SCO kêu gọi xây dựng thế giới đa cực, ủng hộ duy trì không gian không vũ khí
Ngày 4/7, lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ( SCO) đã kêu gọi xây dựng một thế giới đa cực để giải quyết các rủi ro và thách thức an ninh cấp bách.
Quang cảnh bên ngoài Dinh Độc lập ở Astana, Kazakhstan, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ảnh: AA/TTXVN
Trong tuyên bố đưa ra sau Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia SCO ở Astana (Kazakhstan), các nhà lãnh đạo SCO nhấn mạnh những rủi ro và thách thức an ninh hiện tại có tính chất toàn cầu, do đó chỉ có thể giải quyết thông qua việc xây dựng một thế giới đa cực, cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu và các nỗ lực phối hợp giải quyết các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Tuyên bố Astana đồng thời cho rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và gây bất lợi cho quan hệ kinh tế quốc tế.
Các nhà lãnh đạo SCO cũng bày tỏ ủng hộ việc duy trì không gian vũ trụ không có vũ khí. Tuyên bố Astana nhấn mạnh sự cần thiết phải ký kết một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch và cung cấp những đảm bảo đáng tin cậy cho việc ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ.
Cũng theo Tuyên bố Astana, hội nghị tiếp theo của Hội đồng Nguyên thủ các quốc gia thành viên SCO sẽ được tổ chức vào năm 2025 tại Trung Quốc và Trung Quốc sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên tổ chức này trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, các quốc gia thành viên đồng ý tuyên bố năm 2025 là Năm phát triển bền vững của SCO. Đại diện SCO cũng ký chương trình hợp tác chống khủng bố, chống ly khai và thông qua chiến lược chống ma túy đến năm 2029.
Liên quan đến cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, các nhà lãnh đạo SCO lên án các hành động bạo lực gây ra thương vong lớn cho dân thường và cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở Dải Gaza. Tuyên bố Astana nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo lệnh ngừng bắn toàn diện và lâu dài càng sớm càng tốt, cũng như tăng cường nỗ lực đạt được hòa bình, ổn định và an ninh cho mọi người dân trong khu vực. Ngoài ra, các thành viên SCO cũng chỉ ra rằng việc tìm ra giải pháp toàn diện và công bằng cho vấn đề Palestine là cách duy nhất để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Tổng thống Vladimir Putin: Quan hệ Nga - Trung phát triển tích cực
Ngày 8/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp tại thủ đô Moskva của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin đánh giá quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đang phát triển nhanh và duy trì hợp tác chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRICS. Hai bên cũng đang thúc đẩy hợp tác giữa quân đội hai nước và đạt được kết quả nhất định. Nga sẵn sàng tăng cường liên lạc chiến lược với Trung Quốc, nâng cao mức độ hợp tác thực chất và thúc đẩy phát triển quan hệ giữa quân đội hai nước.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp cho rằng quan hệ quân sự giữa hai nước duy trì đà phát triển và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để thực hiện sự đồng thuận quan trọng mà hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được.
Trước đó, ông Trương Hựu Hiệp đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu về quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.
Thời gian gần đây, các quan chức Trung Quốc và Nga tiến hành nhiều cuộc gặp song phương nhằm thúc đẩy quan hệ. Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 18/10, nhân dịp tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) cũng đã gặp người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin bên lề Hội nghị những người đứng đầu chính phủ các nước thuộc tổ chức SCO lần thứ 22 tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan hôm 25/10.
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ sau khi BRICS mở rộng Từng bước một, Trung Quốc tiếp tục xây dựng các giải pháp thay thế cho những yếu tố chủ chốt trong trật tự thế giới của phương Tây, trong đó có yếu tố quan trọng nhất là trật tự thị trường dầu mỏ toàn cầu mới. BRICS đã chính thức mời thêm 6 nước gia nhập khối, trong đó có Saudi Arabia, Iran...