- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Quá trình xác định “nòng cốt, chuyên trách” qua các kỳ đại hội
On 03/08/2020 @ 7:55 PM In Tin nổi bật
Ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết số 100/TTg "Về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang" (CANDVT). Ngày 28-3-1959, tại Câu lạc bộ quân nhân - Hà Nội, lễ thành lập lực lượng CANDVT được long trọng tổ chức.
Tại buổi lễ trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đến dự và huấn thị. Kết thúc bài nói chuyện, Bác đã tóm tắt lời dạy bằng mấy lời thơ: "Đoàn kết cảnh giác/ Liêm chính kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân". Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CANDVT (nay là BĐBP), lời dạy quý báu đó không chỉ là nguồn động viên lớn, mà còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng.
Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015 với phương châm: Đoàn Kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới. Ảnh: H.A
Lực lượng BĐBP được thành lập trong tình hình đất nước còn chia cắt hai miền. Từ một Đảng bộ của Sư đoàn 350 chuyển sang Đảng bộ của lực lượng CANDVT với nhiệm vụ đa dạng, rộng khắp cả nước, nhưng Đảng bộ đã lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chuyển giao lực lượng, nghiên cứu đề xuất tham mưu với Đảng phương hướng xây dựng lực lượng trước mắt và lâu dài.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Vai trò lãnh đạo của Đảng ủy có lúc, có việc không được đề cao. Chế độ sinh hoạt chưa được chú trọng, thiếu hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới. Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng thiếu thường xuyên, chưa nhạy bén. Việc bồi dưỡng cán bộ, đấu tranh phê bình và tự phê bình chưa được đề cao. Công tác bảo vệ nội bộ còn nhiều sơ hở.
Để khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại, xây dựng lực lượng đủ sức thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, từ ngày 12 đến 16-6-1960, Đảng bộ CANDVT đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất. Nghị quyết Đại hội đã chỉ rõ: Phải xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh, đủ khả năng lãnh đạo các mặt công tác, luôn củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chấp hành đầy đủ nguyên tắc sinh hoạt đảng, tăng cường xây dựng chi bộ về mọi mặt, thực sự là hạt nhân lãnh đạo ở cơ quan đơn vị. Nghị quyết Đại hội xác định xây dựng Đảng là then chốt trong xây dựng lực lượng, là nội dung cơ bản hàng đầu và đây cũng chính là cơ sở cốt lõi trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Thực hiện cần kiệm, tự lực trong công tác, chiến đấu và xây dựng, dựa vào địa phương, vào nhân dân để giải quyết hậu cần tại chỗ. Từ phương hướng Đại hội lần thứ nhất, toàn lực lượng đã tạo nên bước chuyển biến mới toàn diện. Từ kết quả hoạt động thực tiễn, đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bằng các biện pháp chính trị, nghiệp vụ và vũ trang trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Đây cũng chính là cơ sở đánh giá kết quả của Đại hội Đảng bộ lần thứ 2 tiến hành từ ngày 22 đến 27-9-1966.
Từ kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất và lần thứ hai, bước sang Đại hội Đảng bộ lần thứ 3 tiến hành từ ngày 11 đến 13-5-1969, tại địa điểm sơ tán (Kho 102 ở Dốc Cun, Hòa Bình). Tại báo cáo Đại hội, trong phần phương hướng lãnh đạo nhiệm kỳ mới, Đại hội đã quyết định phải tăng cường công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ủy các cấp, nhất là Đảng ủy các cơ quan lãnh đạo của Bộ Tư lệnh và các Đảng ủy cơ sở.
Tăng cường công tác lãnh đạo Đoàn thanh niên và công tác vận động quần chúng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ toàn diện. Đây chính là nét mới trong nhận thức, sự hoàn thiện thêm một bước trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác vận động quần chúng đã được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng.
Sau khi đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đặt ra những nội dung, yêu cầu mới nặng nề. Từ địa bàn nửa nước triển khai thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn cả nước, tất cả các hoạt động từ quân số, trang bị phương tiện, vật chất kỹ thuật. Nhận thức rõ những khó khăn, đòi hỏi đang đặt ra, để hoàn thành nhiệm vụ, công tác lãnh đạo lực lượng CANDVT phải là một lực lượng có tổ chức chiến đấu tập thể, lãnh đạo chỉ huy chặt chẽ, tập trung thống nhất.
Trong năm 1976, Đảng bộ CANDVT đã tổ chức liên tiếp hai kỳ đại hội. Từ ngày 28-2 đến ngày 4-3-1976, Đại hội Đảng bộ CANDVT lần thứ 4 được tiến hành. Đại hội lần thứ 4 Đảng bộ CANDVT đề cập đến rất nhiều nội dung, trong đó, nổi lên mấy nội dung trọng tâm. Nghị quyết nêu rõ: Lãnh đạo cơ quan và các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và mọi mặt công tác được giao trong hoàn cảnh mới, trên phạm vi cả nước.
Tại Đại hội đã nhất trí quyết nghị, báo cáo và đề nghị lên Trung ương Đảng và Đảng đoàn Bộ một số vấn đề lớn. Đó là: Kiện toàn về mặt tổ chức, xác định nhiệm vụ, phạm vi công tác, nguyên tắc tổ chức và các mặt quan hệ chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng CANDVT trong công tác biên phòng. Tăng cường trang bị phương tiện, vật chất kỹ thuật cho lực lượng. Nghiên cứu và cho chỉ thị về nhiệm vụ và tổ chức của Đảng bộ, tăng cường các mối quan hệ của Đảng ủy với Trung ương Đảng, với Đảng đoàn Bộ. Cuối năm 1976, lực lượng CANDVT về cơ bản đã triển khai hệ thống các đơn vị từ Bộ Tư lệnh đến đồn, trạm biên phòng và các nhà trường trong phạm vi toàn quốc. Hệ thống tổ chức Đảng cũng được kiện toàn, củng cố.
Sau hơn 6 tháng sau, từ ngày 15 đến 24-11-1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ CANDVT Trung ương lần thứ 5 được tổ chức. Đây là lần đầu tiên Đảng bộ CANDVT Trung ương với sự có mặt của các đại biểu Đảng bộ cơ quan, nhà trường, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh ở cả hai miền Nam, Bắc. Đại hội Đảng bộ lần thứ 5 không ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ và bầu Ban chấp hành mới, giữ nguyên Ban chấp hành Đảng bộ khóa 4, chỉ tiến hành bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4.
Bước sang năm 1979, sau 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của lực lượng CANDVT rất nặng nề, là giai đoạn củng cố lực lượng, ổn định tổ chức nhằm đáp ứng tình hình mới. Trong bối cảnh đó, từ ngày 21 đến 28-7-1979, Đại hội Đảng bộ CANDVT lần thứ 6 được tổ chức. Nghị quyết đại hội xác định 3 nội dung trọng tâm.
Đó là: Phải bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong bất kỳ điều kiện, tình huống nào. Đấu tranh chống gián điệp tình báo bên ngoài xâm nhập khu vực biên giới và ngăn chặn có hiệu quả vượt biên, vượt biển; tích cực phòng ngừa bạo loạn, sẵn sàng chiến đấu cao, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt địch trên tuyến đầu Tổ quốc; đánh bại chiến tranh xâm lược, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Ra sức xây dựng biên giới đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, làm tốt nghĩa vụ quốc tế.
Xuất phát từ yêu cầu tăng cường sức mạnh bảo vệ biên giới trước nguy cơ xâm lược. Ngày 10-10-1979, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 22/NQ-TW chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng CANDVT từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Từ đây, lực lượng CANDVT trở thành một thành phần của QĐND Việt Nam với tên gọi BĐBP. Ngày 26-11-1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 56/QĐ-TW chuyển Đảng bộ CANDVT Trung ương và các Đảng bộ CANDVT tỉnh, thành sang thuộc Đảng bộ QĐND.
Ngày 24-11-1979, Đảng ủy CANDVT Trung ương họp phiên cuối cùng của nhiệm kỳ khóa 6 ra Nghị quyết "Lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 10-10-1979 của Bộ Chính trị". Bắt đầu từ tháng 1-1980, Đảng bộ CANDVT Trung ương chấm dứt vai trò hoạt động của Đảng bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ khóa 6 giải thể chuẩn bị cho một cơ cấu tổ chức mới.
Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 56/QĐ-TW của Ban Bí thư, Ban Chấp hành Đảng bộ CANDVT giải thể thì đến ngày 20-2-1980, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về sự lãnh đạo của Đảng trong BĐBP và thành lập Đảng ủy BĐBP, đồng thời, chỉ định các thành viên trong Đảng ủy. Đây là giai đoạn lực lượng có nhiều biến động nhất. Thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị là bước ngoặt lớn trong quá trình xây dựng và phát triển của lực lượng BĐBP cùng với hệ thống tổ chức quản lý, chỉ huy, công tác xây dựng Đảng trong BĐBP cũng hoàn toàn khác.
Trong Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 về "Đường lối quân sự của Đảng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN" có đoạn viết: "BĐBP là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ an ninh vùng biên giới của đất nước, cả trên đất liền và vùng ven biển; cùng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới khi có chiến tranh. Phải xây dựng BĐBP đủ mạnh trong thời bình cũng như trong thời chiến để đảm bảo làm tròn chức năng quan trọng mang tính chất an ninh, quốc phòng và đối ngoại".
Đây chính là quá trình đổi mới trong nhận thức, xác định vai trò "nòng cốt, chuyên trách" cũng như 3 tính chất quan trọng của BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đây cũng là giai đoạn Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng có nhiều Nghị quyết, Quy định, Quyết định, Chỉ thị về xây dựng tổ chức, lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong BĐBP. Theo đó, ngày 4-4-1986, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định 419/QP về "Chấn chỉnh tổ chức, chỉ huy và củng cố xây dựng BĐBP" theo hệ thống 3 cấp.
Ở Bộ Quốc phòng có Tư lệnh BĐBP trực thuộc sự chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ở cấp tỉnh, thành, đặc khu biên giới, bờ biển có Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, thành, đặc khu trực thuộc chỉ huy của Tư lệnh BĐBP. Ở cơ sở có đồn Biên phòng, các đơn vị cơ động, hải đội biên phòng đặt trực tiếp trực thuộc của Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, thành, đặc khu.
Sau một thời gian thực hiện, tình hình lực lượng BĐBP đã cơ bản ổn định tổ chức, chỉ huy theo Quyết định 419/QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ ngày 23 đến ngày 29-9-1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ 8 được tổ chức tại Hà Nội. Trong báo cáo trình bày trước Đại hội nhấn mạnh: "BĐBP tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng đã vượt qua gian khổ và thử thách, đạt được những thành tích quan trọng trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc".
Trong xác định nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới, Đại hội cũng chỉ rõ: "Củng cố và xây dựng lực lượng BĐBP trở thành lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng có vai trò nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc".
Cũng bắt đầu từ đây, lực lượng BĐBP đã trải qua thêm 6 lần tổ chức Đại hội Đảng bộ. Sắp tới, Đảng bộ BĐBP tiến tới Đại hội lần thứ 15. Qua mỗi kỳ đại hội, Đảng bộ BĐBP không ngừng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, từng bước phát triển nhanh trên các mặt công tác, thực sự là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Đây cũng chính là điểm cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ của BĐBP đã được cụ thể hóa trong phương châm hoạt động: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", là chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, là quá trình cụ thể hóa quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng BĐBP và bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc.
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/qua-trinh-xac-dinh-nong-cot-chuyen-trach-qua-cac-ky-dai-hoi-20200803i5130965/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.