Sắp hình thành bão số 4: Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị cảnh báo lũ quét, sạt lở
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới sắp mạnh thành bão số 4, cơ quan chức năng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, TP Đà Nẵng phát cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở ở nhiều vị trí xung yếu.
Chiều 17/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông di chuyển nhanh, vẫn giữ khả năng mạnh lên thành bão trong tối và đêm nay. Dự báo trong 24-48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão (bão số 4), cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, vùng gió mạnh của bão mở rộng đến vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, sóng biển cao từ 2-3m, vùng gần tâm bão từ 3-5m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, khoảng từ chiều tối mai đến ngày 21/9, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm.
Trước diễn biến thời tiết trên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa phát cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 4 gây nguy cơ lũ quét, sạt lở. Ảnh minh họa: Quang Thành
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, từ tháng 9 – 12 hằng năm là thời gian xác suất bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực miền Trung nước ta rất cao, làm nước biển dâng, gió mạnh và gây mưa lớn.
Đây là những tác nhân gây ra lũ quét, sạt lở đất đá ở khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, khu đô thị, nước dâng gây xói lở ở vùng ven biển, đầm phá của tỉnh.
Bão, mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất là các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro rất cao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, đ.e dọ.a đến ổn định của các công trình hạ tầng đê đậ.p, đường sá, nhà cửa của nhân dân.
Để chủ động ứng phó trước khi mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cập nhật cảnh báo các vị trí có nguy cơ rất cao xảy ra trượt lở đất đá vùng đồi núi gồm một số vị trí trên địa bàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền), khu vực Bốt Đỏ (xã Phú Vinh) và xã Lâm Đớt thuộc huyện A Lưới.
Tại thị xã Hương Trà, nguy cơ cao trượt lở đất đá vùng đồi núi ở các xã, phường: Hương Vân, Bình Tiến, Hương Bình, Bình Thành. Ngoài ra, tại huyện Nam Đông, 4 vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất ở TDP I và II (thị trấn Khe Tre), thôn 5 (xã Thượng Long), thôn Đa Phú (xã Hương Phú).
Có 3 vị trí nguy cơ rất cao lũ quét và sạt lở đất ở thôn Ria Hố (xã Thượng Lộ), thôn 2 (xã Thượng Nhật), thôn 1 (xã Hương Lộc). 2 khu vực dân cư có nguy cơ về lũ quét là thôn Ka Zan (xã Thượng Lộ), thôn Phú Thuận (xã Hương Xuân)…
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN yêu cầu các địa phương căn cứ vị trí cảnh báo bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt.
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Trị có công điện gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến áp thấp nhiệt đới và các hình thái thời tiết nguy hiểm để kịp thời ứng phó; các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền tránh trú an toàn.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản nhân dân…
Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cũng đã ban hành công điện đề nghị ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Theo đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự thành phố đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ có thể xảy ra; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 trên địa bàn thành phố.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Đồng thời, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm…
Áp thấp nhiệt đới sắp vào Biển Đông
Hiện, vùng áp thấp phía Bắc đảo Luzon của Philippines đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và hướng về Biển Đông, có thể mạnh lên thành bão số 4.
Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA), tâm áp thấp nhiệt đới ở phía Bắc đảo Luzon hiện đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc.
Hồi 10 giờ ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 124,4 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15km/h.
Dự báo ngày 17/9, tâm áp thấp sẽ vượt qua Philippines để vào Biển Đông và mạnh lên thành bão số 4, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hướng đi của bão còn nhiều diễn biến phức tạp.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Biển Đông sắp đón bão số 4 trong một vài ngày tới. Ảnh: CMH.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông; trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8.
Mực nước triều tại khu vực ven biển phía Tây của Nam Bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.
Ngày 17/9, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Nam của khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9 biển động mạnh; sóng biển cao 3 - 5 m.
Quảng Trị: Nỗ lực ứng phó với sạt lở bờ sông Thạch Hãn Thạch Hãn là con sông lớn nhất ở Quảng Trị, tình trạng sạt lở bờ sông đã và đang diễn biến theo hướng phức tạp, quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Sạt lở nghiêm trọng Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua phường Đông Lương, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) bị sạt lở gây hư hỏng bờ kè. Sông Thạch...