- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

[Review] Layers of Fear Cần câu cơm của các YouTuber và streamer

On 29/02/2016 @ 5:05 PM In Mọt game

Layers of Fear rõ có đồ họa ngang ngửa Allison Road, không khí kinh dị như Silent Hill P.T, và có cơ chế gameplay của một sản phẩm mô phỏng.... đi bộ.

[Review] Layers of Fear - Cần câu cơm của các YouTuber và streamer - Hình 1

Hãy hình dung, game thủ đóng vai một người sống trong một căn biệt thự mà ngay cả những người gan dạ nhất cũng phải rùng mình bởi một loạt bức tranh kỳ dị với những ánh mắt như đang theo dõi bước chân người chơi được đặt trên mọi góc tường. Bỗng nhiên, một loạt âm thanh kỳ lạ phát ra từ một góc phòng nào đó đủ để rợn tóc gáy nhiều người. Căn nhà đột nhiên như bị nung chảy và trở nên méo mó hơn. Người chơi cố gắng chạy đến một khu vực nào đó và rồi đột nhiên bị một con ma nào đó nhảy xồ ra và dày vò trước mặt. Nhân vật họa sĩ này bị mất kiểm soát và ngã gục xuống và.... đứng dậy đi lại tiếp. Đó là trải nghiệm cơ bản của game thủ (và gần như chẳng còn gì khác) khi chơi Layers of Fear.

[Review] Layers of Fear - Cần câu cơm của các YouTuber và streamer - Hình 2

Layers of Fear là một tựa game độc lập (indie) thuộc thể loại kinh dị sinh tồn do hãng Bloober phát triển và được lấy cảm hứng từ những đàn anh đi trước như Allison Road, Silent Hill phiên bản P.T và Amnesia. Game lấy bối cảnh trong một căn biệt thự mang kiến trúc và phong cách thời nữ hoàng Victoria của Anh Quốc (thế kỷ thứ 19) với nhân vật chính là một nhà họa sĩ đang trong quá trình hoàn thành một bức kiệt tác để đời. Tuy nhiên, ông vẫn thấy thiếu sót cảm hứng nghệ thuật khi một nàng thơ của mình đã bỏ đi, kéo theo nhiều tai họa bất hạnh đổ ập vào đầu. Toàn bộ cốt truyện trong game là một quá trình đấu tranh nội tâm giữa bóng tôi bên trong và tài năng nghệ thuật bên ngoài của họa sĩ. Để khắc họa được cuộc đấu tranh nội tâm, hình ảnh bên trong căn biệt thự dưới góc nhìn cá nhân sẽ trở nên bóp méo và một ảo ảnh có hình dáng ma nữ luôn lởn vởn và sẵn sàng nhảy vào xâu xé nhân vật.

[Review] Layers of Fear - Cần câu cơm của các YouTuber và streamer - Hình 3

Xét về mặt môi trường, hãng Bloober đã làm rất tốt trong việc xây dựng được một không khí kinh dị đúng chuẩn mực. Dưới một tông màu ảm đạm xen lẫn vài màu sắc rực rỡ chấm phá, Layers of Fear đã khắc họa được những hành lang tăm tối với vài khoảng sáng lẻ loi và những bức tranh mang phong cách rùng rợn treo ở khắp nơi. Những bức tranh này cũng được làm một cách chi tiết, khiến game thủ như đang bước vào một gallery chuyên nghiệp với nhiều tác phẩm tầm cỡ. Cùng với đó, các vật thể trong môi trường game được nhà phát triển làm một cách cẩn thận, tạo tính chân thực cao trong hình ảnh. Các hiệu ứng màu sắc bị loang lổ hay ánh sáng lập lòe cũng góp phần làm cho game thủ tăng cảm giác sợ hãi nhiều hơn mỗi khi ma nữ bắt đầu tiến đến vị trí nhân vật. Một yếu tố khác góp phần làm nên không khí kinh dị hoàn hảo của Layers of Fear chính là âm thanh. Từ những âm thanh ma mị rợn người cho đến các tiếng động nhỏ nhất như cửa mở hay đồ vật rơi đều được trau chuốt và hòa âm hoàn chỉnh. Game thủ khi sử dụng tai nghe hoặc một dàn âm thanh tiêu chuẩn 5.1 sẽ có cảm giác hòa nhập vào chính cuộc hành trình đi tìm nỗi sợ hãi của mình.

[Review] Layers of Fear - Cần câu cơm của các YouTuber và streamer - Hình 4

Nói đên đây, người viết bài này gần như cạn ý trong việc khen bởi hầu như ưu điểm của Layers of Fear gần như chỉ dừng lại ở mức hình ảnh và âm thanh. Cơ chế gameplay gần như quá ít để có thể đề cập đến ngoài việc so sánh chúng với thể loại Walking Simulator (game mô phỏng đi bộ), nếu không muốn nói là kém hơn hẳn Allison Road hay P.T. Người chơi gần như chỉ có nhiệm vụ đi lại quanh bản đồ, chờ đợi bất ngờ, bị ma ám và.... lặp lại. Mặc dù môi trường game được thiết kế rất xuất sắc đối với thể loại kinh dị, nhưng dường như nhà phát triển it vận dụng điều này để tạo nên tính linh hoạt trong việc hù dọa người chơi. Tuy game cũng có một vài câu đố nhất định để tạo ra tính tương tác cũng như giới thiệu cốt truyện, song người chơi sẽ bắt đầu cảm thấy chán vì sự đa dạng của câu đố chỉ dừng lại ở mức ngắm nghía đồ vật và quay vài con số. Bản thân việc bị ma ám cũng trở nên vô nghĩa khi nhân vật trong game không bị tác động gì mấy ngoài việc quay cuồng, ngã lăn tại chỗ và.... thản nhiên đứng dậy đi tiếp. Người chơi thay vì phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng thì sẽ chủ yếu xông lên đúng chỗ có ma nữ để bị dày vò rồi sau đó tiếp tục xông lên. Thực tế, Layers of Fear là một game thuộc thể loại "sinh tồn kinh dị" nhưng lại gần như vứt đi yếu tố "sinh tồn" khi người chơi gần như chả phải mất gì nếu như bị ma phát hiện. Sâu xa hơn, tựa game này có thể được coi là một ví dụ về thiết kế game kinh dị với thị hiếu của các streamer: chỉ có việc đi lại, gặp ma quỷ, hét lên như con/thằng điên, lặp lại. Các game như vậy chắc chắn sẽ là một cần câu cơm tuyệt vời dành cho các game thủ đang tập làm YouTuber, nhưng chắc chắn sẽ tạo một tiền lệ xấu cho thể loại kinh dị về sau.

[Review] Layers of Fear - Cần câu cơm của các YouTuber và streamer - Hình 5

Không thể phủ nhận Layers of Fear là một tựa game xuất sắc về mặt nghe nhìn khi đã học tập được các yếu tố đã có của những sản phẩm cùng thể loại kinh dị chất lượng cao. Nhưng cơ chế trong game đã phải đặt ra một dấu hỏi lớn về việc đơn giản hóa gameplay nhằm phù hợp với thị hiếu đơn giản của bộ phận lớn thế hệ game thủ mới. Dù rằng đây là một tựa game độc lập, nếu nhà phát triển có thể sáng tạo thêm được tính tương tác trong game thì không biết chừng Layers of Fear có thể tạo nên một cơn sốt mới giống như phiên bản P.T của series Silent Hill. Còn ở thời điểm này, đây chỉ là một sản phẩm ăn theo cơn khát của cộng đồng game thủ sau khi Konami gần như khai tử series game kinh dị huyền thoại của mình.

Mời các bạn tiếp tục truy cập chuyên mục PC-Console của Game4V để cập nhật các thông tin game mới nhất.

Theo Game4V


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/review-layers-of-fear-can-cau-com-cua-cac-youtuber-va-streamer-20160229i2349787/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.