Rừng đặc dụng Na Hang: Tan hoang vì bị lâm tặc tàn phá
Hàng trăm cây gỗ nghiến quí có tuổi đời hàng trăm tuổi tại rừng đặc dụng Na Hang (Tuyên Quang) đã bị tàn phá bởi lâm tặc, khiến khu rừng này đang đứng trước thực trạng bị khai tử…
Rừng đặc dụng Nà Hang được thành lập theo Quyết định số 247/QĐ-UB, ngày 09/5/1994 của UBND tỉnh Tuyên Quang, với diện tích bảo tồn được phê duyệt là 41.930 ha. Rừng có rất nhiều loài thực vật quý hiếm như hoàng đàn, bách xanh, đinh, sến mật, nghiến… Tuy nhiên khu rừng này đang bị lâm tặc tàn phá nặng nề.
Khi phóng viên có mặt tại đây, hàng trăm gốc cây rừng có tuổi đời hàng trăm tuổi đã bị đốn hạ. Bọn lâm tặc ngang nhiên vác cưa máy vào rừng để tàn phá những cây cổ thụ có đường kính hơn một mét. Chỉ cần vài phút những cây nghiến hàng trăm tuổi đã bị đốn ngã. Bọn chúng còn ngang nhiên xẻ thịt những cây gỗ này thành từng khúc để vận chuyển ra khỏi rừng. Các khu vực thuộc xã Khau Tinh, Đà Vị, Sơn Phú…rừng bị tàn phá nhiều nhất.
Tại Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang có rất nhiều gỗ nghiến kích thước lớn, nhỏ đang thu giữ. Theo thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Na Hang, chỉ riêng quý 1/2012, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang đã xử lý hành chính hơn 130 vụ. Phần đông trong số đó là người địa phương vi phạm.
Rừng đặc dụng Na Hang cũng là điểm nóng của nạn phá rừng làm nương rẫy; nạn khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản. Đồng thời, đây cũng là điểm nóng của việc lâm tặc hành hung cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng đơn vị chủ quản rừng và các đơn vị chức năng địa phương không có sự phối hợp cần thiết để đưa ra các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Phóng viên báo điện tử Infonet đã ghi lại những hình ảnh đau xót khu rừng này bị tàn phá:
Video đang HOT
Các cơ quan quản lý về rừng tại Tuyên Quang nghĩ gì khi xem những hình ảnh này?
Báo điện tử Infonet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này…
Theo Infonet
Điểm đen lâm tặc ở "vựa nghiến" Na Hang
Nếu biết người lạ vào chụp ảnh, lâm tặc sẵn sàng "xử" ngay tại rừng.
Hiện nay ngoài cơn sốt gỗ sưa ở Quảng Bình người ta vẫn nhắc đến cơn sóng ngầm gỗ nghiến ở Tuyên Quang. Đó chính là cánh rừng đặc dụng Na Hang, nơi còn giữ được nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Trong đó, món mồi mà đám lâm tặc đang ngày đêm săn lùng là những cây gỗ nghiến. Đã từ lâu, Na Hang là địa bàn bị bọn lâm tặc thường xuyên khai thác gỗ. Người dân sống cạnh đó hàng ngày phải nghe những âm thanh gầm thét của cưa máy và tiếng kêu cứu từ đại ngàn.
Đường vào rừng nghiến khó đi
Trộm nghiến dễ như hái rau dại
Nói đến thiên đường của các loại gỗ quý hiếm người ta thường nghĩ ngay đến những "vựa nghiến" trong rừng đặc dụng ở Bắc Kan, Cao Bằng, Hà Giang... Tuy nhiên, trong số đó, rừng nghiến cổ thụ ở Na Hang (Tuyên Quang) thì vẫn là con số bí ẩn. Ít ai nghĩ rằng, khu rừng già và quý hiếm ấy đang ngày đêm bị tàn phá. Điều đáng nói là tình trạng này đã xảy ra rất nhiều năm qua nhưng chính quyền địa phương vẫn tỏ ra bất lực.
Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, huyện Na Hang được thiên nhiên ưu đãi khi sở hữu rừng đặc dụng với độ che phủ cao thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung. Rừng có nhiều thực vật nằm trong sách đỏ nhưng tài sản quý giá nhất vẫn là gỗ nghiến. Từ thành phố Tuyên Quang, chúng tôi phải vượt hơn 150km đường rừng mới đến được. Trong vai là người đi vào rừng tìm thuốc chữa bệnh, PV thuê thuyền vượt qua hồ thủy điện Na Hang để vào trong rừng nghiến. Từ sáng sớm, ở bìa rừng đã nhiều nhóm người tụ tập và liên tục để ý theo dõi người lạ mặt. Theo già làng B., người dẫn đường cho chúng tôi: "Trong số người đó gồm cả lực lượng cơ động kiểm lâm và cả lâm tặc. Những hành động của các anh sẽ luôn bị để ý. Nếu bị phát hiện là phóng viên thì lâm tặc sẵn sàng "xử" tại rừng".
Sau vài giờ đồng hồ vật lộn trên đường rừng gồ ghề, PV đã thâm nhập được những "điểm nóng", nơi thường xuyên lâm tặc xuất hiện. Trên đường đi, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến những cây nghiến có hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi bị cưa đổ. Nhiều cây vừa bị lấy đi phần thân nên gốc vẫn còn chảy nhựa. Quanh đó, những vỏ can xăng, chai nhớt vứt tràn lan, dấu vết để lại của lâm tặc có mặt tại đây vài ngày trước. Trong bán kính khoảng vài trăm mét, hiện trường còn ngổn ngang những tấm ván không có giá trị còn sót lại, vứt tràn lan khắp rừng. Được biết, điểm nóng luôn bị lâm tặc tàn phá là các khu vực rừng thuộc xã Khau Tinh, Đà Vị, Sơn Phú... Già làng B. nhìn chúng tôi cười bảo: "Ở đây người ta thường ví von là rừng Na Hang nó đẹp và cao quý lắm. Nó như một cô gái 18 tuổi khỏa thân mà bất kỳ chàng trai nào cũng muốn dòm ngó và sở hữu. Thế nên lượng lâm tặc lấy gỗ ngày càng tăng. Trong đó có cả người đại phương và người dân các vùng lân cận".
Theo quan sát của PV, dụng cụ mà bọn lâm tặc mang theo để vào rừng lấy gỗ là những chiếc cưa máy có lam dài khoảng 1m. Chỉ loại cưa này mới có thể cưa được những cây nghiến già có đường kính lớn. Một cây nghiến lớn đến đâu nhưng vào tay lâm tặc vài phút cũng gục ngã và bị xẻ thành từng thớt gỗ hoặc những thanh, phách vuông vắn. Sau đó nhóm trộm gỗ lăn xuống chân rừng và vận chuyển đi tiêu thụ bằng tàu thuyền. Khi gặp lực lượng kiểm lâm, chúng sẵn sàng chống trả để bảo vệ hàng. Nếu vẫn bị truy đuổi, chúng sẵn sàng bỏ của chạy lấy người theo đường thủy đến địa phương khác hoặc lẩn trốn vào sâu trong rừng.
Điều ngạc nhiên nhất trong suốt hai ngày vượt rừng, chúng tôi không hề bắt gặp bóng dáng của một cán bộ kiểm lâm nào. Thỉnh thoảng chỉ thấy một số người dân vào rừng nhặt củi khô, hái cây thuốc hay tìm mật ong. Nói chuyện với chúng tôi, bác H, một người dân xã Sơn Phú: "Kiểm lâm lâu lâu họ mới vào rừng nhưng cũng chẳng vào sâu đâu. Lâm tặc ở đây lấy gỗ nghiến dễ như lấy rau dại trong rừng. Nghe đâu bọn họ và kiểm lâm có quen biết nhau nên chỉ cần tránh mặt nhau hoặc gí tai (gọi điện thoại - PV) là xong".
Mặc dù hiện tại đang là thời điểm mùa mưa, đường rừng trơn trượt nhưng người dân sống cận rừng không còn lạ lẫm với tiếng máy cưa, cây đổ, kéo gỗ ầm ầm thâu đêm suốt sáng. Được biết, nhiều tay lái thuyền trên hồ thủy điện Na Hang cũng mưu sinh nhờ những chuyến gỗ nghiến lâm tặc. Điều khiến người dân lo lắng là hoạt động chặt phá rừng nghiến của lâm tặc ngày càng tinh vi và manh động. Mỗi khi chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, lâm tặc sẵn sàng kháng cự đến cùng.
Phần thân cây nghiến cổ thụ mới bị xẻ gỗ
Đến Hà Nội còn mất gỗ sưa nói gì Na Hang?
Tại trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang có rất nhiều gỗ nghiến kích thước lớn đang bị thu giữ. Sau khi đi thực tế tại rừng đặc dụng chúng tôi đã có buổi làm việc với Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Na Hang, ông Nguyễn Thế Đồi. Trao đổi với PV, ông Đồi bình thản cho biết: "Tôi đã chỉ đạo quyết liệt cho anh em tăng cường công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc lâm tặc phá rừng thì khó tránh khỏi. Đông người như ở Hà Nội còn bị mất gỗ sưa nữa là ở vùng rừng núi mất gỗ. Việc các anh phản ánh gỗ nghiến bị chặt phá là chưa đúng vì bây giờ rừng Na Hang chủ yếu là gỗ tạp chứ gỗ nghiến còn ít lắm?".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rừng đặc dụng Na Hang không chỉ "nhuốm máu" dưới bàn tay của lâm tặc mà còn là nạn nhân của việc phá rừng làm nương rẫy. Bên cạnh đó, đây cũng là điểm nóng của trình trạng lâm tặc hành hung cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng đơn vị chủ quản rừng và các đơn vị chức năng địa phương không có sự phối hợp cần thiết để đưa ra các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Na Hang cho biết: "Công tác quản lý rừng trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng buôn bán, vận chuyển, khai thác, chế biễn gỗ rừng tự nhiên vẫn còn xảy ra. Các cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, chưa trấn áp được các đối tượng phá rừng trái phép. Một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiêm, né tránh ngại va chạm, cá biệt còn có trường hợp tiếp tay cho các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng".
Để tiếp tục tìm câu trả lời, chúng tôi đã tìm đến gặp ông Vũ Đình Tải, Phó chi cục trưởng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang nhận định: "Khi xây dựng lòng hồ thủy điện, việc nước ngập vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc vận chuyển gỗ. Nếu không còn rừng đặc dụng Na Hang thì không còn hồ thủy điện. Bởi lẽ, phá rừng dẫn đến tình trạng nước hồ thủy điện giảm mạnh đến cạn kiệt và kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn khác. Theo tôi, nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng do lực lượng kiểm lâm quá mỏng. Bên cạnh đó đối tượng lấy gỗ rộng khắp với nhiều hình thức tiêu thụ nên việc xây dựng cơ chế, quản lý rừng rất khó".
Nhìn thực tế những cây gỗ nghiến cổ thụ đang bị tàn phá, những lối đi phủ đầy gỗ cây khiến không ít người cảm thấy đau xót. Nhất là những cụ cao nhiên đã sống và gắn bó với rừng suốt gần thế kỷ qua. Điều đáng buồn là trong khi rừng đang chảy máu thì cơ quan chức năng nơi đây vẫn cố bảo vệ thành tích: Tuyên Quang là một trong ba tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, (chiếm 64,2%), đứng sau Kon Tum và Quảng Bình. Họ đang cố tình không dám nhìn thẳng vào sự việc hay bất lực hoàn toàn trước tình trạng rừng nghiến bị "làm thịt"?
Chia tay người dân Na Hang về Hà Nội, có lẽ hình ảnh chúng tôi còn nhớ nhất ánh mắt già làng B. Già trăn trở: "Nghiến ở đây quý lắm, nó là linh hồn, sự sống của người dân miền núi . Bao mùa lũ đi qua, chúng tôi sống nhờ vào sức chắn của rừng cả. Ấy thế mà người ta can tâm chặt phá, vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại trăm năm. Thật nhẫn tâm và tàn độc"
130 vụ lâm tặc xẻ thịt rừng Na Hang trong 3 tháng Rừng đặc dụng Nà Hang có diện tích bảo tồn được phê duyệt 41.930 ha. Rừng có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm. Về động vật có hổ, voọc, gấu, ngựa.Thực vật quý hiếm có hoàng đàn, bách xanh, đinh, sến mật ...Riêng nghiến thì nhiều vô kể. Theo thống kê của hạt kiểm lâm huyện Na Hang, chỉ riêng Quý 1/2012, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang đã xử lý hành chính hơn 130 vụ, trong đó khởi tố, bắt giam 2 vụ.
Theo NDT
Đã dập tắt "rồng lửa" trên đỉnh núi Hải Vân Theo thông tin mới nhất mà báo điện tử Infonet vừa nhận được, sau hơn 10 tiếng đồng hồ hoành hành, "rồng lửa" ở rừng đặc dụng Nam Hải Vân (quận Liên Chiểu) vừa bị dập tắt hoàn toàn! Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến (giữa) trực tiếp chỉ huy tại hiện trường trong đêm 2/5 - Ảnh: HC Trời...