Sau đại dương, đến lượt những vùng trời đóng lại
Có thể hiểu vì sao thế giới lại thở phào, khi mỗi ngày trôi qua, những hành động trả đũa từ Iran nhắm đến Israel vẫn bị trì hoãn, để nguy cơ về một cuộc xung đột vũ trang toàn diện chưa bùng lên và lan khắp Trung Đông.
Hiện tại, chưa cần viễn cảnh kinh khủng đó xảy ra, mọi guồng máy giao thương – kết nối toàn cầu đều bị ảnh hưởng trầm trọng.
Sau chuyện hàng loạt hãng vận tải đường biển phải tái định tuyến các hải trình đi qua kênh đào Suez, trong những ngày qua, các hãng hàng không hàng đầu thế giới cũng đã bắt buộc phải lựa chọn trong hoảng loạn: Đình chỉ hoặc thay đổi hàng loạt lịch trình.
Phía trước là mây mù
Có thể tin rằng, tình trạng hiện tại vẫn sẽ còn kéo dài trong những ngày tới, cho đến khi tình hình chiến sự Trung Đông trở nên rõ ràng hơn.
Ngày 19/8, Hãng hàng không Swiss International Airlines (SWISS) – một thành viên của Tập đoàn hàng không quốc tế Lufthansa (thuộc Đức, nhưng bao gồm cả SWISS Austrian Airlines, Brussels Airlines và Eurowings) – thông báo sẽ tiếp tục gia hạn lệnh tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv (Israel) cùng Beirut (Lebanon), đồng thời không sử dụng không phận trên lãnh thổ Iran, Iraq và Israel cho đến ngày 26/8.
“Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về bất kỳ sự bất tiện nào mà điều này có thể gây ra cho hành khách, nhưng sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Những hành khách bị ảnh hưởng sẽ được liên hệ trực tiếp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đưa ra lựa chọn cho những người bị hoãn chuyến đổi sang các tuyến khác mà không mất phí hoặc được hoàn lại toàn bộ tiền”. Dĩ nhiên, hệ quả của động thái này vẫn là việc các chi phí bị đội lên cao, chưa tính đến những sự đảo lộn trong kế hoạch của bất cứ hành khách nào bị tác động từ chuyện thay đổi đường bay.
Một góc sân bay Ben Gurion (Tel Aviv).
Song, SWISS không phải là hãng hàng không quốc tế duy nhất bị “vạ lây”. Từ ngày 5/5, Iran đã gửi đi những cảnh báo sơ khởi về chuyện hệ thống GPS có thể bị gián đoạn trên toàn không phận của họ. Do đó, “cẩn tắc vô áy náy”, nhiều hãng hàng không đã rục rịch “tính trước đường lui” kể từ thời điểm ấy.
Video đang HOT
Hai tuần sau, theo hãng thông tấn Reuters, đã có hàng chục công ty hàng không quốc tế, bao gồm các hãng hàng không giá rẻ lớn như easyJet hay Ryanair và cả những “người khổng lồ” trong ngành như Tập đoàn Lufthansa của Đức đã buộc phải tạm đình chỉ các chuyến bay đến một số điểm đến nhất định ở Trung Đông hoặc quyết định tránh sử dụng các không phận có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Trong danh sách được Reuters liệt kê, có Hãng hàng không Algeria tạm thời đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Lebanon cho đến khi có thông báo mới. Air India (Ấn Độ) cũng vậy. Tập đoàn liên doanh Pháp – Hà Lan mang tên Air France – KLM thì “liều lĩnh”hơn: Trong khi phía KLM hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv cho đến ngày 26/10 thì Air France đã nối lại dịch vụ giữa Paris và Beirut vào ngày 15/8, sau 2 tuần tạm dừng. Cathay Pacific thậm chí còn hủy tất cả các chuyến bay đến Tel Aviv cho đến ngày 27/3/2025. Hãng hàng không Mỹ Delta Airlines gia hạn tạm dừng các chuyến bay giữa New York và Tel Aviv cho đến ngày 31/8. Hãng hàng không giá rẻ easyJet của Vương quốc Anh đã ngừng bay đến và đi từ Tel Aviv vào tháng 4 và dự kiến đến ngày 30/3/2025 mới nối lại các chuyến bay. Hãng hàng không Phần Lan Finnair tiếp tục không sử dụng không phận Iran. Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu Ryanair đã hủy các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv cho đến ngày 30/9…
Danh sách bị ảnh hưởng và bắt buộc phải định tuyến lại các đường bay này còn bao gồm cả Hãng Aegean (Hy Lạp), Air Baltic (Latvia), Delta Airlines (Mỹ), ITA Airways (Ý), LOT (Ba Lan), Singapore Airlines (Singapore), TAROM (Romania), United Airlines (Mỹ), Vueling (Tây Ban Nha)…
Đây là thực tế khiến trang Travel and Tour World phải thốt lên: “Hàng không toàn cầu hoảng loạn”. Chính họ, nghĩa là ngành du lịch quốc tế, cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi những hệ lụy của tình trạng này.
Nỗi sợ hãi “vùng đen”
Dưới bầu trời đầy mây đen đó, vẫn vang lên những tiếng nói lạc quan và kiên định. Từ ngày 7/8, Giám đốc điều hành sân bay Dubai Paul Griffiths tuyên bố trên tờ The National: “Nếu mọi thứ leo thang, tất nhiên hoạt động kinh doanh của chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đường bay có thể thay đổi, bạn có thể phải tránh một số khu vực nhất định, nhưng chúng tôi đã quá quen với việc đó”. “Chúng ta đã trải qua nhiều thập kỷ mà luôn có một số xung đột trong khu vực, gây ra một số tác động đến giao thông, nhưng ngành hàng không đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và chúng ta không thấy những tác động lớn khi có vấn đề xảy ra”, ông nói thêm.
Song, cũng có thể, sự bình tĩnh đó xuất phát từ việc sân bay bận rộn nhất thế giới vẫn đang hướng đến mục tiêu đón 91,8 triệu lượt khách, nhằm tạo nên một kỷ lục mới trong năm nay. Còn, ngược lại với Paul Griffiths, hành động thực tế của các hãng hàng không lớn cho thấy: Không ai muốn mạo hiểm, không ai muốn mang tài sản và cả tính mạng của mình cũng như hành khách ra đánh cược. Cũng chẳng cần phải là chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy: Rủi ro là quá lớn, nếu cứ tiếp tục khai thác các chuyến bay đến những khu vực bị ảnh hưởng.
Tel Aviv, Riyadh, Dubai, Tehran, Beirut, Bagdad…, những địa danh “bị khoanh vùng” trải khắp Trung Đông, trong một trạng thái gián đoạn trên diện rộng. Tình hình này gây ra sự bất tiện đáng kể cho du khách và ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động kinh doanh cũng như du lịch trong khu vực. Nhưng, đầu tiên và cuối cùng, việc đình chỉ các chuyến bay cũng là đòn giáng tài chính không nhỏ đối với các hãng hàng không liên quan. Trung Đông là thị trường du lịch lớn, đặc biệt là các chuyến bay đường dài nối châu Âu, châu Á và châu Phi. Các hãng hàng không phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường này để có doanh thu. Do đó, việc bắt buộc phải hạn chế hoạt động chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu. Ngoài ra, sự không chắc chắn xung quanh thời gian tạm dừng này chỉ làm tăng thêm những thách thức mà ngành phải đối mặt.
Không còn cách nào khác, các “ông lớn” của ngành hàng không (cũng như những “đại gia hàng hải” thời gian trước) buộc phải chấp nhận thực hiện những biện pháp bổ sung, như tái định tuyến đường bay và tăng cường các biện pháp an ninh tại các sân bay trong khu vực. Một số hãng hàng không cũng đang hoàn tiền hoặc sắp xếp chuyến đi thay thế cho hành khách bị ảnh hưởng bởi việc đảo lộn lịch trình. Những động thái ấy là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giảm thiểu tác động của việc đình chỉ đối với khách du lịch, trong khi vẫn tập trung củng cố an toàn.
Hàng loạt chuyến bay bị hủy bỏ do lo ngại căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Tuy nhiên, những tổn thương có lẽ sẽ càng lúc càng khó chịu đựng hơn, cho cả ngành hàng không, ngành du lịch, lẫn mọi nhu cầu kết nối quốc tế khác. Sự chờ đợi kéo dài, rõ ràng, không tương thích với bất cứ cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp hay tổ chức nào. Ở một tầm cao hơn, gộp chung cả hàng không lẫn hàng hải, căng thẳng địa chính trị (đặc biệt là tại khu vực Trung Đông) đã và đang gây nên những thiệt hại nặng nề cho guồng máy kinh tế – xã hội toàn cầu. Đơn cử, khi những vùng trời cứ đóng – mở bất thường như đang diễn ra, những nỗ lực cứu trợ nhân đạo dành cho các khu vực đang đứng chênh vênh bên miệng vực thảm họa nhân đạo (tại Dải Gaza chẳng hạn) cũng sẽ bắt buộc phải chậm lại, do các đoàn quan chức và nhân viên cứu hộ quốc tế gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực địa.
Dù sao, theo một góc nhìn thực tế, mọi chuyện cũng có thể trở nên tồi tệ hơn nữa. Như trang Centre of Aviation (CAPA) phác thảo kịch bản u tối: “Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng và bùng nổ thành xung đột vũ trang toàn diện, cuốn cả Iran, Israel, Lebanon và có thể còn nhiều quốc gia khác trong khu vực vào vòng xoáy thì ngành vận tải hàng không ở Trung Đông có thể phải nhận một đòn chí mạng. Và, Trung Đông cũng có thể sẽ trở thành khu vực không còn dịch vụ hàng không tồn tại”. Ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng đồng nghĩa với việc nền văn minh không còn hiện diện.
Bởi vậy, thế giới nói chung (chứ không chỉ riêng ngành hàng không quốc tế) vẫn chỉ có thể làm mọi điều cần thiết, để vừa chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, vừa mong đợi rằng “những cái đầu nóng” sẽ dừng lại đúng lúc và khói lửa điêu tàn sẽ không bùng lên…
Khủng hoảng Biển Đỏ thúc đẩy gia tăng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt của Nga
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, bắt đầu từ cuối năm ngoái, đã tạo ra một làn sóng thay đổi trong ngành vận tải hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là đối với các tuyến đường sắt chạy qua Nga.
Điều này không chỉ phản ánh nhu cầu cao về các giải pháp vận tải thay thế mà còn mang lại lợi ích kinh tế quan trọng cho Moskva.
Tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga đã chứng kiến sự gia tăng gấp đôi khối lượng hàng hóa vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu. Ảnh: TASS
Theo tờ Telegraph của Anh ngày 26/8, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, bắt đầu từ cuối năm ngoái, đã tạo ra một làn sóng thay đổi trong ngành vận tải hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là đối với các tuyến đường sắt chạy qua Nga.
Khi lực lượng Houthi tấn công các tàu qua Kênh đào Suez, gây ra sự chậm trễ và chi phí gia tăng, các công ty vận tải hàng hóa đã tìm kiếm những tuyến đường thay thế nhanh hơn và hiệu quả hơn. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong việc vận chuyển hàng hóa qua các tuyến đường sắt của Nga, đồng thời tăng cường lợi nhuận cho Điện Kremlin.
Cụ thể, sự gia tăng của các cuộc tấn công do nhóm Houthi gây ra ở Biển Đỏ đã gây ra những gián đoạn lớn cho các tuyến vận tải hàng hải. Những cuộc tấn công này đã làm dấy lên mối lo ngại về an toàn hàng hải và làm gia tăng phí bảo hiểm cho các công ty vận chuyển. Kết quả là, nhiều công ty đã phải tìm kiếm các tuyến vận chuyển thay thế để đảm bảo hàng hóa của họ được chuyển đến điểm đến một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Một trong những tuyến đường thay thế nổi bật là các tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga, qua đó vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu. Theo dữ liệu mới nhất, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến đường sắt này đã tăng gấp đôi kể từ khi cuộc khủng hoảng Biển Đỏ bắt đầu. Công ty vận tải hàng hóa Era của Nga, thuộc Liên minh Đường sắt Á-Âu, đã báo cáo mức tăng trưởng 121% trong khối lượng hàng hóa vận chuyển giữa Trung Quốc và châu Âu trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023.
Sự gia tăng vận chuyển hàng hóa qua các tuyến đường sắt của Nga không chỉ phản ánh nhu cầu ngày càng cao về các giải pháp thay thế cho vận tải biển, mà còn tạo ra lợi ích kinh tế lớn cho Điện Kremlin. Simon Johnson, Giáo sư tại MIT và cựu kinh tế trưởng của IMF, nhận định rằng cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã tạo ra một nguồn thu nhập quan trọng cho Nga. Ông cho rằng sự gia tăng này chứng tỏ rằng Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối chấp nhận chi phí gia tăng và do đó góp phần khuyến khích sự mở rộng của Nga trong lĩnh vực vận tải hàng hóa.
Công ty đường sắt quốc gia Nga, RZD, thuộc sở hữu của Điện Kremlin, gần như độc quyền các tuyến đường sắt của nước này. Điều đó đã khiến các công ty vận tải hàng hóa buộc phải đối mặt với sự phụ thuộc vào hệ thống vận tải của Nga để đảm bảo việc giao hàng kịp thời. Trong khi các tuyến đường sắt qua Nga không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, tuyến đường này đang cung cấp một phương án vận tải hiệu quả hơn so với việc sử dụng tuyến đường biển, vốn đang đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng.
Việc chuyển sang vận tải hàng hóa qua tuyến đường sắt Nga có nhiều lợi ích. Vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu chỉ mất khoảng 18 ngày, so với thời gian trung bình là 55 ngày nếu vận chuyển bằng đường biển. Điều này giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và chi phí bảo hiểm cao liên quan đến các tuyến đường biển bị gián đoạn.
Trước mắt, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ có thể tiếp tục thúc đẩy sự gia tăng vận chuyển hàng hóa qua các tuyến đường sắt của Nga trong thời gian tới. Mặc dù các công ty vận tải đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế, sự chậm trễ và chi phí cao liên quan đến vận tải biển có thể tiếp tục khiến tuyến đường sắt trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Sự phát triển này không chỉ phản ánh sự thích ứng của ngành vận tải hàng hóa đối với các khủng hoảng toàn cầu mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc định hình chiến lược vận chuyển hàng hóa trong tương lai.
Iran dọa giáng đòn đáp trả khiến Israel 'bất ngờ tối đa' Phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc khẳng định đòn giáng trả của nước này nhằm vào Israel sẽ khiến kẻ thù bị 'bất ngờ tối đa', ám chỉ khả năng tiến hành cuộc tấn công trả đũa không ai có thể ngờ tới của quốc gia Hồi giáo nhằm vào Israel trong thời gian tới. Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran,...