Số ca mắc tay chân miệng tại TP HCM có xu hướng giảm
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM ( HCDC) số ca mắc bệnh tay chân miệng tại 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam cũng như tại TP HCM đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2022.
Ảnh minh họa: Vietnamnet
Theo số liệu thống kê của Viện Pasteur TP HCM, tính từ đầu năm đến ngày 20/11/2023, tại 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 124.345 ca mắc bệnh tay chân miệng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng ghi nhận tại TP HCM là 44.467 ca, chiếm 35,7%. Như vậy bệnh nhi tay chân miệng từ các tỉnh, thành phố khác đến Thành phố điều trị chiếm 64,3%.
Tình hình diễn biến dịch bệnh tay chân miệng của TP HCM trong năm 2023 tương đồng với diễn biến của khu vực miền Nam. Diễn biến năm nay khác biệt so với các năm trước đây. Nếu như các năm trước, dịch bệnh tay chân miệng sau khi đạt đỉnh sẽ giảm dần sau đó. Trong năm 2023, dịch bệnh tay chân miệng đạt đỉnh vào tuần 23-31 rồi giảm chậm, sau đó tăng lại vào các tuần 41-43. Sau tuần 43, tình hình dịch tiếp tục giảm chậm và số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận định dịch có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định, Ngành Y tế TP HCM tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch gồm tăng cường giám sát hoạt động phòng chống tay chân miệng tại các quận huyện, các trường học để phát hiện, xử lý ổ dịch đúng quy định và đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch.
Về công tác điều trị, Sở Y tế TP HCM đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực điều trị cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh từ phòng khám đến các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện đa khoa có khoa nhi trên địa bàn Thành phố, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi ở Thành phố và cả ở các tỉnh thành khác.
Theo số liệu từ 3 bệnh viện Nhi của TP HCM, trong giai đoạn có ca tay chân miệng tăng cao ở khu vực phía Nam từ ngày 1/8 – 31/10/2023, TP HCM tiếp nhận điều trị cho 4.392 trẻ có địa chỉ tại các tỉnh, thành phố khác, chiếm gần 70% số ca tay chân miệng nhập viện điều trị. Trẻ nhập viện đến từ 56 tỉnh, trong đó 10 tỉnh có số lượng nhập viện cao nhất gồm: Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, Bình Phước.
Trong 2 tuần 46, 47, bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm tại TP HCM và cả khu vực miền Nam. Cụ thể, trong tuần 47 (từ ngày 20/11 – 26/11) số trường hợp mắc bệnh ở Thành phố là 1.021, giảm 40,5% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh giảm, số ca nhập viện cũng giảm theo.
Trong tuần 47, tổng số ca nhập viện là 299 ca, giảm 108 ca so với tuần trước. Bên cạnh đó, dù giảm số lượng nhưng số ca nhập viện có có địa chỉ ở các tỉnh thành khác vẫn duy trì ở mức gần 70%.
Video đang HOT
Trong số các ca nặng thì gần 85% là trẻ có địa chỉ ở địa phương khác.
Nhận định tình hình dịch còn kéo dài, Sở Y tế TP HCM đề nghị các tỉnh thành khu vực phía Nam cần tiếp tục tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng; sở y tế các tỉnh, thành cần nâng cao năng lực điều trị tại địa phương, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh để bệnh nhi có thể được điều trị sớm nhất và thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng lưu ý tăng cường truyền thông đến người dân về khả năng tiếp nhận điều trị bệnh tay chân miệng của bệnh viện tuyến tỉnh để người dân an tâm điều trị tại địa phương.
Thuốc điều trị tay chân miệng vẫn thiếu
Một số bệnh viện ở An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ... đang thiếu thuốc điều trị tay chân miệng, phải chuyển bệnh nhân nặng đến TP.HCM.
Theo phản ánh từ các cơ sở y tế, các thuốc thiết yếu gồm Gamma Globulin, Phenobarbital, Milrinone... Trước đó, cuối tháng 7/2023. Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn.
Tình trạng thiếu thuốc điều trị tay chân miệng diễn ra thời gian gần đây khiến việc chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh bị ảnh hưởng.
Cùng với số ca mắc có xu hướng tăng nhanh dẫn đến số ca nặng cũng đang gia tăng, các bệnh viện còn đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc điều trị.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự xuất hiện của biến chủng EV71 và tình hình hạn chế các thuốc thiết yếu trong điều trị bệnh tay chân miệng như Immunoglobulin (IVIG), Phenobarbital truyền tĩnh mạch... tại các tỉnh phía Nam khiến TP.HCM phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến (dao động trong khoảng từ 60 - 80%). Trong đó, nhiều ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị về cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng, nhưng hiện nay, số thuốc dự trữ của Thành phố dự kiến không đủ đáp ứng trước diễn biến tăng nhanh của dịch bệnh.
Trước thông tin này, tại buổi họp báo cung cấp thông tin do Bộ Y tế tổ chức chiều 20/10, ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, hiện nay có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc Immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
Hiện nay, 8.258 lọ thuốc đã nhập khẩu về Việt Nam và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến cuối tháng 11, thêm 2.000 lọ thuốc tiếp tục về Việt Nam.
Đối với thuốc điều trị tay chân miệng chứa hoạt chất phenobarbital, cơ sở trong nước đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất thuốc trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước cũng có sẵn thuốc điều trị tay chân miệng chứa hoạt chất milrinon để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Cũng theo ông Dũng, hiện Cục Quản lý dược vẫn tiếp tục nhận được đề nghị của một số cơ sở khám chữa bệnh về việc nhập khẩu thuốc Barbit injection 1ml (dung dịch tiêm chứa Phenobarbital) đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện.
Cục Quản lý Dược đã có văn bản hướng dẫn cơ sở nhập khẩu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị nhập khẩu theo quy định.
Về thuốc chứa hoạt chất milrinon, hiện có hai cơ sở sản xuất trong nước là Công ty cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội và Công ty cổ phần Pymepharco có sẵn thuốc để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Đại diện Cục Quản lý dược cho hay, nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng vẫn còn những đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh.
Bộ Y tế cho biết số ca mắc tay chân miệng tiếp tục tăng so với tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng, 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296 ca, 3 tử vong) số mắc tăng 91,6%, tử vong tăng 19 trường hợp.
Trong thời qua, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến. Riêng TP.HCM, từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca mắc tay chân miệng.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước.
Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông. Thủ phạm gây bệnh này là nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71).
Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng, thường tự khỏi. Còn EV71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm tới thần kinh, tim mạch, phổi; thậm chí có thể gây tử vong.
Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bệnh diễn biến nhanh, chỉ nửa ngày đã chuyển sang cấp độ nặng hơn, làm tăng nguy cơ suy hô hấp và biến chứng. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, việc phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi.
Trẻ bệnh được chăm sóc và theo dõi sát, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ nếu phát hiện và điều trị quá chậm.
Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc tay chân miệng là tình trạng loét miệng. Vị trị loét nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi... Có trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 độ C - 38 độ C.
Tuy nhiên, có trẻ bị sốt cao trên 39 độ C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị tay chân miệng đã nghiêm trọng, cần đến ngay các cơ sở y tế.
Hầu hết những trẻ mắc tay chân miệng độ nhẹ đều được bác sĩ cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà theo những nguyên tắc cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm;
Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ bệnh giúp trẻ mau lành bệnh; tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ khỏe mạnh hơn; sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo gia đình nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện: Sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực; trẻ giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi/ yếu chi; trẻ đi đứng loạng choạng; nôn ói nhiều; quấy khóc; co giật.
TP Hồ Chí Minh: Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng Ngày 13/10, theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết lại tiếp tục tăng. Cụ thể, trong tuần 40 (từ ngày 2/10 - 8/10) TP Hồ Chí Minh ghi nhận 1.532 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so...