- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Sau Tết, giáo viên gian nan tìm trò đi học
On 10/02/2011 @ 8:25 AM In Học hành
Vừa xong mấy ngày nghỉ Tết, thầy giáo Đinh Việt Hưng ở Trường Tiểu học Keng Đu 1 (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) lại tất tả cùng đồng nghiệp vượt đồi, lội suối, tìm bắt học trò trở lại lớp.
Thuyết phục không được, các thầy phải dùng quà cáp, bánh kẹo mang từ dưới xuôi lên, tổ chức các hoạt động văn nghệ để "dỗ" học trò trở lại trường.
Kết thúc kỳ nghỉ Tết, buổi trở lại trường đầu tiên, sau khi vệ sinh cơ sở trường lớp, hội đồng Trường Tiểu học Keng Đu 1khẩn trương tổ chức họp.
Nội dung chủ yếu của cuộc họp là bàn cách để giáo viên kết hợp với địa phương, đến tận từng nhà vận động học sinh trở lại trường học theo đúng chương trình.
Giáo viên cắm bản nào thì phải chịu trách nhiệm vận động học trò của bản đó trở lại trường.
Ngoài khó khăn về giao thông, thiếu thốn về cơ sở vật chất hạ tầng, nhận thức kém về việc học trò, sự quan tâm của các bậc phụ huynh còn nhiều hạn chế cũng là tạo lực cản lớn" cho việc trở lại trường của học sinh.
Thầy giáo Lô Văn Lan, Trường Tiểu học Cắm Muộn, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An) đang lội bộ vào bản
Không chỉ ở vùng cao Kỳ Sơn, sau Tết, giáo viên ở Tương Dương, Quế Phong cũng phải xuống tận từng nhà, bản làng để vận động học trò trở lại lớp.
Những bản làng vùng sâu, vùng xa nơi học sinh bỏ học có "nguy cơ" cao thì giáo viên càng phải cất công tìm đến.
Vất vả nhất, phải kể đến những trường học thuộc các xã Bảo Thắng, Mường Típ, Keng Đu (huyện Kỳ Sơn); xã Tam Hợp, Nhôn Mai, Hữu Khuông (huyện Tương Dương); xã Tri Lễ, Cắm Muộn, Thông Thụ (huyện Quế Phong).
Tình trạng học sinh bỏ học hoặc "học giã gạo" (bữa học, bữa nghỉ) sau Tết ở các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ cao nhất trong năm, báo Tin Tức dẫn khảo sát của Bộ GD-ĐT cho hay. Những địa danh như: Nà Tấu, Mùn Chung, Mường Luân, Chà Cang, Mường Nhé (tỉnh Điện Biên); Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai (Lào Cai)...thường xuyên diễn ra tình trạng này.
Ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết: "Học sinh bán trú các xã vùng biên được bộ đội biên phòng hỗ trợ lương thực, thực phẩm bằng cách trồng rau, tăng gia sản xuất. T ỉnh cũng phát động phong trào"hũ gạo tình thương" hỗ trợ học sinh nghèo".
Còn ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cho biết."từ trước Tết, giáo viên và nhân viên hỗ trợ ở những điểm trường lẻ phải đến từng gia đình vận động cho con em tiếp tục ra lớp sau Tết.
Tỉnh Lai Châu thì hỗ trợ học bổng cho hơn 6.000 học sinh bán trú dân nuôi tại các trường phổ thông theo hình thức lồng ghép cùng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương hoặc tổ chức nuôi dưỡng học sinh bán trú, để tiền hỗ trợ người học được hưởng chứ không phải phụ huynh được hưởng.
Nói với báo Tin Tức, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học tại các tỉnh miền núi phía Bắc, sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, mở rộng quy mô bán trú dân nuôi.
Gặp thầy giáo Lô Văn Lan, Trường Tiểu học Cắm Muộn, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An) đang lội bộ vào bản, thầy nói, hơn nửa đời người gắn bó với học trò vùng nên nên đã quen với cảnh đi tìm học trò trở lại lớp.
Theo VietNamNet
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/sau-et-giao-vien-gian-nan-tim-tro-di-hoc-20110210i104710/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.