- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Phụ huynh phản ánh SGK lớp 1 “quá nặng”: Cần đánh giá lại cách dạy?

On 13/10/2020 @ 11:53 AM In Học hành

Tháng đầu tiên của năm học mới 2020 - 2021 vừa đi qua cũng là thời điểm nhiều phụ huynh phản ánh chương trình SGK lớp 1 là quá "nặng". Vậy nguyên nhân là do chương trình hay do cách dạy của giáo viên?

Phụ huynh "sốc" vì kiến thức nặng

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện dạy và học SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đối với học sinh lớp 1.

Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều phụ huynh phản ánh rằng, chương trình SGK lớp 1 năm nay là quá nặng, nhất là ở môn Tiếng Việt. Chị N.T.L, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trường con chị năm nay chọn bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" cho môn Tiếng Việt.

Ngay ở tuần học đầu tiên, tối nào về nhà vợ chồng chị cũng thay phiên nhau kèm con học và hoàn thành phiếu bài tập cô giao trên lớp. Cũng là một giáo viên tiểu học, chị L cho hay, nếu như trước đây, đến tuần 24, học sinh lớp 1 mới học hết vần.

Sang tuần 25, các em mới luyện đọc văn bản khoảng 4 - 5 câu hoặc khổ thơ ngắn. Nhưng với sách Tiếng Việt bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" hiện nay, hết tuần 15, tức chưa hết học kỳ 1, học sinh đã phải học hết âm, vần, đọc lưu loát đoạn văn.

So với chương trình cũ, chương trình mới nhiều kiến thức hơn. Học sinh vừa nhận diện âm rồi đọc tiếng, sau đó là đọc từ.

Phụ huynh phản ánh SGK lớp 1 quá nặng: Cần đánh giá lại cách dạy? - Hình 1

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Nam Từ Liêm trong giờ học Tiếng Việt theo chương trình SGK mới.

Tương tự, chị Đ.T.H, phụ huynh có con học lớp 1 tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng chung nhận định trên. Hàng ngày khi hết ca làm, chị lại phải tất tả đến trường đón con để đưa đến lớp học thêm nhờ cô giáo kèm và học vần, ghép vần Tiếng Việt đến 8g tối mới về. Nữ phụ huynh lo rằng nếu không cho con đi học thêm thì không thể theo kịp được kiến thức trên lớp cô giáo giảng.

"Mỗi khi cùng con ngồi vào bàn học để tập ghép vần, đọc chữ là tôi thấy bức xúc vô cùng. Các con mới 6 tuổi, lại không được học chữ trước khi vào lớp 1 mà chương trình bắt các con phải ghép vần, đọc các câu dài thì rất khó. Rồi phải luyện viết vở ô ly sao cho đúng các nét, nhiều hôm con nhớ được nét này thì ngày mai lại quên luôn do phải học tiếp nét mới. Trên lớp, cô giáo còn dạy học sinh ghép vần luôn và yêu cầu trẻ đọc trơn, viết trơn luôn. Nếu em nào không học trước trong hè thì không thể ghép các âm/vần được với nhau và ngược lại", chị H tâm sự.

Phụ huynh phản ánh SGK lớp 1 quá nặng: Cần đánh giá lại cách dạy? - Hình 2

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Vạn Bảo, Hà Đông trong giờ học Tiếng Việt.

Chia sẻ với báo chí, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho hay, Bộ chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ phía giáo viên, phụ huynh và các nhà khoa học về vấn đề này.

Theo ông Tài, bộ SGK lớp 1 mới đã được thẩm định bởi hội đồng quốc gia với những quy trình rất chặt chẽ. Hơn nữa, năm học mới chỉ bắt đầu được vài tuần học và vẫn đang trong quá trình đào tạo chuẩn đầu ra nên chưa thể vội đánh giá là chương trình quá nặng.

Ví dụ môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ một phút học sinh phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao. Để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết. Các SGK Tiếng Việt đã được thẩm định cũng dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra để thiết kế cho phù hợp nhằm đi đến cái đích đó.

So với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn.

"Nếu phụ huynh có con học lớp 1 năm ngoái rồi năm nay lại có con học lớp 1 sẽ dễ có tâm lý so sánh, từ đó đánh giá chương trình nặng, nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta đang cố gắng bố trí để các em đọc thông viết thạo sớm rồi học các môn khác ở giai đoạn sau. Chẳng hạn Toán, chương trình mới chỉ xếp 70 tiết ở lớp 1 và sẽ được sắp xếp học nhiều ở giai đoạn sau hơn", vị Vụ trưởng nhấn mạnh.

Phụ huynh phản ánh SGK lớp 1 quá nặng: Cần đánh giá lại cách dạy? - Hình 3

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới.

Do cách dạy của giáo viên?

Chia sẻ với PV Báo Pháp luật & Xã hội, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về Đổi mới giáo dục đào tạo cho biết, cần phải khẩn trương tìm hiểu ra nguyên nhân của thực trạng mà phụ huynh phản ánh vừa qua xem có phải do chương trình hay không. Hoặc ở khâu thực hiện chương trình ở địa phương không được đảm bảo theo như thiết kế như quy mô lớp học quá đông, kỹ năng sư phạm của giáo viên chưa đảm bảo...

Khi nắm bắt được nguyên nhân thì phải khắc phục càng sớm càng tốt, nếu đợi đến hết một năm học thì e rằng sẽ quá muộn. Ông Vinh nhấn mạnh, việc thiết kế chương trình là một chuyện nhưng khi thử nghiệm đánh giá chương trình cần làm hết sức bài bản, nghiêm túc.

"Chúng ta đã dạy thử nghiệm chương trình nhưng lại dường như thiếu việc đánh giá xem khả năng tiếp thu của các em học sinh qua những tiết dạy thử, chủ yếu là xem khả năng giảng dạy của giáo viên. Trong việc bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới thì vẫn còn một số nơi vẫn chưa làm đến nơi đến chốn. Bộ đã chỉ đạo các địa phương đưa các bài giảng mẫu bởi các giáo viên có trình độ giỏi về chuyên môn ra để sinh hoạt chuyên môn tại các nhà trường. Từ đó, có thể chia sẻ và học hỏi lẫn nhau về nghiệp vụ sư phạm để góp phần vơi bớt những khó khăn trong quá trình giảng dạy cho chính các thầy cô giáo", TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng định.

Cô giáo Công Thị Hiền Thu, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm cho hay, trường đã chọn bộ sách Cánh Diều cho lớp 1 năm nay.

Do chương trình mới mang tính mở, giúp học sinh trải nghiệm nhiều nên giáo viên phải được tiếp cận càng sớm càng tốt. Ngay sau khi năm học 2019 - 2020 vừa kết thúc, bên cạnh việc đảm bảo phòng dịch Covid-19, trường đã mời chuyên viên trong hội đồng thẩm định SGK về trường để tập huấn cho giáo viên.

Đồng thời, các tổ khối chuyên môn tiến hành tập huấn online cho giáo viên, nhất là ở khối 1 về chương trình mới. Các buổi tập huấn chuyên đề do Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm tổ chức tập chung, trường đều cử giáo viên khối 1 đi dự để từ đó rút kinh nghiệm, tích hợp nhiều phương pháp giảng dạy mới phù hợp với tình hình thực tế trên lớp.

Giáo viên cần linh hoạt trong giảng dạy

Chia sẻ về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết: Trước đây, chúng ta chỉ có một bộ sách giáo khoa, mà là sách của Bộ GD&ĐT, từ thanh tra chuyên môn đến kiểm tra, thi cử... đều dựa vào bộ sách ấy. Nay, theo Luật Giáo dục và Nghị quyết 88 của Quốc hội, chúng ta thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, có nhiều SGK cho mỗi môn học. Do đó, khác với trước đây, mỗi bộ SGK chỉ còn đóng vai trò một trong nhiều tài liệu dạy học.

Tại các hội nghị tập huấn, các tác giả SGK đều đề nghị giáo viên nghiên cứu chương trình, lấy các yêu cầu cần đạt đã quy định trong chương trình làm chuẩn. Đối với lớp 1, chuẩn đó rất đơn giản. Trên cơ sở nắm vững mục tiêu của từng bài học và yêu cầu cần đạt cuối năm, giáo viên có thể và nên điều chỉnh độ nặng nhẹ của mỗi bài học phù hợp với phần đông học sinh lớp mình. Bản thân một số sách giáo khoa cũng được thiết kế với tinh thần "chương trình mở" để giáo viên sử dụng linh hoạt.

Ví dụ, các bài học chính trong bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều dự kiến dạy trong 332 tiết (bao gồm 253 tiết học chữ và học vần, 48 tiết đọc và viết trong phần Luyện tập tổng hợp, 31 tiết kể chuyện). Đó là "phần cứng", giáo viên và học sinh cần hoàn thành.

Bên cạnh đó, sách bố trí 88 tiết là "phần mềm" (bao gồm 64 tiết ôn tập, 16 tiết tự đọc sách báo, 8 tiết trải nghiệm - gọi là "Góc sáng tạo"). Nơi nào học sinh học nhanh thì hoàn thành cả "phần cứng" và "phần mềm". Nơi nào học sinh học chậm thì chỉ cần hoàn thành các bài học chính; tăng số tiết cho các bài học chính này. Giáo viên hoàn toàn không cần phải vội "chạy" cho hết bài.


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/phu-huynh-phan-anh-sgk-lop-1-qua-nang-can-danh-gia-lai-cach-day-20201013i5294630/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.