Quả chuông cổ và hành trình trở về đất mẹ
Đã 89 tuổi và ngồi xe lăn, nhưng khi cầm chiếc búa gỗ đánh vào quả chuông cổ, ông Watanabe Takuro – vị luật sư già – đã để lại một hình ảnh vô cùng ấn tượng cho những người khách tới dự lễ cầu nguyện hòa bình tại Bảo tàng Bắc Ninh trung tuần tháng 9 này.
Những hồi chuông thanh bình ấy như một hi vọng thật sự khép lại hành trình gian nan để trở về đất mẹ của một quả chuông cổ sau nhiều thập kỷ lưu lạc…
Luật sư Watanabe (phải) và sư trụ trì chùa Ngũ Hộ chia sẻ nỗi xúc động về số phận quả chuông cổ – Ảnh: H.Ngọc
Vào một ngày cách đây đúng 35 năm (tháng 9-1977), luật sư Watanabe, một người có thú sưu tầm đồ cổ, phát hiện một quả chuông đồng Việt Nam được bày bán tại một cửa hàng đồ cổ ở Ginza, Tokyo (Nhật Bản).
“Đọc xong những dòng chữ Hán trên một mặt của quả chuông, tôi đã có ngay ý nghĩ tìm cách mua lại quả chuông để trả lại cho ngôi chùa và những người dân ở khu vực đó. Cha ông họ đã dồn biết bao tâm huyết để đúc nên quả chuông này, thế mà lại có kẻ cướp đi của họ” – luật sư Watanabe nói với người viết.
Trên bản khắc ở một mặt của quả chuông có ghi bằng chữ Hán, tạm dịch: “Chiếc chuông của chùa Ngũ Hộ, làng Kim Thôi, thuộc Bắc Ninh, trước đây do loạn lạc bị mất. Dân làng đã đúc lại cái mới thay vào. Nhưng tháng 2-1825 chuông lại bị sơn tặc lấy đi mất. Dân làng hằng ngày đã quen với tiếng chuông chùa, giờ mất nó mọi người đều rất buồn và họ bàn cách làm chuông mới… Trải qua ba năm, tiền và đồng quyên góp được đem đúc, phần còn thiếu được mua vào cho đủ”.
Ông chủ tiệm đồ cổ cũng chỉ biết rằng kẻ đã cướp quả chuông đó và mang về bán cho hiệu đồ cổ ở Ginza là một viên sĩ quan Nhật, chỉ huy cái xưởng gỗ ở ngay trong ngôi chùa khoảng đầu những năm 1940.
Thế nhưng cái giá mà ông chủ tiệm phát ra làm luật sư Watanabe cảm thấy nản – những 9 triệu yen. Lượn qua lượn lại tới vài lần nữa, cuối cùng vị luật sư cũng khiến chủ tiệm mềm lòng, chấp nhận bán với giá 5 triệu yen – một số tiền vẫn cực kỳ lớn lúc đó. Ông đành về bàn với người bạn thân là một giáo sư sử học, hai người quyết định chỉ có cách kêu gọi quyên góp tiền mới mong chuộc được chuông.
Họ đã lập ra “Hội hoàn hương chuông cổ” và mời những nhân vật nổi tiếng như sư cụ Oshini Ryokei – trụ trì chùa Kiyomizu, sư thầy Huzi Nitatsu – trụ trì chùa Nihon zan Myohoji và nhà văn nổi tiếng Matsumoto Seicho đứng ra phát động phong trào quyên góp tiền. Về phần mình, luật sư Watanabe đã cùng với ông bạn giáo sư của mình đến ngân hàng rút hết tiền tiết kiệm mang đến đặt cọc cho ông chủ tiệm đồ cổ. Bởi cùng lúc đó, ông tình cờ biết rằng có một nghị sĩ Nhật cũng đang ngó nghiêng quả chuông.
Sau chỉ 2-3 tháng, số tiền quyên góp được đã lên tới 9,6 triệu yen, so với mục tiêu 7 triệu ban đầu – số tiền tối thiểu cần để mua quả chuông và chuyển nó về lại Việt Nam. “Nhưng chúng tôi còn gặp may hơn thế. Ông chủ tiệm cảm động trước tấm lòng của mọi người cũng quyết định tham gia quyên góp bằng cách giảm giá bán xuống còn một nửa” – luật sư Watanabe kể.
Trước khi quả chuông được trao cho phía Việt Nam, trong suốt nửa năm trên đất Nhật đã diễn ra những buổi lễ cầu nguyện cho quả chuông. Bắt đầu từ chùa Zojiji (Tokyo) vào ngày 7-12-1977, rồi chuyển sang Kyoto, Nara,Osaka và Kobe, trước khi kết thúc ở chùa Kaneiji (Tokyo). Tháng 6-1978, quả chuông đã được trao lại cho Việt Nam trong một buổi lễ trang nghiêm và cảm động ở chùa Quán Sứ (Hà Nội).
Quả chuông cổ lưu lạc suốt nhiều thập niên – Ảnh: H.Ngọc
Người giáo viên tiếng Nhật và cuộc truy tìm tung tích quả chuông cổ
Năm 1993, chị Komatsu Miyuki, giáo viên tiếng Nhật ở Hà Nội, một thành viên của “Hội hoàn hương chuông cổ” năm 1977, nhận được bức thư từ luật sư Watanabe. Trong thư, ông viết rằng nguyện ước cuối cùng trong đời ông là biết được số phận hiện thời của quả chuông cổ ra sao. “Tôi đã đến chùa Bút Tháp, nơi sau lễ trao chuông ở chùa Quán Sứ đã tiếp nhận quả chuông này, nhưng không thấy quả chuông đó. Những người ở chùa cũng không biết gì về quả chuông” – chị nói.
Sở dĩ quả chuông được đưa về chùa Bút Tháp vào năm 1978 là do chùa Ngũ Hộ – nơi quả chuông được đúc – đã bị quân Pháp phá hủy vào đầu những năm 1950. Hơn nữa, trong số 300 người quyên góp tiền đồng và vàng để đúc chuông, được ghi danh trên ba mặt còn lại của quả chuông cổ, có cả những người dân khu vực Bút Tháp.
Kể từ đó, cứ có dịp thuận tiện là chị Komatsu lại đi hỏi về tung tích quả chuông. Hỏi từ những hướng dẫn viên du lịch, bạn bè dạy tiếng Nhật ở ViệtNam, tới những người “có dính dáng” đến lễ trao chuông năm 1978. “Hầu như không còn ngôi chùa nào ở quanh khu vực Hà Nội, Bắc Ninh mà tôi không sục vào, ngó nghiêng mọi ngóc ngách. Thậm chí nghe phóng viên Minh Hà của Đài Tiếng nói Việt Nam bảo rằng có nhìn thấy một quả chuông cổ trong một ngôi chùa ở TP.HCM tôi cũng tranh thủ bay vào. Nhưng rồi thất vọng vẫn hoàn thất vọng” – chị Komatsu nhớ lại.
Thế rồi sau chín năm của cuộc truy tìm vô vọng, một người đã mang lại cho chị tia hi vọng mới. Đó không phải là một người Việt mà là phó giáo sư sử học Nishimura, rất giỏi tiếng Việt. Vị học giả này hỏi chị đã lên Bảo tàng Bắc Ninh, nơi ông có một người quen là giám đốc Lê Viết Nga, chưa. “Tại sao tôi lại không nghĩ đến Bảo tàng Bắc Ninh, mà cứ quanh quanh ở mấy cái bảo tàng tại Hà Nội nhỉ?” – Komatsu vừa kể lại vừa đập tay lên trán.
Nỗ lực không mệt mỏi của Komatsu đã được đền đáp. Cuối cùng chị đã tìm thấy quả chuông cổ trong một cái kho lưu trữ cổ vật. Dần dần, qua tìm hiểu những người có liên quan trong ngành bảo tàng ở Bắc Ninh, Komatsu mới dựng lại được quá trình lưu lạc của quả chuông. “Những người nhận chuông, tuy không hẳn không có lý khi đưa chuông về chùa Bút Tháp, nhưng họ đã quên một điều quan trọng rằng ngôi chùa này cũng đã có một quả chuông riêng của mình. Có lẽ vì vậy mà họ ít quan tâm đến một quả chuông của chùa khác (Ngũ Hộ), dù đó là một quả chuông cổ” – Komatsu tự lý giải về việc mấy năm sau quả chuông lại được giao cho Bảo tàng Hà Bắc.
Video đang HOT
Đến năm 1996, tỉnh Hà Bắc tách ra thành Bắc Ninh và Bắc Giang. Nhân sự chia đôi và đồ vật, cổ vật thuộc tỉnh nào về tỉnh ấy. Bắc Ninh xây bảo tàng mới và mọi cổ vật đều được đưa để nhờ vào một cái kho. “Khi nhìn thấy quả chuông nằm tít trong góc kho, sau một cái tủ, bụi phủ đầy, tôi suýt nữa đã òa khóc nếu không có người thủ kho đứng đó. Tôi sẽ kể thế nào với luật sư Watanabe đây?” – Komatsu kể lại trong trạng thái xúc động. Sự bức xúc của Komatsu dịu đi khi chị biết rằng không ai trong số cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh biết chữ Hán.
Có chuông – không chùa, có chùa – không chuông
Trong lá thư gửi cho chị Komatsu năm 1993, cuối thư luật sư Watanabe gửi lời chúc: “Hỡi quả chuông Việt Nam, hãy ngân lên nguyện cầu cho hòa bình!”.
Vị luật sư, người đã tham gia phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam từ những ngày đầu và là một thành viên trong phái đoàn Luật sư dân chủ quốc tế đến Hà Nội cuối năm 1972 để điều tra tội ác của đế quốc Mỹ, vẫn còn nhớ chỉ ít lâu sau khi quả chuông, biểu tượng của sự yên bình, được trao lại cho Việt Nam, người dân nước này lại bị xô đẩy vào hai cuộc chiến tranh liên tiếp khác. Và ông cũng hiểu yên bình vẫn chưa trở lại hoàn toàn trên đất nước Việt Nam. Có điều ông đã quá già yếu để có thể làm thêm điều gì đó. Ông chỉ có thể tự tay đánh lên những hồi chuông nguyện cầu hòa bình cho Việt Nam.
Ông Lê Viết Nga – giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh – nói rằng khách tham quan bảo tàng, nhất là đi theo đoàn, nếu có yêu cầu, bảo tàng vẫn cho đánh chuông chứ không phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “cấm sờ vào hiện vật”. Nhưng điều đó vẫn chưa làm luật sư Watanabe thôi day dứt. “Chuông chùa phải được đưa về chùa chứ, để sớm chiều người dân được nghe tiếng chuông ngân. Chính vì nhớ tiếng chuông mà người dân mới quyên góp tiền để đúc chuông tới lần thứ ba, sau hai lần bị mất cắp” – ông giải thích.
Và đó cũng là tâm nguyện của sư thầy Huệ Hồng, người trụ trì chùa Ngũ Hộ từ năm 2008, bảy năm sau khi ngôi chùa mới này được người dân xây lại trên một phần đất của ngôi chùa cũ. Sư thầy kể rằng sư đã cùng người dân và chính quyền thôn ba lần làm đơn xin rước chuông về.
Một thoáng ưu tư của vị luật sư già
Sáng 19-9 vừa rồi, trên đường đi thăm chùa Phật Tích, luật sư Watanabe nhận được một cú điện thoại của sư thầy Huệ Hồng khẩn khoản đề nghị ông hoãn chuyến bay về Nhật đêm hôm đó để ở lại dự lễ đúc quả chuông mới theo mẫu quả chuông cũ. “Quả chuông mới giống đến mấy cũng chỉ giống phần xác thôi, còn phần hồn sao so được. Trong tiếng ngân của nó hàm chứa bao tâm sự, bao trải nghiệm về một thời loạn lạc” – luật sư Watanabe ưu tư. Ông quả quyết rằng theo truyền thuyết, tất cả các quả chuông đều tìm cách trở lại ngôi chùa của nó.
Sư thầy Huệ Hồng mới đây cho biết sư đã suy nghĩ lại, thay vì đúc chuông mới, sư sẽ dùng số tiền đó để xây tháp chuông vì chùa Ngũ Hộ chưa có tháp chuông.
Theo Dantri
Dàn xe máy cổ từ thời vua Bảo Đại
Lần đầu tiên, dàn xe máy cổ từ thời vua Bảo Đại được tập hợp và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh làm nức lòng người dân Kinh Bắc. "Độc chưa từng có" là lời duy nhất dành cho những chiếc xe máy thuộc thế hệ đầu tiên có mặt ở Việt Nam.
Chủ nhân của dàn xe máy cổ có niên đại từ thời vua Bảo Đại là Dương Minh Chính - một người ở tuổi 40 nhưng có thâm niên sưu tầm đồ cổ hơn 20 năm. Anh cũng là cái tên không xa lạ trong giới sưu tầm đồ cổ ở Việt Nam.
Dàn xe máy cổ còn "nguyên đai nguyên kiện" từ thời vua Bảo Đại
Những chiếc xe cổ kính từ màu sơn
7 chiếc xe máy cổ nguyên bản do Pháp sản xuất được Dương Minh Chính "gom" ròng rã ba năm trời, từ thời điểm năm 2009 đến nay. Những "thương hiệu" như Koehler Escoffier, Monet Goyon, JongLi, Monet Goyon Macon... "tề tựu" dưới tay Dương Minh Chính, ngoài tiền bạc, công sức bỏ ra... còn là cả một cơ duyên không phải ai cũng có.
Những chiếc xe tuổi đời hàng trăm năm vẫn còn gần như nguyên vẹn. Thời gian dường như chỉ làm cho nước sơn thêm cổ kính, và ở nhiều chi tiết xe trở nên bóng láng.
Bộ sưu tập độc nhất vô nhị...
Đây là những chiếc xe đầu tiên có mặt ở Việt Nam .
Đăng ký xe chính chủ được đóng dấu và chữ ký của quan toàn quyền Pháp.
Điều độc đáo ở bộ sưu tập xe cổ này, tất cả những chiếc xe cổ đó đều là những chiếc xe... chính chủ. Đăng ký xe được cấp từ những năm đầu thế kỷ 19, được nhà cầm quyền cấp bằng chữ tiếng Pháp, kèm theo số căn cước của mỗi người.
Chiếc Terrot 100cc cấp cho chủ xe Nguyễn Văn Sang, sinh năm 1924 tại Sài Gòn được cấp ngày 24/7/1951 có chữ ký của nhà chức trách người Pháp - D.Hermine chiếc Macon Koehler & Erooffier 125cc cấp cho chủ xe Trần Trọng Ái, sinh năm 1920, trú tại Sa Đéc ngày 15/1/1951 vẫn do D.Hermine ký...
Chiếc xe đời đầu còn chưa có cả... giảm xóc.
Chiếc Macon Koehler & Erooffier 125cc cấp cho chủ xe Trần Trọng Ái, sinh năm 1920, trú tại Sa Đéc ngày 15/1/1951 vẫn do D.Hermine ký...
Ổ máy hột vịt.
Chiếc macon này đời sau đã nâng cấp có giảm xóc.
Trên những chiếc xế cổ này, ngoài sự cổ điển ở kiểu dáng, cách thiết kế, khung xe, hộp máy..., phụ kiện lý thú khác là những chiếc... còi xe. Chúng được gắn bên ngoài, khi thì thiết kế ngay trên hộp máy thông với ống dẫn hơi được sinh ra do một thiết bị được thiết kế cọ xát với một bánh răng cái được thiết kế ngay trên tay lái... và tất cả đều là còi hơi.
Ở những chiếc xe cổ đời đầu, yên xe là bộ khung sắt nối với hai càng xe, chưa có yên bọc da. Chiếc yên da duy nhất dành cho người cầm lái, và là da bò chính hang. Xe càng cổ, các chi tiết trên xe càng thô sơ nhưng không kém phần tinh tế về thẩm mỹ. Những chiếc xe đời sau mới có thêm bộ giảm xóc thô sơ.
Còi hơi lắp trên ổ máy...
... trên tay lái...
trên ghi-đông xe.
hay trông giống như một chiếc kèn đồng...
Chiếc còi hơi này được nối với một mô tơ quay tạo khí...
hoặc thô sơ hơn nữa, chủ xe phải... thổi bằng miệng!?
Đam mê sưu tập xe từ nhỏ, nhưng sở thích của Dương Minh Chính phải là những chiếc xe cổ điển. Năm 2009, tình cờ được biết thông tin có hai người rao bán hai chiếc Terrot đời 1930 loại 100cc và 150cc, Chính gấp rút vào T.p Hồ Chí Minh tìm gặp. Sau đó, anh mở rộng "mạng lưới" tìm kiếm, nhờ người giới thiệu... Sau ba năm, kết quả mà Chính có được là 7 chiếc xe cổ duy nhất có từ thời vua Bảo Đại.
Monet Goyon 125CC, được cấp giấy phép vào năm 1951 cho một chủ xe ở Sa Đéc
Ngồi lên chiếc xe cổ dường như cảm nhận được lịch sử phát minh đối với phương tiện đi lại gắn liền hàng trăm năm với cuộc sống hiện đại của con người.
"Cái quý hiếm ở những chiếc xe này đó đều là những chiếc xe chính chủ, và đều là xe của những người thân cận, trung thành với ông vua co nhiều thú chơi đầy văn hóa - Bảo Đại.
Một chủ xe đồng thời cũng là quan chức cuối cùng ở triều vua Bảo Đại khi còn sống đã khẳng định với tôi, thời vua Bảo Đại có khoảng 100 chiếc xe máy tất cả, người dân không phải ai có tiền cũng có thể được dùng. Hơn nữa, những người còn giữ được cả "đăng ký xe chính chủ" càng không phải dễ tìm".
"Độc chưa từng có" là những gì mà người xem phải thốt lên trước bộ sưu tập không thể so đến bằng tiền!
"Số tiền mà tôi bỏ ra để sưu tập dàn xe cổ này hiện tại đã vượt trên con số 70.000USD. Đã có rất nhiều người ngỏ ý muốn mua lại, đặc biệt là các nhà sưu tập đồ cổ ở Huế, Sài Gòn... nhưng tôi chưa có ý định "sang tên đổi chủ"" - Dương Minh Chính tiết lộ một cách thành thật.
Theo Kiên Trung
Vietnamnet
Kỳ án: Nghi ngờ chuông cổ, hàng trăm dân đốt phá trụ sở xã Theo người dân xã Yên Phụ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), chiếc chuông ấy đã gần 200 năm tuổi và nó đã bị đánh tráo một cách bí hiểm. Tin đồn "ác" "làm vỡ" trụ sở UBND xã Chùa Phúc Sơn (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) vốn là một ngôi chùa đã có từ lâu. Và chiếc chuông đồng...