‘Quái xế’ mô hình trên đường đua Mỹ Đình
Kết thúc lượt đua, các xe mô hình vào chỗ mát để được căn chỉnh và làm nguội máy chuẩn bị cho vòng tiếp theo. Nhóm khác vội vã đưa xe xuống đường track ở sân Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) vít ga và nhả khói mù mịt.
Dàn xe đua nhả khói phóng vù trên đường track Mỹ Đình.
Sau tiếng hô “bắt đầu”, ba xế mô hình đứng trước vạch xuất phát lao đi vun vút rồi lạng lách. Một chiếc bất ngờ lật ngửa giữa đường khiến khán giả đứng ngoài xem ồ lên tiếc nuối và sau đó lại dán mắt vào hai chiếc còn lại đang “tỉ thí” ở khúc cua khó. Đứng thành hàng trên vỉa hè, chủ nhân của những chiếc xe đang căng thẳng điều khiển từ xa và không rời mắt khỏi đường đua.
Sáng chủ nhật hàng tuần, các thành viên của câu lạc bộ HRC Hà Nội lại luyện tay lái trên đường track dã chiến ở Mỹ Đình. Nhóm có 15-20 thành viên, nhưng thường xuyên ra sân vào chủ nhật hàng tuần chỉ có 10-15 người. Đường track được làm từ dây thừng cỡ lớn và những chiếc lốp. Độ khó của khúc cua được tạo nên nhờ đường lượn sóng của dây thừng.
Sáu năm chơi xe đua mô hình, anh Thành, trưởng nhóm HRC Hà Nội, được mệnh danh là “bác sĩ” của những chiếc “bốn bánh” tý hon. Trước giờ đua, chủ của những xe “bị bệnh” đều nhờ anh Thành “thăm khám” và cân chỉnh lại cho chuẩn.
Trước khi xuống đường đua, xe được khởi động trên bàn đề.
Video đang HOT
Với anh Thành, đua xe mô hình là thú vui tốn thời gian và tiền bạc nhưng gây nghiện. Mê tốc độ và thích đồ chơi mô hình từ nhỏ, anh Thành luôn ao ước có những xe đua “khủng”. Trước đây khi chưa có điều kiện, anh thường lên phố Lương Văn Can mua những “em” xế điều khiển từ xa của trẻ em về chơi. Hiện tại, anh sở hữu hai chiếc thuộc dòng off road có tỷ lệ 1/8 và 1/10 chạy bằng xăng.
Anh cho hay, xe đua mô hình Buggy thường chia thành hai dòng thông dụng nhất on road và off road. Thông thường ở Việt Nam, những người mê tốc độ thường chuộng xe của hãng Xray và Mugen. Xe đua được thiết kế giống xe thật có tỷ lệ chuẩn là 1/8. Khác với dòng on road dùng để đi trên đường nhựa, off road chinh phục những đoạn đường đất gồ ghề. Tuy nhiên ở Hà Nội, sân chơi dành cho off road thiếu nên “quái xế” thường phải chơi trên đường nhựa. Ở nước ngoài, off road thường được lắp lốp gai để đi trên đường đất vì dễ bám đường hơn. Lốp gai nếu chạy ở Mỹ Đình sẽ chơi được khoảng 8-10 buổi.
Cũng đam mê tốc độ, Đỗ Viết Luận theo đuổi môn thể thao “nhà giàu” đã hơn 2 năm. Lúc mới làm quen xe, do chưa hiểu biết nên Luận mua monster truck nguyên chiếc thuộc dòng RTR (Ready to Run). Sau đó, cậu phải mất tiền để nâng cấp lên một “em” khủng hơn. Xế Buggy hiện tại của Luận có giá khoảng 30 triệu đồng.
“Đồ nghề” của các dân chơi xe mô hình.
“Người mới chơi thường mua dòng Ready to Run có giá trung bình tầm 8-9 triệu đồng để chạy được luôn. Nhiều người có điều kiện nhưng do chưa hiểu và chưa được trải nghiệm nên họ sẽ chọn RTR. Với dân chơi lâu năm, họ không mua nguyên chiếc mà sắm từng chi tiết rồi lắp lại thành một em hoàn chỉnh”, Luận cho hay.
Chưa có kinh nghiệm và không hiểu nhiều về kỹ thuật, anh Đức mới đưa chiếc Mugen ra sân được vài buổi. Cuối tuần muốn xả stress, dân chơi này cũng sắm cho mình một chiếc xe đua mô hình “khủng”. Tuy nhiên việc sửa chữa và “bắt bệnh” cho xe, anh Đức vẫn nhờ vào các đồng đội chơi lâu năm.
Theo các dân chơi, nhiên liệu cho xe đua có hai loại: Nitro (máy nổ) và Electric (điện). Thay vì dùng xe chạy bằng pin, phần lớn những xe đua mô hình ở Hà Nội chạy bằng xăng Nitro. Phần trăm Nitro trong xăng càng lớn càng giúp xe chạy bốc hơn, thông thường tỷ lệ Nitro khoảng 15%-30%.
Hầu hết người chơi đều chuộng xe chạy xăng bởi mê tiếng nổ và cảm giác tốc độ cao. Những xe có tỷ lệ 1/8, bình xăng dung tích 125cc. Chạy khoảng 10-15 phút, xe phải dừng lại để tiếp nhiên liệu và làm nguội máy. Hết buổi chơi, xe “ăn” hết khoảng một lít xăng 30% Nitro có giá 150 nghìn đồng/lít. Nguồn xăng này được đặt mua từ các cửa hàng ở Sài Gòn.
Bộ sưu tập của một người chơi xe mô hình.
Khác với anh Thành dùng xe chạy xăng Nitro, Luận “kết” xe chạy bằng điện hơn vì “đỡ tốn” và thực dụng. Mỗi buổi đua, xe của Luận “ngốn” hết 3-4 đôi pin. Mỗi cục pin như vậy có giá 1,5 triệu đồng.
Đối với một xe đua, ngoài hệ thống điện gồm hai Servo ( lái; ga và phanh), remote (điều khiển) và kít (thân xe), phần máy được xem là quan trọng nhất. Trước khi vào trận đấu, xe sẽ được khởi động máy bằng bàn đề, đề đập hay đề chọc. Trong số những bộ phận đắt đỏ trên xe có con ốc suốt giá 20 USD một đôi, hai đôi lốp tốt được mua với giá một triệu đồng. Các bộ phận và thiết bị của xe hiện đều được dân chơi đặt mua trong Sài Gòn hoặc trên website nước ngoài. Anh Thành cho biết thêm, một chiếc chơi được dành cho người mới tập đua giá khoảng 10 triệu. Với dân chơi lâu năm, họ không ngần ngại đầu tư từ 1.000 USD đến 2.000 USD cho một “em” xế.
Trong khi đua, xe chạy với vận tốc cao nên dễ va chạm, húc vào nhau, lật ngửa hay văng ra xa. Gãy tay arm trước, cong ống xả, vỡ vỏ là những tai nạn thường gặp. Bởi vậy, trong túi đồ nghề của các dân chơi ngoài phụ tùng sửa chữa còn có các bộ phận thay thế.
Trưởng nhóm HRC chia sẻ, môn thể thao này không kén người chơi miễn là có đam mê. Thành viên trong câu lạc bộ của anh gồm cả kỹ sư, công chức, sinh viên, kinh doanh và công nhân. Những người không có điều kiện có thể sắm một chiếc giá rẻ tầm 2 triệu hoặc mua lại đồ cũ. Tuy nhiên, anh Thành thừa nhận, để nuôi đam mê và nâng đời cho “xế” cần có khả năng kinh tế.
Anh Thành tâm sự, những dân chơi trót đam mê tốc độ có thể dành hàng giờ bên chiếc xe mô hình bé xíu để lau chùi và bảo dưỡng. Việc thức đến 4h sáng để chuẩn bị cho ngày hôm sau ra sân với người chơi xe là chuyện thường. Bản thân anh nhiều khi bị vợ càu nhau vì dành quá nhiều thời gian cho xế. Không ít lần mua đồ xịn cho xe, anh đành phải nói giá thấp đi nhiều lần khi bị vợ hỏi.
Theo VNExpress
'Bọ' Beetle tuyệt đẹp làm từ vật liệu tái chế
Đây là sản phẩm của các nghệ sĩ đến từ Ấn Độ nhằm hưởng ứng một chương trình bảo vệ môi trường của tập đoàn Volkswagen có tên là Think Blue.
Beetle là một trong những chiếc xe mang tính biểu tượng cao nhất của thế kỷ XX, cũng là chiếc xe duy nhất gần như không hề thay đổi kiểu dáng kể từ khi ra mắt cho đến nay. Mới đây, một nghệ sĩ người Ấn Độ có tên là Haribabu Natesan cùng với các cộng sự của ông đã sáng tạo ra một chiếc Beetle mô hình được làm hoàn toàn bằng vật liệu tái chế với tỉ lệ 1:1.
Tác phẩm nghệ thuật này sẽ được trưng bày tại lễ hội Kala Ghoda Arts diễn ra từ hôm nay (4/2) đến ngày 12/2, sau đó thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh Ấn Độ trước khi được chuyển về nơi mà những chiếc Beetle được sinh ra tại Đức.
Đặc biệt hơn nữa,những linh kiện cấu thành nên chiếc xe mô hình này đều được thu lượm bởi chính những nhân viên của tập đoàn Volkswagen trong một chiến dịch bảo vệ môi trường có tên là "Think Blue".
Natesan đã chế tạo ra chiếc xe, sử dụng 2.805 các mảnh vật liệu khác nhau bao gồm 60 chiếc bo mạch chủ máy tính, 800 chiếc bu-zi, bàn phím máy tính, băng cassette, đĩa cứng,màn hình máy tính, máy đánh chữ, dây cáp viễn thông, đĩa CD và cả những chiếc bút.
Hải Đăng
Theo Infonet.vn
Xe mô hình ấn tượng từ vật liệu tái chế Nghệ thuật tái chế được những nhà thiết kế tài năng áp dụng để tạo ra các tác phẩm độc đáo. Xe trộn bê tông. Ảnh: Artnet. Máy xúc. Ảnh: Geolocation. Môtô tí hon làm từ đồng hồ đeo tay. Ảnh: Watchuseek. Ảnh: Watchuseek. Ảnh: Watchuseek. Lexus CT 200 "Umbra" được tạo hình từ 2.500 thanh nhôm. Ảnh: Automotto. Ôtô làm từ nắp...