Phụ nữ, chẳng mấy người muốn làm trụ cột gia đình
“Nếu phải đó là con gái bác, chắc bác đã thương con gái bất hạnh, lấy phải thằng chồng bất tài, lo toan cho cả nhà chồng mà chẳng được tiếng cảm ơn.” Bác xót con trai thế nào thì người khác cũng xót con gái họ như thế.
Có khi bản thân chị ấy cũng chưa được ăn bữa cơm nào cho đàng hoàng vì mải lo buôn bán, vì mệt.
Kính gửi cô Vân Anh, tác giả bài viết “Cậy kiếm ra tiền, con dâu trở nên đành hanh mất nết”!
Cháu rất cảm thông cho nỗi khổ tâm của cô. Nhưng quả thật trong cách hành xử của con trai cô và suy nghĩ của cô, cháu có hai điểm không đồng ý.
Thứ nhất, con dâu cô phải bươn chải kiếm tiền lo cho cả nhà. Chị ấy đáng được nhận sự cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ từ phía gia đình nhà chồng.
Thú thật, nếu là cháu, cháu làm không được như chị ấy đâu. Phụ nữ, bươn chải bên ngoài, công việc nhiều, suy nghĩ nhiều, mau tàn úa, xuống sắc, xấu xí và dễ tủi thân lắm.
Có thể nói, với những gì chị ấy mang lại cho gia đình cô, chị ấy cũng đáng được tặng hai chữ “hy sinh” rồi. Cháu nghĩ chẳng người phụ nữ nào rắn lòng tới mức đến con mình mà cũng bỏ bê. Chỉ là do cơm áo gạo tiền bức bách.
Có khi bản thân chị ấy cũng chưa được ăn bữa cơm nào cho đàng hoàng vì mải lo buôn bán, vì mệt. Chị cũng chẳng có thời gian chăm chút cho bản thân nữa.
Video đang HOT
Như vậy, lẽ ra cả gia đình cô phải họp bàn nhau để làm sao đỡ đần bớt gánh nặng trên vai chị ấy, thay vì chê trách những điểm chưa được trong cách cư xử của chị ấy rồi tìm cách dạy dỗ chị ấy sau.
Điều thứ hai cháu thật lòng thương cho chị ấy khi đọc tới đoạn chị ấy nhận một cái tát từ con trai cô. Dù thế nào, trong suy nghĩ của cháu, động tay động chân là điều không thể chấp nhận được.
Chồng mà bị vợ xem thường, uất lắm chứ. Nhưng trước khi uất thì hãy nghĩ sao anh ấy lại bị xem thường rồi tìm cách làm cho bản thân mình đáng được tôn trọng hơn.
Đánh vợ thể hiện anh ta bất lực và hèn hèn thế nào ấy. Phụ nữ làm ăn thường ăn nói chao chát lắm. Nhưng tận trong lòng họ vẫn một lòng vì gia đình mà thôi.
Tới giờ nhà cô vẫn chi tiêu và hưởng những đồng tiền cực khổ từ con dâu mang về đó thôi. Nếu chị ấy không ủng hộ, thì con trai cô có thể bình tĩnh phân tích cho vợ nghe kế hoạch của mình.
Kế hoạch khả thi thì người làm ăn như chị ấy hẳn sẽ nhận ra và ủng hộ. Sợ nhất là mấy anh nghĩ ra đủ thứ kiểu kinh doanh rồi mang tiền nhà đi phá. Mà với biểu hiện nóng nảy của anh ấy, cộng thêm thiếu khả năng ăn nói, thuyết phục, thì cháu nghĩ quên chuyện kinh doanh này đi là hơn.
Trước mắt, anh ấy nên tìm việc, đừng phân biệt sang hèn, đúng hay không đúng chuyên ngành, ít nhất phải làm ra tiền cái đã. Dù ít dù nhiều phải tự lo cho chính mình, thoát khỏi cái cảnh ngửa tay hỏi tiền vợ và tạm thời những chi tiêu trong nhà cứ để chị ấy gánh. Chờ thời cơ thuận lợi tìm công việc phù hợp thì dần dần lo toan mọi chuyện trong nhà cho chị ấy.
Việc anh phụ chị ấy chăm con, làm việc nhà và chăm sóc chị ấy khi chị ấy đi làm về mệt. Chuyện đó chẳng làm mất đi chí khí nam nhi của anh ấy đâu. Ngược lại, giúp chị ấy cảm thấy được tình yêu từ chồng và sự ấm áp khi sống giữa gia đình chồng, xoa dịu bớt những mệt nhọc của chị ấy.
Và chỉ có vậy, cô mới có thể từ từ tâm sự với chị ấy những điều trăn trở trong lòng cô. Chị ấy sẽ chẳng xù lông được với những lời dịu dàng và sự chăm sóc tình cảm thế.
Nếu trong hoàn cảnh con trai cô không thể kiếm được nhiều tiền như vợ thì cũng có rất nhiều cách để anh ấy khẳng định mình là chỗ dựa cho vợ và cả gia đình.
Hãy lấy tấm lòng người mẹ để đối đãi với con dâu mình.
Trong họ nhà cháu các mợ, các thím giỏi kiếm tiền lắm, cả các chị họ nữa. Có thể nói các ông ấy có “số nhờ vợ”, mà gia đình họ chẳng xào xáo chi cả vì các cậu, các chú, các anh rể chững chạc, đàng hoàng, hiểu biết, vợ phục, vợ thương và thấy tự hào khi bước bên chồng. Và ở mỗi gia đình ấy, trong mắt mọi người, trụ cột vẫn là những người đàn ông kiếm tiền không bằng vợ ấy.
Điều cuối cùng cháu muốn gửi đến cô là nhận xét của một bạn đã bình vào phía dưới bài viết của cô “Nếu phải đó là con gái bác, chắc bác đã thương con gái bất hạnh, lấy phải thằng chồng bất tài, lo toan cho cả nhà chồng mà chẳng được tiếng cảm ơn”.
Bác xót con trai thế nào thì người khác cũng xót con gái họ như thế. Cháu mong cô hãy lấy tấm lòng người mẹ để đối đãi với con dâu mình.
Theo VNE
Đau đầu lấy phải 'phi công gà tơ'
Ngày yêu, Tâm thấy Khánh đầy mới mẻ, giàu sức sống. Nhưng lấy về, sự thật trần trụi khiến chị ngán ngẩm.
Chị Tâm (Bắc Linh Đàm, Hà Nội) hay gọi chồng chị - anh Khánh là "phi công" gà tơ. Sau 2 năm chung sống, chị thấy mình chẳng khác gì mẹ anh. Chị sinh ra trong một gia đình khá giả, tuy được bố mẹ cưng chiều nhưng bản thân chị lại hiền lành, chịu khó. Sau một thời gian bôn ba du học trở về, chị bắt tay ngay vào làm cho công ty gia đình nên chẳng còn thời gian để tìm hiểu, ngắm nghía anh nào.
Mặc dù bố mẹ giới thiệu rất nhiều mối "ngon" nhưng chị từ chối bởi "không hợp". Công việc kinh doanh làm Tâm ngày một "chai sạn" với những người đàn ông điềm đạm, mực thước. Chị bảo họ tốt đấy, tốt cả trong phương diện làm người yêu, làm chồng hay làm cha nhưng quá nhạt.
Một ngày đẹp trời, chị rung rinh thật sự với Hoàng Khánh - anh chàng kém Tâm những 7 tuổi, thực tập sinh mới đến công ty. Sau một thời gian tiếp xúc, hai chị em càng ngày càng cảm mến nhau. Tâm thấy ở Khánh người đàn ông màu sắc, mới mẻ, tràn đầy sức sống và lãng mạn. Khánh yêu người con gái có chiều sâu, biết suy nghĩ, giỏi giang trong Tâm.
Vượt qua ngăn cấm gia đình, cặp đôi nhất nhất rước nhau về dinh. Nhưng vừa bắt đầu cuộc sống gia đình, Tâm đã ngán ngẩm với chàng phi công này. Anh chẳng khác gì một đứa trẻ con, nông nổi chứ chưa nói là nông cạn, làm theo cảm hứng, hay dỗi, thiếu chín chắn. Chị khẳng định anh không thể là chỗ dựa cho chị sau này. Đôi lúc chị thấy quá mệt mỏi với vai trò làm "trụ cột gia đình".
Sau khi cưới chị, cậu thực tập sinh một bước lên tiên, Khánh được tiến cử vào vị trí Giám đốc bán hàng nhưng do kinh nghiệm còn non nên các sếp chưa quyết định. Thế là Khánh càng có thời gian tung tăng với game, cafe, đàn đúm trên bar với bạn bè. Anh chẳng có chút trách nhiệm nào với gia đình. Chị buồn chán và nghĩ thầm: "Biết đâu khi có con, anh sẽ thay đổi", nhưng điều đó đã không xảy ra. Khi con gái tròn 3 tuổi, anh vẫn là một ông bố "gà tơ". Trong khi vợ đi làm, con đi học thì anh "bó gối" trong nhà chơi game tối ngày.
Chị Thúy Hằng (Long Biên, Hà Nội) cũng nằm trong diện yêu chàng "phi công". Anh Hoàng kém chị 8 tuổi nhưng chẳng bao giờ anh dám thừa nhận với bạn bè về số tuổi thật của vợ mình. Anh chị quen nhau khá tình cờ, khi đó chị thì thất tình đến rạp phim một mình, còn anh thì đang là sinh viên. Hai người ngồi gần nhau, anh ấn tượng với cô nàng mít ướt khi đến cảnh nhân vật nữ bị ung thư chết, chị khóc như mưa, lại còn sụt sịt cả vào mặt anh. Thấy hay hay và thích thú, anh tán tỉnh chị. Sau một thời gian dài, nghĩ mình cũng "cận" ế, thêm vào đó, tuy anh hơi bắng nhắng nhưng về cơ bản là người rất tốt, chị gật đầu đồng ý.
Anh cũng thương vợ, cũng gọi là có trách nhiệm nhưng chị chúa ghét cái tính anh luôn "lấp liếm" tuổi của chị khi bạn bè hỏi. Phải công nhận rằng anh trẻ hơn chị rất nhiều. Đổi lại, chị có nét đẹp quý phái và biết ăn mặc chứ không phải người xuề xòa gì. Có lần chị buồn vô hạn khi vô tình đọc tin nhắn trong máy anh. Đại loại là bạn rủ đi cafe, anh trả lời rằng: "Thôi, tao mà đi thì con mái già nhà tao lại cằn nhằn. Tuần này đi nhiều rồi". Lúc yêu nhau, chị tự tin với diện mạo của mình bao nhiêu thì nay sống chung, sự tự ti của chị càng ngày càng lớn.
Biết chồng cũng không thoải mái, chị kiên quyết từ chối đi chơi cùng cơ quan của chồng. Chị lo sợ mình sẽ bị các em trong cơ quan chồng đem lên "bàn cân" nhan sắc thì kiểu gì chị cũng bị thua thiệt. Nỗi lo lắng, khó chịu, buồn bực trong chị ngày một tăng. Có lần, đi làm về mệt, chị thấy chồng vẫn ngồi im chẳng nhúc nhắc bê đồ giùm vợ. Nhưng khi thấy em hàng xóm váy ngắn chân dài đang khó khăn dắt xe thì anh hồ hởi chạy tót ra giúp, anh vui như đón mẹ về.
Rồi cũng có lần, vợ thì ốm nhưng: "Anh phải đi gấp, có đứa bạn mới từ quê ra". Chị biết thừa đó là một cô đồng nghiệp cùng phòng anh, suốt ngày cô ấy nhờ anh đổ mực in, chị than thở: "Thấy gái nhờ là xoắn cả lên". Vì những chuyện đó mà đêm đang ngủ, chị cũng tỉnh dậy, khóc tu tu cả đêm. "Lúc nào trong đầu mình cũng nuôi mối nghi ngờ, chán nản chồng" - chị nói.
Chuyên gia tâm lý Đoàn Thúy Hương (Trung tâm tư vấn Tình yêu - Tình dục, thành phố Hà Nội) cho rằng, khi lấy chồng kém tuổi, bạn dễ gặp phải "những chú gà tơ" như các trường hợp kể trên. Tuy nhiên, không phải người đàn ông nào kém tuổi vợ cũng không ổn. Phương pháp để chị em "máy bay" hạnh phúc với "phi công trẻ" là người vợ nên tự tin và chấp nhận những tính xấu của chồng. Chỉ có tự tin mới khiến chị em được xinh đẹp, trẻ trung, tươi cười và được chồng yêu nhiều hơn. Nếu lạc quan, người vợ sẵn sàng coi những lời bình phẩm về sự khập khiễng giữa mình với chồng từ thiên hạ như gió thoảng bên tai. Bằng sự ngọt ngào, chắc chắn những ông chồng "gà tơ" sẽ hiểu và yêu vợ hơn. Nếu không vui vẻ mà đa nghi, chị em dễ khiến chồng mình "ngộp thở". Trong trường hợp thứ 1, chị vợ nên nói chuyện, trao đổi thẳng thắn với chồng và khuyên chồng nên thay đổi mình một chút. Hãy động viên để chồng cùng gánh vác trách nhiệm làm chồng, làm cha, làm trụ cột gia đình. Ám ảnh "vợ già, vợ xấu sẽ khiến chồng theo bồ" cũng khiến nhiều chị em bất an. Việc chồng chị Hằng "lấp liếm" tuổi tác của vợ cũng có thể hiểu rằng, anh ấy không muốn người khác đàm tiếu để tránh vợ buồn. Người vợ không nên quá nhạy cảm và suy nghĩ tiêu cực mà nên nói chuyện rõ ràng với chồng, bộc lộ tâm trạng, suy nghĩ của mình khi phải đón nhận sự vô tư của chồng.
Theo VNE