của trường Đại Học Stanford, Mỹ, bao gồm các bước: thấu hiểu nhu cầu, mô tả định nghĩa, hình thành ý tưởng, xây dựng mẫu vật, thử nghiệm. KDI Education ứng dụng các môn học công nghệ giúp rèn luyện bố năng lực cốt lõi của thế kỷ 21: Tư duy sáng tạo, phản biện, giao tiếp và hợp tác nhóm.
Các em học sinh trong tiết thực hành tại phòng học STEM.
Theo ông Đặng Anh Mai, Phó Chủ tịch Tập đoàn KDI Holdings, thời điểm KDI Education thành lập cũng là lúc chương trình giáo dục STEM được phụ huynh và học sinh Việt Nam biết đến. Tuy nhiên cách giáo dục STEM trong nhà trường tại Việt Nam còn hạn chế, rời rạc, chưa có một cách tiếp cận bài bản từ mô hình triển khai, cơ sở vật chất đến chương trình.
"Tối ưu là đưa không gian sáng chế vào trường học, chuẩn hóa những phương tiện, công cụ ở mức tối thiểu để đầu tư đại trà vẫn đạt được hiệu quả. Không cần tất cả đều đẹp, xịn, sang mà phải hiệu quả cho các em học sinh. Khi chúng ta đưa ra giải pháp với mức chi phí thấp, áp dụng được cho các trường từ lớp 1 - 12 đó mới là điều quan trọng nhất. KDI Education hướng tới mục đích cung cấp nguồn nhân lực về công nghệ, kỹ thuật cho quốc gia. Tìm các giải pháp mới hướng tới xây dựng năng lực, kỹ năng, có tính thực hành cao thay vì chỉ giáo dục tập trung vào kiến thức như trước đây", ông Đặng Anh Mai nhận định.
Buổi tập huấn cho các đội dự thi MakeX Robotics Competition 2008.
Để một hình thức giáo dục mới, khó, tưởng chừng chỉ dành cho học sinh của Mỹ có thể đến Việt Nam và các em học sinh có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ KDI Education đã "địa phương hóa" STEM. Khi đưa STEM về Việt Nam, các nhà nghiên cứu giáo dục của tập đoàn này tự hỏi: STEM ở Mỹ có mức độ như vậy, về Việt Nam phải có chương trình như thế nào cho phù hợp với điều kiện triển khai và bối cảnh kinh tế của người dân trong nước? Bằng cách nào để đưa mô hình STEM về các địa phương với chất lượng tốt nhưng chi phí hợp lý? Mô hình "Không gian sáng chế" ngay trong trường học là đáp án.
Các em học sinh KDI Education trong tiết thực hành tại phòng học STEM.
Các nhà nghiên cứu giáo dục của KDI Education tìm hiểu mô hình giáo dục của Israel, Mỹ, Singapore. Từ đó, tự xây dựng giải pháp giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất, chương trình và nhân sự chuyên môn. "Việc mua chương trình ở nước ngoài về, bị hạn chế về triển khai, chi phí cao so với mặt bằng chung người dân hoặc thiếu khả năng cải tiến cho phù hợp với bối cảnh giáo dục Việt Nam.
Chúng tôi triển khai giải pháp được áp dụng cho số đông học sinh Việt Nam, bao gồm các thiết bị dụng cụ hỗ trợ cho việc sáng chế của các em. Thiết bị có: mạch Arduino, robot, máy tính lập trình và máy in 3D. Qua môi trường này, các em có đầy đủ các công cụ để thực hiện các dự án sáng chế, phát triển năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề, nuôi dưỡng các phẩm chất kiên định, hợp tác, chủ động của bản thân", đại diện KDI Education chia sẻ.
Vòng chung kết MaketX Vietnam 2019.
Mô hình "Không gian sang chế" tại KDI Education được triển khai kết hợp với chương trình STEM gồm các nội dung: sáng chế sản phẩm, lập trình, tự động hóa và IOT, robotics và sản xuất số với in 3D. Mô hình này còn được triển khai với những phương pháp giáo dục STEM như quy trình thiết kế kỹ thuật (Engineering Design Process), tư duy thiết kế (Design Thinking) từ Đại học Stanford hay mô hình giáo dục sáng chế (Maker-Centered Learning) được phát triển bởi nhóm nghiên cứu Agency By Design tại Đại Học Harvard.
Theo đại diện KDI Education, trong mô hình giáo dục sáng chế, học sinh được phát triển năng lực thiết kế thông qua quan sát và thấu hiểu vấn đề. Từ đó, học sinh xác định các vấn đề cần giải quyết, nghiên cứu tìm hiểu kiến thức để giải quyết vấn đề bằng giải pháp tốt nhất. Quá trình giáo dục lấy người học làm trung tâm, giúp phát triển năng lực sáng tạo.
Học sinh đại diện Việt Nam lọt vào Top 8 toàn cầu, tham dự vòng Chung kết MaketX 2019 tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Ảnh: KDI Education
Thiết kế: KDI Education
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra triển khai nhiệm vụ GD phổ thông tại Hà Nam Ngày 21/1/2021, đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã kiểm tra công tác triển khai nhiệm vụ GD phổ thông năm học 2020-2021 tại Hà Nam. Cùng dự có Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài; Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Đỗ Đức Quế. Về phía Sở GD&ĐT Hà Nam...