Quyết tâm hành động vì tương lai tự cường
Sau hai ngày làm việc tại thành phố San Francisco, bang California của Mỹ, Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ( APEC) lần thứ 30 đã kết thúc tốt đẹp.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Với việc thông qua Tuyên bố Cổng Vàng về xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người, hội nghị đã chính thức khép lại Tuần lễ cấp cao APEC chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người”, mở ra một chặng đường mới cho tiến trình hợp tác APEC trong những năm tới.
Tuyên bố Cổng Vàng về xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người được thông qua sau hội nghị do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, trong đó các nhà lãnh đạo tập trung vào các chủ đề về tính bền vững, khí hậu, chuyển đổi năng lượng, kết nối và xây dựng nền kinh tế toàn diện và kiên cường.
Tại hội nghị được đánh giá là trọng tâm của Tuần lễ cấp cao APEC 2023, các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm mang lại một môi trường đầu tư và thương mại tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, toàn diện và có thể dự đoán. Bên cạnh đó, hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó cốt lõi là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á – Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC cam kết tăng cường các nỗ lực xây dựng năng lực và hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ việc tham gia vào các cam kết khu vực toàn diện và có chất lượng cao. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, người thiểu số, các cộng đồng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Video đang HOT
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Phiên họp hẹp các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Những kết quả này được nhìn nhận là rất có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động lớn, phức tạp và khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị… đang tác động trực tiếp đến hợp tác tại các diễn đàn đa phương. Các điểm nóng như căng thẳng Nga – Ukraine, xung đột Hamas – Israel tại Trung Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, kinh tế thế giới dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, song bấp bênh và đối mặt nhiều thách thức; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động sâu sắc đến cuộc sống của người dân và việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc (LHQ).
Trong bối cảnh các cuộc họp của APEC những năm gần đây hầu như không ra được tuyên bố chung do bất đồng giữa các bên, việc Tuần lễ cấp cao APEC 2023 khép lại với Tuyên bố Cổng Vàng được đánh giá là một bước tiến quan trọng, thể hiện tinh thần hợp tác cùng hành động của các nền kinh tế thành viên. Tuyên bố Cổng Vàng được kỳ vọng mở ra tiến trình hợp tác, phối hợp về chính sách giữa các nền kinh tế thành viên APEC để mang lại sự phục hồi kinh tế nhanh nhất, đồng thời bảo đảm nền kinh tế phát triển lành mạnh và vững mạnh trong thời gian tới. Xuyên suốt Tuần lễ cấp cao, các đại biểu tham dự đều nhất trí sẽ thúc đẩy để APEC trở thành động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Phiên họp cấp cao về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) vì thịnh vượng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tham dự Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 30 tại Mỹ, đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu, tham gia thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực; góp phần đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác. Tại Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu nhấn mạnh APEC là diễn đàn hợp tác và liên kết hàng đầu khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Chủ tịch nước nhấn mạnh, sau đúng 25 năm gia nhập APEC, với mong muốn tiếp tục đóng góp cho tiến trình APEC, Việt Nam đề xuất đăng cai các hoạt động của Năm APEC 2027. Các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của Việt Nam và nhất trí đưa vào Tuyên bố chung của hội nghị. Điều này cũng thể hiện sự chủ động và trách nhiệm của Việt Nam, tiếp tục đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên APEC, tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả để biến tầm nhìn và ước vọng của APEC trở thành hiện thực.
Với việc đạt được những kết quả hết sức ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, có thể khẳng định Tuần lễ cấp cao APEC 2023 đã thành công tốt đẹp, ghi đậm dấu ấn gắn kết vì một tương lai bền vững và tự cường. Kết quả này phản ánh quyết tâm của các nền kinh tế thành viên tiếp tục thực hiện sứ mệnh của APEC nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn đến năm 2040: xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Tuyên bố Cổng Vàng hướng đến một tương lai kiên cường và bền vững
Ngày 17/11 theo giờ Mỹ, Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 đã kết thúc tại San Francisco (Mỹ) với việc thông qua Tuyên bố Cổng Vàng về xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa, trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (giữa, phải) đồng chủ trì phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC ở San Francisco (Mỹ) ngày 14/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng ta phải khai thác tiến bộ công nghệ và kinh tế để tiếp tục giải phóng tiềm năng và sự năng động to lớn trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như giải quyết mọi thách thức môi trường, bao gồm cả biến đổi khí hậu".
Tuyên bố được thông qua sau cuộc họp kéo dài hai ngày, trong đó các nhà lãnh đạo tập trung vào các chủ đề về tính bền vững, khí hậu, chuyển đổi năng lượng, kết nối và xây dựng nền kinh tế toàn diện và kiên cường. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm mang lại một môi trường đầu tư và thương mại tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, toàn diện và có thể dự đoán. Bên cạnh đó, hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó cốt lõi là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực APEC. Các nền kinh tế APEC cũng cam kết tăng cường các nỗ lực xây dựng năng lực và hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ việc tham gia vào các cam kết khu vực toàn diện và có chất lượng cao.
Cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo là trọng tâm của Tuần lễ Cấp cao APEC, được tổ chức tại San Francisco từ ngày 11-17/11 với chủ đề "Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người".
Trong khuôn khổ tuần lễ APEC, cùng ngày 17/11, các bộ trưởng thương mại và ngoại giao APEC đã cam kết ủng hộ cải cách WTO, bao gồm cải tổ chức năng giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Trong một tuyên bố sau hội nghị, các bộ trưởng nêu rõ để đảm bảo "vai trò quan trọng" của WTO, "chúng tôi ủng hộ cải cách tổ chức này để cải thiện tất cả các chức năng của WTO, để các thành viên có thể thực hiện tốt hơn các mục tiêu nền tảng của tổ chức và giải quyết các thách thức thương mại toàn cầu hiện nay và đang nổi lên".
Tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ trì hội nghị, cho biết: "Trong vài ngày qua, chúng ta đã làm việc cùng nhau để tìm cách xây dựng nền kinh tế toàn diện, kiên cường và bền vững cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta cũng đề cập đến những tiến bộ đòi hỏi phải có sự hợp tác. Cùng nhau, chúng ta đã đề ra những công việc cùng thực hiện nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu".
Ông Biden nhấn mạnh các nền kinh tế APEC cần làm nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực bao gồm tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng liên kết và công nghệ. Ông kêu gọi: "Cùng nhau, chúng ta phải đảm bảo những thay đổi diễn ra theo hướng tốt đẹp hơn, đảm bảo rằng các công nghệ kỹ thuật số, như trí tuệ nhân tạo (AI), được sử dụng để nâng cao chất lượng mà không hạn chế tiềm năng của con người chúng ta".
Trong tuần lễ APEC, các đại biểu đã tham gia các cuộc họp cấp cao và các sự kiện bên lề với các bên liên quan chủ chốt về nhiều chủ đề, bao gồm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; khoa học, nghiên cứu và đổi mới; công nghệ quan trọng và mới nổi; năng lượng sạch; cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao; trao quyền kinh tế cho phụ nữ; và tính bao gồm.
Trong lễ bế mạc, Mỹ cũng chuyển giao trách nhiệm chủ nhà APEC cho Peru, nước đăng cai các hội nghị APEC trong năm 2024.
Hội nghị Bộ trưởng APEC: Xây dựng tương lai bền vững và tự cường Ngày 14/11 theo giờ Mỹ (tức sáng 15/11 giờ Việt Nam), hội nghị bộ trưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 đã khai mạc với trọng tâm là xây dựng tương lai bền vững và tự cường. Quang cảnh một phiên họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế thành viên...