Quần thể hổ có nguy cơ tuyệt chủng của Ấn Độ đang hồi phục
Số lượng hổ tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi từ trên 1,4 nghìn từ năm 2006 lên hơn 3,1 nghìn cá thể hổ trong nỗ lực của các nhà bảo tồn.
Hổ từng là loài vật lang thang khắp châu Á, với số lượng lên tới 100.000 con vào đầu thế kỷ 20, trước khi loài này rơi xuống bờ vực tuyệt chủng.
Đến năm 2006, số lượng hổ của Ấn Độ – nơi sinh sống của phần lớn hổ hoang dã còn lại trên thế giới – đạt mức thấp kỷ lục, chỉ 1.411 cá thể hổ.
Hàng chục năm nỗ lực bảo tồn dường như cuối cùng đã được đền đáp. Số hổ của Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi kể từ đó, đạt 3.167 con vào năm ngoái, theo cuộc điều tra số lượng hổ mới nhất được công bố.
Hổ tại Công viên quốc gia Ranthambore ở Rajasthan, Ấn Độ
Theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), số lượng hổ tại Ấn Độ chiếm khoảng 70% quần thể hổ hoang dã trên thế giới. Hiện tại, số lượng hổ hoang dã trên toàn thế giới khoảng 4.500 con.
Sự hồi sinh của loài hổ Ấn Độ là chiến thắng cho các nhà bảo tồn và tia hy vọng cho các quốc gia khác đang nỗ lực tăng số lượng động vật hoang dã.
Chương trình bảo tồn của Chính phủ Ấn Độ được khởi động vào năm 1973.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một bài phát biểu cho biết: “Ấn Độ có hàng nghìn năm lịch sử liên quan tới hổ. Hổ được coi là anh em của chúng tôi ở nhiều bộ lạc. Một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại chỉ có thể diễn ra khi môi trường được bảo vệ và đa dạng sinh học tiếp tục”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã tới thăm hai khu bảo tồn hổ vào ngày 9/4.
Trong những năm qua, Ấn Độ đã tăng số lượng cá thể hổ nhờ 53 khu bảo tồn hổ với diện tích gần 75.800 km vuông.
Trong tháng 3 năm nay, Ấn Độ cũng đã đón những con báo cheetah mới sinh đầu tiên sau hơn 70 năm kể từ khi loài báo này được tuyên bố chính thức tuyệt chủng ở nước này. Hai chú báo con được sinh ra từ hai con báo đốm đưa từ Namibia tới Ấn Độ.
Clip: Đang nằm giả chết, hổ dữ bất ngờ bật dậy vồ gọn chó hoang
Nhờ chiêu giả chết, con hổ Bengal đã dễ dàng hạ gục được con chó hoang chỉ bằng một cú vồ.
Trong clip được ghi lại tại Công viên Quốc gia Ranthambore, Ấn Độ, một con hổ Bengal đang nằm bất động trên nền đất. Ngay sau đó, một con chó thản nhiên đi ngang qua con hổ mà không hề hay biết về mối nguy hiểm đang ở bên cạnh.
Thấy thời cơ tới, con hổ đột nhiên bật dậy, nhảy chồm tới tấn công chú chó chỉ bằng một cú vồ. Bị kẻ đi săn cắn chặt vào cổ, con chó đã phải bỏ mạng chỉ trong giây lát.
Hổ Bengal là phân loài hổ được tìm thấy nhiều nhất tại Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanma và miền nam Tây Tạng.
Trong tự nhiên, hổ Bengal là động vật ăn thịt thuần túy và chúng đi săn các loài động vật có kích thước từ trung bình tới lớn như lợn rừng, hươu đốm, nai, bò tót, trâu nước và trâu rừng Tây Tạng... Không chỉ vậy, hổ Bengal còn dám săn bắt cả voi châu Á và tê giác Ấn Độ non.
Hổ Bengal ưa thích đi săn về đêm, nhưng cũng thức dậy vào thời gian ban ngày. Trong thời gian ban ngày, sự che phủ của cỏ voi cao lớn, rậm rạp tạo ra cho chúng một lớp ngụy trang tốt. Hổ Bengal giết con mồi bằng cách chế ngự chúng và cắn đứt tủy sống hoặc sử dụng cú cắn vào cổ làm nghẹt thở đối với con mồi lớn.
Loài động vật này nằm trong danh mục loài có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế từ năm 2008. Ước tính có chưa đến 2.500 cá thể sót lại trong tự nhiên vào năm 2011. Hổ Bengal bị đe dọa bởi nạn săn trộm, mất và phân mảnh môi trường sống.
Được biết, Ấn Độ là nơi sinh sống của 70% dân số hổ trên toàn thế giới. Cơ quan Bảo tồn Hổ quốc gia (NTCA) của Ấn Độ đã cho xây dựng 50 khu bảo tồn hổ vào năm 1973 để bảo vệ loài động vật nằm trong danh sách bảo tồn này.
Cô bé 3 tuổi trở thành người nhỏ tuổi nhất thế giới giải khối rubic Divisha Bhansali 3 tuổi đến từ Ấn Độ đã xuất sắc trở thành người nhỏ tuổi nhất thế giới giải thành công khối rubic.Nhiều kết quả thống kê cho thấy không đến 5,8% dân số thế giới có thể giải thành công khối rubic. Giải khối rubic vốn đòi hỏi nhiều kỹ năng và cần thời gian tập luyện nhiều nên thành tích...