- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Quá khứ lầm lỡ của “cậu bé vàng” Toán học quốc tế

On 22/07/2010 @ 9:43 PM In Học hành

Khó ai có thể ngờ, chàng trai "mang vàng, mang bạc" về cho đất nước, mới năm trước thôi đã từng khiến mẹ khóc vì cậu quá ham games. Trung tâm sự về một thời "lầm lỡ" của mình.

Nguyễn Ngọc Trung (23/11/1992)

Lớp 12 chuyên Toán - THPT chuyên Hùng Vương - Phú Thọ

Giải Nhì HSG Toán Quốc gia 2010

HCV duy nhất của đoàn Việt Nam tại Olympic toán học quốc tế (IMO) lần 51 tại Kazakhstan (7/2010)

Thừa hưởng gen di truyền từ mẹ

PV: Trong số rất nhiều môn, Trung lại mê Toán. Điều gì ở môn học này thu hút bạn đến vậy?

Từ hồi lớp 5 mình đã thích môn hình học bởi nó khiến phải tư duy, phải sáng tạo khi nhìn vào những hình vẽ ấy. Môn toán giúp mình học tư duy lô gic hơn, và học tốt các môn học khác nữa.

PV: Trung từng nói, mẹ là người có ảnh hưởng nhất tới Trung. Vậy gen học giỏi toán có phải cũng được "di truyền" từ mẹ?

Vâng, có lẽ vậy. Ông ngoại mình trước kia cũng học rất giỏi. Sau này, ông trở thành giáo viên ở trường tỉnh. Giờ ông đã ngoài 80 nhưng khi biết tin mình về nước, dù tuổi cao, ông vẫn cố gắng lên sân bay đón. Điều đó đã làm Trung rất xúc động.

PV: Khi say mê cái gì đó, người ta thường "quên ăn, quên ngủ" bởi nó. Với toán học, Trung có say như thế?

Vâng! Môn toán đối với mình cũng vậy. Chuyện thức đến 2,3h sáng để giải một bài toán khó với mình là chuyện thường xuyên. Ngoài thời gian ở trên lớp, mỗi ngày Trung thường bỏ ra khoảng 4h để tự học toán, gấp 4 lần thời gian mình chi cho các môn còn lại.

Quá khứ lầm lỡ của cậu bé vàng Toán học quốc tế - Hình 1

Lá cờ Việt Nam được vinh danh trong lễ trao giải HCV toán học Quốc tế.

PV: Trung học toán qua những nguồn nào?

Phần lớn, mình đọc sách, tìm hiểu những ý tưởng trong các bài toán. Thường đặt câu hỏi "tại sao lại làm như vậy" để tìm hướng trả lời. Ở trên lớp, mình tập trung lắng nghe các thầy cô giải thích để nắm được bản chất của vấn đề. Thỉnh thoảng, lên mạng, vào các trang về toán học tìm các tài liệu mới.

PV: Khi học toán bạn gặp những khó khăn gì?

Vào thời THCS, việc tìm kiếm tài liệu học rất khó. Lúc đó, mình phải thường xuyên nhờ cậu ở Vĩnh Phúc mua cho những cuốn sách mà chỗ Trung không thể nào kiếm được. Lên cấp 3, việc tìm sách tham khảo có vẻ dễ dàng hơn.

Nhưng khi đó lại có quá nhiều lựa chọn và làm cho mình khó hệ thống lại kiến thức của mình. May mà những lúc như thế, luôn có các thầy cô giáo tận tình chỉ dẫn giúp kiến thức của mình trở nên có hệ thống và bài bản hơn. Trung luôn biết ơn thầy cô rất nhiều.

6 tháng nghiện games quên học

PV: Mẹ là người quan trọng nhất với Trung, vậy có bao giờ bạn khiến mẹ buồn?

Có chứ! Mới năm ngoái thôi, mình đã làm mẹ khóc rất nhiều vì quá ham games. Vào thời gian khủng hoảng, khi chán chường, có lúc, mình chơi game đến hơn 6 tiếng mỗi ngày. Mẹ đã khóc rất nhiều. Sau thời gian ấy, Trung cảm thấy rất ân hận vì đã lao đầu vào những trò chơi vô ích, vì làm mẹ buồn. Nhưng, sự ham chơi ấy bắt đầu giảm dần, nhất là khi vào học đội tuyển quốc gia rồi chuẩn bị thi vòng 2 và cuối cùng là đợt tập trung đội tuyển quốc gia.

PV: Sự chán chường này là do đâu?

Vào năm ngoái, sau khi thi HSG toán Quốc gia, Trung không đủ điểm để thi vòng 2 . Khoảng thời gian này, mình cảm thấy vô cùng chán nản, không có tâm trạng để học hành, và bỏ bê việc học.

Quá khứ lầm lỡ của cậu bé vàng Toán học quốc tế - Hình 2

Cậu bé vàng toán học Việt Nam từng có một thời gian trượt dài trong games vì khủng hoảng tinh thần.

Kết quả học tập bị giảm sút nhiều. Các bài kiểm tra điểm cứ ngày càng thấp đi. Thi thoảng mình bị bắt khi quay bài do không học bài cũ. Những kiến thức bị hụt hẫng làm cho sau này khi học lại, Trung thấy mọi thứ như mới tinh.

Những ngày thứ 7, chủ nhật về nhà, nhìn ánh mắt nặng trĩu của cha mẹ và em gái, mình biết, họ thất vọng về Trung rất nhiều. Có lẽ do quá mặc cảm, mình như thấy mọi người không còn quan tâm đến Trung nữa.

Thời gian này, mẹ luôn ở bên và động viên là còn năm sau để cố gắng, con đường đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Tuy không nói ra nhưng mình cảm thấy rất day rứt, ân hận. Và điều này khiến Trung quyết tâm học hành trở lại.

PV: Trung rút ra được điều gì từ vụ "khủng hoảng" này?

Bài học mà mình rút ra được từ khoảng thời gian đó là: con đường đi tới thành công không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà sẽ có rất nhiều chông gai, cạm bẫy. Muốn có được thành công, buộc ta phải biết vượt qua những khó khăn, thử thách đó.

PV: Được tự do chọn trường ĐH, vậy sắp tới Trung chọn trường ĐH nào?

Trung vẫn muốn tiếp tục theo đuổi nghành toán học, và một trong những môi trường đào tạo tốt nhất là ĐH Tự Nhiên - ĐHQGHN.

PV: Cảm ơn Trung, chúc bạn thành công trên con đường đã chọn.

Theo Vietnamnet


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/qua-khu-lam-lo-cua-cau-be-vang-toan-hoc-quoc-te-20100722i61108/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.