Quan chức hàng đầu EU đề xuất đình chỉ đối thoại chính trị với Israel
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đã đề xuất khối này đình chỉ đối thoại chính trị với Israel, với lý do có thể xảy ra các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột tại Dải Gaza.
Khu trại tị nạn ở Khan Younis, Dải Gaza, ngày 12/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bức thư gửi các ngoại trưởng EU ngày 13/11, trước thềm cuộc họp ngày 18/11 tới, ông Borrell đã bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng về khả năng vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Gaza”, đồng thời cho biết “đến nay, những lo ngại này vẫn chưa được Israel giải quyết thỏa đáng”. Ông Borrell viết: “Dựa trên những cân nhắc này, tôi đề xuất EU… đình chỉ đối thoại chính trị với Israel”.
Đối thoại chính trị được ghi nhận trong một thỏa thuận rộng hơn về quan hệ giữa EU và Israel, bao gồm quan hệ thương mại sâu rộng, có hiệu lực vào tháng 6/2000.
Đề xuất đình chỉ đối thoại sẽ cần sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia EU, điều được cho là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, đề xuất của ông Borrell phát đi tín hiệu quan ngại mạnh mẽ về cuộc xung đột tại Trung Đông. Theo kế hoạch, vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp ngoại trưởng cuối cùng mà ông Borrell chủ trì trước khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm.
Theo số liệu của Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc, gần 70% số người thiệt mạng trong cuộc xung đột hiện nay là phụ nữ và trẻ em. Cơ quan này cũng lên án “sự vi phạm có hệ thống” các nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế.
Video đang HOT
Israel bác bỏ báo cáo trên. Quân đội Israel (IDF) khẳng định hành động quân sự của họ “tuân theo các nguyên tắc về sự khác biệt và tính tương xứng, và được tiến hành sau khi đánh giá cẩn thận về khả năng gây hại cho dân thường”.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định sẽ không tiếp tục và phát triển quan hệ với Israel. Ông Erdogan nêu rõ Ankara hiện không có quan hệ thương mại với Tel Aviv và không mong muốn phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực này.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ hợp tác thương mại với Israel hồi tháng 5 vừa qua để đáp trả những cuộc tấn công của IDF vào Dải Gaza. Tổng thống Erdogan đã nhiều lần lên án các vụ tấn công và kêu gọi phản ứng quốc tế mạnh mẽ hơn để bảo vệ dân thường Palestine.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu luôn bày tỏ lập trường ủng hộ Palestine, khẳng định đây là nền tảng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Erdogan.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/11, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ đã có thêm cam kết từ phía Israel trong vài ngày qua về tình hình ở Dải Gaza. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng, ông Jake Sullivan, Mỹ mong muốn được chứng kiến những cam kết nêu trên được tuân thủ để tiếp tục giải quyết các vấn đề bao gồm hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo hàng rào phòng thủ của Israel trước những cuộc tấn công của Iran, triển khai các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trả tự do cho các con tin ở Gaza, hoặc mang lại giải pháp ngoại giao cho tình hình ở Liban.
EU cảnh báo tiêu cực về tình hình Trung Đông
Ngày 7/10, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cảnh báo Trung Đông đang đứng trên "bờ vực của cuộc xung đột toàn diện".
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố nhân kỷ niệm một năm bùng phát xung đột Hamas - Israel, ông Borrell nhận định: "Người dân trong khu vực bất an hơn bao giờ hết và bị cuốn vào vòng xoáy bất tận của bạo lực, hận thù và trả thù... Toàn bộ Trung Đông đang đứng trên bờ vực của cuộc xung đột toàn diện mà cộng đồng quốc tế dường như không thể kiểm soát".
Ông Borrell nhắc lại lời kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức trên mọi mặt trận", đồng thời nhấn mạnh đây là cách duy nhất để giải thoát các con tin của Israel đang bị giam giữ tại Gaza.
Người đứng đầu Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini cho biết các con tin đang bị giam giữ tại Gaza đã phải đối mặt với "nỗi đau khổ không thể diễn tả thành lời", song nhấn mạnh xung đột ở đó cũng đã biến Gaza thành "đống đổ nát không thể nhận ra và một nghĩa địa cho hàng chục nghìn người".
Cùng ngày 7/10, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot khẳng định an ninh của Israel không thể được bảo đảm chỉ bằng sức mạnh quân sự và sẽ cần một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Ông Barrot nhấn mạnh: "Chỉ riêng vũ lực không thể bảo đảm an ninh cho Israel.
Thành công quân sự không thể thay thế cho chính trị... Để đưa các con tin về nhà với những người thân yêu của họ, để những người phải di dời được trở về nhà, sau một năm chiến tranh, đã đến lúc cần đến giải pháp ngoại giao".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Jordan, ông Ayman Safadi cảnh báo cuộc tấn công của Israel đang đẩy khu vực đến "vực thẳm" của một cuộc xung đột toàn diện. Phát biểu tại họp báo ở Beirut (Liban), Ngoại trưởng Safadi nhấn mạnh cuộc tấn công của Israel bắt đầu từ Gaza và hiện đã tiếp tục lan tới Liban "đang đẩy toàn bộ khu vực vào vực thẳm của một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện".
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Tổng thống Nam Phi, ông Cyril Ramaphosa cho biết nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông. Ông một lần nữa kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc tấn công vào Gaza.
Tổng thống Nam Phi kêu gọi Israel thực hiện ngay lập tức các lệnh tạm thời của tòa án ngày 26/1/2024, ngày 28/3/2024 và ngày 24/5/2024.
Ngày kỷ niệm một năm bùng phát xung đột ở Gaza diễn ra trong bối cảnh Israel vẫn đang giao tranh với Hamas ở Gaza và tham gia vào chiến dịch quân sự mới chống lại lực lượng Hezbollah ở Liban. Israel cũng đang chuẩn bị trả đũa Iran sau cuộc tấn công bằng tên lửa vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại nguy cơ xung đột toàn diện trong khu vực.
Theo thông tin cập nhật, các bác sĩ Palestine cho biết Israel đã tăng cường các cuộc tấn công trên không và trên bộ ở Gaza làm ít nhất 52 người thiệt mạng trong ngày 7/10. Cùng ngày, lực lượng Hamas cho biết đã bắn loạt tên lửa vào thủ đô Tel Aviv của Israel. Theo dịch vụ cứu thương của Israel, hai người bị thương nhẹ.
Một nguồn tin an ninh Liban cho biết trong ngày 7/10, Israel đã tiến hành cuộc không kích trong gần sân bay duy nhất của nước này tại Beirut, gần thành trì của Hezbollah ở phía Nam thủ đô. Trong khi đó, hãng thông tấn quốc gia chính thức của Liban cũng đưa tin Israel đã tiến hành "một loạt cuộc không kích nhắm vào hơn 30 thị trấn và làng mạc ở quận Tyre". Cùng ngày, Quân đội Israel thông báo đã tiến hành một cuộc tấn công "có mục tiêu" vào một vùng ngoại ô phía Nam Beirut, mà quân đội mô tả là thành trì quan trọng của Hezbollah.
LHQ và các nước kêu gọi Israel và Hezbollah tránh leo thang xung đột Ngày 22/9, các cường quốc trên thế giới đã hối thúc Israel và Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban kiềm chế leo thang xung đột trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza có nguy cơ lan rộng ra khắp khu vực Trung Đông. Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel...