Shark Tank – Tập 9: Shark Tuệ Lâm – Erik bắt tay rót vốn cho ứng dụng Sổ bán hàng
Gây ấn tượng khi nhóm sáng lập có background “khủng” và startup từng đạt giải Quán quân TechFest 2022, mô hình kinh doanh của Sổ Bán Hàng khiến 3 Shark giành nhau.
Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ mùa 6 tập 9 phát sóng tối 27/11 với các màn gọi vốn đầy tâm huyết của các founder cho các sản phẩm thú vị: Sổ Bán Hàng – ứng dụng quản lý bán hàng trên điện thoại di động cho các tiểu thương; Rec Rec – thương hiệu đồ ăn vặt làm từ con dế tham cung cấp đủ đạm cho một bữa ăn; Sencar – ứng dụng thuê ô tô tự lái với giá chỉ từ 200.000 đồng/2 tiếng.
Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ – 27/11/2023
Trong đó, ứng dụng Sổ Bán Hàng của hai anh em từng đoạt quán quân Techfest được cả 3 Shark giành nhau.
Với điểm “dừng chân” gần nhất là cùng làm việc tại Lazada, cộng với kinh nghiệm làm việc đã tích lũy từ trước đó, hai anh em Bùi Hải Nam, Bùi Hải Long cùng nhau xây dựng nên Sổ Bán Hàng – ứng dụng quản lý bán hàng dành cho các chủ kinh doanh nhỏ từ 20 – 45 tuổi trong lĩnh vực F&B, tạp hóa, bán lẻ, đổ sỉ…
Với kinh nghiệm về thương mại, giá, Bùi Hải Nam giữ vai trò Giám đốc công ty và Hải Long có kinh nghiệm về vận hành và công nghệ là Giám đốc phát triển sản phẩm.
Mong muốn tìm một nhà đầu tư chiến lược cùng đồng hành nâng tầm công nghệ cho những tiểu thương nhỏ, anh em Hải Nam, Hải Long kêu gọi Shark đầu tư tối thiểu 1 tỷ đồng theo hình thức vốn vay chuyển đổi và chiết khấu tới 20% khi doanh nghiệp có định giá.
Theo hai nhà sáng lập, Sổ Bán Hàng ra đời từ giữa đại dịch với mô hình freemium cung cấp tính năng cơ bản, miễn phí sử dụng và sau 2 năm đã có hơn 500 ngàn người dùng. Từ tháng 2/2023, Sổ Bán Hàng bắt đầu áp dụng thu phí thuê bao tháng từ 100 – 300 ngàn đồng với các tính năng cao cấp, chuyên sâu hơn cho từng ngành nghề. Nhờ phát triển đội ngũ bán hàng, ứng dụng này đã có gần 10 ngàn người dùng trả phí, ghi nhận mức doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng.
“Em cần cảnh giác bởi vì khi mà em bắt đầu có đội ngũ bán hàng là lỗ sẽ bắt đầu tăng lên. Vì chi phí bán hàng của cái mảng SaaS (Software as a Services -phần mềm dạng dịch vụ) này là cực kì cao”, Shark Bình đưa ra cảnh báo.
Đáp lại, Hải Nam cho biết, thay vì xây dựng đội ngũ bán hàng theo kiểu push (đẩy), chiến lược của Sổ Bán Hàng là pull (kéo). “Khi họ sử dụng, mình thấy nhà bán hàng nào có tiềm năng thì khi đấy đội sale mới bắt đầu gọi, bắt đầu convert (chuyển đổi)”, Hải Nam nói.
Nói rõ hơn về hiệu quả kinh doanh, Hải Nam cho biết tuy Sổ Bán Hàng đã có doanh nhu nhưng vẫn ở trong giai đoạn đầu tư. Do đó mỗi tháng startup này vẫn đang lỗ khoảng 700 triệu. Tuy nhiên, Sổ Bán Hàng vẫn cover (bù đắp) được số lỗ này nhờ kêu gọi được nguồn vốn vay chuyển đổi tư các nhà đầu tư.
Cụ thể, Sổ Bán Hàng đã gọi vốn vay chuyển đổi 2 vòng từ nhiều nhà đầu tư với tổng số tiền là 4 triệu USD và đã tiêu hết . Với doanh thu đang tăng lên từ 10 – 15% hàng tháng, dự kiến 3 tháng tới startup sẽ dừng “đốt tiền” có dòng tiền dương.
“Mình đang kinh doanh tốt rồi, nhà đầu tư mới có thể giúp hai bạn như thế nào?”, Shark Erik thắc mắc.
Bùi Hải Nam cho biết hệ sinh thái của các Shark có thể kết hợp cùng Sổ Bán Hàng để mang thêm nhiều sản phẩm giá sỉ cho các chủ kinh doanh. Ngược lại, các Shark cũng có thể tiết kiệm chi phí bán hàng khi cùng startup bán sản phẩm, dịch vụ tới tệp khách hàng này.
Trả lời cho câu hỏi của Shark Bình là liệu nhà đầu tư bỏ vốn vào về lâu dài có giàu được không, Bùi Hải Nam lấy dẫn chứng về các mô hình đã thành công ở thị trường khác, ví dụ như Ấn Độ. Anh cũng cho biết khái niệm thành công tức là trở thành “kỳ lân”, doanh nghiệp trên 5 tỷ đô la sau 3 năm.
Shark Bình thẳng thắn chỉ ra đó chính là cái “bẫy” bởi đó là thước đo thành công của giai đoạn trước “mùa đông gọi vốn”. “Metric (chỉ số) của sự thành công anh nghĩ đến thời điểm hiện nay là doanh thu và lợi nhuận thì chính xác hơn”, Chủ tịch NextTech nêu quan điểm.
Đồng ý với Shark Bình về việc “mùa đông gọi vốn” đang rất khó khăn, Bùi Hải Nam chia sẻ, chặng đường của Sổ Bán Hàng không phải ngắn hạn mà là dài hạn, từ 8 – 10 năm nữa.
Shark Minh có đánh giá tốt về mô hình của Sổ Bán Hàng nhưng vì không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên Chủ tịch Beta Group từ chối đầu tư. Shark Bình cũng từ chối thương vụ bởi đã từng đầu tư cho một số giải pháp SaaS trong cùng lĩnh vực.
Shark Tuệ Lâm cho biết cô đã từng nghiên cứu về thị trường này ở cả Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản nên hiểu rằng rất cạnh tranh, rất “đổ máu”. Chính vì thế, Shark Tuệ Lâm đề nghị đầu tư convertible note (khoản vay chuyển đổi) 100 ngàn USD, chiết khấu 20% hoặc trên cơ sở định giá là 15 lần doanh thu của 12 tháng tính từ thời điểm rót vốn.
Đã từng làm trong ngành thương mại điện tử, Shark Erik nhận định mô hình của Sổ Bán Hàng rất ấn tượng. Chính vì thế, ông mời Shark Tuệ Lâm cùng tham gia đầu tư cho startup với tổng số tiền là 200 ngàn USD trên định giá doanh nghiệp x15 doanh thu.
Còn lại Shark Hùng Anh, ông cho biết sẽ “đu theo người ta ngày xưa”, đầu tư 500 ngàn USD cho startup với điều kiện giống như vòng trước. Chủ tịch Bin Corporation Group cũng chỉ ra rằng Sổ Bán Hàng có thể áp dụng cách đang làm thành công ở Việt Nam để làm một phiên bản khác bán ra thị trường nước ngoài.
Cảm kích trước đề nghị đầu tư hào phóng của Shark Hùng Anh cho Sổ Bán Hàng nhưng Bùi Hải Nam cho biết hiện tại Sổ Bán Hàng đang muốn tập trung vào thị trường Việt Nam. Vì thế, startup này chấp nhận đề nghị đầu tư của Shark Erik và Shark Tuệ Lâm với con số 200.000 USD chuyển đổi cổ phần theo định giá x15 lần doanh thu, nhiều hơn 4 lần số vốn kêu gọi ban đầu.
Đón xem các tập tiếp theo của chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ mùa 6 phát sóng vào 20h30 thứ Hai hàng tuần trên kênh VTV3. Mời quý vị đón xem!
Shark 8X lần đầu ngồi ghế Shark Tank đã đầu tư nhiều thương vụ nhất
Shark Hùng Anh lần đầu đến Shark Tank Việt Nam nhưng có số thương vụ đề nghị đầu tư nhiều nhất mùa 5 với 10 thương vụ.
Là chương trình truyền hình thực tế về gọi vốn đầu tư, nơi kết nối các nhà khởi nghiệp (Startup) tiềm năng với các nhà đầu tư (Shark) tâm huyết, Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 5 đã kết nối thành công 31 Startup với các Shark.
Trong đó, Shark Hùng Anh - thành viên mới của "bể Cá mập" trở thành Nhà đầu tư có số thương vụ đề nghị đầu tư nhiều nhất mùa 5 với 10 thương vụ.
Shark Đỗ Liên - "bà đỡ của Startup Việt" có 9 thương vụ được đề nghị đầu tư.
Shark Nguyễn Hòa Bình kết thúc hành trình "săn" Startup với 7 thương vụ.
Shark Phạm Thanh Hưng đề nghị đầu tư 6 thương vụ.
Shark ngoại quốc Erik Jonsson lần đầu tiên xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam đã đề nghị đầu tư cho 3 Startup.
Tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 5 với vị trí khách mời, Shark Nguyễn Xuân Phú đã đề nghị đầu tư 2 thương vụ.
Shark Louis Nguyễn giữ vững khẩu vị đầu tư vào các Startup thực phẩm cùng thương vụ với Bánh mì Má Hải.
Trong khi đó, Shark Thái Vân Linh đã đề nghị đầu tư với 2 Startup.
Shark Tank Việt Nam mùa 5 cũng ghi nhận các thương vụ nhận được đề nghị đầu tư lên đến hàng triệu USD như Startup e-Timber được đề nghị đầu tư 2 triệu USD từ Shark Đỗ Liên; Startup EM & AI được đề nghị đầu tư 1 triệu USD từ Shark Đỗ Liên; Startup Shondo được đề nghị đầu tư 23 tỷ từ Shark Hùng Anh; Hệ thống Anh ngữ Á Châu được đề nghị đầu tư 1 triệu USD từ Shark Hùng Anh.
Đặc biệt, các "cá mập" đã sử dụng 9 Golden Ticket (vé vàng) có tổng giá trị là 1,75 tỷ để giành quyền ưu tiên đàm phán với Startup.
Shark Tank: Lần đầu ngồi ghế nóng, Shark Erik chốt ngay deal với startup công nghệ Đến gọi vốn, Nguyễn Anh Tuấn vào thẳng vấn đề với từ khóa "Metaverse" - được coi là xu hướng của ngành công nghệ hiện nay. Trong tập 10 Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 5, Nguyễn Anh Tuấn - sáng lập và điều hành của Elite Meta - đã mở đầu phần giới thiệu của mình bằng việc...