- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới vượt 55,5 triệu
On 17/11/2020 @ 11:21 PM In Thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 17/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 55.528.197 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.335.435 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 38.659.882 người.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 252.791 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 11.545.284 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 130.670 ca tử vong trong số 8.886.987 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 166.067 ca tử vong trong số 5.876.740 bệnh nhân.
Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 124 người không qua khỏi. Tiếp đến là Peru (với tỷ lệ 107 người), Tây Ban Nha - 88 người và Brazil - 79 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 14,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 342.500 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 425.300 ca tử vong trong số trên 12,1 triệu ca nhiễm. Trong khi đó, Bắc Mỹ có trên 258.200 ca tử vong trong số trên 11,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 183.000 ca tử vong trong số trên 11,5 triệu ca nhiễm.
Tại châu Âu, ngày 17/11, Nga thông báo ghi nhận thêm 442 trường hợp tử vong do bệnh COVID-19 - mức thống kê theo ngày cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số trường hợp không qua khỏi tại Nga lên 33.931 người. Trong 24 giờ qua, Nga đã có thêm 22.410 người mắc COVID-19, trong đó riêng tại thủ đô Moskva là 5.882 người. Tổng số ca nhiễm hiện nay tại Nga là 1.971.013 người.
Tương tự, Bộ Y tế Bulgaria thông báo nước này đã ghi nhận thêm 152 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao chưa từng thấy, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.282 trường hợp. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Âu này ghi nhận thêm 3.519 ca nhiễm, đưa tổng số người mắc bệnh lên 101.770 người.
Trong một chiều hướng ngược lại, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho rằng nước này đã kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng dịch COVID-19, vì vậy chưa thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn quốc lần thứ hai. Phát biểu trên Đài truyền hình BFM, Bộ trưởng Veran khẳng định nếu ngừng các nỗ lực khống chế dịch bệnh quá sớm, cũng như không thực thi nghiêm biện pháp phong tỏa, nước Pháp có thể lại chứng kiến làn sóng dịch bệnh gia tăng, "xóa sạch" mọi nỗ lực của chính phủ và người dân trong những tuần qua.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, chính quyền thành phố Istanbul - thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 của Thổ Nhĩ Kỳ, đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Theo đó, toàn bộ các viện bảo tàng, cơ sở thể dục - thể thao, hồ bơi, trung tâm văn hóa đều phải đóng cửa từ ngày 19/11. Trước đó, Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu đã kêu gọi phong tỏa hoàn toàn thành phố có 16,5 triệu dân này trong ít nhất 2 tuần. Hiện số ca nhiễm tại Istanbul chiếm khoảng 50% tổng số ca bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình dịch bệnh càng trở nên trầm trọng hơn khi thời tiết lạnh hơn.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, tại châu Á, giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo về tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 trong giới trẻ, đồng thời lo ngại điều này có thể dẫn đến làn sóng dịch bệnh mới trong những tuần tới. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA), trong thời gian từ ngày 11/10 - 7/11, tỷ lệ những người dưới 50 tuổi trong các ca mới đã tăng 10,8% điểm lên 49,1%. Trong tuần qua, số người nhiễm trong độ tuổi trên chiếm tới 52,2%, trong khi những người từ độ tuổi 50 trở lên chiếm 47,8%.
Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 hằng ngày ở Hàn Quốc dao động trên 200 ca trong ngày thứ tư liên tiếp và có chiều hướng lan rộng ra cả nước, buộc cơ quan chức năng phải nâng mức giãn cách xã hội từ mức 1 lên mức 1,5 ở khu vực Seoul và vùng lân cận.
Số liệu do KDCA công bố ngày 17/11 cho thấy Hàn Quốc có thêm 230 ca mắc mới COVID-19, trong đó 202 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 28.999 ca. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca mắc mới ở mức trên 100 ca và đã có 4 ngày ghi nhận số ca mắc mới trên ngưỡng 200 ca. KCDA cho biết do số ca lây nhiễm mới xuất phát từ các cuộc tụ họp của cá nhân, các địa điểm công cộng và bệnh viện và xảy ra rải rác trên toàn quốc nên các cơ quan y tế gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn lây nhiễm và ngăn chặn sự lây lan.
Tại châu Mỹ, nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2, môt loat bang trên khắp nước Mỹ đa công bố các biện pháp hạn chế mới phòng chống dich bệnh nguy hiểm này. Các bang New Jersey, California, Ohio và thành phố Philadelphia - thành phố lớn nhất của bang Pennsylvania - đã gia nhập danh sách các bang và khu vực tái áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nhập viện trên toàn quốc tăng đột biến trong những tuần gần đây. Các chuyên gia y tế cảnh báo dịp nghỉ lễ Giáng sinh sắp tới và thời tiết chuyển lạnh hơn sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng này, khi người dân tổ chức các buổi tụ họp trong nhà nhiều hơn.
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên tình nguyện viện tại Hollywood, Florida, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan công tác bào chế vaccine, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh những kết quả đột phá "đáng khích lệ", đồng thời bày tỏ lạc quan thận trọng về khả năng có vaccine trong những tháng tới. Tuy nhiên, ông lưu ý các nước không nên tự thỏa mãn vì số ca mắc và tử vong do COVID-19 vẫn đang tăng mạnh tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu và châu Mỹ.
Phát biểu của người đứng đầu WHO được đưa ra sau khi tập đoàn công nghệ sinh học Moderna của Mỹ thông báo vaccine thử nghiệm ngừa COVID-19 của hãng này đã phát huy hiệu quả tới 94,5%. Một trong những ưu điểm lớn nhất của vaccine Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như vaccine của tập đoàn Pfizer, lợi thế dễ dàng phân phối hơn.
Cùng ngày 16/11, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng của Mỹ - cũng bày tỏ hoan nghênh kết quả thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna, cho rằng kết quả này "vô cùng ấn tượng". Ông đồng thời nêu quan ngại về tâm lý phản đối vaccine tại Mỹ khi cho rằng một vaccine sẽ không phát huy hết tác dụng ngừa bệnh nếu không ai đi tiêm phòng.
Như vậy, cùng với vaccine của Pfizer và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, cũng cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn cũng như xem xét những quy định về pháp lý, Mỹ có thể có hai loại vaccine ngừa COVID-19 được cấp phép để đưa vào sử dụng khẩn cấp trong tháng 12 tới.
Trong thông báo ngày 16/11, Pfizer cho biết sẽ bắt đầu thực hiện chương trình tiêm chủng COVID-19 thí điểm tại 4 bang của Mỹ để giúp tinh chỉnh kế hoạch phân phối và triển khai vaccine của hãng này. Cụ thể, 4 bang gồm Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee đã được chọn cho chương trình thí điểm này.
Theo WHO, tính đến đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 vaccine ngừa COVID-19, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên diện rộng thành công. Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021.
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/so-ca-nhiem-virus-sars-cov-2-tren-toan-the-gioi-vuot-555-trieu-20201117i5381346/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.