Quảng Trị: Vốn vay ưu đãi “đuổi” đói nghèo
Nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) – Chi nhánh huyện Đakrông (Quảng Trị), nhiều nông dân huyện vùng khó 30A này đã thoát nghèo bền vững và có hướng sản xuất mới hiệu quả.
“Bà đỡ” của người nghèo
Chúng tôi đến ngôi nhà sàn khá khang trang của gia đình chị Hồ Thị Tâm (SN 1982, trú thôn Ba Rầu, xã Mò Ó). Chị Tâm kể, trước đây gia đình chị sống trong căn nhà lụp xụp, ăn bữa nay lo bữa mai. Biết hoàn cảnh của chị, năm 2009, thông qua Hội Phụ nữ xã, Ngân hàng CSXH huyện Đakrông đã cho vay 20 triệu đồng mua 1 con trâu, khai hoang 3ha đất và cây giống trồng tràm.
Thấy gia đình chị Tâm cần cù chịu khó, năm 2015 ngân hàng tiếp tục cho vay 50 triệu đồng mua thêm trâu, trồng rừng.
Ông Ngô Văn Bảo – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đakrông (bên phải) thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của nhóm 4 thanh niên xã Triệu Nguyên. N.V
Sau 4 năm, tràm cho khai thác, chị Tâm bán được 40 triệu đồng/ha. Từ hai con trâu, đến nay đàn trâu của chị Tâm đã là 6 con. Ngoài ra, vợ chồng chị Tâm mua máy cày về phục vụ việc gieo cấy cho gia đình và bà con địa phương. Nhờ làm ăn hiệu quả, đến năm 2016, gia đình chị Tâm chính thức thoát nghèo, trở thành hộ tiêu biểu để người dân địa phương noi theo.
Gần nhà chị Tâm là gia đình chị Hồ Thị Nguyên (SN 1971, trú cùng thôn) trước đây cũng thuộc diện nghèo. Năm 2007, được Ngân hàng CSXH huyện Đakrông cho vay 30 triệu đồng, chị Nguyên mua một con trâu, khai hoang đất trồng 5ha tràm.
Được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, chị Nguyên ý thức mình phải siêng năng lao động để tăng thu nhập và trả nợ đúng hạn. Có lòng tin, ngân hàng đã cho chị Nguyên vay thêm nhiều lần với tổng số 120 triệu đồng. Đó là khoản vay “khủng” đối với đồng bào vùng khó Đakrông.
Sau nhiều năm lao động sản xuất, nay gia đình chị Nguyên đã có 10ha rừng, 4 con trâu, 10 con dê, 2 máy cày, cuộc sống khấm khá. Chị Nguyên chia sẻ: “Vốn vay ngân hàng chính sách huyện đã tạo điều kiện để gia đình tôi và nhiều hộ khác đuổi được đói nghèo”.
Hỗ trợ khởi nghiệp
Ở Đakrông, trang trại chăn nuôi tổng hợp của nhóm 4 thanh niên Lê Quang Tố (SN 1986), Nguyễn Đăng Khiêm (1987), Nguyễn Văn Bắc (1980) và Trương Văn Hoài (1983, đều trú xã Triệu Nguyên) được xem là điển hình.
Anh Trương Văn Hoài cho biết, trước đây anh Nguyễn Đăng Khiêm có mô hình nuôi vịt khá thành công. Bởi vậy, anh Hoài nảy ra ý tưởng kêu gọi thêm anh Tố và anh Bắc để liên kết mở trang trại chăn nuôi.
Khi tiếp nhận ý tưởng của 4 thanh niên này, Ngân hàng CSXH huyện Đakrông đã họp bàn, thống nhất cho vay 500 triệu đồng để khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhóm thanh niên còn vay thêm vốn từ ngân hàng khác để lập trang trại.
Bên dòng sông Ba Lòng, trang trại chăn nuôi của nhóm thanh niên gồm 30 con bò Thái, 35 con bò cỏ, 120 con lợn thịt, 10 con lợn nái, 25 con dê, 1.500 con vịt và 1.000 con gà. Tuy mới thành lập nhưng trang trại này đã cho thấy tiềm năng, có thể mang lại thu nhập cao. Mỗi con bò Thái sau 4 tháng nuôi có thể xuất bán, lãi khoảng 25 triệu đồng; vịt, gà có lãi khoảng 90 triệu đồng/lứa nuôi 2.500 con.
Bà Hồ Thị Kim Cúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội , 5 năm qua, Thường trực Huyện uỷ, HĐND – UBND huyện đã luôn quan tâm chỉ đạo, phổ biến đến từng chi bộ, cấp uỷ đảng, chính quyền, tổ chức Hội địa phương. Nhờ vậy, đã có 11.370 lượt khách hàng được vay với số tiền gần 319 tỷ đồng, giúp 1.602 hộ vượt nghèo, chất lượng tín dụng ngày càng nâng lên, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.
Theo Danviet
Vốn ưu đãi “nuôi” khát vọng khởi nghiệp của người dân Gio Linh
Nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Gio Linh (Quảng Trị), nhiều thanh niên địa phương này đã thực hiện các dự án khởi nghiệp thành công, bước đầu có thu nhập ổn định.
Cử nhân luật thành công với... gà
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi cùng anh Nguyễn Hồng Quân - Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Gio Linh đến thăm trang trại nuôi gà của chàng trai 8X Trần Tấn Phát, thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang.
Giữa trảng cát nóng bỏng, trang trại của anh Phát được xây dựng kiên cố có 7.500 con gà thịt sắp xuất bán. Anh Phát cho biết, gà thịt đang có giá 60.000 đồng/kg. Mỗi năm anh Phát nuôi 3 lứa gà thịt, sau khi xuất bán, trừ chi phí, anh còn lãi khoảng 250 triệu đồng. Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học nên sau khi xuất bán, anh Phát lấy phân gà bán cho người dân địa phương dùng để trồng trọt, mang lại một khoản thu nhập khá.
Mô hình nuôi thỏ của thanh niên thuộc tổ hợp tác nuôi thỏ Đồng Hải cho thu nhập cao và ổn định. Ảnh N.V
Dẫn chúng tôi dạo quanh khu trang trại rộng 1ha, anh Phát tâm sự, sau khi tốt nghiệp cử nhân luật - Đại học Huế, anh làm nhiều nghề nhưng thu nhập ba cọc ba đồng, ở nhà trọ quanh năm suốt tháng. Sau nhiều đêm suy đi tính lại, cân nhắc đủ điều, năm 2014, anh Phát trở về quê nhà và vay 200 triệu đồng đầu tư nuôi gà. Để tiết kiệm chi phí, anh tự xây dựng chuồng trại, làm đường...
Thông qua Huyện đoàn Gio Linh, anh Phát còn được Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh cho vay thêm 50 triệu đồng vốn ưu đãi của để tăng quy mô đàn gà. Nhờ có kỹ thuật nuôi gà, chính quyền địa phương ủng hộ, lại liên kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho đàn gà thịt nên anh Phát có thu nhập ổn định.
Những ngày này, anh Phát còn vay vốn ngân hàng xây dựng hệ thống chuồng lạnh để nuôi thêm 6.000 con gà mỗi lứa. Theo anh Phát, nuôi gà ở chuồng lạnh, có hệ thống làm mát giúp gà ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh hơn... Khi hệ thống chuồng lạnh đi vào hoạt động, mỗi lứa anh Phát nuôi từ 13.000 - 14.000 con gà thịt tại 2 khu chuồng, thu nhập dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Trần Tấn Phát còn tạo điều kiện, giúp đỡ các thanh niên có nhu cầu đến học hỏi kinh nghiệm nuôi gà để tạo chuỗi liên kết, cùng nhau làm giàu. Nhờ những thành tích đáng trân trọng ấy, anh Phát đang được Huyện đoàn Gio Linh đề xuất nhận giải thưởng Lương Đình Của năm 2019.
Nông dân liên kết làm giàu
Ở huyện Gio Linh, tổ hợp tác nuôi thỏ Đồng Hải của nhóm 6 thanh niên ở xã Linh Hải được đánh giá cao về tính hiệu quả. Anh Lê Quang Thọ (SN 1993) - tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi thỏ Đồng Hải cho biết, người dân địa phương đã nuôi thỏ từ nhiều năm nay nhưng không mấy hiệu quả.
Mãi đến năm 2015, được Huyện đoàn Gio Linh tư vấn, giúp đỡ và UBND huyện hỗ trợ nên tổ hợp tác được thành lập với 6 thanh niên. Tổ hợp tác nuôi thường xuyên 2.500 - 3.000 con thỏ, cho thu nhập ổn định.
Riêng anh Lê Quang Thọ, sau khi tổ hợp tác được thành lập đã mạnh dạn vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị và Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh, mỗi nơi 50 triệu đồng để đầu tư làm chuồng trại, nuôi 50 con thỏ sinh sản và chăn nuôi thêm gia cầm, trồng thêm cây ăn quả, hoa màu. Mỗi tháng thỏ cái đẻ 7-9 con/lứa. Như vậy, mỗi lứa anh Thọ có khoảng 350 con thỏ con để nuôi thành thỏ thịt.
Tại địa phương, nguồn thức ăn cho thỏ từ cây, rau xanh dồi dào nên sau 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng khoảng 2,2kg, giá bán 80.000 - 90.000 đồng/kg. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng như cả nước đang rất lớn nên đầu ra luôn ổn định. Mỗi năm, anh Thọ có thu nhập từ 35-40 triệu đồng từ nuôi thỏ. Với gia đình nuôi nhiều, đến 100 thỏ sinh sản như anh Bùi Văn Viện (SN 1980) thì thu nhập mỗi năm lên tới 70-80 triệu đồng.
Theo anh Lê Quang Thọ, khi chưa có tổ hợp tác, các gia đình nuôi nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm nên không hiệu quả. Còn lúc có tổ hợp tác rồi, các hộ liên kết với nhau, mua thức ăn cùng nơi với số lượng lớn nên giá thành giảm; bán cùng một giá nên không xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán... từ đó thu nhập ổn định hơn.
Anh Thọ cho hay, Tổ hợp tác nuôi thỏ Đồng Hải đang tiếp tục kết nạp hội viên. Dự kiến, trong năm 2019 sẽ có hai hội viên gia nhập tổ hợp tác.
Ông Dương Đức Hạnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện, cùng đội ngũ cán bộ đoàn từ huyện đến cơ sở nhiệt tình tư vấn, ủng hộ, tham gia nên có nhiều mô hình khởi nghiệp của nông dân trẻ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Quan trọng hơn là nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đang góp phần hình thành, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Gio Linh...
Theo Danviet
Quảng Trị : Một người tử vong khi vào rừng lấy rượu đoác Trong lúc đang lấy rượu đoác trên cây, ông Sơn bị ngã rơi xuống đụng phải tảng đá lớn dẫn đến tử vong. Ngày 15/6, theo thông tin từ UBND xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị), trên địa bàn vừa có một người dân tử vong trong quá trình đi lấy rượu đoác. Nơi nạn nhân tử vong. Ảnh: H.T Trước đó,...