- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Quyền lực trong ngân hàng AIIB được phân chia thế nào?
On 17/01/2016 @ 8:31 AM In Thế giới
Ngày 16/1, lễ khai trương Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) diễn ra tại Bắc Kinh với sự tham gia của đại diện 57 nước thành viên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự và phát biểu tại buổi lễ. Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ khai trương sẽ diễn ra đến ngày 18/1 và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ có bài phát biểu tại Đại hội thành lập Ban Giám đốc AIIB.
Lễ ký điều lệ hoạt động của AIIB hồi tháng 6/2015
Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng, sẽ chính thức đi vào hoạt động sau lễ khai trương, với việc tiến hành Đại hội thành lập Ban Giám đốc, Hội đồng Quản trị, bầu ra Chủ tịch và các chức danh quản lý khác theo khu vực, xem xét thông qua các văn kiện chính sách quan trọng như nghiệp vụ, tài chính và nhân sự.
Theo thông lệ, AIIB cũng được quản lý theo ba nấc gồm Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và Tầng quản lý. Trong đó mọi quyền lực của ngân hàng đều thuộc về Ban giám đốc, mỗi nước thành viên đều cần có một đại diện. Ban này tiến hành họp thường niên. Hội đồng quản trị gồm 12 thành viên, họp định kỳ.
Cuối cùng là Tầng quản lý, bộ phận chịu trách nhiệm quản lý và vận hành ngân hàng thường ngày.
Tính đến ngày 25/12/2015, đã có 17 thành viên sáng lập phê chuẩn Hiệp định AIIB, chiếm 50,1% tỷ lệ góp vốn, đáp ứng điều kiện có hiệu lực của Hiệp định.
Tổng vốn cổ phần của AIIB là 98,1514 tỷ USD, Trung Quốc đóng góp 29,7804 tỷ USD (chiếm 30,34% tổng số vốn), có 26,06% tổng số quyền biểu quyết.
Mục tiêu hoạt động của AIIB là thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực, tập trung vào các dự án trong lĩnh vực: giao thông, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, môi trường, phát triển đô thị...
Ngân hàng này được coi là đối thủ tiềm năng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong những năm đầu hoạt động, AIIB được kỳ vọng cho vay 10-15 tỷ USD mỗi năm. Sự ra đời của AIIB là một trong những thành công lớn nhất về mặt chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Bất chấp việc AIIB được coi là công cụ thách thức quyền lực của Mỹ, nhiều đồng minh lớn của Mỹ như Australia, Anh, Đức, Italy, Philippines và Hàn Quốc đều đã gia nhập tổ chức này.
Việt Nam tham gia AIIB với tư cách là cổ đông sáng lập, điều này sẽ giúp Việt Nam được bổ sung một nguồn quan trọng để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng của đất nước.
An Nhiên (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/quyen-luc-trong-ngan-hang-aiib-duoc-phan-chia-the-nao-20160117i2299436/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.